Vận Động Nhân Quyền Qua Mậu Dịch
Date: Friday, January 29 @ 00:50:50 EST
Topic: Tin Tức Thời Sự


Đặt Điều Kiện Cho Mậu Dịch Hoa Kỳ - Việt Nam

 

Theo một số người quan tâm, Hành Pháp Hoa Kỳ cần đặt điều kiện trong tiến trình thương thảo mậu dịch với Việt Nam trong kế hoạch Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương, Trans-Pacific Partnership Trade Agreement (TPP) để thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền và phát triển dân chủ ở quốc gia cộng sản này.

 

Ngày 25 tháng 1 vừa qua DB Cao Quang Ánh gửi văn thư cho Ông Ron Kirk, Đại Diện Mậu Dịch của Hoa Kỳ, và đưa ra những chuẩn mực cụ thể để đo lường thái độ hợp tác của chính phủ Việt Nam.

 

“Chúng tôi quan tâm về tầm quan trọng của việc bảo đảm rằng Việt Nam đáp ứng thoả đáng những đòi hỏi của TIFA trước khi họ được hưởng những quyền lợi của một thoả thuận mới về mậu dịch”, DB Ánh viết.

 

Thoả Thuận về Khung Mậu Dịch và Đầu Tư ((Trade and Investment Framework Agreement, TIFA) được hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam ký kết vào tháng 4 năm 2009 Việt Nam đã hứa hẹn cải tổ luật lao động, chính sách nhập cảng và luật truyền thông, cũng như sự tôn trọng quyền sở hữu các sản phẩm trí tuệ, với hy vọng sẽ được hưởng quy chế General System of Preferences (GSP). Với quy chế này Việt Nam sẽ được miễn hay giảm thuế trên hàng ngàn mặt hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ.



Ngoài ra, DB Ánh còn nhấn mạnh nguyên tắc mậu dịch công bằng vốn không được tôn trọng trong lãnh vực văn hoá phẩm: Việt Nam tha hồ xuất cảng DVD, phim ảnh, báo chí, chương trình truyền hình sang Hoa Kỳ nhưng lại ngăn cản các văn hoá phẩm tương tự từ Mỹ, nhất là từ cộng đồng Mỹ gốc Việt, vào Việt Nam.

 

DB Ánh cũng kêu gọi Hoa Kỳ đòi hỏi Việt Nam phải tôn trọng quyền của công nhân trong việc thành lập công đoàn độc lập, tôn trọng tự do tôn giáo, và bài trừ nạn trẻ em lao động.

 

Cùng ngày, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS, cũng gửi văn thư (xem văn thư) cho Văn Phòng Đại Diện Mậu Dịch của Hoa Kỳ để yêu cầu đưa vào trong nghị trình thương thảo một số vấn đề quan trọng mà Việt Nam cần tuân thủ trước khi được hưỏng thêm quyền lợi mậu dịch với Hoa Kỳ: Việt Nam phải đưa ra luật để chống nạn buôn bán lao động và phải ký và Nghị Định Thư Palermo, một công uớc quốc tế về nguyên tắc chống buôn người, của Liên Hiệp Quốc; Việt Nam phải tôn trọng lệnh của toà án Hoa Kỳ và bồi thường 3.2 triệu Mỹ kim cho số 250 nạn nhân trong vụ buôn bán lao động từ Việt Nam sang đảo American Samoa năm 1999; và Việt Nam phải chống tham nhũng và ngưng ngay chính sách bỏ tù và bịt miệng những người phanh phui các vụ tham nhũng liên quan đến các giới chức chính quyền cao cấp.

 

Chiếu theo Bipartisan Trade Promotion Authority Act (Đạo Luật Lưỡng Đảng về Thẩm Quyền Phát Huy Mậu Dịch) được Quốc Hội thông qua năm 2002, Hành Pháp Hoa Kỳ phải thông báo cho Quốc Hội ít nhất 90 ngày trước khi xúc tiến việc thương thảo về mậu dịch với các quốc gia khác. Để chuẩn bị cho cuộc thương thảo về Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hành Pháp Obama đã hoàn tất thủ tục hội ý với Quốc Hội vào cuối năm 2009.

 

Ngày 14 tháng 12, Phủ Tổng Thống chính thức thông báo cho Quốc Hội quyết định sẽ tiến hành thương thảo với tám quốc gia: Australia, Brunei, Darussalam, Chile, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Ngay sau đó, Hành Pháp đã thông báo việc này trên Công Báo Liên Bang để lấy ý kiến từ những thành phần quan tâm. Và hạn chót để nêu ý kiến là ngày 25 tháng 1 vừa qua.

 

“Đây là cơ hội để cộng đồng người Mỹ gốc Việt tham gia và lên tiếng về vấn đề mậu dịch với Việt Nam khi mà Hành Pháp của Tổng Thống Obama đang hình thành chính sách”, DB Ánh viết trong lá thư gửi cho cộng đồng Mỹ gốc Việt trên toàn quốc Hoa Kỳ mười ngày trước thời hạn.

 

“Chúng ta cần lên tiếng lúc này để yêu cầu Hành Pháp Hoa Kỳ nêu những điều kiện chính đáng và cần thiết cho cuộc thương thảo với Việt Nam”, Ts. Thắng giải thích.

 

Theo Ông, những điều kiện này có triển vọng được yểm trợ bởi các công đoàn cũng như các công ty Hoa Kỳ, và của nhiều vị dân cử trong Quốc Hội.

 

“Chúng ta cần tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá Việt Nam, kể cả qua chính sách mậu dịch của Hoa Kỳ”, Ông nói.

 

DB Ánh đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Việt Nam về vấn đề bảo vệ quyền của người lao động, việc thi hành luật lệ bảo vệ tác quyền, và chính sách hối đoái.

 

Thứ Sáu 29 tháng 1, DB Tiểu Bang Trần Thái Văn cùng với một phái đoàn người Việt, trong đó có Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giáo Sư Nguyễn Quốc Khải, và một số người đại diện Phòng Thương Mại Người Việt Toàn Quốc Tại Hoa Kỳ (VietAmCham), sẽ tiếp xúc với văn phòng Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ để lên tiếng về những vấn đề nêu trên.

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1792