Một Mẫu Đời Trong và Sau Tù Cải Tạo
Date: Thursday, February 19 @ 11:01:24 EST
Topic: Lịch Sử Qua Lời Ke


Hưng Yên

Hưng nằm ngay nơi cửa sổ, bên phải Hưng là ông Ba Cất, bên trái Hưng là Ðức râu. Cùng đội với ông Ba Cất có 2 Hưng, Hưng “bò tam” và Hưng sinh viên. Hưng bò tam thì cũng bình thường như những cải tạo viên khác không có gì đáng nói, trái lại Hưng sinh viên tuổi chỉ độ 24,  25 là cùng. Ngoài cái cao ráo, đẹp trai anh còn rất can đảm và tháo vát. Nghe nói thân phụ anh cũng là một sĩ quan của QLVNCH cấp bậc Trung Tá hiện đang tù cải tạo trong một trại nào đó ở ngoài Bắc, còn anh bị bắt đi tù vì tham gia lực lượng Phục Quốc. Anh đã trốn trại một lần, đi lạc ở trong rừng 4 – 5 ngày rồi bị bắt lại. Bị nhốt phòng kỷ luật, cùm một chân, hạ mức ăn xuống còn 8 kí lô một tháng mất 6 tháng sau đó được biên chế vào đội “trọng điểm” với ông Ba Cất. Người nằm bên trái Hưng là Ðức râu. Ðức râu “bò tam” Quân Cảnh và cũng cỡ tuổi với ông Ba Cất. Mặc dù trong đội chỉ có mình anh tên Ðức, nhưng vì râu anh đã rậm lại mọc rất nhanh, tối cạo sạch sẽ, sáng mai đã lại đen xì nên anh em gọi anh là Ðức râu riết rồi thành quen. Sau khi đã nằm cạnh nhau được gần một tháng, một tối trước khi mắc mùng đi ngủ Hưng thì thào bảo ông Ba Cất: Ðêm nay em sẽ thịt con mèo, anh chuẩn bị cho em ít giẻ rách để lau tay và mấy cái bao ny lông đựng đầu, lòng, da và chân mèo sáng mai đem đi thủ tiêu! Ông hỏi lại Hưng: Ðức râu có biết không? Hưng trả lời: Anh Ðức chuẩn bị cho em một ít nước để rửa tay!



Ðêm hôm ấy ông Ba Cất thao thức không ngủ được. Khoảng 1, 2 giờ sáng tự nhiên nghe tiếng mèo kêu “goao” một cái rồi im bặt, một lát sau Hưng thò tay qua ông khều khều, ông chuồn sang cho Hưng miếng dẻ rách và mấy cái bao ny lông. Sau đó một lúc lại thấy Ðức râu lục đục đi vào cầu tiêu, rồi thì hoàn toàn im lặng cho đến sáng. Sáng hôm sau Hưng bảo ông Ba Cất đưa cho anh cái gô ông vẫn dùng để nấu nướng linh tinh, Hưng bỏ vào đến nửa gô cả thịt cả xương đã được cắt ra lớn khoảng bằng hai ngón tay. Lại còn dặn ông xách theo ra hiện trường lao động đừng có để ở nhà. Dĩ nhiên Hưng chả cần nói ông cũng biết, để gô thịt mèo ở nhà là rất nguy hiểm. Khi mọi người đã ra hiện trường lao động hết rồi, ở nhà trật tự hay cán bộ an ninh trại thường mở đồ của tù ra kiểm soát. Nó mà thấy thịt còn sống và tươi nguyên tất sẽ hỏi thịt gì? Ở đâu mà có? Ai cho? Cho hồi nào? Khi phát giác ra là ban đêm đã giết mèo của cán bộ để lấy thịt thì thật là khốn nạn, mà cứ theo cái kiểu suy diễn của Việt Cộng thì không biết còn bao nhiêu tội phản động nữa sẽ cột vào cổ người tù!

