Các Yếu Tố Tạo Sức Mạnh
Date: Wednesday, February 04 @ 14:20:45 EST
Topic: Quan Điểm


TS Nguyễn Đình Thắng
Chủ nhiệm báo Mạch Sống

Nền dân chủ Hoa Kỳ chỉ áp dụng cho những ai biết tập hợp để tạo sức mạnh và có tiếng nói ảnh hưởng. Nói cách khác, nền dân chủ Hoa Kỳ là nền dân chủ của các tổ chức dân sự. Ở Hoa Kỳ hiện có 1.6 triệu tổ chức bất vụ lợi chính thức hoạt động và hàng năm có thêm 80 đến 100 ngàn tổ chức mới ra đời.

Tuy nhiên không phải tổ chức nào cũng vững mạnh và hữu hiệu. Như thế, đâu là bí quyết để một tổ chức tạo sức mạnh và đạt hiệu quả?



Một tổ chức chỉ hữu hiệu nếu nó nhân hiệu năng của mỗi thành viên so với khi họ hoạt động rời rẽ. Thực vậy, bằng không thì không có lý do gì phải đến với nhau trong tổ chức. Và muốn nhân hiệu năng, thì một tổ chức phải hội đủ ba yếu tố.

Yếu tố thứ nhất là mọi thành viên phải cùng đi chung một con đường. Số đông tự nó không tăng hiệu năng, mà ngược lại thường làm giảm hiệu năng do tình trạng năm người mười ý. Mỗi người một hướng đi, một lối đi thì đương nhiên dẫn đến náo loạn rồi hỗn loạn. Để đi chung một con đường thì mọi thành viên không những phải chung mục đích mà còn phải cùng quan điểm giá trị.

Có hai loại giá trị: giá trị lõi, vốn là những giá trị đạo đức; và giá trị chiến lược, vốn là những nguyên tắc hành sử. Giá trị lõi, như công chính, công lý, nhân phẩm, nhân ái, tự do, hạnh phúc, thường miên viễn, ít thay đổi. Còn giá trị chiến lược, như xuất sắc, lãnh đạo, cấp tiến, học hỏi, trách nhiệm, đa nguyên, độc lập… thuộc về thực hành và do đó cần thay đổi tuỳ theo thời kỳ và hoàn cảnh. Người Việt thường nói "của cho không bằng cách cho". Khi cho thức ăn thì mục đích là giúp người đói được no. Tuy nhiên, cho cách nào—trân trọng hay bố thí—phản ảnh quan điểm giá trị đạo đức. Ngày xưa, Nguyễn Trãi nêu rõ nền tảng giá trị ấy khi chọn con đường chí nhân để dành độc lập cho nước nhà. Sau này Hồ Chí Minh cũng dành độc lập nhưng lại chọn con đường cực ác.

Yếu tố thứ hai là kế hoạch chiến lược với trọng tâm sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, mục tiêu cụ thể, và thời điểm rõ ràng. Có việc phải làm trước, có việc phải làm sau, và có việc dứt khoát không làm. Một trọng tâm phải là đầu tư để trường tồn: tăng lượng thóc giống để mỗi vụ phát triển thêm diện tích canh tác. Thông thường, một tổ chức phải đầu tư ít ra 20% năng lực và tài nguyên vào việc củng cố và phát triển tổ chức để trường tồn. Thiếu kế hoạch chiến lược thì đụng đâu làm đó, thiếu tập trung nên hao tổn công sức, thời gian, và tài nguyên cho đến khi kiệt quệ và bị xoá sổ.

Yếu tố thứ ba là chọn đúng người và dùng người đúng chỗ. Nhân sự trước và trên hết phải tin vào sứ mạng và các giá trị của tổ chức; bằng không họ sẽ tạo khó khăn do phân tán hơn là tạo sức mạnh do tập hợp. Đồng thời nhân sự phải có khả năng thích hợp với nhu cầu của tổ chức; và rất quan trọng, việc phân bổ chức năng phải tuỳ theo sở trường của mỗi người để đạt thành quả tối đa. Nếu khéo phân bổ theo sở trường, thì sở đoản của mỗi người sẽ không phải là điều đáng quan tâm.

Xét về tổ chức, cộng đồng của chúng ta còn rất non yếu. Số tổ chức người Việt còn thưa thớt so với mức trung bình ở Hoa Kỳ: cứ 200 người Mỹ thì lại có một tổ chức bất vụ lợi. Các tổ chức người Việt có hoạt động hiệu quả thì lại càng khan hiếm. Trong 10 năm qua Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển đã bỏ nhiều năng lực để đáp ứng nhu cầu tổ chức của cộng đồng: tính đến nay, UBCNVB đã hướng dẫn và hỗ trợ trên 50 tổ chức về tạo sức mạnh.

Trước những thử thách của nền kinh tế sưy thoái và những cơ hội đổi thay lớn, trong năm 2009 chúng tôi sẽ càng gia tăng công tác tổ chức và phát triển cộng đồng để sao người Việt chúng ta có thể tự bảo vệ quyền lợi cũng như góp phần giải quyết những vấn nạn lớn của xã hội Hoa Kỳ.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1501