Bạo Hành Trong Gia Đình
Date: Monday, February 02 @ 10:59:26 EST
Topic: Mái Ấm Gia Đình


Thiên Thơ
Phụ Trách Chương Trình CADV

Chương Trình Chống Nạn Bạo Hành của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển (UBCNVB) xin giới thiệu đến đọc giả những dịch vụ miễn phí giành cho nạn nhân của Nạn Bạo Hành Trong Gia Đình. Bài viết này dưới dạng phỏng vấn bằng câu hỏi và giải đáp và được thực hiện bởi Cô Thiên Thơ nhân viên văn phòng chi nhánh Silver Spring, Maryland và Võ Thảo (TV) nhân viên văn phòng Falls Church Virginia.

TV: Cô Thiên Thơ, khi có một người khách bị bạo hành gọi vào văn phòng để tìm sự giúp đỡ thì cô sẽ làm gì?

TT: Câu hỏi của Thảo cũng hơi bao quát. Theo tôi thấy khi một khách hàng gọi đến UBCNVB thì họ cũng đã biết là họ cần được giúp những gì. Nhưng tôi cũng muốn chia sẻ với quý vị khi tôi nhận được điện thoại thì phần lớn là họ đã bị bạo hành về tinh thần hoặc về thể xác. Trong trường hợp nạn nhân bị người hôn phối đánh có thương tích, chúng tôi khuyên họ nên gọi cảnh sát. Cảnh sát sẽ đến ngay tại hiện trường để điều tra. Nếu cảnh sát tin rằng nạn nhân đang gặp nguy hiểm, nhân viên cảnh sát có thể xin lệnh bảo vệ khẩn cấp bằng cách gọi điện thoại cho thẩm phán hoặc toà án. Nếu toà án hoặc thẩm phán chấp nhận cho ra lệnh bảo vệ khẩn cấp, thì nhân viên cảnh sát sẽ điền vào những điều lệnh bằng giấy tờ, và đưa một bản sao cho nạn nhân. Lệnh bảo vệ khẩn cấp này không cho người hành hung tiếp xúc với nạn nhân ít nhất 72 tiếng.



TV: Nếu trong 3 ngày này mà người hành hung vẫn tiếp tục liên lạc để nói chuyện hoặc hăm dọa nạn nhân thì việc gì có thể xảy ra?

TT: Nếu người vợ sợ hãi và báo cảnh sát thì người hành hung có thể bị bắt.

TV: Nếu nạn nhân bị đánh có thương tích nhưng không dám gọi cảnh sát mà chỉ gọi đến UBCNVB thì chúng ta giúp được gì?

TT: Chúng tôi khuyên họ là nên xin lệnh bảo vệ sơ khởi tại tòa án dân sự nếu họ cảm thấy không an toàn sống chung với người hành hung. Và nếu nạn nhân muốn xin lệnh bảo vệ này, chúng tôi có thể đi cùng nạn nhân đến toà án để giúp thông dịch. Thông thường lệnh bảo vệ này được cấp ngay ngày nạn nhân đến xin và có hiệu lực trong vòng 2 tuần. Trong lệnh bảo vệ sơ khởi này cũng quy định ngày và giờ nạn nhân và người hành hung phải ra toà để lấy lệnh bảo vệ 2 năm. Nếu nạn nhân không muốn tiếp tục lấy lệnh bảo vệ 2 năm, thì nạn nhân phải liên lạc tòa án để xin huỷ bỏ phiên tòa này.

TV: Theo Thảo thấy, phần đông phụ nữ Việt Nam không thích dính liếu đến cảnh sát, toà án hay việc thưa kiện. Nạn nhân bị bạo hành thường gọi vào UBCNVB để hỏi ý kiến là họ nên làm gì. Trong trường hợp này thì cô giải quyết ra sao?

TT: Khi một người khách gọi vào, họ thường tâm sư về gia đình của họ. Họ có hỏi ý kiến là họ nên làm gì. Chúng tôi sẽ giải thích về những dịch vụ có sẵn để họ hiểu rõ hơn và để họ tự quyết định là họ sẽ làm gì. Chúng tôi luôn tôn trọng quyết định của họ và sẽ không làm bất cứ điều gì khi họ chưa đồng ý. Ngoài ra chúng tôi luôn tuyệt đối bảo mật tất cả những cuộc nói chuyện với họ.

TV: Có khi một người gọi vào chỉ vì quá đau khổ và bối rối không biết làm cách nào để gia đình họ sống hòa thuận và tốt đẹp hơn. Trong trường hợp này UBCNVB có thể giúp đỡ họ được không?

