Chính Phủ Việt Nam Và Nạn Buôn Người
Date: Saturday, April 03 @ 16:33:17 EDT
Topic: Chống Buôn Người


Tình Trạng Buôn Lao Động Ở Việt Nam
Bản Phúc Trình Gửi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ

Việt Nam là một trong số quốc gia hiếm hoi nơi mà chính quyền trực tiếp can dự vào đường dây buôn người, bênh vực thủ phạm và ngược đãi nạn nhân. Việt Nam cũng nằm trong thiểu số các quốc gia không có luật chống buôn người.

Dưới đây là Phần I của bản phúc trình do Liên Minh CAMSA gửi cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Phần này giải thích về chính sách và hiện tình xuất khẩu lao động. Phần II tập trung vào lãnh vực buôn lao động.

Tình hình Xuất Khẩu Lao Động qua các số liệu

Việc xuất khẩu lao động nằm trong chính sách xoá đói giảm nghèo của nhà nước, do Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội thực hiện. Theo số liệu thống kê của Bộ LĐTBXH:

- Tính đến 31/12/2009, Việt Nam đã đưa gần 75.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 83% kế hoạch đề ra từ đầu năm (85.000 lao động). Số lượng lao động đưa đi một số thị trường chính:

-          Đài Loan: 21.667 lao động

-          Hàn Quốc: 7.578 lao động (trong đó: 4.837 là số đi mới và 2.741 là đi lại)

-          Nhật Bản: 5.456 tu nghiệp sinh và lao động

-          Lào: 9.070 lao động

-          Lybia: 5.241 lao động

-          UAE: 4.733 lao động

-          Malaysia: 2.792 lao động

- Số lao động về nước trước hạn do không có việc làm: khoảng 9000 lao động;

- Số doanh nghiệp dịch vụ XKLĐ: có 164 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ XKLĐ. Trong đó nhiều đơn vị còn thiếu kinh nghiệm và năng lực hoạt động. Trong ba năm gần đây, có tới 29 doanh nghiệp không xuất khẩu được lao động nào; 16 doanh nghiệp xuất khẩu dưới 100 lao động và chỉ có 81 doanh nghiệp xuất khẩu được trên 500 lao động.

- Số lượng các khiếu nại trong lĩnh vực XKLĐ (số liệu từ Phòng Thanh tra Cục Quản lý Lao động ngoài nước): 521 đơn khiếu nại trong đó nhiều khiếu nại tập thể và tập trung nhiều ở các thị trường Đài Loan, Cộng hòa Liên bang Nga, Cộng Hòa Czech. Năm 2006, số lượng đơn khiếu nại là 212 đơn.

- Lượng kiều hối gửi về của người lao động xuất khẩu mỗi năm: khoảng 2 tỷ USD;

- Theo thống kê từ Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước (QLLĐNN), từ năm 2001 đến nay có 53 doanh nghiệp XKLĐ bị đình chỉ và thu hồi giấy phép hoạt động.

- Các công ty XKLĐ đã thu tiền của công nhân quá mức quy định do luật pháp cho phép. Số liệu từ Báo cáo của Thanh tra Chính phủ về thanh tra toàn diện chính sách pháp luật về xuất khẩu lao động (giai đoạn từ năm 2003 đến 30/4/2008):

- Tổng số các khoản tiền thu chênh lệch từ lao động đi Hàn Quốc được xác định là trên 53,6 tỷ đồng, gồm có: số tiền thu vé máy bay thu chênh thêm gần 41 tỷ đồng; 4,6 tỷ đồng lệ phí lý lịch tư pháp cho người lao động (theo quy định không được thu); số tiền chênh thêm từ việc giáo dục định hướng, đào tạo nghề: 8,8 tỷ đồng.

- Thay vì hoàn trả số tiền này lại cho thân chủ, Bộ LĐTBXH đề nghị xung vào quỹ Hỗ Trợ Người Lao Động Xuất Khẩu.

