Chúng ta Cần Chuẩn Bị & Tập Trung Hơn
Date: Sunday, June 21 @ 20:22:34 EDT
Topic: Quan Điểm


Thất Vọng Về Đại Sứ Michalak: Chúng ta học được gì?

Ts. Nguyễn Đình Thắng

 

Đầu tháng 6, hơn hai trăm người tham dự buổi hội thảo về Việt Nam do nữ Dân Biểu Loretta Sanchez tổ chức đã ngao ngán và thất vọng trước quan điểm và thái độ của Ông Michael Michalak, Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam. Nỗi thất vọng này có thể tránh được nếu chúng ta hiểu rõ nội tình và có chuẩn bị.

 

Về nội tình thì lần về Hoa Kỳ này, Đại Sứ Michalak có nhiệm vụ dọn đường cho buổi họp ngày 8 tháng 6 giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về hợp tác trong lãnh vực an ninh vùng trước sự bành trướng của Trung Cộng. Ngay sau đó Việt Nam lần đầu tiên cho tầu hải quân Hoa Kỳ hoạt động trong hải phận quốc gia, với mục đích biểu kiến là truy tìm người Mỹ mất tích trong cuộc chiến Việt Nam. Việc Đại Sứ Michalak tránh không chỉ trích Việt Nam về các vi phạm nhân quyền do đó chẳng đáng ngạc nhiên. Và buổi tiếp xúc của Ông hoá ra chỉ là diễn đàn để phủ dụ cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

 

 

Đại Sứ Michalak tại buổi họp báo ở Star Performing Arts Center, Fountain Valley, 06/06/09. Cùng với ĐS Michalak là nữ Dân Biểu Loretta Sanchez và Dân Biểu Ed Royce. (ảnh Trương Tuấn/Viễn Đông)



Nhân quyền không phải là ưu tiên của vị đại sứ này. Ông ta luôn che chắn cho Việt Nam trong hai lãnh vực tự do tôn giáo và chống buôn người-hai lãnh vực mà luật Hoa Kỳ ấn định chế tài nếu có sự vi phạm trầm trọng. Đại Sứ Michalak lập luận rằng nói chung Việt Nam đã cải thiện về tự do tôn giáo, còn những đàn áp đang xảy ra chỉ là hành động cá lẻ của một vài giới chức đia phương. Về buôn người thì Đại Sứ Michalak diễn giải ngay cả những trường hợp rõ rệt nhất và được công nhận bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thành các trường hợp tranh chấp lao động.

 

Biết thế, cộng đồng chúng ta đối phó ra sao?

 

Trước hết, trong mỗi thời điểm chúng ta cần tập trung vào một vấn đề thật gãy gọn thay vì tản mạn. Nếu chỉ có độc nhất một vấn đề được nêu lên, Ông Đại Sứ sẽ khó đánh trống lảng sang vấn đề khác. Khi chọn vấn đề, chúng ta cần chọn vấn đề nào có thế dựa của luật pháp của Hoa Kỳ để Ông Đại Sứ không thể không chấp hành. Và sau khi nêu vấn đề, chúng ta cần đề nghị ngay một số hành động cụ thể và hợp lý để thử thách thực tâm của Ông Đại Sứ.

 

Xin lấy một ví dụ trong lãnh vực buôn người. Chúng ta chỉ cần yêu cầu Ông Đại Sứ làm mỗi một chuyện: đòi chính quyền Việt Nam bồi thường cho 250 nạn nhân chiếu theo lệnh của toà thượng thẩm của American Samoa, một lãnh thổ Hoa Kỳ. Đây là vụ buôn người lớn nhất từ trước đến giờ do chính phủ liên bang Hoa Kỳ truy tố, mà kết quả là chủ sử dụng lao động bị tuyên án 40 năm tù. Song song với vụ truy tố hình sự là vụ kiện dân sự; năm 2001 toà thượng thẩm của American Samoa sử hai công ty quốc doanh Việt Nam đồng trách nhiệm trong việc bồi thuờng 3.5 triệu Mỹ kim cho các nạn nhân. Đối với hồ sơ này Ông Đại Sứ không thể nào dùng lập luận tranh chấp lao động để  tránh né. Ông Đại Sứ cũng khó thoái thác trách nhiệm bảo đảm chính quyền Việt Nam tôn trọng phán quyết của toà án Hoa Kỳ. Trong từng lãnh vực, chúng ta cần khéo chọn một hồ sơ cụ thể, có điểm tựa luật pháp, để làm mũi nhọn vận động.   

 

Khi đã có mũi nhọn cho từng lãnh vực, bước kế tiếp là vận động sự yểm trợ của các vị dân cử.  Chúng ta hiện có một yếu tố thuận lợi: tiếng nói của Dân Biểu Cao Quang Ánh từ ngay trong lòng Quốc Hội. Cũng dùng ví dụ trên, ngày 12 tháng 6 DB Ánh dùng diễn đàn Hạ Viện để kêu gọi các đồng viện cùng với Ông đòi hỏi Việt Nam trả tiền bồi thường cho các nạn nhân. Cộng đồng chúng ta trên toàn quốc cần vận động các vị dân cử của mình yểm trợ cho DB Ánh trong việc này.

 

Khi một vấn đề đã có đà, chúng ta lại đẩy thêm một vấn đề khác. Cứ thế, chúng ta lần lượt mở ra những mũi nhọn vừa rốt ráo mà lại vừa đa dạng. Những mũi nhọn thật bền bỉ và khó tránh né.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1630