Công Nhân Việt Bị Ngược Đãi
Date: Wednesday, March 18 @ 10:34:03 EDT
Topic: Chống Buôn Người


Lao Động Xứ Người: Bị Bóc Lột Và Hành Hung

 

LTS. Văn Phòng Hỗ Trợ Cộng Nhân Việt Nam ở Mã Lai, do Liên Minh CAMSA phối hợp với tổ chức Tenaganita thành lập, là chiếc phao độc nhất cho hàng trăm ngàn công nhân Việt lao động tại quốc gia này khi nhỡ ngại. Đối diện với sự bóc lột hay ngược đãi, họ không thể trông chờ vào công ty môi giới đã gởi họ sang Mã Lai hoặc toà đại sứ Việt NamKuala Lumpur. Dưới đây là hoàn cảnh của 8 nam công nhân ở vùng Sungai Petani, Mã Lai, hiện đang được Liên Minh CAMSA giúp đỡ.

 

*****

 

Tám công nhân nam đến từ Việt Nam hiện làm việc tại công ty Almat Tempatkcria.Alphaforge, thuộc vùng Sungai Petani, tiểu bang Penang. Khi ở Việt Nam họ ký hợp đồng với công ty môi giới là hơn 700 RM mỗi tháng kể cả giờ overtime (lương căn bản là RM 468).

 

Nhưng do điều kiện công ty ít việc làm nên công ty thường cho các anh nghỉ việc không trả lương. Chính vì thế nên lương của các anh rất thấp. trung bình chỉ khoảng RM 300, chỉ đủ tiền ăn uống.

 

 

Công nhân trên đường đi lao động ngoài nước (ảnh CAMSA)



Hơn nữa chỉ cần các anh làm sai sản phẩm, người quản lý đến không hỏi lý do hay nguyên nhân tại sao mà bạt tai công nhân; cuối tháng thì họ trừ lương cho mỗi lần làm sai như vậy mà không hề bị cảnh báo. Chỉ khi lĩnh lương công nhân mới biết họ bị trừ vì đã làm hàng sai.

 

Tình trạng này kéo dài liên tục nên ngày 16-01-09 các công nhân đã quyết định nghỉ làm, kể cả những công nhân khác trong công ty đến từ Nepal, BurmaBangladesh.

 

Ngày hôm sau người của công ty đến ký túc xá của 8 anh ở. Người của công ty hỏi tại sao các anh không đi làm. Các anh chưa kịp trả lời thì họ đã đấm và dùng giày đá vào đầu hai anh Hóa và Tiến, làm hai anh bị chảy máu đầu.Thấy hai anh bị như vậy, người của công ty nói đưa các anh đến bệnh viện nhưng các anh sợ hãi không dám đi và lấy thuốc của mình để tự bôi vào vết thương.

 

Sau Tết, bốn anh được cho đi làm trở lại còn bốn anh có lên công ty nhưng bị chặn lại. Tên của bốn anh này được dán lên trước công ty là cấm không được đi làm. Công ty không giải thích cho các anh tại sao không được đi làm. Các anh chỉ được nói la cứ về nhà nghỉ. Các anh sang đây để được làm việc, để kiếm tiền chứ đâu phải để ở nhà nghỉ ngơi không lương.  

 

Cho đến thời điểm này các anh vẫn phải ở nhà chờ. Gần đây họ gọi điện cho văn phòng Hỗ Trợ Công Nhân Việt Nam đ khẩn cầu sự can thiệp và giúp đỡ.

 

Hiện nay văn phòng đang lập danh sách của những trường hợp mất việc hay bị giảm việc vì ảnh hưởng của kinh tế suy thoái để chuyển cho chính phủ Việt Nam và yêu cầu giúp đỡ chiếu theo công văn số 118/QLLĐNN-QLLĐ, ngày 23-01-2009 của Cục Quản lý lao động ngoài nước. Công văn này hướng dẫn việc giải quyết quyền lợi của người lao động về nước trước thời hạn do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới.

 

Theo công văn này thì đối với Mã Lai chủ sử dụng phải chi trả tiền vé máy bay về nước và bồi thường hai tuần lương căn bản cho mỗi năm làm việc. Riêng phía môi giới Việt Nam phải hoàn trả tiền phí môi giới và phí dịch vụ cho công nhân theo tỉ lệ thời gian còn lại của hợp đồng, cũng như phải bồi thường cho những tổn hại gây ra cho công nhân.

 

======

Văn Phòng Hỗ Trợ Công Nhân Việt Nam do Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA trong tiếng Anh, phối hợp với tổ chức Tenaganita ở Malaysia thành lập đầu n ăm 2008. Liên Minh CAMSA hiện gồm bốn tổ chức: UBCNVB, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, và Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức). Trong chưa đầy một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho khoảng 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:

BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 - USA

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1529