- Từ tháng 1/2003 đến ngày 30/4/2008 đã có 34.401 lao động bỏ trốn chiếm 8,54% tổng số lao động đã đưa đi. Trong đó Đài Loan là 28.330 lao động, Nhật bản là 2.644 lao động, Hàn Quốc là 6.564 lao động, Malaysia là 576 lao động, những nước khác là 43 lao động. Có tới 664 lao động tử vong, trong đó nhiều nhất là thị trường Malaysia 525 người, Đài Loan 67 người, Hàn Quốc 64 người… trong đó 159 người chết  vì tai nạn, 419 người chết vì bệnh tật

2. Chính sách pháp luật trong lĩnh vực Xuất khẩu lao động của Chính phủ Việt Nam năm 2009

2.1. Ban hành Văn Bản Pháp Luật:

- Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có 1 đạo luật riêng biệt về phòng chống nạn buôn người. Bộ Luật Hình Sự chỉ có 2 điều khoản (119 và 120) quy định về tội danh mua bán phụ nữ và trẻ em. Đối tượng nam giới hay nạn cưỡng bức lao động không được pháp luật hình sự Việt Nam bảo vệ khi bị xâm phạm như một nạn nhân của hiện tượng buôn người. Các tổ chức mang danh nghĩa chống buôn người ở Việt Nam thực ra chỉ hoạt động trong giới hạn của buôn tình dục đối với phụ nữ và trẻ em. Ngay cả các tổ chức quốc tế cũng không được tiếp cận với nạn nhân của nạn buôn lao động để giúp đỡ họ sau khi hồi hương.  

- Các Văn bản pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ: Trong năm 2009, Chính phủ Việt Nam không có nhiều quy định bổ sung hay sửa đổi trong lĩnh vực này. Mặc dù các quy định của Luật người lao động Việt Nam ở nước ngoài cùng các quy định hướng dẫn còn nhiều bất cập, thiếu xót xong không được Chính phủ Việt Nam quan tâm thay đổi.

- Văn bản pháp luật liên quan đến XKLĐ được ban hành tập trung ở vấn đề hỗ trợ ngân sách cho lao động ở các tỉnh nghèo được đi XKLĐ.

Vào cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, số lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài giảm đáng kể trong khi số lao động phải về nước trước hạn hợp đồng tăng rất nhanh chóng. Tình trạng này làm lĩnh vực XKLĐ không còn là lĩnh vực được lao động trong nước quan tâm như trước, tâm lý xuất ngoại làm giàu của người lao động nguội dần. Trước tình hình đó, vẫn giữ quan điểm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vì mục đích phát triển kinh tế quốc dân, Chính phủ Việt Nam tập trung thực hiện chương trình “hỗ trợ lao động” tại 61 huyện nghèo của cả nước đi xuất khẩu lao động. Bộ LĐTBXH đề ra mục tiêu lớn: đưa 10.000 lao động nghèo của 61 huyện trong cả nước xuất khẩu lao động mỗi năm.

Chính sách này được cụ thể hóa bằng 2 văn bản là Quyết định 71/2009/QĐ – TTg và Thông tư liên tịch số 31/2009 của Bộ LĐTBXH. Theo các quy định trong 2 văn bản này, đối tượng lao động cư trú tại 61 huyện nghèo trong cả nước sẽ được hỗ trợ vay vốn, với mức lãi suất chỉ bẳng 50% so với lãi suất của ngân hàng; được hỗ trợ 100% tiền đào tạo, giáo dục định hướng. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này gặp nhiều điểm bất cập.

2.2. Tình hình thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ năm 2009

Các quy định pháp luật về xuất khẩu lao động đã có hiệu lực nhưng sự vi phạm còn tràn lan; một số quy định chỉ là trên giấy tờ, thực tế thực thi không có hoặc chỉ làm cho có hình thức. Điều này được thể hiện qua một số vấn đề sau:

2.2.1. Quỹ Hỗ trợ người lao động làm việc ở nước ngoài – chỉ thu mà không chi:

Quỹ Hỗ trợ người lao động làm việc ở nước ngoài được tổ chức lại từ Quỹ Hỗ trợ Xuất khẩu lao động (thành lập theo Quyết định số 163/2004/QĐ -TTg) vào năm 2007 theo Quyết định số 144/2007.

