Đi Lao Động Nước Ngoài: Thân Phận Cô Thế
Date: Wednesday, November 05 @ 14:29:09 EST
Topic: Chống Buôn Người


Diễn Tiến Hồ Sơ Hai Công Nhân Hãng Mộc Perabut Mei-Wah (tiếp theo)

LTS: Tháng 4 năm nay Liên Minh CAMSA phối hợp với tổ chức Tenaganita để thành lập văn phòng hỗ trợ công nhân Việt Nam đặt tại Penang. Trong 6 tháng hoạt động, văn phòng này đã can thiệp cho trên 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến 3 ngàn công nhân. Để mở rộng tầm hoạt đông, văn phòng này đã lập đường dây điện thoại hỗ trợ toàn quốc dành cho 130 ngàn công nhân Việt Nam ở Mã Lai. Dưới đây là câu chuyện thương tâm của hai nữ công nhân Việt Nam làm việc cho một doanh nghiệp mộc có tên là Perabut Mei-Wah ở khu Juru thuộc bang Penang từ ngày 19 tháng 10 năm 2006 cho đến nay. Họ được công ty cung ứng lao động NAPHACO đưa sang. Công việc của hai chị là chuyên may áo phủ ngoài cho ghế sô pha. Liên Minh CAMSA đang tạo áp lực để chủ nhân phải trả lương cho hai chị. Đặc biệt trong trường hợp này công ty NAPHACO chứng tỏ tinh thần trách nhiệm, bày tỏ mối quan tâm đối với tình cảnh của hai chị, và nhờ nhân viên văn phòng hỗ trợ công nhân Việt Nam giúp đỡ cho hai chị.

***

Perabut Mei-Wah là một doanh nghiệp mộc nhỏ tại khu Juru thuộc bang Penang, Malaysia. Hiện tại có hai nữ công nhân Việt Nam đang làm việc tại nơi này. Như đã đề cập một cách chi tiết ở bài viết trước, hai nữ công nhân này đang gặp khó khăn rất lớn về vấn đề tiền lương. Hai chị làm việc miệt mài mà chủ không trả lương cho. Đã 5 tháng nay (từ tháng 6 năm 2008) hai chị không nhận được một đồng lương nào từ phía chủ. Ngoài ra, mỗi khi hai chị đề cập đến tiền lương, chủ còn chửi mắng hai chị.

Hai nữ công nhân tại Cục Lao Động, 7/10/08 (ảnh CAMSA)



Không có tiền ăn, nợ vẫn còn chồng chất tại quê nhà, hai nữ công nhân này phải đi xin việc làm thêm bên ngoài để lấy tiền ăn qua ngày. Hai chị đi rửa bát cho một cửa hàng ăn uống của người Hoa gần khu hai chị ở, làm 3-4 tiếng buổi tối, mỗi tối cũng kiếm được 10 RM (tương đương với 3 USD). Hầu như đêm nào cũng phải 11.00-11.30 giờ đêm hai chị mới về đến nhà. Số công nhân Nepal cũng cùng cảnh ngộ như vậy.

Trước sự bất công này, hai chị đã điện thoại về cho công ty cung ứng lao động NAPHACO (Công Ty Cổ Phần Dược Phẩm Nam Hà) ở Hà Nội để trình bày vấn đề và yêu cầu được giúp đỡ. Khi điện về thì cô thư ký cho biết là công ty đã bị nhà nước tịch thu giấy phép hoạt động “xuất khẩu” lao động.

Ngày 4 tháng 10 năm 2008 hai chị đã đến văn phòng hỗ trợ công nhân Việt Nam xin được giúp đỡ.

Ngày 7 tháng 10 năm 2008, một người chuyên giúp người Nepal nhân dịp dẫn công nhân Nepal đi báo cáo tình hình chủ thiến nợ tiền lương với Cục Lao Động ở địa phương, cũng thay mặt văn phòng Penang làm bản báo cáo luôn cho hai nữ công nhân Việt Nam.

Ngày 20 tháng 10, giới chức Cục Lao Động lập tức tiến hành việc điều tra thực tế tại công ty.  Họ xác định những lời báo cáo của công nhân Việt NamNepal là sự thật. Giới chức chất vấn ông chủ ngay tại công ty, Chủ hứa sẽ trả hết toàn bộ số tiền lương nợ các công nhân nội trong khoảng từ 21-24 tháng 10 năm 2008. Nhưng thời hạn đã qua đi mà các công nhân vẫn không nhận được một đồng nào.

Ngày 28 tháng 10 năm 2008 hai nữ công nhân Việt Nam đã ra Cục Lao Động một lần nữa để nộp đơn lên tòa án công nghiệp đòi quyền lợi. Cục Lao Động sẽ cho biết ngày ra tòa xét sử. Hai công nhân này cũng đã viết bản tường trình gửi lên Đại Sứ Quán và Cục Quản Lý Lao Động của Việt Nam tại Kula Lumpur để nhờ can thiệp.

Mặc dầu nợ lương công nhân, khi giấy phép làm việc hết hạn chủ vẫn đưa công nhân đi khám sức khỏe chuẩn bị cho việc gia hạn giấy phép làm việc năm thứ 3. Kết quả xét nghiệm máu vừa qua cho biết là một công nhân Việt, chị H., bị viêm gan B dương tính.

Ngày 30 tháng 10 năm 2008 tòa án lao động có buổi xét sử giữa ông chủ Perabut Mei-Wah và nam công nhân Nepal tại Cục Lao Động địa phương. Chủ mang các giấy tờ ngân hàng ra hầu tòa để chứng minh Công ty Perabut Mei-Wah đang có nguy cơ phá sản.

Trong lúc này, chị H. hoang mang, buồn bã vì tin chị bị viêm gan B dương tính. Chị lo buồn về bệnh tật; mặt khác chị thấy bất công vì làm đằng đẵng những tháng qua mà lại chưa lấy được đồng lương nào. Còn chị công nhân Việt kia thì cũng có hoàn cảnh không kém thê lương: chồng chị đã qua đời mấy năm nay, chị để con ở nhà cho bố mẹ chăm sóc để ra đi lao động hầu cải thiện đời sống gia đình, thế mà hoàn cảnh cũng thật trớ trêu với chị.

Ông chủ của Perabut đang tính lương để trả cho chi H. trước khi lên đường về nước. Chủ cũng hứa chỉ có thể trả cho chị kia 2 tháng lương.

Văn phòng Penang đang chờ thư xác định ngày ra tòa từ Cục Lao Động địa phương.

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1435