Ông Ba Cất bỏ vào gô thịt một chút muối, một nắm mì vụn rồi xách ra hiện trường. Còn quần áo cắp nách đem theo để tắm giặt sau khi lao động thì ai cũng có, ông để ý thấy gói quần áo  Hưng cắp theo có hơi cồm cộm một chút bởi vì ở bên trong chắc chắn là phải có mấy cái bao ny lông đựng những bộ phận bỏ đi của con mèo. Trưa nay khi được xuống suối tắm giặt cứ việc thả cho nó trôi theo dòng nước thế là xong. Lúc nghỉ giải lao ông Ba Cất tranh thủ cải thiện được một nắm đọt chùm bao, rửa sạch bỏ vào gô, cho thêm vào chút nước, lúc về xách về, cán bộ hay trật tự có mở ra coi cũng chẳng sao, chỉ có một ít đọt chùm bao với nước chứ có gì đâu? Sau đó bắc lên bếp lửa nấu cho sôi một chặp thế là đã có một gô canh tuyệt hảo. Ông sẻ cho Phan Nhất Siêu, người chơi thân nhất với ông ở trong đội một chén nhỏ. Ăn xong, ông hỏi Siêu: Ngon không? Siêu trả lời: Tuyệt vời, thăm nuôi hơn một tuần rồi mà vẫn còn thịt cơ à? Ông cười: Thì cũng phải ăn dè chứ! Một lần ông hỏi Hưng: Làm cách nào mà tài thế? Hưng cười khẽ trả lời: Em để miếng cá khô ở cửa sổ, lão miêu mò tới, em chịt cổ, ấn mũi lão xuống sàn xi măng di di vài cái là xong, vì “tử huyệt” của giống miêu là ở ngay chóp mũi. Sau đó rạch một đường ở lưng lão, lột da như  người ta thay áo, rồi cắt cổ, mổ bụng moi ruột, cắt chân, tất cả bỏ vào bao ny lông, rửa tay, lau sạch mọi vết tích, xong! Ông Ba Cất khen: Cậu thật là tuyệt vời, nhưng cũng may trong nhà chỉ có một ngọn đèn chai treo ở cuối nhà gần lối vào cầu tiêu, chứ nếu là 1, 2 bóng đèn điện thì rất nguy hiểm!

Ông Ba Cất, Hưng và Ðức râu còn hợp tác trong một vụ làm thịt mèo nữa. Ít lâu sau ông và Ðức râu được biên chế sang K khác làm rau xanh, rồi Ðức râu được về trước ông khoảng một tháng. Riêng Hưng vẫn ở lại đội trọng điểm ở K cũ, không biết sau này ra sao.

Ông Ba Cất đã 3 lần ăn thịt mèo và lần này là lần thứ tư. Ông dìm chết con mèo, vớt lên để nằm trong một góc bếp, rồi ra cửa nhìn trước nhìn sau xem có con “chó vàng” nào không. Mới chưa tới 7 giờ sáng, còn sớm nên chưa thấy con chó vàng nào đi lại cả, thường thì phải sau 8 giờ sáng chúng mới xuất hiện. Ðặc biệt nhất là thằng Thuỷ - tên công an khu vực - nó thường đến văn phòng khóm vào khoảng 9 giờ, ngồi một lát rồi đi vòng vòng trong khóm, thỉnh thoảng nó tạt vào một nhà, nhòm ngó, nói năm ba câu rồi đi ra.

Một lần nó vào nhà ông Ba Cất, thấy ông  đang ngồi ở ghế nó không nói gì. Thấy nó vào, ông Ba Cất đứng lên nói: Chào cán bộ, nó không trả lới, lặng lẽ ra phía sau nhà, soi mói, nhìn ngắm một lúc rồi đi ra. Không chào, không hỏi, không nói với ông một tiếng. Thái độ ngạo mạn khinh khi khiến sự thù ghét Việt Cộng càng dâng trào lên trong ở lòng ông Ba Cất, ông lẩm bẩm chửi thề: Con bà  nó,  cái chế độ khốn nạn, toàn một lũ mất dậy, điếm đàng, sảo trá...
Không thấy tên công an nào, ông Ba Cất quay trở vào bếp, ông cũng lanh lẹ lột da, thay áo cho con mèo. Bỏ vào một cái bao ny lông tất cả ruột gan, phèo phổi, đầu, chân rồi đem chôn. Còn thịt rửa sạch chặt ra, ướp mắm muối định làm một nồi “khìa”. Tất cả mọi công việc ông Ba Cất cũng phải làm thật nhanh, vì nhà ông ai muốn ra vô lúc nào cũng được, nhất là đám chó vàng và những tên theo voi hít bã mía hại người để lập công. Bất chợt chúng vào mà thấy ông đang làm thịt một con mèo thì hậu quả không biết sẽ ra sao.

Tối hôm ấy mọi người đi làm về, cơm nước được dọn lên – dĩ nhiên vì chưa đi làm gì, nên bây giờ phần nấu nướng thuộc về ông Ba Cất.  Cơm được dọn lên với một tô thịt khìa thơm phức. Bà hỏi ông thịt gì? Ông trả lời là con mèo ở dưới giếng sáng nay. Ông tưởng mọi người sẽ ăn uống rất ngon miệng, nhưng không, bà cũng như mấy đứa con mỗi người chỉ gắp mấy miếng, ăn một cách rất miễn cưỡng. Chính ông cũng vậy, ông ăn cũng không thấy ngon. Cơm xong, tô thịt mèo còn nguyên, ông lại đem ra hàng rào đào lỗ chôn đi và bữa ăn thịt mèo ấy là bữa ăn thịt mèo cuối cùng trong đời ông Ba Cất!