Nguồn thu của Quỹ là từ người lao động và công ty XKLĐ (cũng từ tiền phí dịch vụ của người lao động) và nhằm hỗ trợ giải quyết rủi ro cho chính các đối tượng này. Đây là một trong những mục tiêu lớn của Quỹ này nhưng trên thực tế thì mức độ thực hiện hầu như chưa có.

Theo thống kê của Thanh tra Chính Phủ, từ năm 2004 Quỹ này đã thu trên 92 tỷ đồng. Đến nay Quỹ đã được chi cho những việc không liên quan đến mục đích chính:

- Chi 2,4 tỷ đồng vào việc hoàn thiện tổ chức và ban hành văn bản;

- Chi cho Bộ LĐTBXH số tiền 735 triệu đồng để dùng vào việc chúc tết, hội nghị, hội thảo… lấy từ nguồn thu phí thẩm định hồ sơ lao động.

Và mặc dù văn bản hướng dẫn sử dụng Quỹ này đã được quy định rất cụ thể nhưng lại vướng phải tình trạng khó thực hiện vì quá nhiều thủ tục. Năm 2009, số lượng người lao động về nước trước hạn hợp đồng tăng rất nhanh. Đây được coi là một rủi ro khách quan từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Khi trở về, người lao động tìm đến cơ quan có thẩm quyền để xin sự hỗ trợ từ Quỹ này nhưng câu trả lời là không. Lý do là họ không thuộc diện hỗ trợ của Quỹ vì trường hợp về nước trước hạn do rủi ro khách quan không được quy định là đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 144/2007. Trường hợp này cần chờ sự hướng dẫn thêm của Bộ LĐTBXH trong các văn bản quy phạm tiếp theo. Và cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ văn bản hướng dẫn nào từ phía cơ quan chủ quản cũng như chưa có trường hợp về nước trước hạn nào được giúp đỡ. Đối với một số người lao động gặp rủi ro do tai nạn nghề nghiệp, chết hay mất tích – là những đối tượng trực tiếp được hưởng lợi ích từ Quỹ thì cũng rất ít trường hợp nhận được hỗ trợ. Lý do rất đơn giản là họ không lưu giữ lại giấy chứng nhận đã đóng góp số tiền 100.000 đồng vào Quỹ khi đi lao động. Mà theo quy định về thủ tục xin hỗ trợ từ Quỹ thì cần phải có giấy chứng nhận này kèm theo đơn xin hỗ trợ. Điều này vô lý vì người lao động thường không biết đến khoản tiền đóng góp cho Quỹ, và nhiều doanh nghiệp dịch vụ thu của người lao động khoản tiền này nhưng không đóng cho Quỹ.

2.2.2. Quản lý từ các cơ quan có thẩm quyền không nghiêm

Bộ LĐTBXH là cơ quan có trách nhiệm lớn, được Chính phủ giao phụ trách quản lý mảng xuất khẩu lao động. Dưới Bộ LĐTBXH là Cục Quản lý Lao động Ngoài Nước, giữ vai trò điều phối và quản lý trực tiếp tình hình xuất khẩu lao động trong cả nước. Qua tình hình xuất khẩu lao động trong các năm vừa qua cho thấy sự quản lý từ phía cơ quan chủ quản còn lỏng lẻo và không nghiêm theo như các quy định pháp luật đã ban hành.

