Thống Kê Dân Số và Cộng Đồng Việt
Date: Wednesday, March 24 @ 11:05:10 EDT
Topic: Tin Sinh Hoạt


Shandon Phan Quốc Cường

Theo luật pháp, việc tham gia vào cuộc thống kê dân số mỗi thập niên là bổn phận của mỗi người dân, dù là có quốc tịch hay không. Về quyền lợi, trên 400 tỉ đô la ngân sách chính phủ được chi ra mỗi năm cho các dịch vụ xã hội. Cứ mỗi người dân bị bỏ rơi, không được tính trong bản thống kê dân số thì làm mất đi hàng ngàn đô la mỗi năm ngân khoản liên bang tài trợ cho các dịch vụ quan trọng như trường học, bệnh viện, trung tâm dưỡng lão, và các trung tâm huấn nghệ, tạo nên thiệt thòi to lớn cho cộng đồng địa phương nơi họ cư ngụ cũng như cộng đồng sắc dân của chính họ.

Một hiện tượng trớ trêu là trong khi các cộng đồng di dân thiểu số thường hưởng thêm nhiều quyền lợi nhất trong việc tham gia thống kê dân số nhưng lại có tỷ lệ tham gia thấp nhất so với sắc dân da trắng vốn đã chiếm đa số trong xã hội.

Cô Jannette Diệp, nhân viên văn phòng BPSOS-Houston, phân phát tài liệu thống kê dân số đến đồng hương. (ảnh BPSOS)



Ngoài sự thiệt thòi trực tiếp về ngân sách liên bang khi không tham gia, các quyền lợi gián tiếp như thế chính trị của cộng đồng cũng bị ảnh hưởng, nhất là mỗi khi lập pháp tiểu bang và liên bang phân định lại các đường biên giới các quận hạt, đơn vị bầu cử dựa trên số dân từng vùng. Những cộng đồng thiểu số di dân còn bị thiệt thòi thêm nữa khi vì thiếu tham gia đông đủ vào cuộc thống kê dân số, họ không có đủ số dân cần thiết để yêu cầu chính quyền địa phương cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về ngôn ngữ hay trong việc chống bị kỳ thị, bảo vệ dân quyền của họ.

Hai nhóm chính thường có tỷ lệ tham gia thấp là nhóm di dân (người Mỹ mới), vì thiếu hiểu biết do trở ngại ngôn ngữ và vì tư tưởng không thích điền đơn, khai báo, hay tiếp xúc với chính quyền, và nhóm có thu nhập thấp, vì thường xuyên di chuyển chỗ ở.

Là một cộng đồng di dân tị nạn với lịch sử non trẻ 35 năm thành lập và có mức thu nhập trung bình thuộc loại thấp nhất trong các cộng đồng Á châu, cộng đồng người Mỹ gốc Việt rơi vào cả hai “nhóm thiệt thòi” nêu trên.

Năm nay, tuy rằng chính phủ liên bang tích cực thúc đẩy, mức đầu tư và nỗ lực ở cấp địa phương và tiểu bang cho việc vận động người dân tham gia lại sút giảm nghiêm trọng do hậu qủa của cuộc khủng hoảng kinh tế. Lấy ví dụ tiểu bang California giàu có và có nền kinh tế hùng mạnh nhất trong 50 tiểu bang, chính quyền bang California năm 2000 chi dùng 25 triệu đô la để vận động người dân tham gia. Vào năm 2010 này, ngân sách dành cho việc đó là 2 triệu đô la - để thống kê một dân số chắc chắn đông đảo hơn nhiều, với một ngân sách không tới 10% ngân sách của mười năm trước.

Khi chính quyền cắt giảm nỗ lực vận động, các tổ chức cộng đồng vô vụ lợi phải thay thế làm công việc đó. Vì quyền lợi thiết thực cho chính cộng đồng mà họ phục vụ. Do đó mà vai trò và trách nhiệm hành động của giới lãnh đạo cộng đồng, các tổ chức tôn giáo, các cơ quan từ thiện, các hội cựu quân nhân và ái hữu thật sự quan trọng. Để thực sự khẳng định tiếng nói và giành lại quyền lợi chính đáng, chúng ta cần nỗ lực vận động liên tục và toàn diện trong năm 2010 này.