TT: Thường thì chúng tôi có thể giúp giới thiệu họ đến một cố vấn tâm lý người Việt để tâm sự với họ và tìm biện pháp giải quyết cuộc sống gia đình. Dịch vụ này có thể được miễn phí hoặc trả tiền tuỳ theo trường hợp.

TV: Trường hợp nạn nhân mới qua Mỹ chưa có giấy tờ thường trú lại bị bạo hành xảy ra, nạn nhân rất sợ bị trục xuất hay bị trả về Việt Nam, họ sẽ được giúp đỡ gì?

TT: Chương trình Chống Bạo Hành Trong Gia Đình của UBCNVB tại Falls Church, Virgina được sự tài trợ từ quận Fairfax nên mọi dịch vụ trong chương trình này đều được miễn phí cho những nạn nhân sống trong quận Fairfax. Chúng tôi có luật sư về di trú có thể giúp nạn nhân tự xin thẻ xanh nếu nạn nhân có hôn thú. Luật sư sẽ trò chuyện với nạn nhân và thu thập những thông tin cần thiết, Luật sư sẽ quyết định giúp nạn nhân khi biết rõ thực sự bạo hành có xảy ra.

TV: Vậy những nạn nhân không sống trong quận Fairfax hay sống ở những tiểu bang khác thì sao?

TT: Chúng tôi sẽ giới thiệu họ đến những hội đoàn khác nơi họ đang cư ngụ để được giúp đỡ.

TV: Trong trường hợp nạn nhân chưa có thẻ xanh, bị bạo hành và bị hăm dọa bắt con thì sao?

TT: Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ giúp nạn nhân tìm một luật sư về gia đình để giúp họ xin quyền chăm sóc con và xin tiền cấp dưỡng. Nếu nạn nhân muốn ly dị, chúng tôi có thể giới thiệu nạn nhân đến những cơ quan khác.

TV: Trường hợp nạn nhân bị bạo hành và muốn ra khỏi nhà ngay lập tức thì UBCNVB có nhà tạm trú cho họ không?

TT: UBCNVB không có nhà tạm trú giành cho nạn nhân bị bạo hành. Nhân viên của chương trình có thể tìm nhà tạm trú cho nạn nhân. Nạn nhân có thể sống trong nhà tạm trú này khoảng 1 tháng và sau đó nạn nhân có thể được chuyển đến ở một nơi khác.

TV: Thường thì nạn nhân không biết tiếng Anh lại không biết lái xe thì làm sao họ có thể đến nhà tạm trú?

TT: Nhà tạm trú sẽ cung cấp phương tiện di chuyển như taxi để đón nạn nhân từ nhà họ đến nhà tạm trú. Họ cũng có thông dịch viên tiếng Việt trên điện thoại để giúp đỡ nạn nhân nói chuyện với nhân viên của họ.

TV: Ngoài những dịch vụ nói trên thì chương trình này còn có những dịch vụ nào khác giúp đỡ nạn nhân không?

TT: Chúng tôi còn có thể giúp đỡ nạn nhân xin trợ cấp xã hội như food stamp, medicaid, giữ trẻ hoặc chương trình WIC (giúp đỡ phụ nữ và em bé về sữa, tã và thức ăn). Ngoài ra chúng tôi còn có thể giúp xin học Anh văn miễn phí hoặc giới thiệu đến những nơi xin việc làm.

TV: Chúng tôi xin tạm dừng buổi phỏng vấn này. Nếu quý vị muốn biết thêm về chương trình chống bạo hành, xin quý vị liên lạc với UBCNVB qua số điện thoại bên dưới. Trong trường hợp khẩn cấp xin gọi 911, nếu quý vị không biết tiếng Anh xin nói "Vietnamese Please". Cảnh sát sẽ cung cấp một thông dịch viên qua điện thoại. Ngoài ra quý vị có thể gọi đường dây khẩn cấp của quốc gia về bạo hành 1-800-799-7233. Đường dây này có thông dịch viên tiếng Việt và nhân viên phục vụ 24 tiếng mỗi ngày và 7 ngày trong tuần.

Chương Trình Chống Nạn Bạo Hành Trong Gia Đình của UBCNVB được sự tài trợ của Door of Hope, Fairfax County Consolidated Funding Pool (FY08) và U.S. Department of Justice, Office on Violence Against Women, Legal Assistance for Victims Grant Program (2006-WL-AX-0036).

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1499