Các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ vẫn tăng rất nhanh chóng. Trong đó điển hình là các vi phạm xuất phát từ chính các Doanh nghiệp dịch vụ XKLĐ. Một số vi phạm của các Doanh nghiệp dịch vụ XKLĐ thường thấy như sau:

-          Thông báo tuyển dụng lao động kể cả khi không có hợp đồng với đối tác nước ngoài, thị trường chưa được Cục Quản lý lao động nước ngoài cấp phép hòng thu tiền của người lao động nhẹ dạ, cả tin;

-          Địa chỉ giao dịch, số điện thoại liên hệ thay đổi thường xuyên nhằm trốn tránh trách nhiệm với người lao động;

-          Nhiều doanh nghiệp không được cấp giấy phép dịch vụ XKLĐ nhưng vẫn thực hiện việc tuyển người lao động ra nước ngoài;

-          Thu tiền của người lao động quá mức quy định. Chẳng hạn, theo kết quả điều tra của Bộ Giao thông vận tải, Công ty Virasimex - Công ty CP xuất nhập khẩu cung ứng thiết bị đường sắt đã từng ký hợp đồng liên kết tạo nguồn trái phép với Công ty Minh Hải ở Thanh Hóa; Công ty này đã thu tiền đặt cọc đối với lao động ở thị trường Đài Loan từ 10 đến 24 triệu và Nhật Bản từ 16 đến 130 triệu, vượt xa quy định. Ngoài ra, Công ty này còn thu thêm các khoản vé máy bay, tiền ăn, ở của lao động. Số tiền thu quá quy định lên tới 180.961.965 đồng.

-          Nhiều Doanh nghiệp XKLĐ cho tư nhân núp bóng, thuê biển hoạt động.  Nhiều Công ty mẹ không quản lý các chi nhánh, công ty con trong việc thực hiện dịch vụ XKLĐ. Hoạt động theo kiểu khoán, cho thuê giấy phép hoạt động theo kiểu mua đứt – bán đoạn. Dẫn đến tình trạng lừa đảo người lao động, ăn chặn tiền, ra nước ngoài bơ vơ không được giúp đỡ

-          Không báo cáo tình hình lao động cho cơ quan chủ quản: Pháp luật hiện hành quy định doanh nghiệp chỉ được đưa lao động ra nước ngoài khi được thẩm định hợp đồng và phải báo cáo số lượng lao động xuất cảnh. Việc báo cáo này giúp cơ quan chức năng biết rõ người lao động nào đến quốc gia nào, làm công việc gì; thu nhập, tiền lương ra sao. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp quản lý, bảo hộ, hỗ trợ giải quyết rủi ro. Đây là vấn đề rất quan trọng nhưng lại là nội dung bị doanh nghiệp coi thường, vi phạm nhiều nhất. Trước đó, trong tháng 6-2009, Cục Quản lý Lao Động Ngoài Nước đã phạt Công ty CP Phát triển Quốc tế Việt Thắng (VTC Corp) 25 triệu đồng và tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng do tổ chức đưa người lao động ra nước ngoài nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động và không trực tiếp tuyển chọn lao động sang Nga. Cũng trong thời gian này, 77 doanh nghiệp vi phạm quy định không báo cáo việc đưa lao động ra nước ngoài cũng đã bị xử phạt đồng loạt; tuy nhiên họ không hề bị rút giấy phép hoạt động theo luật quy định.

-          Phớt lờ cơ quan ngoại giao: Trong thời gian làm việc ở nước ngoài, người lao động phải được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Vì tính chất quan trọng trên, pháp luật hiện hành quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày người lao động xuất cảnh, doanh nghiệp phải báo cáo danh sách lao động cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự VN tại nước sở tại. Tuy nhiên, tình trạng đưa lao động “chui” vẫn diễn ra phổ biến. Ông Lê Thanh Hà, Bí thư thứ ba – Đại sứ quán Việt Nam tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), cho biết hiện có hơn 50 doanh nghiệp đưa lao động sang UAE nhưng hầu hết không thực hiện chế độ báo cáo lao động xuất cảnh cho cơ quan đại diện ngoại giao. Việc không báo cáo này gắn liền với tình trạng doanh nghiệp không nắm bắt tình hình lao động, thậm chí không giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động mà doanh nghiệp đưa đi. Còn theo báo cáo của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, nhiều hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thiếu chặt chẽ, dẫn đến những tranh chấp bất lợi cho người lao động. Đáng tiếc là khi ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, doanh nghiệp thường không tham khảo ý kiến cơ quan đại diện ngoại giao. Do vậy, khi vụ việc xảy ra, việc can thiệp, bảo vệ thường rất bị động.

