Ngày Thuyền Nhân: 2 tháng 5, 2009
Date: Wednesday, April 29 @ 13:05:44 EDT
Topic: Tin Tức Thời Sự


Ngày thuyền nhân

Nguyễn Ðạt Thịnh

 

Trong lúc người Mỹ hân hoan kiểm điểm thành tích 100 ngày đầu tiên của tổng thống Obama, nguời Việt Nam cũng hãnh diện với thành tích 100 ngày đầu tiên của dân biểu Cao Quang Ánh: bản nghị quyết đầu tay của ông ấn định “Ngày tị nạn Việt Nam”.

 

“Nghị quyết này để tưởng nhớ ngày người Việt tị nạn đến Hoa Kỳ, để ghi nhận kinh nghiệm khổ đau và những thành quả của họ trên quê hương mới, và để vinh danh Hoa Kỳ, quốc gia đón nhận họ và vinh danh những tổ chức tự nguyện giúp đỡ thuyền nhân, tạo dễ dàng cho họ gia nhập vào giòng sinh hoạt của xã hội Hoa Kỳ,” ông Ánh nói về tác phẩm vô cùng ý nghĩa của ông.

 

Bản nghị quyết mang số 342 ấn định ngày mùng 2 tháng 5, 2009 là ngày “Người tị nạn Việt Nam”, được 67 dân biểu đỡ đầu và đuợc toàn thể hạ viện đồng thanh thông qua.

 



Vào ngày “Người tị nạn Việt Nam” sở Á Châu của thư viện quốc hội sẽ cùng với nhiều tổ chức Việt - Mỹ trên toàn liên bang tổ chức một cuộc hội thảo mang tên là “Hành trình đi tìm tự do: hoài niệm của thuyền nhân.”

 

Biện giải cho bản nghị quyết của mình, dân biểu Ánh nói, “Như nhiều người tị nạn khác tôi cũng đến Hoa Kỳ. Ngày 28 tháng Tư 1975, đúng 34 năm trước, trong lúc Sài Gòn gần thất thủ tôi leo lên một chiếc C- 130 trực chỉ Hoa Kỳ và trực chỉ cuộc sống mới của tôi”

 

Ông Ánh nói, sau chiến tranh có khoảng 2,000,000 thuyền nhân Việt Nam đã phân tán đi khắp nơi trên thế giới. Ðến năm 2006, đã có đến 72% những người này vào quốc tịch Mỹ, tỉ lệ này cao nhất so với mọi nhóm người Á Châu khác.

 

Người Mỹ gốc Việt đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển văn hoá và kinh tế của Hoa Kỳ; họ trở thành những nghệ sĩ, những khoa học gia, những phi hành gia, những chủ nhà hàng, những lực sĩ, giáo sư, và luật sư; và ngày 5/02/2009 được chọn làm ngày “người tị nạn Việt Nam” là để vinh danh cuộc hành trình tìm tự do của họ.

“Qua việc làm này, chúng tôi đặt vào tim và vào tri thức của người Mỹ những câu chuyện kiên trì bi thương, hùng tráng và cao cả, và cuộc tìm kiếm tự do của hàng triệu người tị nạn Việt Nam, để bảo đảm là những câu chuyện này sẽ tạo hứng khởi cho những thế hệ mai sau của Hoa Kỳ.”

 

Nỗ lực của dân biểu Ánh vinh danh người tị nạn được nhiều đoàn thể Việt Nam đón nhận nồng nhiệt, và nếu có một cuộc thảo luận về cái giá mà nguời tị nạn Việt Nam đã trả trong hành trình đi tìm tự do, như ý định cửa Thư Viện Quốc Hội, thì cuộc thảo luận đó có thể dài đến vô tận, vì thảm cảnh trên biển Ðông không bao giờ nói hết, và cũng không bao giờ phai nhạt trong ký ức của thuyền nhân.

 

Phóng viên Thanh Quang của đài Á Châu Tự Do vừa viết một bài rất hay về những nỗi thống khổ của người vượt biển.

 

“Khỏang một triệu người may mắn đến được những nơi họ muốn đến, thì cũng chừng ấy người đã vĩnh viễn ở lại dưới lòng biển cả,” Thanh Quang viết. “Mỗi năm cứ mỗi lần đến thời điểm 30 Tháng Tư là người Việt tị nạn tại hải ngọai không khỏi bùi ngùi nhớ lại thân nhân, bạn bè hay chính mình đã trải qua những chuyến vượt biển thập tử nhất sinh.”

 

Thanh Quang viết tiếp, “Riêng với những thuyền nhân sống sót, không ít người gặp phải thảm cảnh trên biển khơi, tiêu biểu nhất là bị bão, hải tặc hay tàu chết máy.

