Từ Thiện và Dân Chủ
Date: Friday, November 28 @ 11:41:52 EST
Topic: Quan Điểm


TS Nguyễn Đình Thắng
Chủ nhiệm báo Mạch Sống

Cảnh khốn cùng của đồng bào trong nước thường làm cho chúng ta lấn cấn giữa tình và lý. Ai nặng tình thì chủ trương giúp người ngay trước mắt, dù chỉ là một số nhỏ trong biển khổ mênh mông. Ai nghiêng về lý thì muốn giải quyết tận gốc các vấn nạn xã hội và chủ trương không tiếp sức hay làm hộ cho chế độ độc tài và tham nhũng.



Một bên thì đánh động vào sự thương cảm của đồng bào đối với đồng bào, trước những cảnh tượng đau lòng của các người cùi, các trẻ mồ côi, các người phế tật. Bên kia thì cho rằng vấn nạn xã hội là do chế độ thối nát và bất công gây ra, do đó muốn giải quyết tận gốc thì nhất thiết phải giải trừ chế độ trước đã.

Thực ra hai lập luận không chỏi nhau, mà là hai mặt của một đồng tiền, cùng cần thiết như nhau và bổ trợ cho nhau.

Nếu chỉ giải quyết từng trường hợp cá lẻ thì đó là làm theo cảm xúc, thiếu trọng điểm và căn cơ, trong khi tệ nạn xã hội ngày càng lan rộng và trầm trọng hơn; tài nguyên hiếm hoi của cộng đồng Việt ở hải ngoại sẽ bị phân tán theo những công việc manh mún.

Ngược lại nếu chỉ giải trừ chế độ thì không có nghĩa là các vấn nạn xã hội sẽ tự động được giải quyết. Xã hội băng hoại vì chế độ tồi bại đã phá huỷ kỷ cương của xã hội ấy. Thay đổi chế độ mà không xây dựng lại được kỷ cương ấy thì tình trạng băng hoại sẽ trầm trọng hơn.

Muốn xây dựng lại kỷ cương cho một xã hội băng hoại, chúng ta cần tuân thủ hai nguyên tắc căn bản trong hoạt động xã hội và từ thiện.

Nguyên tắc thứ nhất là mọi vấn đề xã hội phải được vừa đối phó đằng ngọn vừa giải quyết đằng gốc. Nhà bác học Einstein từng nhận xét rằng một vấn đề chỉ có thể giải quyết ở tầm sâu hơn là tầm nơi sản sinh ra vấn đề. Chỉ đối phó với triệu chứng mà không chữa lành thì chỉ là nuôi bệnh. Phát chẩn cho người nghèo khó mà không đi kèm với phát triển khả năng kinh tế cho họ có khi tai hại về lâu về dài; hoặc trợ giúp cho nạn nhân mà không đòi hỏi luật pháp bảo vệ và tôn trọng quyền và lợi ích của người dân thì trở thành vô nghĩa. Muốn giải quyết vấn đề ở đằng gốc thì hoạt động phải có quy mô, hiểu theo nghĩa cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Nguyên tắc thứ hai là mọi sự trợ giúp từ thiện đều phải có điều kiện, như phải nộp dự án với mục đích, mục tiêu, kế hoạch hành động, và ngân sách dự trù; phải báo cáo đều đặn và minh bạch về công việc và chi thu; phải thiết lập cơ chế cân bằng và kiểm soát để tránh lạm quyền; phải có kế hoạch tự lực cánh sinh trong thời hạn nhất định; phải có sự kiểm soát và đánh giá của nguồn cấp ngân khoản; phải chứng minh sự hữu hiệu qua những thành quả cụ thể và được tiên liệu; phải có kế hoạch đào tạo nhân sự về kỹ năng và khả năng quản trị và lãnh đạo; v.v. Nghĩa là phải có quy củ. Không đặt điều kiện thì những sự trợ giúp của chúng ta có nguy cơ góp phần làm băng hoại thêm xã hội vì nó khuyến khích sự lạm dụng, sự thiếu minh bạch, sự tuỳ tiện, và sự độc tôn.

Tôn trọng hai nguyên tắc trên sẽ nâng cao tiêu chuẩn hoạt động và khuyến khích mọi tổ chức thăng tiến về quy củ và quy mô. Được vậy thì công tác từ thiện sẽ bắt đầu gieo mầm cho xã hội dân sự. Khi xã hội dân sự phát triển thì lúc ấy mới huy động được tổng lực của xã hội để giải quyết các vấn nạn xã hội. Chính xã hội dân sự ấy là kỷ cương cần thiết cho một xã hội dân chủ lành mạnh.

Được thế thì những đóng góp của ân nhân sẽ được đầu tư cho một giải pháp lâu dài thay vì bị tiêu pha vào muôn vàn công tác món. Lòng nhân thôi thúc chúng ta lên đường, nhưng mỗi bước chúng ta đi phải được soi sáng bằng lý trí.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1456