 

Câu hỏi đặt ra là vì sao doanh nghiệp bất tuân quy định, thường xuyên vi phạm? Báo cáo mới đây của Ủy ban Các Vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy một trong những nguyên nhân chủ yếu là do xử lý chưa nghiêm minh và chưa rốt ráo với doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động XKLĐ. Dù quy định hiện hành về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực XKLĐ là rất rõ ràng nhưng  việc xử lý vi phạm của cơ quan chức năng còn nhẹ tay, dẫn đến doanh nghiệp... bị “lờn thuốc”. Theo quy định, trường hợp đưa lao động ra nước ngoài làm việc mà không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động theo quy định, doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng, bị đình chỉ hoạt động từ 6 đến 12 tháng hoặc thu hồi giấy phép, buộc bồi thường thiệt hại và mọi chi phí phát sinh nếu gây rủi ro cho người lao động. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, chưa có doanh nghiệp XKLĐ nào bị rút giấy phép vì lý do này dù đã sai phạm rành rành.

 

Cũng theo quy định của Nghị định 144, Cục QLLĐNN có quyền xử phạt hành chính doanh nghiệp sai phạm, ngoài phạt tiền còn có các hình phạt bổ sung như tạm dừng hoặc rút giấy phép. Thế nhưng, trên thực tế việc tạm dừng hay thu hồi giấy phép hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu lao động rất hy hữu. Ngay cả những doanh nghiệp sai phạm có hệ thống, hay vi phạm pháp luật như Công ty đầu tư XKLĐ Mitraco - Laexinco Hà Tĩnh công khai ký hợp đồng liên kết tuyển dụng đào tạo và cung ứng lao động đi làm việc tại Đài Loan với một cá nhân, cho phép cá nhân đó thu quản lý phí, phí môi giới và thậm chí là... đào tạo giáo dục định hướng cho người lao động--những điều hoàn toàn trái luật, thì doanh nghiệp cũng chỉ bị xử phạt hành chính.

 

2.2.3. Chương trình hỗ trợ lao động tại các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động của Chính phủ thực hiện trong năm 2009 còn nhiều bất cập:

 

Chương trình hỗ trợ lao động tại các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động được thông qua bằng Quyết định số 71/2009 được xem là một trong những chính sách thể hiện sự quan tâm tới lợi ích của người lao động đi xuất khẩu lao động của Chính phủ Việt Nam.

 

Tuy nhiên, trong thời gian một năm từ ngày Quyết định trên có hiệu lực, sự hỗ trợ người lao động nhận được từ Chương trình này hầu như chưa có, do một số điểm sau:  

-          Trong các tháng đầu năm, khung pháp lý chưa hoàn thiện;

-          Sau khi có Thông tư hướng dẫn thì kinh phí sử dụng cho Chương trình lại chưa có. Lý do tiến độ giải ngân của Chính phủ rất chậm; thủ tục rườm rà trong việc vay vốn.

-          Cán bộ địa phương đòi chi phí tạo nguồn hay giữ lao động cho một số doanh nghiệp thân quen.

Do các lý do trên, người lao động mặc dù là đối tượng được hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, giáo dục định hướng thì vẫn phải bỏ tiền túi ra để làm các thủ tục đi xuất khẩu lao động mà không được hỗ trợ. Một nghịch lý là họ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách (mức lãi suất vay giảm 50% so với mức lãi suất vay thông thường) thì do Ngân hàng chính sách chưa giải ngân được tiền cho Chương trình hỗ trợ này, người lao động đành ký hợp đồng vay của Ngân hàng theo mức thông thường để có tiền chuyển cho doanh nghiệp dịch vụ làm các thủ tục cho mình xuất ngoại. Như vậy, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ mới chỉ là các ưu đãi trên giấy tờ mà chưa đi vào cuộc sống để giúp đỡ cho người lao động.

Phần II: Xem bài tiếp theo







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1846