 

“Chẳng hạn như, chị Nguyễn Thị Hoa Hương, hiện đang định cư tại Hoa Kỳ, đã ra sức tìm đến bến bờ tự do hồi năm 1989 và gặp nạn, như chị mô tả sau đây :’Mình không có chỗ nằm, mình chỉ ngồi mà co hai chân lại, ngồi đủ chỗ thôi. Lâu lâu mình duỗi được cái chân thôi chứ không có được nằm. Đó là một kỷ niệm mà em không bao giờ quên khi mà tàu đi 7 ngày trên Thái Bình Dương thì đã bị bão biển rất là lớn và đã đánh tan chiếc tàu ra, chỉ còn lại thân chiếc tàu, còn đầu tàu và đuôi tàu thì bị đứt ra.

‘Trong cơn nguy cập đó thì người ta đã chuyển tất cả mọi người vô giữa thân của con tàu. Lúc bấy giờ sự chết kể như 90% rồi, tại vì bão kéo dài mấy ngày trời liên tục. Con tàu không còn bộ phận lái gì hết, tự con tàu trôi đi thôi. Trong mấy ngày như vậy thì lương thực hết rồi, mọi người bắt đầu nhịn đói, chỉ có những giọt nước để dành lại và mọi người chia nhau ra để mà uống.

‘Có những tiếng la khóc bởi vì sự chết đã đột tới (khóc). Bắt đầu có những người bị kiệt sức quá mà bắt đầu xỉu, trong đó cũng có em mê man không biết gì hết, chỉ nhớ là những người xung quanh đọc kinh cầu xin nhận cho nếu mà có bị chết thì xin cho linh hồn được siêu thoát một cách nhẹ nhàng.

‘Trong lúc trôi như vậy thì một sự may mắn đến với tất cả những con người trên tàu đó là được tàu của Hạm Đội VII Mỹ đang tập trận ở Thái Bình Dương cứu vớt. Khi cứu lên sàn tàu thì các phụ nữ và trẻ em đều vô phòng cấp cứu bởi vì đã bị kiệt sức quá rồi, không còn sự sống.

‘Một kỷ niệm mà nếu những ai đi con tàu đó thì chắc không bao giờ quên là các người Mỹ họ đã săn sóc, họ điều trị những người chết đi sống lại, cho phục hồi sức khoẻ rồi mới bắt đầu đưa vô Thái Lan. Trại đó là trại Panat Nikhom. Em ở đó là gần 9 năm."

 

Một thảm cảnh khác trên Biển Đông có liên quan đến chị Lê Thị Sen, hiện cũng đang ở Mỹ. Tàu chị Sen gặp cướp biển như chị cho biết :"Trên đường vượt biển thì gặp cướp biển. Ở trên tàu nó thả canô xuống qua tàu mình. Mấy người đàn bà con gái bị họ hãm hiếp và họ định đập cho tàu mình chìm nữa. Tiền bạc vòng vàng ai mà có đều nộp cho họ hết. Khi bị cướp xong chạy được một hồi thì tới dàn khoan của Mã Lai. Dàn khoan nó mới kéo tàu vô. Nếu mà không gặp dàn khoan đó thì chắc chìm chết rồi vì tối hôm đó sóng gió quá chừng, mà tàu thì cũng nhỏ nữa, giống như mấy chiếc thuyền đánh cá, mà ở dưới tàu là 126 người nằm sát nhau. Có nhiều đứa bé nó ói quá con mắt trắng dờ tưởng như nó chết rồi."

 

Bài viết của Thanh Quang còn rất dài, tôi chỉ trích ra hai truờng hợp để đề cập đến buổi hội thảo về “ngày tị nạn Việt Nam”, và để đề nghị với Thanh Quang, với dân biểu Cao Quang Ánh, và với quý vị văn nhân, ký gỉả sưu tập vài chục, vài trăm trường hợp trong hàng ngàn, hàng chục ngàn trường hợp thê thảm đã xẩy ra 34 năm trước hầu viết lên vinh danh hàng triệu nguời đã bỏ xác duới lòng biển cả, vinh danh thái độ quyết liệt bảo vệ và mưu tìm tự do của người tị nạn Việt Nam.

 

“Ngày người tị nạn Việt Nam” sang năm, ngày 5/02/2010 chúng ta sẽ in tác phẩm này, bằng Việt ngữ, bằng Anh ngữ và bằng ngôn ngữ của mọi quốc gia đang có người tị nạn, quyển sách có thể dầy hàng ngàn trang, và chắc chắn sẽ được hàng chục, hàng trăm ngàn người đón nhận để đặt vào tim và vào tri thức của người Mỹ, người Pháp, người Úc, người Gia Nã Ðại, những câu chuyện kiên trì bi thương, hùng tráng và cao cả, và cuộc tìm kiếm tự do của hàng triệu người tị nạn Việt Nam,”như dân biểu Cao Quang Ánh nói.

Nguyễn Ðạt Thịnh







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1567