Thiếu Nữ Việt Chết Thảm Ở Mã Lai
Date: Tuesday, September 01 @ 01:37:23 EDT
Topic: Chống Buôn Người


Đi Mã Lai Lấy Chồng, Một Thiếu Nữ Chết Thảm

 

Lê thị Huyền Trân, 24 tuổi, được một đường dây xuyên quốc gia tổ chức đi Mã Lai để lấy chồng. Nhưng hạnh phúc chưa thấy đâu thì cô đã chết trong một hoàn cảnh đầy nghi vấn.

 

Từ một gia đình rất nghèo ở vùng quê hẻo lánh ở Vĩnh Long, Huyền Trân được móc nối qua một người Việt tên Phượng có chồng Mã Lai. Cậu em của người này, làm cầu nối giữa Việt Nam và Mã Lai, sắp xếp cho Huyền Trân sang Mã Lai theo diện du lịch. Cô đến Mã Lai ngày 22 tháng 7 vừa qua.

 

Huyền Trân được Cô Phượng đem về nhà ở thành phố Ipoh, thủ phủ của Bang Perak, cách thủ đô Kuala Lumpur 3 tiếng lái xe về hướng Bắc. Tại nhà Cô Phượng còn có 4 thiếu nữ Việt khác đang tá túc.

 

 

Bàn thờ Huyền Trân tại nhà ở Vĩnh Long, 25/08/09 (ảnh CAMSA)



Cô Phượng sắp xếp cho các đàn ông Mã Lai đến nhà xem mặt các thiếu nữ để chọn vợ. Cô Phượng lãnh tiền hoa hồng khi cuộc mai mối hoàn tất.

 

Sau một tháng ở nhà Cô Phượng, Huyền Trân được một người Mã Lai chấm điểm và chọn làm vợ. Không hiểu vì sao tự dưng cô ta, theo lời kể của người trong đường dây mai mối, lên cơn khủng hoảng và đập phá đồ đạc. Người ta trói cô lại và giam trong phòng. Cô Phượng gọi y tá đến tiêm thuốc.

 

Chẳng bao lâu sau Huyền Trân qua đời. Khi đưa đến bệnh viện bác sĩ cho biết lục phủ ngũ tạng đều bị phá nát.

 

Qua người em trai trung gian, Cô Phượng điều đình bồi thường 1.500 Mỹ kim cho bố mẹ của Huyền Trân với điều kiện họ phải ký giấy uỷ quyền cho cô ta thiêu xác của Huyền Trân và gởi tro về cho gia đình.

 

Lúc ấy, một người cậu họ của Huyền Trân từ Hoa Kỳ về chơi ở Việt Nam hồ nghi có điều mờ ám và nhanh ý liên lạc với Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA) qua Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS và cũng là đồng sáng lập viên CAMSA.

 

“Tôi quyết định phải đưa gia đình sang Mã Lai để nhận xác và tìm hiểu nguyên nhân cháu Huyền Trân qua đời”, Ông Phạm Tân, người cậu họ, giải thích.

 

Ngay khi nhận được lời cầu cứu, Ts. Thắng huy động nhân sự của CAMSA lúc ấy đang có mặt ở thủ đô Kuala Lumpur để họp với Đại Sứ Luis CdeBaca, Giám Đốc Văn Phòng Theo Dõi và Bài Trừ Nạn Buôn Người thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đang công du Mã Lai. Các nhân sự này nhanh chóng phối hợp với Tenaganita, một tổ chức hàng đầu của Mã Lai về chống buôn người, để giúp cho gia đình của Huyền Trân đối phó với mọi bất trắc.

 

Tại buổi họp, Đại Sứ CdeBada được thông bào về trường hợp này. Ông tỏ ra rất quan tâm không những cho nạn nhân và gia đình mà còn cho cả sự an nguy của các nhân sự của CAMSA. Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Mã Lai hứa sẽ theo dõi sát diễn tiến để can thiệp khi cần thiết.

 

“Chúng tôi báo động ngay cho cảnh sát quốc gia Mã Lai để canh chừng nhà của Cô Phượng. Đồng thời chúng tôi bố trí để bảo đảm tử thi của Cô Huyền Trân không bị hoả thiêu với mục đích phi tang”, Ts. Thắng phát biểu.

 

Tuy nhiên, theo Ông, kế hoạch này phải thay đổi khi nhận được tin cảnh sát Mã Lai đã xông vào nhà Cô Phượng để chuyển 4 thiếu nữ Việt ra nhà tạm trú của cảnh sát.

 

“Có lẽ họ thấy động tĩnh trong căn nhà và nghi rằng Cô Phượng chuẩn bị chuyển các thiếu nữ này ra một nơi khác”, Ts. Thắng nói.

 

Cảnh sát đưa chồng của Cô Phượng vào nhà giam trong khi Cô Phượng được ở nhà trông con nhỏ.

 

Ngày hôm sau, người em trai của Cô Phượng ra phi trường Kuala Lumpur để đón mẹ và một người dì của Huyền Trân, đưa họ về Ipoh và cho họ ngủ qua đêm tại nhà một người quen.

 

Sáng hôm sau, họ được dẫn đến một nhà quàn và nơi đây có người tự nhận là giới chức Mã Lai cùng với em trai của Cô Phượng áp lực hai phụ nữ đang còn ngơ ngác phải ký giấy chấp nhận thiêu xác của Huyền Trân thì mới được vào xem tử thi. Được dặn trước nên mẹ của Huyền Trân nhất định không ký.

 

Áp lực không xong, môi giới cuối cùng đành dẫn mẹ và dì của Huyền Trân đến bệnh viện Ipoh nơi thi thể của Huyền Trân đang được giữ để giảo nghiệm. Tại đây Ông Tân và một số nhân sự của CAMSA đã chờ sẵn.

 

Sau khi thăm xác con, mẹ và dì của Huyền Trân lên đường về nước ngay vì sợ kẻ bất lương gây rắc rối. Bà đã ký giấy uỷ quyền cho CAMSA làm việc trực tiếp với cảnh sát Mã Lai để tiếp tục cuộc điều tra. Thi thể của Huyền Trân sẽ được giữ lại giảo nghiệm cho đến khi cảnh sát hoàn tất hồ sơ. Sau đó Huyền Trân sẽ được hoả thiêu và tro sẽ được đưa về Việt Nam theo nguyện vọng của gia đình.

 

“Qua cuộc phỏng vấn sơ khởi với 4 thiếu nữ Việt, chúng tôi nhận thấy có điều khả nghi khi cả 4 người này khẳng định không hề biết Huyền Trân là ai trong khi họ đã ở cùng nhà với Huyền Trân nhiều tuần”, Ts. Thắng nhận xét.

 

CAMSA đang phối hợp với chính quyền Mã Lai để làm sáng tỏ vụ này, nhằm đem lại công lý cho Huyền Trân và gia đình.

 

“Họ phải được bồi thường thoả đáng cho sự mất mát quá lớn”, Ts. Thắng kết luận.

 

Ông Tân cho biết khi về lại Hoa Kỳ sẽ phối hợp chặt chẽ với CAMSA để cảnh giác các gia đình Việt Nam về các đường dây đưa cô dâu Việt sang Mã Lai.

 

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA trong tiếng Anh, được thành lập đầu năm 2008. Liên Minh CAMSA hiện gồm năm tổ chức thành viên: UBCNVB, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.

 

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:

BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041
- USA







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1689