Công Nhân Việt Ở Mã Lai: Đề Phòng Tai Nạn
Date: Monday, August 25 @ 21:10:46 EDT
Topic: Chống Buôn Người


CÔNG NHÂN VIỆT Ở MALAYSIA:

HÃY CẢNH GIÁC TAI NẠN NƠI LÀM VIỆC

 

Qua kinh nghiệm của một công nhân, chúng tôi muốn nhắc nhở các công nhân Việt về hai điều cần biết. Thứ nhất, công nhân cần những kiến thức căn bản về an toàn và sức khoẻ nơi làm việc để phòng tránh những rủi ro có thể gây thương tích hay tử vong. Thứ hai, công nhân cần biết về quyền lợi của mình khi gặp tai nạn. Theo luật lao động của Malaysia thì bất kỳ một công ty hoặc nhà máy nào dù lớn hay nhỏ đều phải mua bảo hiểm cho công nhân nước ngoài của họ. Nếu công nhân bị tai nạn trong giờ làm việc thì công nhân đó sẽ được hai khoản tiền đền bù đó là Personal Accident và Workmanship Compensation. Trường hợp này cũng cho thấy rằng, khi công nhân có luật sư lên tiếng bảo vệ cho mình, chủ sử dụng lao động có lý do hơn để hợp tác. Liên Minh CAMSA hiện phi hợp với văn phòng Penang của tổ chức Tenaganita để bảo vệ quyền lợi cho công nhân Việt.

 

Liên Minh CAMSA

 

*****

 

Định sinh ra trong một gia đình 8 anh chị em. Nghề nông là phương tiện chính để bố mẹ kiếm tiền nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Định đã từng được học qua nghề cơ khí vài năm ở Sàigòn và làm ở đó một thời gian ngắn. Em quyết định đi Malaysia để làm việc vì nghe bạn bè nói ở Malaysia này dễ kiếm sống.

 

Định tới đất nước này ngày 12 tháng 8 năm 2006 qua công ty cung ứng lao động Enlexco có trụ sở đặt tại Huế. Em đang làm việc trong một công ty bao bì có tên Golder Frontier Packaging tại khu công nghiệp Sungai Bakap cách bang Penang khoảng nửa tiếng xe hơi. Hàng ngày phải làm việc 8 tiếng. Khi nào công ty nhiều việc em phải làm tới 12 giờ đêm. Công việc chính của em là đứng máy in.

 

 

Em Chu Văn Định, nạn nhân tai nạn lao động, Sungai Bakap, Malaysia 



Định biết tới văn phòng của Tenaganita ở Penang qua người bạn trong một Hội Thánh. Em điện thoại đến nhiều lần với một thái độ rất rụt rè. Định trình bày vấn đề em bị tai nạn trong nhà máy lúc nửa đêm khi đang làm việc ngoài giờ. Tôi đã trao đổi nhiều với em trên điện thoại để hiểu thêm về tình hình của em.

 

Tôi gặp Định sau chương trình nâng cao nhận thức về HIV/AIDS cho công nhân Việt Nam ở gần khu em làm việc. Hôm đó vào ngày Chủ Nhật. Em cho biết “lẽ ra là em phải đi làm nhưng mong được gặp cô nên em đã nghỉ làm”. Tôi xúc động vô cùng khi gặp em. Em nở một nụ cười hiền hòa và chào tôi bằng “cô”. Nụ cười của em rạng rỡ trên khuôn mặt khiến tôi có cảm giác em rất thông minh.

 

Tôi đã lặng người đi và không nói được điều gì khi em cho xem bàn chân mà máy cắt đã lấy đi của em. Em đã mất toàn bộ bàn chân trái. Tôi hỏi em, chuyện xảy ra như thế nào? Em cho biết, chiếc máy in bao bì mà em phụ trách rất to và nặng, động cơ của nó chạy với tốc độn lớn. Hôm đó em lại mặc chiếc quần ống rộng, cho nên khi máy chạy nó cuốn cái ống quần của em vào và lôi theo cả bàn chân trái của em vào luôn. Em kêu lên, thế là người trực ca hôm đó ngay lập tức đưa em đi bệnh viện lúc 12.30 sáng ngày 4 tháng 3 năm 2008.

 

Em phải nằm viện cho đến ngày 6 tháng 3 thì ra viện và được nghỉ cho đến 16 tháng 6 thì đi làm trở lại. Trong suốt thời gian nghỉ có giy bnh này, công ty đã trả lương căn bản cho em. Công ty không cho em biết gì về việc bồi thường bảo hiểm.

 

Hiện tại, Định trông mong công ty thương tình bồi thường cho sự mất mát đau đớn của em. Em ao ước có một số tiền để giúp mẹ chữa bệnh vì mẹ em đang bị bệnh tim ở quê nhà, mỗi tháng phải uống thuốc tốn khoảng 500-600 ngàn đồng Việt Nam. Em cũng mong có một số vốn để sau này trở về đầu tư học cho mình một cái nghề nuôi thân.

 

Văn Phòng Penang đã tiến hành liên lạc với công ty để đòi tiền bồi thường cho em Định. Luật sư của công ty cho biết họ sẽ hợp tác với văn phòng trong vấn đề này. Số lượng đền bù là bao nhiêu thì chưa rõ.

 

Grace Vu

 

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1373