Giải Cứu 105 Đồng Bào ở Jordan
Date: Sunday, October 19 @ 01:10:12 EDT
Topic: Chống Buôn Người


Tiếp Tục Can Thiệp Cho Công Nhân Việt Ở Jordan

Liên Minh CAMSA vận động sinh viên tiếp tay

 

Liên Minh CAMSA, một nỗ lực chung của bốn tổ chức, đang phát động chiến dịch giải cứu 105 công nhân Viêt, phần lớn là phụ nữ, ở Jordan. Số công nhân này tiếp tục bị bắt làm việc quá giờ và mức lương thấp hơn nhiều so với hợp đồng. Họ đang bị phong toả trong việc liên lạc với bên ngoài để cầu cứu. Đây là những công nhân còn sót lại sau đợt giải cứu đầu năm nay.

 

Họ thuộc số 261 công nhân, toàn phụ nữ ngoại trừ 4 người nam, được đưa sang Jordan từ cuối năm 2007 đến đầu năm 2008. Mặc dù hợp đồng hứa hẹn mức lương 250 Mỹ kim một tháng cho 8 tiếng, có công nhân chỉ được phát 30 Mỹ kim một tháng và phải làm việc 16 tiếng một ngày. Vì không chịu nổi sự bóc lột, ngày 10 tháng 2 năm nay 176 công nhân đình công.  Ngày 19 tháng 2, chủ nhân, người Đài Loan, đã đưa nhân viên bảo vệ và cảnh sát đến để bắt họ đi làm trở lại. Khi công nhân cự tuyệt thì họ bị đánh đập dã man.

 


Công nhân bị cảnh sát đánh trọng thương ngày 19 tháng 2 ở Jordan
(ảnh CAMSA)



Do sự can thiệp của Liên Minh CAMSA, ngày 27 tháng 3 Bộ Lao Động Jordan đã gửi phái đoàn đến giải cứu số công nhân này và đưa một số chị em phụ nữ bị trọng thương hay ốm nặng đi cấp cứu. Chính quyền Việt Nam mặc dù chủ trương đẩy công nhân trở lại làm việc cuối cùng đã phải đưa 156 công nhân về nước do áp lực của quốc tế và chính phủ Jordan.

 

Tuy nhiên vẫn còn 105 công nhân kẹt ở Jordan. Thoạt tiên họ đồng ý ở lại làm việc vì được phái đoàn chính phủ Việt Nam đến Jordan hứa hẹn rằng công ty Sơn Hoa từ nay sẽ tuân thủ theo hợp đồng. Nhưng rồi lời hứa hẹn đã không được giữ; công nhân vẫn phải lao động 14 tiếng một ngày với đồng lương chỉ bằng nửa mức ấn định trong hợp đồng. Đầu tháng 10 họ đình công nhưng không chuyển tin ra ngoài được do chủ nhân đã giam giữ họ trong công ty và phong toả mọi đường dây liên lạc.

 

Ngày 13 tháng 10, Liên Minh CAMSA phát động nỗ lực giải cứu số công nhân.

 

Lần này, Liên Minh CAMSA nhắm vào thân chủ đặt hàng với hãng may Sơn Hoa.

 

Nói chuyện với hội sinh viên Việt Nam ở Đại Học Georgetown ngày 14 tháng 10, Ts Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, giải thích: “Mục tiêu của chúng ta rất đơn giản: đưa số 105 công nhân này về Việt Nam an toàn. Các bạn có thể làm được điều này.”

 

Ts Thắng kêu gọi sinh viên lên tiếng với trường đại học của mình để tạo áp lực với Aramark, công ty đặt hàng với hãng may Sơn Hoa. Với 12 tỉ Mỹ kim ngân sách hàng năm và bản doanh đặt ở thành phố Philadelphia, Aramark cung cấp đồng phục và thức ăn cho gần 600 trường đại học Hoa Kỳ. Liên Minh CAMSA đã soạn sẵn thư mẫu để các sinh viên vận động với nhà trường đặt vấn đề với công ty Aramark.

 

Trong buổi nói chuyện với sinh viên còn có sự tham gia của ba nữ công nhân mà cách đây 9 năm đã từng là nạn nhân của hãng may Daewoosa ở American Samoa. Cuối năm 2000, do sự can thiệp của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, họ đã được giải cứu và đưa vào Hoa Kỳ định cư. Thủ phạm, Ông Kil Soo Lee đã bị chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ truy tố và bị phạt tù 40 năm.

 

“Xem những video và hình ảnh của công nhân ở Jordan thì thấy giống y như bọn chị ngày xưa. Chị kêu gọi các em hãy giúp cho những đồng bào xấu số ấy”, chị Mai, một trong các cựu nạn nhân của Ông Kil Soo Lee, tâm sự.

 

Các sinh viên tham dự đều nức lòng khi thấy tận mắt cảnh đồng bào bị bóc lột, đánh đập, và chà đạp nhân phẩm. Một sinh viên cho biết sẽ vận động các hội sinh viên Việt Nam ở nhiều trường đại học trong vùng Hoa Thịnh Đốn cùng tham gia cuộc vận động.

 

Chị Phú, một cựu nạn nhân khác của Ông Kil Soo Lee, cho biết sẽ kêu gọi các bạn trong số trên 200 công nhân Daewoosa được giải cứu cuối năm 2000 đóng góp tài chánh để Liên Minh CAMSA có phương tiện can thiệp cho đồng bào đang bị bóc lột ở Jordan và nhiều quốc gia khác.

 

Trong những tuần lễ tới đây, một số thành viên của Liên Minh CAMSA sẽ tiếp xúc với nhiều hội sinh viên khác nữa ở các tiểu bang khác nhau.

 

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA trong tiếng Anh, được thành lập tháng 2, 2008 bởi bốn tổ chức: UBCNVB, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, và Liên Hội Người Việt Canada.

 

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin gửi về:

 

BPSOS/CAMSA

PO Box 8065
Falls Church, VA 22041
- USA







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1410