Vì Cộng Đồng và Đất Nước
Date: Sunday, April 04 @ 16:09:31 EDT
Topic: Quan Điểm


Chống Buôn Người và Xã Hội Dân Sự

Ts. Nguyễn Đình Thắng

 

Sau khi Tổng Thống Clinton tách lìa nhân quyền ra khỏi chính sách đối ngoai của Hoa Kỳ, những thành viên Quốc Hội quan tâm đến nhân quyền đã tìm cách dùng quyền lập pháp để lật ngược thế cờ. Dân Biểu Frank Wolf (Cộng Hoà, VA) năm 1998 thành công trong việc móc tự do tôn giáo vào chính sách đối ngoại qua Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế. Hai năm sau đó DB Christopher Smith (Cộng Hoà, NJ) thành công trong việc đưa một bộ phận nhân quyền vào chính sách đối ngoại qua Đạo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người.

 

Đạo luật này thành lập Phòng Theo Dõi và Bài Trừ Nạn Buôn Người ở Bộ Ngoại Giao với nhiệm vụ phúc trình hàng năm về tình trạng buôn người trên thế giới và thái độ của từng quốc gia. Quốc gia nào không thực tâm bài trừ nạn buôn người thì bị xếp vào Hạng 3, nghĩa là hạng chót, và sẽ phải chịu chế tài. Tổng Thống có quyền miễn chế tài nếu chứng minh được rằng làm như vậy sẽ khuyến khích quốc gia ấy chống buôn người.

 

DB Smith đã nắm bắt ngay cơ hội khi Liên Hiệp Quốc vừa thông qua Nghị Định Palermo năm 2000 về chống buôn người, bổ túc cho Công Ước Về Tội Phạm Xuyên Quốc Gia Có Tổ Chức. Dù vậy, đạo luật của DB Smith cũng đã gặp sự chống đối từ nhiều thế lực, nhất là từ hành pháp và các đại công ty. Bù lại, đạo luật nhận được sự yểm trợ của các công đoàn, các giáo hội, và dĩ nhiên là các tổ chức nhân quyền.



Qua đạo luật này các quốc gia vi phạm, nếu không muốn bị chế tài, sẽ phải thông qua luật để bảo vệ cho nạn nhân và trừng trị thủ phạm. Trong lãnh vực buôn lao động thì điều này đồng nghĩa với bảo vệ nhân quyền của người lao động chiếu theo luật quốc tế.

 

Tình cờ, khi DB Smith đang soạn thảo ngôn ngữ cho đạo luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người thì tôi đang làm việc trên hồ sơ của 280 nạn nhân buôn người ở đảo American Samoa. Trong đó 250 người đến từ Việt Nam và 30 người đến từ Trung Quốc. Tôi sốt ruột theo dõi tiến trình của đạo luật. Khi đạo luật được thông qua thì lập tức nhân viên công lực Liên Bang đã giải cứu cho số nạn nhân này và di chuyển phần lớn vào nội địa Hoa Kỳ, ngoại trừ khoảng 50 nạn nhân đã bị hồi hương về Viêt Nam trước khi được giải cứu.

 

Đầu năm 2008 BPSOS cùng với một số tổ chức thành lập Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA trong tiếng Anh. Liên Minh tập trung vào lãnh vực buôn lao động để qua đó phát huy quyền của người lao động. Liên Minh CAMSA chọn địa bàn hoạt động ở những quốc gia hội đủ hai yếu tố: có luật chống buôn người và có đông người Việt lao động. Dựa vào hai yếu tố này, Liên Minh CAMSA thực hiện kế hoạch huấn luyện nhân sự, tạo lập những cơ cấu quy tụ nhân sự, và thay đổi cách suy nghĩ và ứng xử của các công nhân. Những công việc này được thực hiện trong khung luật của quốc gia sở tại, ngoài vòng kiềm toả của chính quyền Việt Nam.

 

Đồng thời, Liên Minh can thiệp cho những trường hợp nạn nhân và từ đó lọc ra một số hồ sơ vững chắc để dùng làm căn bản vận động. Đối với quốc gia sở tại, Liên Minh vận động để chính quyền thực thi đúng đắn luật chống buôn người mà họ đã thông qua, nghĩa là vừa phải bảo vệ nạn nhân vừa phải truy tố hình sự thủ phạm. Nếu chính quyền thiếu hợp tác thì đó sẽ là yếu tố để Phòng Theo Dõi và Bài Trừ Nạn Buôn Người của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cân nhắc xếp vào Hạng 3. Song song, Liên Minh CAMSA giúp nạn nhân kiện dân sự để đòi các khoản bồi thường xứng đáng. Sự giao tiếp với hay hiểu biết về chính sách và luật pháp công minh hướng dẫn cho công nhân về cách hành xử trong một chế độ pháp trị.

 

Liên Minh CAMSA cũng dùng những hồ sơ này để vận động cho sự thay đổi ở Việt Nam. Trước những hồ sơ ấy, chính quyền Việt Nam không thể phủ nhận tình trạng buôn người vì có kẻ mua thì phài có người bán. Và nếu chính quyền Việt Nam không hợp tác thì sẽ tự mời chào mình vào Hạng 3 trong bảng xếp hạng của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

 

Khi chính quyền đã tôn trọng quyền của người lao động ngoài nước thì cũng rất khó để chống chế cho sự không tôn trọng quyền của người lao động trong nước.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1848