Tình Trạng
Date: Saturday, September 05 @ 18:36:22 EDT
Topic: Chống Buôn Người


Đối Phó Với Tình Trạng “Cô Dâu” Việt Ở Mã Lai

Phương Thức Hoạt Động Của Liên Minh CAMSA

 

Sự ra đi mới đây của một “cô dâu” Việt rất trẻ ở Mã Lai nói lên thân phận của những cô gái chấp nhận trao gởi thân mình cho người xa lạ, dùng chính cuộc đời mình làm phương tiện giúp đỡ gia đình thoát cảnh nghèo khó ở Việt Nam. Cái chết này đã hé mở cho chúng ta thấy được dịch vụ “cô dâu” Việt đã âm thầm thâm nhập Mã Lai.

 

Làm sao để đối phó với tình trạng này khi trước khi nó phát triển ồ ạt như ở Đài Loan?

 

Bối Cảnh

 

Ngày 22 tháng 7 Cô Lê Thị Huyền Trân, ở tuổi 24, được móc nối đưa sang Mã Lai, không phải để lấy chồng mà là để chờ người xem mắt và chọn mình làm vợ. Cô được người mai mối, một phụ nữ Việt lấy chồng người Mã Lai, sắp xếp đến Mã Lai dưới dạng du lịch. Ở Mã Lai cô tá túc tại nhà của “bà mai” này. Cùng ở tại nhà với cô còn có bốn thiếu nữ Việt khác.

 

Huyền Trân ở tuổi trăng tròn (ảnh gia đình)



Bà mai móc nối để những người đàn ông Mã Lai gốc Hoa đến xem mặt và chọn người hợp nhãn đem về làm vợ. Khi chọn được vợ thì khách phải trả 1,000 Mỹ kim cho bà mai. Trong khi chờ người xem mặt, các thiếu nữ được giao công việc may giầy, không lương, để chủ nhà bỏ mối. Sau hơn hai tuần, có ngưòi chọn Huyền Trân.

 

Về nhà chồng hôm trước thì hôm sau Huyền Trân đột nhiên trở bệnh, không ăn không uống được. Người chồng trả Huyền Trân lại cho bà mai. Bà mai gọi y tá chích thuốc cho Huyền Trân. Hai hôm sau “cô dâu một ngày” này qua đời vì xuất huyết não và mọi cơ phận trong người đều ngưng hoạt động. Bà mai điều đình trả tiền cho gia đình của Huyền Trân với điều kiện đồng ý hoả thiêu ngay xác và gởi tro về nước.

 

May nhờ có sự can thiệp kịp thời, người mẹ đã sang được Mã Lai nhìn mặt con gái lần chót và yêu cầu làm sáng tỏ về nguyên nhân chết. Cảnh sát đang điều tra bà mai và cả người chích thuốc và đã đưa bốn thiếu nữ ở nhà bà mai vào một nhà tạm trú để lấy cung.

 

Kết quả điều tra sẽ cho biết đây có phải là một vụ buôn người hay đây là một vụ mai mối lén lút rồi không may xẩy ra chết người. Dù sao đây vẫn là một chuyện đau lòng: một người con gái phải trao thân cho một người đàn ông hoàn toàn xa lạ ở một đất nước xa lạ, qua một tiến trình chọn lựa rồi hoàn trả như một mặt hàng--không tình không nghĩa, qua đời trong cảnh cô quạnh, và xác xém bị thiêu đốt trước khi được người thân viếng thăm lần chót.

 

Hiện nay không ai biết có bao nhiêu đường dây mai mối như thế và bao nhiêu cảnh thương tâm như thế, nhưng chắc chắn không ít. Chúng ta ở hải ngoại có thể làm được gì để tránh đi những thảm cảnh có thể xẩy ra?

 

Phương Thức

 

Chúng ta có thể đối phó một cách hiệu quả bằng ba biện pháp: (1) tạo ý thức cho đồng bào trong nước để đề phòng những rủi ro khi chinh mình hay khi gởi con sang Mã Lai làm dâu, (2) cảnh giác những “ông mai”, “bà mai” về sự trừng trị nếu vi luật, và (3) phối hợp với chính quyền sở tại để can thiệp khi phát hiện hành động vi luật.

 

Tạo Ý Thức

 

Có ba cách để tạo ý thức cho đồng bào trong nước. Thứ nhất là phổ biến thông tin rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại để bắn tiếng về cho thân nhân trong nước. Trong chiều hướng ấy Liên Minh CAMSA sẽ phối hợp với thân nhân của cô Huyền Trân tổ chức họp báo trong một ngày gần đây, và kêu gọi giới truyền thông Việt ngữ tiếp tay chuyển tin đi thật rộng trong các cộng đồng Việt trên khắp thế giới.

 

Cách thứ hai là truyền miệng giữa người dân trong làng xã với nhau. Liên Minh CAMSA sẽ đưa tin đến tập thể gồm 130 ngàn công nhân Việt đang lao động ở Mã Lai để họ chuyển tin về làng xã.

 

Cách thứ ba là báo chí trong nước chính thức lên tiếng cảnh giác người dân. Điều này có thể khó khăn nếu chính phủ không hợp tác. Tuy nhiên, do tình cờ một phái đoàn cao cấp của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đặc trách chống buôn người trên thế giới có mặt ở Mã Lai vào đúng thời điểm khi xẩy ra cái chết của Huyền Trân; phái đoàn này đã theo dõi những diễn tiến của vụ này từ đầu. Liên Minh CAMSA sẽ yêu cầu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đề nghị chính quyền Việt Nam huy động báo chí trong nước.

