Những Trùng Hợp Kỳ Thú
Date: Wednesday, December 30 @ 13:41:50 EST
Topic: Truyện Ngắn


Nguyễn Đình Thắng

 

Ở đời đôi khi có những trùng hợp lạ kỳ. Và tôi đã từng gặp những điều kỳ lạ ấy trong nhiều chuyến đi xa. Có lần ở một đất nước xa xăm lại gặp người quen từ quá khứ mịt mù, thật bất ngờ. Hoặc có lần tình cờ khám phá ra người bạn mới ở đầu kia thế giới lại là thân nhân của một người bạn cũ ở Hoa Kỳ. Chuyến đi Mã Lai kỳ này cũng vậy, những trùng hợp thật thú vị đã đến với tôi.

 

Chiều ngày 24 trước Giáng Sinh tôi cùng với hai đồng nghiệp, một ở Mã Lai và một từ Mỹ, đến thăm Tiến Sĩ Irene Fernandez tại nhà, ở cách thủ đô Kuala Lumpur một tiếng lái xe. Chị là sáng lập viên và Giám Đốc Điều Hành của Tenaganita, một tổ chức bảo vệ phụ nữ và các công nhân ngoại quốc lao động ở Mã Lai. Chị là một nhà đấu tranh cho nhân quyền nổi tiếng trên thế giới. Dưới thời của Thủ Tướng Mahathir, một nhà độc tài, Chị đã can đảm phanh phui điều kiện tồi tệ của các nhà tù Mã Lai. Vì vậy mà Chị đã bị toà án Mã Lai sử một năm tù với tội danh mạ lị chính quyền. Chị đã kháng cáo để phản đối hệ thống luật pháp bất công. Do áp lực quốc tế, vụ xét sử đã bị trì hoãn nhiều lần. Đầu năm nay, toà án viện lý do vi phạm kỹ thuật của công tố viên để huỷ bản án--bỏ tù Chị thì chắc chắn chính quyền sẽ bị cả thế giới lên án.

 

Tôi đến thăm Chị Irene để bàn về các hoạt động của Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA), mà Tenaganita và BPSOS cùng là thành viên. Chị đang dưỡng bệnh ở nhà sau khi bị nghẽn mạch tim cách đây hơn một tháng và bác sĩ cấm Chị không được lao lực và ra khỏi nhà. (Thế nhưng cách đó hai hôm tôi đã bắt quả tang Chị lẻn đến văn phòng làm việc mấy tiếng đồng hồ.)

 

 

Chị Irene và Anh Joseph, 24/12/09 (ảnh CAMSA)



Khi buổi họp vừa vãn, chồng của Chị ra chào khách. Anh tự giới thiệu là Joseph Paul. Biết tôi là người Việt, Anh khoe ngay là trước đây đã từng là nhân viên Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và quen biết rất nhiều bạn bè là thuyền nhân.

 

“Ngày xưa tôi cũng là thuyền nhân và đến Mã Lai. Thế Anh làm việc ở trại nào và năm nào?”, tôi trả lời xã giao.

 

“Năm 1979 ở đảo Pulau Bidong”, Anh Joseph trả lời.

 

Tôi buột miệng, “đó cũng là thời gian tôi ở trại Bidong!”

 

Hoá ra Anh là nhân viên CUTNLHQ biệt phái đến Bidong, là cứu tinh của biết bao thuyền nhân Việt, trong đó có tôi. Thế là chúng tôi hàn huyên về trại Bidong, nhắc lại những kỷ niệm cũ, từ bệnh viện nổi Ile de Lumière đến các giếng nước đào la liệt, từ nghĩa địa trên đồi đến bãi biển Khu C.

 

Câu chuyện kéo trí nhớ của tôi về chuyến vượt biển cùng bố mẹ và hai em để tìm tự do và những ngày tháng trôi qua chậm chạp trên đảo. Tôi nhớ lại những người bạn gốc Hoa chất phác đi cùng chuyến tàu. Tôi nhớ loa phóng thanh gọi người lên phỏng vấn định cư. Tôi nhớ ngày Tết đơn sơ với các món ăn dã chiến. Tôi nhớ những ngày đi gánh nước, lãnh gạo. Tôi nhớ, với một thoáng chạnh lòng, về một thiếu nữ với đôi môi cong thật có duyên mà tôi đã gặp lại ở một thành phố cổ kính ở Đức trong một chuyến đi phiêu bạt vòng quanh Âu Châu chưa đầy hai năm sau ngày rời trại.

 

Tự dưng bị gạt ra rìa của câu chuyện, Chị Irene nói chen vào, với nụ cười tủm tỉm: “Ts. Thắng đã đi đúng một vòng: 30 năm trước là thuyền nhân được Anh Joseph giúp và 30 năm sau quay lại Mã Lai để giúp cho vợ của anh ta.”

