Việt Nam buôn người là vi phạm nhân quyền
Date: Friday, June 12 @ 23:01:11 EDT
Topic: Chống Buôn Người


DB Cao Quang Ánh: Việt Nam phải bồi thường cho nạn nhân buôn người

 

Hoa Thịnh Đốn, 12/06/09 -- Dùng diễn đàn của Hạ Viện, Dân Biểu Cao Quang Ánh kêu gọi Quốc Hội Hoa Kỳ đòi hỏi Việt Nam bồi thường thiệt hại cho trên 230 cựu nạn nhân của vụ buôn lao động ở đảo American Samoa.

 

DB Cao Quang Ánh giải thích rằng “các nạn nhân này bị đánh đập, bỏ đói, sách nhiễu tình dục, và hăm doạ trục xuất.”

 

Để phòng ngừa họ bỏ trốn, chủ sử dụng lao động tịch thu tất cả giấy tờ tuỳ thân của nạn nhân và giam họ trong khu ký túc xá biết lập với xã hội bên ngoài.

 

DB Cao Quang Ánh tiếp xúc với đồng bào tại văn phòng BPSOS ở Orange County, 24/05/07

 

Xem video về lời phát biểu của DB Cao Quang Ánh tại Quốc Hội: http://www.josephcao.house.gov/Blog/?postid=132133.

 



Đây là vụ buôn người lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ do chính phủ Liên Bang truy tố. Ông chủ người Đại Hàn, Kil Soo Lee, bị tuyên án 40 năm và đang ở tù tại Honolulu, Hawaii. Trong vụ kiện dân sự do chính các nạn nhân khởi tố, đầu năm 2001 Toà Án Liên Bang ở American Samoa phán quyết là hai công ty xuất khẩu lao động quốc doanh Việt Nam cùng Ông Lee phải bồi thường tổng cộng 3.5 triệu Mỹ kim cho các nạn nhân.

 

Số nạn nhân này nằm trong đợt công nhân đầu tiên do Việt Nam gởi đi ngoại quốc lao động. Khi được báo động về tình trạng của những đồng bào này, BPSOS đã lập tức phối hợp với các cơ quan chính quyền Hoa Kỳ để tìm đường giải cứu. Mãi đến cuối năm 2000, các nạn nhân này mới được giải cứu, nhờ vào Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua chỉ trước đó mấy tháng.

 

Sau khi được giải cứu, các nạn nhân được cấp tốc đưa sang Honolulu. Sau đó phần lớn đã nhập cư vào nội địa Hoa Kỳ, số đông định cư ở Orange County, Houston, Philadelphia va vùng Hoa Thịnh Đốn.

 

“Vì Ông Lee đã phá sản và hiện đang ở tù, nhà nước Việt Nam phải chịu trách nhiệm toàn bộ cho việc bồi thường thiệt hại”, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành của cơ quan BPSOS, giải thích.

 

Tuy nhiên, Việt Nam đã tảng lờ đối với quyết định của Toà Án Hoa Kỳ.

 

“Gần 10 năm sau phán quyết của Toà Án, Việt Nam tiếp tục phủ nhận vai trò của họ trong các hành vi tàn ác này và trả tiền bồi thường”, DB Ánh nói.

 

Theo TS. Thắng, số tiền bồi thường hiện nay đã tăng lên đến 5 triệu Mỹ kim nếu tính cả tiền lãi trong bao năm qua.

 

DB Ánh nhận định rằng buôn người là một vi phạm nhân quyền trầm trọng và kêu gọi Quốc Hội Hoa Kỳ đòi hỏi chính phủ Việt Nam bồi thường thiệt hại cho nạn nhân để chứng minh sự tôn trọng pháp quyền.

 

“Hưởng ứng lời kêu gọi của DB Ánh, chúng tôi sẽ dấy lên một chiến dịch để áp lực chính phủ Việt Nam phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân do chính các công ty quốc doanh toa rập để buôn bán”, Ts. Thắng nói.

 

Theo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người của Hoa Kỳ, mà Dân Biểu Christopher Smith là tác giả, các quốc gia nào can dự vào hay bao che cho việc buôn người thì phải chịu sự chế tài.

 

Trước viễn tượng Viêt Nam có thể bị chế tài, năm ngoái Đại Sứ Michael Michalak đã hết lòng bênh vực và bào chữa cho Việt Nam mặc dù có nhiều chứng cớ cụ thể cho thấy chính phủ Việt Nam là yếu tố chính trong tiến trình buôn bán người lao động. Cho đến nay, luật pháp Việt Nam vẫn chưa công nhận buôn bán lao động là buôn người.

 

“Qua vụ American Samoa, chúng tôi muốn nhắc nhở Đại Sứ Michalak là Ông ta có trách nhiệm bảo đảm rằng Việt Nam tôn trọng phán quyết của toà án Hoa Kỳ”, Ts. Thắng phát biểu.  

 

Ông cho biết rằng chiến dịch tạo áp lực với chính phủ Việt Nam sẽ được phát động tại buổi “10 năm hội ngộ” của các cựu nạn nhân trong vụ Daewoosa American Samoa tổ chức ở Houston ngày 4 tháng 7 tới đây.

 

Trong chuyến viếng thăm Orange County gần đây, DB Ánh tiếp xúc với một người thuộc nhóm cựu nạn nhân trong vụ Daewoosa American Samoa tại văn phòng của BPSOS.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1623