 

Cảnh Cáo

 

Một số phụ nữ Việt lấy chồng Mã Lai đứng ra mai mối cô dâu hoặc, tệ hơn, chuyển phụ nữ vào các động mãi dâm ở Mã Lai. Tính đến nay tổ chức Tenaganita, một thành viên của Liên Minh CAMSA, đã giải cứu cho hàng trăm cô gái Việt bị lừa sang Mã Lai và bán vào động mãi dâm. Qua trường hợp của Lê Thị Huyền Trân chúng ta cần cảnh cáo họ về những dịch vụ vi luật hoặc bất chính.

 

Kết sợi tơ hồng giữa người nam và người nữ là một dịch vụ đã có từ ngàn xưa và hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên khi sắp xếp một nhóm thiếu nữ và dẫn ngưòi đến chọn như chọn một mặt hàng thì đó là xúc phạm nhân phẩm; và khi người “chồng” đối với vợ như một mặt hàng thì rất dễ đưa đến ngược đãi, bạo hành, sỉ nhục. Đi xa hơn một bước nữa là khai thác sức lao động của phụ nữ hay đẩy họ vào kỹ nghệ mãi dâm thì đó là buôn người, một tội phạm trước luật quốc tế và một tội ác đối với con người.

 

Liên Minh CAMSA sẽ phối hợp với các tố chức dịch vụ xã hội, các tổ chức tôn giáo và các nhóm ái hữu người Việt để phổ biến về luật pháp quốc gia Mã Lai và cảnh cáo những ai có thể đang vi phạm.

 

Một điều cần nói có nhiều phụ nữ Việt lấy chồng Mã Lai do tình duyên. Không ít những phụ nữ này đã tự động đứng ra để giúp đỡ và cưu mang cho đồng hương kém may mắn.

 

Đồng thời Liên Minh CAMSA cũng vận động giới truyền thông và các cơ quan chính quyền Mã Lai làm công tác thông tin và giáo dục cho người Mã Lai về luật pháp đối với bạo hành gia đình và buôn người.

 

Can Thiệp

 

Trong trường hợp của cô Lê Thị Huyền Trân Liên Minh CAMSA đã phối hợp trực tiếp với cảnh sát quốc gia Mã Lai--vì e rằng cảnh sát địa phương có thể bị mua chuộc bởi bà mai--để điều tra về cái chết của cô gái này cũng như về cách thức hoạt động của đường dây mai mối để xem có điều gì vi luật.

 

Dù rằng vụ này có thể không có đủ yếu tố của sự bóc lột sức lao động hay đẩy đưa vào tình trạng mãi dâm để có thể xem là buôn người, đường dây đưa người sang Mã Lai trong vụ này cũng là cách thức của đường dây buôn người. Khi chính phủ Mã Lai theo dõi sát những hoạt động đưa phụ nữ Việt đến Mã Lai theo diện du lịch thì có thể truy ra các đường dây buôn bán phụ nữ.

 

Liên Minh CAMSA tạo được quan hệ làm việc tốt đẹp với giới chức cảnh sát Mã Lai, qua việc phối hợp hành động đến giúp thông dịch, thu thập chứng cớ, và lấy lời khai. Mối quan hệ tốt đẹp này sẽ tạo thuận lợi cho việc can thiệp trong tương lai, đặc biệt là các trường hợp có dính dự đến buôn người. Sự can thiệp này bao gồm bảo vệ nạn nhân và trừng trị thủ phạm.

 

Đồng thời, Liên Minh CAMSA cũng tạo điều kiện để chính quyền Việt Nam có biện pháp điều tra và trừng trị những thủ phạm ở Việt Nam. Một mặt Liên Minh CAMSA hướng dẫn cho gia đình của nạn nhân làm đơn khiếu kiện và yêu cầu điều tra. Mặt khác, Liên Minh CAMSA phối hợp Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam để khuyến khích chính quyền Việt Nam thi hành luật pháp.

 

Kết Luận

 

Chuyện gì đã xẩy ra cho người con gái bạc mệnh Lê Thị Huyền Trân có nhiều nghi vấn mà hy vọng rằng kết quả giảo nghiệm tử thi và lời khai của các người trong cuộc và nhân chứng có thể làm sáng tỏ được. Dù gì, cái chết của cô gái này là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những gia đình ở Việt Nam có ý định gởi con đi làm “cô dâu” ở Mã Lai, và cũng là tiếng báo động cho tất cả những người Việt có lương tâm phải hành động để ngăn ngừa những trường hợp tương tự có thể xẩy ra.

 

Phương thức hoạt động của Liên Minh CAMSA là can thiệp cho nạn nhân và gia đình nhưng không ngưng ở đó. Mỗi trường hợp được can thiệp chỉ là nhân tố khởi đầu để từ đó truy về tận gốc của vấn đề nhằm giải trừ giải trừ vấn đề tận gốc rễ. Đối với tình trạng cô dâu Việt ở Mã Lai, Liên Minh CAMSA chủ trương tạo ý thức nơi người dân trong nước, cảnh cáo kẻ gian và phối hợp với chính quyền sở tại để can thiệp khi có việc chẳng lành xẩy ra.

 

Trong nỗ lực này, Liên Minh CAMSA rất cần sự tiếp tay của giới truyền thông Việt ngữ và sự góp phần của tập thể người Việt ở hải ngoại nói chung. 

 

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA trong tiếng Anh, được thành lập đầu năm 2008. Liên Minh CAMSA hiện gồm năm tổ chức thành viên: UBCNVB, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.

 

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:

 

BPSOS/CAMSA

PO Box 8065

Falls Church, VA 22041 - USA

 

 

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1692