Đạo Đức và Dân Chủ
Date: Monday, October 27 @ 12:25:15 EDT
Topic: Quan Điểm


TS Nguyễn Đình Thắng
Chủ nhiệm báo Mạch Sống

Ở thời buổi này, ít ai lấy đạo đức làm nền tảng để xây dựng một Việt Nam dân chủ. Nhiều người quan niệm rằng lật đổ chế độ độc tài, rồi tổ chức tổng tuyển cử với sự tham gia của nhiều chính đảng thì tức khắc có dân chủ. Cách nhìn giản đơn ấy dễ dẫn đến hành động đi ngược với ý nguyện và lời nói.

Ðạo đức là khởi điểm để xây dựng, là keo sơn để gìn giữ dân chủ.



Ðạo đức cần thiết để xây dựng niềm tin. Niềm tin ấy giúp con người tập hợp được với nhau thành tổ chức để cùng giải quyết các vấn đề xã hội, tương thân tương trợ, tranh đấu cho một lý tưởng chung, hay ảnh hưởng chính sách. Tất cả những tập hợp tự nhiên và tự do ấy được gọi là xã hội dân sự. Có chính đảng, có tuyển cử mà thiếu xã hội dân sự thì đó là chế độ tập đoàn sứ quân chứ không phải dân chủ.

Ðối xử với nhau thiếu đạo đức, thì niềm tin suy giảm rồi tan biến; người ta đến với nhau qua những tính toán cơ hội, để rồi không sớm thì chầy sẽ gấu ó và thanh trừng lẫn nhau. Xã hội ấy chỉ có tan mà không có hợp, chỉ có cấu kết chứ không có đoàn kết.

Ðiều này rất rõ khi so sánh miền Nam trước và sau ngày bị nhuộm đỏ.

Trước, dù cuộc chiến khốc liệt, con người vẫn tin nhau và tìm đến với nhau; trẻ nhỏ đã học công dân giáo dục; tình láng giềng nồng ấm, sâu đậm; tinh thần tương thân tương trợ phát triển và phổ cập; các tổ chức và hội đoàn ra đời và sinh hoạt nhộn nhịp. Vốn xã hội – những sợi dây vô hình bện con người lại với nhau – chằng chịt và phong phú.

Sau, vì muốn độc quyền thống trị, chế độ cầm quyền không muốn người dân tập hợp lại thành sức mạnh nên đã phá huỷ niềm tin giữa người và người, reo rắc sự nghi kỵ và thù hận từ thành phố đến thôn làng, từ gia đình đến tôn giáo. Không ai còn dám tin ai: hàng xóm rình rập nhau, đồng nghiệp tố giác nhau; cha không tin con, vợ không tin chồng; nhất cử nhất động ai ai cũng phải suy tính, dè chừng kẻo mang hoạ. Vốn xã hội của đất nước trở nên xơ xác, cạn kiệt, muốn gầy dựng lại sẽ phải mất nhiều thế hệ. Ðó là tội nặng nhất của Ðảng Cộng Sản Việt Nam đối với dân tộc.

Ðiều đáng tiếc là có những tổ chức chống cộng cũng đang tiêu huỷ vốn xã hội trong cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như trong lòng dân tộc. Vì lợi nhỏ trước mắt, vì háo thắng hay háo danh, họ không nhìn xa để lường được hậu quả lâu dài cho đại cuộc. Họ hành xử thiếu minh bạch, thông tin sai lạc cho đồng bào, trục lợi lòng tin của thành viên, khuynh loát các tổ chức khác với họ. Họ cho rằng tiểu xảo là tài trí, thủ đoạn là khôn ngoan.

Ðối với họ bất luận con đường nào cũng đều chấp nhận được miễn sao đạt mục đích nào đó mà họ ngộ nhận là dân chủ—dân chủ không phải là mục đích, hiểu theo nghĩa tĩnh của điểm đến, mà là một hành trình miên viễn được định tính bởi cung cách hành xử của các thành viên và cơ cấu trong xã hội. Trong sự hăm hở đạt cho kỳ được mục đích nào đó, đi đến đâu họ tiêu thổ và chặt cầu đến đó mà không biết rằng dân chủ chính là con đường mà họ đang phá huỷ.

Ðạo đức rất quan trọng. Quan trọng để tái lập niềm tin, để con người đến được với nhau, để vun bồi vốn xã hội, và để phát triển xã hội dân sự làm nền tảng cho nền dân chủ sau này.

Ðã đến lúc mọi người trong chúng ta cần dứt khoát đòi hỏi đạo đức nơi những người, những tổ chức, những đảng phái tự nhận là tranh đấu cho dân chủ.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1424