Dưới đây là một số ghi nhận diễn biến vận động và sự tham gia của cộng đồng Việt các nơi trong Kỳ Thống Kê Dân Số Năm 2010:

Dân biểu TB Trần Thái Văn, hiện đang ứng cử vào Quốc Hội Hoa Kỳ đơn vị 47 tiểu bang California, kêu gọi.“Lần thống kê năm 2000, cộng đồng chúng ta ít tham dự nên đã làm thiệt hại đến những quyền lợi về an sinh xã hội của cộng đồng. Chúng tôi kêu gọi đồng hương hãy tích cực tham dự vào việc kiểm tra dân số năm 2010. Chúng ta đã bị thiệt hại nhiều quyền lợi kinh tế, xã hội trong thập niên qua. Xin đồng hương đừng bỏ qua dịp may chỉ có 10 năm một lần.”

Chị Trish Nguyễn, Quản Trị Văn Phòng BPSOS-Houston: “Chúng tôi nghĩ rằng cộng đồng Việt Nam địa phương nói chung tham gia tích cực hơn, và quan niệm e dè khi phải khai những bản thống kê cũng ít hơn. Cục Thống Kê có nhiều nhân viên nói rành ngôn ngữ Việt và chủ động đi vào cộng đồng, và các tổ chức cộng đồng chúng ta cũng ra sức vận động giải thích và kêu gọi đồng hương tham gia. Vì quyền lợi khi tham gia hơi có tính trừu tượng, nhiều đồng hương không hiểu Census là gì và việc tham gia sẽ có ích lợi như thế nào. Cùng làm việc song song với Cục Thống Kê Dân Số, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ cần thiết để kêu gọi mọi người qua làn sóng radio, TV, báo in, tổ chức các buổi hướng dẫn và vận động tại các sự kiện trong cộng đồng. Nếu có bích chương lớn bằng tiếng Việt tại các chỗ tụ họp của người Việt thì tuyệt vời!”
Vân Anh Nguyễn, nhân viên Trung Tâm Trợ Giúp Pháp Lý cho người Mỹ gốc Á Châu: “Với việc Kết Quả Thống Kê Dân Số Kỳ Này quyết định trực tiếp quyền lợi an sinh của cộng đồng chúng ta trong thập niên tới, tất cả chúng ta cần phải làm hết sức cho công việc quan trọng này. Khi tôi đi vận động tại Eden Center trong dịp Tết, tôi nhận thấy rằng nhiều người không biết về tầm quan trọng của Census, hay là Census là gì.”

- Anh Daniel Lê, Quản Trị Văn Phòng BPSOS-Biloxi: “Hầu hết cư dân người Việt tại Biloxi và Bayou La Batre đã không biết hay để ý tham gia trong cuộc Thống Kê Năm 2000. Họ cũng không thấy hay nghe nói gì bằng tiếng Việt về vấn đề này cả. Trở ngại ngôn ngữ khiến cho hầu hết đồng hương không hiểu những thông tin bằng tiếng Anh trên báo đài dòng chính.

BPSOS và nhiều tổ chức cộng đồng, nhất là các tổ chức tôn giáo như chùa và nhà thờ, rất tích cực vận động bà con tham gia. Người dân bắt đầu tìm hiểu và đặt câu hỏi về việc này. Nhưng trong khi chúng tôi sẵn sàng cho Cục Thống Kê mượn cơ sở văn phòng làm nơi vận động, huấn luyện, cũng như cung cấp nhân viên và tình nguyện viên để trợ giúp, địa phương chúng tôi không nhận đủ sự hỗ trợ cần thiết từ Cục Thống Kê tại những vùng hẻo lánh này.”

- Chị Trinh Phạm, Quản Trị Văn Phòng BPSOS-Atlanta: “Theo phỏng đoán của Cục Thống Kê Dân Số Chi Nhánh Vùng Atlanta, từ Census 2000 dân số người Việt Nam trong vùng đã tăng gấp 3 lần chỉ trong một thập niên qua. Liệu con số người thật sự được thống kê chính xác kỳ này là bao nhiêu vẫn chưa biết, nhưng điều chắc chắn là cả chính quyền lẫn các vị lãnh đạo cộng đồng rất quan tâm đến việc kêu gọi người dân tham gia đầy đủ. Cục Thống Kê cũng mướn nhân viên nói được mọi ngôn ngữ thiểu số để đi vận động. Tôi tin rằng qúy vị lãnh đạo cộng đồng cũng đang tìm mọi cách và làm hết sức mình để cộng đồng chúng ta đạt thành công lớn trong Kỳ Thống Kê Dân Số Năm 2010 này.”

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1832