Vì Cộng Đồng và Đất Nước
Date: Thursday, April 01 @ 23:56:07 EDT
Topic: Quan Điểm


Biết Người Biết Ta

Ts. Nguyễn Đình Thắng

 

Trong hai yếu tố để thành công, đối với cộng đồng người Việt, “biết người” thì tương đối dễ, còn “biết ta” thì thật là khó. Lý do cũng dễ hiểu thôi: Về người khác, dù đó là xã hội Hoa Kỳ hay Việt Nam, thì có sẵn những cuộc nghiên cứu, những con số thống kê, những báo cáo hàng năm. Ngược lại, chẳng có mấy công trình nghiên cứu về cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ hay ở các quốc gia định cư khác; số thống kê về nhu cầu hay khả năng của cộng đồng thật hiếm hoi, thiếu chính xác, hoặc không có.

 

Thỉnh thoảng có một trường đại học hay một trung tâm nghiên cứu làm cuộc thăm dò về người Việt nhưng các công trình này chỉ mang tính cách cục bộ, rời rạc, nên không thể dựa vào đó mà tổng quát hoá được về cộng đồng người Việt nói chung. 

 

Đây chính là trở ngại lớn cho sự thăng tiến của cộng đồng. Không biết mình đang đứng ở đâu thì khó vạch ra con đường cho mai sau. Không “biết ta” thì làm sao lập kế hoạch, làm sao có được chương trình hoạt động, làm sao đặt trọng tâm cho các chương trình hành động, làm sao đo lường được tác động của công việc? Không có con số thì chúng ta cũng không có căn bản vững chắc để vận động, để lên tiếng, để đòi hỏi vì nói phải có sách, mách phải có chứng.



Sự thiếu thốn dữ kiện và thông tin này có lẽ đã góp phần cho sự thiếu quan tâm đến nhu cầu của chính cộng đồng. Vì không biết cho nên không lo.

 

Nhiều người trẻ muốn cho tôi biết họ muốn tìm hiểu về cộng đồng nhưng không tìm ra thông tin. Tai hại hơn nữa, có em chỉ tìm được những sách vở viết bởi người ngoại quốc với đầy rẫy thiên kiến, sai lệch; đó là chưa nói đến tài liệu đưa ra từ trong nước nhiều khi đổi trắng thay đen.

 

Trước tình trạng thiếu thông tin này, năm 2001 BPSOS thực hiện một cuộc thăm dò kéo dài hai năm đối với gần 1.500 đồng hương được giúp khai thuế ở nhiều văn phòng chi nhánh của BPSOS. Họ không phải là thành phần tiêu biểu cho cộng đồng, nhưng ít ra cũng đã cung cấp một số ít dữ kiện làm chúng ta phải để ý. Chẳng hạn, theo kết quả thăm dò, có đến 88% không rành Anh ngữ, 65% không biết dùng máy điện toán, 69% không hề biết gì về internet, 55% không biết về mối nguy của bệnh ung thư cổ tử cung--yếu tố tử vong hàng đầu đối với phụ nữ Việt Nam, v.v.

 

Sau 35 năm, ngày nay trong các trường đại học, ở một số trung tâm nghiên cứu của chính phủ hay của tư nhân cũng đã có một số người Việt, chưa nhiều nhưng đủ để thực hiện một số công trình nghiên cứu về chính người Việt. Với tháng năm, đội ngũ này sẽ ngày càng gia tăng. Trở ngại lớn hiện nay là họ bị phân tán, mỗi người một lãnh vực ở một phương trời khác nhau. Phần lớn lại không có cơ hội hay phương tiện để thực hiện các cuộc nghiên cứu về cộng đồng Việt như mong muốn vì phải tuỳ thuộc vào các cấp khoản nghiên cứu mà nhà trường hay trung tâm nghiên cứu có được.

 

Một giải pháp trước tình trạng này là tập hợp các tài năng ấy lại thành một viện nghiên cứu chuyên về các vấn đề của cộng đồng Việt. Đây sẽ là một cấu trúc “ảo” (virtual) nối kết qua phương tiện và kỹ thuật tin học. Các thành viên của trung tâm này, dù ở rải rác các nơi, sẽ tập hợp theo từng lãnh vực chuyên ngành để thực hiện hai công việc:

 

(1) Rà soát và thu thập kết quả của các cuộc nghiên cứu về người Việt đã có sẵn để phổ biến rộng rãi, làm căn bản cho các tổ chức và hội đoàn người Việt hay các cơ quan chính quyền trong việc làm chính sách hay lập kế hoạch. Đây là công việc thực hiện phụ trội, ngoài công việc chính của họ.

 

(2) Cùng nhau tìm cấp khoản, qua nhà trường hay trung tâm nghiên cứu, để thực hiện các công trình nghiên cứu về cộng đồng Việt, từ sức khoẻ đến tài chánh, từ gia cư đến việc làm, từ học vấn đến gia đình.

 

Đây là bước khởi đầu để “biết ta,” một yếu tố không thể thiếu nếu muốn phát triển cộng đồng người Việt nhằm đáp ứng nhu cầu của đồng hương, tạo nội lực và thế đứng cho tập thể, và rồi đóng góp cho sự thay đổi tích cự ở Việt Nam.

 

Tôi đã nói chuyện với nhiều người trẻ đang hoạt động trong lãnh vực nghiên cứu. Họ rất hứng thú và mong muốn có cơ hội để nghiên cứu về vấn đề của cộng đồng. Điều này cho thấy tấm lòng gắn bó với cộng đồng. Đáp ứng niềm khao khát đó, BPSOS đang thực hiện Viện Nghiên Cứu Về Người Mỹ Gốc Việt, viết tắt trong tiếng Anh là VARI (Vietnamese American Research Institute).

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1844