Muốn Hiệu Quả, Phải Có Mục Tiêu
Date: Monday, September 28 @ 10:35:58 EDT
Topic: Quan Điểm


Để khỏi đi lạc, trong mỗi hành trình chúng ta đều phải biết trước điểm đến và những mốc điểm dọc đường. Trong bất kỳ lãnh vực hoạt động nào cũng vậy, muốn hiệu quả thì phải có mục đích tối hậu cũng như những mục tiêu cụ thể và đo lường được trong đoản kỳ. Nguyên tắc căn bản này, đáng tiếc, đã không được áp dụng một cách phổ cập trong các hoạt động của cộng đồng chúng ta. Sự khiếm khuyết ấy làm phung phí biết bao năng lực và tài nguyên trong 35 năm qua.

Chẳng hạn, trong công cuộc tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, ít đoàn thể nào tuyên bố trước mục tiêu cho một năm, hai năm, ba năm. Chúng ta chỉ nghe nói về về mục đích lâu dài như là thay thế chế độ độc tài bằng một chế độ pháp trị. Mục đích lâu dài như vậy rất cần thiết nhưng không đủ, vì nó không cho phép chúng ta phối kiểm và đánh giá là có đi đúng đường hay không. Đến khi nhìn ra thì quá trễ.



Đó là trường hợp của chính sách quốc gia dựa trên lời tuyên bố “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Khẩu hiệu ấy nói lên mục đích lâu dài, nhưng vì thiếu mục tiêu cụ thể và đo lường được trong đoản kỳ, người cầm quyền rất dễ nguỵ biện để thao túng hoặc dùng cứu cánh để biện minh cho phương tiện hoàn toàn ngược lại với tự do và độc lập. Mục tiêu đoản kỳ về tự do có thể là sự cải tổ khung luật trong thời hạn 12 tháng để trừng trị bất kỳ hành động nào vi phạm những tự do căn bản của công dân, hoặc có thể là con số tổ chức phi chính phủ hoạt động độc lập với chính quyền. Dựa trên những mục tiêu cụ thể và đo lường được như vậy, người dân có thể dễ dàng đánh giá là tự do có đang từng bước được phát triển và bảo vệ hay không.

Lỗi lầm này cũng rất phổ biến trong hàng ngũ những người ở hải ngoại đeo đuổi hoài bão đem lại dân chủ và tự do cho đồng bào trong nước. Bên cạnh mục đích lâu dài, ít ai nêu lên được những mục tiêu rõ ràng trong đoản kỳ để đánh giá hiệu quả của công việc mà họ đang thực hiện và theo dõi tiến triển của công cuộc mà họ đang theo đuổi. Vì không có những mực thước đánh giá, chính người chủ xướng cũng khó biết được rằng mình tiến, dậm chân tại chỗ hay đi lùi.

Trong lãnh vực hoạt động cộng đồng cũng thế, các tổ chức phục vụ cộng đồng ít khi nào nêu ra những mục tiêu cụ thể cho một năm, hai năm hay ba năm tới. Mục tiêu cụ thể có thể là số người dân trong vùng nhận được sự trợ giúp về đời sống, số ngưòi trẻ được đào tạo về hoạt động cộng đồng, tỉ lệ người Việt đi bầu… Chính vì không có mục tiêu cụ thể trong đoản kỳ, nhiều tổ chức trong cộng đồng thường đạt hiệu quả thấp hơn tiềm năng của mình và dễ đi lệch khỏi sứ mạng đề ra trong bản hiến chương.

Mục tiêu cụ thể còn giúp cho chúng ta chủ động trong công việc thay vì bị chi phối bởi những biến động bất chợt hay bị lôi cuốn vào những sinh hoạt thời thịnh. Tình trạng này rất rõ trong giới tranh đấu cho dân chủ và tự do ở Việt Nam. Chúng ta dồn hầu hết công lực để phản ứng, gần đây là đối với biến cố ở Thái Hà, rồi Tam Toà, rồi Bát Nhã… Một đội banh chỉ phản ứng thì hầu như không có triển vọng thắng.

Đối với hoạt động cộng đồng cũng vậy; chúng ta chưa chủ động để tạo tiếng nói đại diện cho chính mình đối với các cấp chính quyền, để ảnh hưởng các chính sách có tác động bất lợi cho tập thể người Việt, để huy động và tập hợp nhân sự có khả năng quanh những vấn đề quan yếu đối với cộng đồng.  

Sau 35 năm hiện diện ở đất nước này, đã đến lúc chúng ta cùng nhau hoạt động có kế hoạch hơn nhằm đạt hiệu quả nhiều hơn. Muốn vậy thì điều căn bản nhất là trong mọi lãnh vực chúng ta phải đề ra những mục tiêu cụ thể trong đoản kỳ để mọi người yểm trợ cho mình biết trước được sự kỳ vọng khi đầu tư, không những về tài chánh và công sức mà cả về tấm lòng và uy tín.

Nếu thực thi đúng nguyên tắc ấy, cộng đồng chúng ta sẽ tăng cơ hội đạt hiệu quả nhiều hơn so với 35 năm qua.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1707