 

Quả vậy, từ hai năm nay tôi làm việc rất chặt chẽ với Chị Irene và tổ chức Tenaganita, một mặt để khởi dựng Liên Minh CAMSA ở Mã Lai và một mặt để hỗ trợ cho Tenaganita phát triển nội lực và kỹ năng chống buôn lao động.

 

Thực ra tôi đã quay lại Mã Lai nhiều lần trước đó. Năm 1989, đúng 10 năm sau khi rời khỏi đảo Bidong, tôi đã trở lại Mã Lai trong cuộc vận động bảo vệ cho đồng bào thuyền nhân khi chính sách quốc tế đổi chiều: thuyền nhân không còn được xem là người tị nạn mà bị quy kết là thành phần di dân kinh tế phải bị giam để rồi hồi hương. Chuyến đi ấy có chị Vũ Thanh Thuỷ, có cô sinh viên năm thứ nhất Ninh Ngọc Khánh, và có luật sư Nina Hale của tổ chức Refugees International. Lần ấy, tôi có dịp viếng thăm văn phòng trung ương của Hội Lưỡi Liềm Đỏ của Mã Lai. Sau buổi họp, chúng tôi được dẫn vào phòng chứa thẻ đăng bạ tị nạn của thuyền nhân. Các hộc chứa chất cao đến tận trần nhà và bao quanh cả bốn bức tường. Tôi nửa tò mò nừa nghịch ngợm ngỏ ý muốn xem thẻ tị nạn của chính mình, ý là thử xem hệ thống tồn trữ của họ có quy củ không.

 

Thật đáng ngạc nhiên khi vị phó giám đốc Hội Lưỡi Liềm Đỏ, một cựu tướng lãnh cai quản khu vực quân sự nơi có đảo Bidong, truy theo mẫu tự rồi kéo ra một hộc và bảo tôi hãy tìm trong đó. Tôi lật vài tờ thì thấy ngay thẻ tị nạn của mình, bố mẹ, cô em gái và cậu em trai út. Các tấm hình chụp trên thẻ tị nạn đã ố vàng, cho thấy những khuôn mặt bơ phờ, đen đủi—đúng là người vượt biển có khác.

 

Sau đó vài năm, tôi quay lại Mã Lai và thăm trại Sungai Besi khi lịch sử thuyền nhân chuẩn bị sang trang. Rồi năm 2005 tôi lại đến Mã Lai, lần này để tìm hiểu về tình trạng của trên 100 ngàn đồng bào đang lao động tại quốc gia Hồi giáo này. Từ đó đến nay, năm nào tôi cũng đến Mã Lai một hai chuyến.  

  

Anh Joseph cho biết là sau vài tháng làm việc ở Bidong anh đã chuyển sang trại Pulau Tenga và ở đó một thời gian dài. Anh nhanh nhẩu đi vào phòng trong lấy ra quyển album với những tấm hình kỷ niệm chụp trên đảo. Sẵn máy chụp hình trong túi, tôi chụp lại vài tấm để làm tài liệu.

 

Chiều xuống, ánh nắng sắp tắt, tôi cùng với hai đồng nghiệp xin phép ra về để Chị Irene và gia đình còn chuẩn bị buổi tiệc Noel--gốc Ấn Độ, gia đình chị theo Công Giáo.

 

Anh Joseph tiễn chúng tôi ra tận cổng, nhưng vẫn còn bịn rịn ôn lại chuyện năm xưa. Anh sực nhớ và kéo chúng tôi đến một góc vườn để khoe bức tranh kỷ niệm mà các thuyền nhân đã tặng cho anh thời xa xưa. Nhìn từ xa thì giống như những mảnh thuỷ tinh màu được ráp lại thành hình tượng của huy hiệu UNHCR và bên dưới là những thuyền nhân chơ vơ giữa biển đang cầu cứu.

 

 

Nhìn gần thì hoá ra là giấy vụn. Anh Joseph giải thích rằng thuyền nhân đã đi nhặt những tờ giấy vương vãi trên bãi biển; họ xé nhỏ ra để rồi đôi bàn tay nào đó đã khéo léo kết những mẩu vụn lại thành một bức tranh đầy ý nghĩa.

 

Và sự trùng hợp thực sự kỳ thú đã xảy ra khi anh Joseph quay mặt lưng của bức tranh để khoe bút tích của tác giả ghi tặng cho anh, với ngày ghi là “Đêm Giáng Sinh 1979”, nghĩa là đúng 30 năm trước đó, không sai một ngày.

 

Làm như có những sợi dây vô hình đan kết mọi sự việc ở thế gian này, xuyên qua không gian và thời gian. Ai đó hiện diện đúng lúc đúng nơi khi một mắt đan hiển lộ thì người ấy được diễm phúc mục kích cái mà chúng ta gọi là sự trùng hợp, là duyên hạnh ngộ.  

 

Nếu quả vậy thì tôi đã nhiều lần được hưởng diễm phúc trong các chuyến đi xa.

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1769