Sắp hết tuần lễ thứ hai kể từ ngày được về mà vẫn chưa có việc gì làm. Ông Ba Cất càng ngày càng bực bội, mất bình tĩnh. Nhiều lúc ông nghĩ liều, nếu thằng Thuỷ công an khu vực còn nói ông ngồi không ăn bám nữa thì ông sẽ chửi cho nó một trận rồi muốn ra sao thì ra, vì theo ông chính chúng nó mới là những thằng ăn bám. Cách mạng với giải phóng cái đách gì mà đang ăn cơm ăn gạo nay khoai lang, khoai mì cũng không có đủ mà ăn. Văn minh văn hoá mới cái đách gì mà nói thì ngọng líu ngọng ló, cơ quan, bộ đội đóng ở chỗ nào – dù ngay ở giữa thành phố – thì chỗ ấy thối um lên như một cái cầu tiêu công cộng khổng lồ, bởi cứt chưa ỉa ra khỏi đít đã rình lấy đem đi bón cây thì hỏi sao không thối cho được. Văn minh văn hoá mới mà ăn bẩn, ở bẩn, hối lộ từng điếu thuốc lá... Ông Ba Cất tưởng như không còn chịu đựng được nữa thì một buổi chiều trong bữa ăn bà bảo ông:

- Ông Hồng nhà ở phía trong này, ông ấy bảo nếu anh muốn đạp xích lô thì ngày mai ông ấy sẽ cho anh mượn xe từ 12 đến 2 giờ trưa là lúc ông ấy về ăn cơm để anh đạp thử. Ðạp thử mấy ngày, nếu anh chịu thì ông ấy sẽ giới thiệu chỗ cho mướn xích lô mà đạp.

Nghe vợ nói, ông Ba Cất như chợt tỉnh: Ừ nhỉ, thế mà ông không nghĩ ra, bây giờ chỉ còn đạp xích lô là tốt nhất. Ngày còn ở trong tù ông cũng đã nghe nói có nhiều sĩ quan cấp uý, cấp tá, sau khi ra tù về Sài Gòn cũng đạp xích lô. Giáo viên, giáo sư sau giờ dạy học cũng đạp xích lô kiếm thêm tiền bởi lương nhà giáo bây giờ không đủ sống. Thế thì có sao đâu, có xấu là xấu mặt “cách mạng” chứ xấu gì họ. “Cách Mạng” là thay cũ đổi mới, thế mà “cũ” mặc quần còn “mới” ở truồng thì xấu mặt Bác, xấu mặt Ðảng chứ xấu mặt ai. Ông Ba Cất là kẻ bại trận, “gặp thời thế, thế thời phải thế”, bây giờ cứ phải sống cái đã, sau này khi có cơ hội sẽ lại tính. Nghĩ vậy nên ông Ba Cất “hồ hởi, phấn khởi” nói với vợ:

- Ừ nhỉ, thế mà anh không nghĩ ra, bây giờ đạp xích lô là số dzách rồi. Mai em nói với ông Hồng cho anh mượn xe, anh nghĩ đạp xích lô cũng không khó đâu!
Ông Ba Cất lại cảm thấy vui vẻ ở trong lòng, ông Hồng đã đem đến cho ông một lối thoát mà ông không nghĩ ra. Ðêm hôm ấy ông “yêu” bà một cách tận tình, thoải mái vì nghĩ rằng ngày mai ông sẽ có một thay đổi mới.
Trưa hôm sau ông Hồng đem xe đến trước cửa nhà ông Ba Cất gọi:

- Ông Ba Cất ơi, xe này!

Ông Ba Cất đi ra thì ông Hồng bảo:

- Ông đạp thử đi, 2 giờ đem xe về cho tôi, nhưng nếu lỡ đang có khách thì cứ đạp tiếp, không nhất thiết là phải đúng 2 giờ!
Ông Ba Cất cám ơn rồi hỏi lại ông Hồng:

- Nhà ông ở đâu chỉ cho tôi để đúng 2 giờ tôi đem xe về?

Ông Hồng vui vẻ:

- Không cần đâu, ông cứ đem xe về đậu ở đây, nhà tôi ở trong kia, nhưng tôi ra đây lấy xe đạp đi được rồi.

Thế là ông Ba Cất nhẩy lên xích lô đạp đi. Vừa ra đến đầu hẻm, cách nhà không quá 100 mét ông đã gặp người khách đầu tiên. Bà khách bảo chở đến chùa Tịnh Ðộ, ông Ba Cất nhớ mang máng là chùa Tịnh Ðộ ở con đường nào đó ông đã thấy rồi, ông nói: Xin bà cho 3 đòng! Bàù khách leo lên xe, ông vừa đạp xe vừa cố nhớ xem chùa Tịnh Ðộ nằm trên con đường nào... Ðó là cuốc xe đầu tiên trong quãng đời đạp xích lô của ông Ba Cất.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1510