Nụ Cười Hé Nở Trên Môi
Date: Friday, August 08 @ 15:38:11 EDT
Topic: Tài Chánh


Hà Tuyền

Món quà đáng kể nhất khi làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận là đóng góp một phần nào đó để giúp đỡ cá nhân và cộng đồng có được một tương lai tốt đẹp, an bình và hạnh phúc hơn. Sự đóng góp nhỏ bé này tuy không đáng kể nhưng có ảnh hưởng không ít đến đời sống của người mà mình đã và đang giúp đỡ. Mỗi lần nghĩ đến lớp luyện thi quốc tịch và lớp dạy tiếng Anh thì tôi lại nhớ đến những nụ cười thân thương và giọng cười thân thiện của những vị mà tôi đã có dịp quen biết.



Những quý vị này đã phải đương đầu với nhiều khó khăn và vượt qua bao nhiêu gian nan để được cư trú và định cư tại Hoa Kỳ. Nhưng khi họ đặt chân đến quốc gia đầy cơ hội ngàn vàng này, họ lại gặp phải những trở ngại khác vì không biết nói tiếng xứ người. Mặc dù họ cứ khẳng định rằng họ lớn tuổi và trí nhớ kém nhưng họ đã cho tôi thấy được sự cứng rắn và kiên trì của họ qua sự tham gia vào những lớp học này. Mặc dù chỉ học thuộc lòng những chữ cái hay luyện tập viết những câu tiếng Anh căn bản, họ vẫn không ngừng học và không bỏ cuộc một cách dễ dàng.

Chỉ cần nói đến thi tiếng Việt thôi cũng đã khó rồi huống hồ chi lại phải thi quốc tịch bằng tiếng Anh thì lại càng khó hơn. Không những phải nhớ những câu hỏi và trả lời mà còn phải hiểu người phỏng vấn hỏi gì nữa. Những vị cao niên ngoài học viết ra họ còn phải học đọc và nói tiếng Anh nữa. Phần lớn các vị này chưa hề học qua tiếng Anh bao giờ hoặc nếu có thì chỉ biết chút ít mà thôi.

Tôi biết luyện dạy thi quốc tịch bằng tiếng Anh cho các vị này sẽ không đơn giản mà là một thử thách lớn. Mỗi tuần chúng tôi tập đọc, phát âm, và viết. Tôi cảm nhận được sự kiên trì của những vị cao niên này khi từ vựng càng ngày càng tăng và những bài học càng ngày càng nhiều. Chưa học một làm sao biết hai. Thấy được sự khó khăn của họ, văn phòng UBCNVB thay đổi phong cách dạy thi quốc tịch để đạt được kết quả tốt. Thay vì dạy học từng câu 1 đến 100 thì chúng tôi chia những câu hỏi thành những đề tài khác nhau, khác hẳn với cách học mà mấy bác lớn tuổi đã từng học là chú trọng đến trí nhớ và học thuộc lòng. Theo kinh nghiệm mà văn phòng chúng tôi rút tỉa ra được từ nhiều năm qua, chúng tôi muốn những người học không những nhớ bài mà còn phải hiểu những câu hỏi và trả lời những câu hỏi đó.

Lớp luyện thi quốc tịch bằng tiếng Anh thường kéo dài hơn sự dự đoán của chúng tôi bởi vì những người học còn phải học phần đọc và viết của bài thi. Giờ viết là giờ nhộn nhịp và vui nhất của lớp vì những vị cao niên đùa giỡn và trêu ghẹo lẫn nhau. Mỗi người phải lên bảng viết một câu bằng tiếng Anh. Sau khi viết xong thì những người khác ở trong lớp sửa lại chính tả và học bài chung với nhau. Chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên bởi sự hiểu biết của những vị cao niên này. Tôi rất khâm phục họ vì trong số họ có những người dù bận đi làm mà vẫn đổ công học thêm tiếng Anh. Thêm vào đó, họ còn rất siêng năng ghi danh học lớp luyện thi quốc tịch. Khi lớp luyện thi quốc tịch mãn khoá, có nhiều vị... nhưng có rất nhiều vị cao nhiên đã hỏi về lớp kế tiếp. Điều này cho chúng tôi thấy rằng họ rất chăm học và rất muốn trở thành công dân Hoa Kỳ.

Bác Vũ Thị Quý đã tâm sự với chúng tôi "Chừng nào văn phòng mở lớp thì tôi đi học lại. Chỉ sợ là không có ai mở lớp và dạy thôi chứ tôi thì sẵn sàng đi học. Trời có tuyết tôi cũng đi nữa." Nhiều người khác cũng có những suy nghĩ tương tự. Điều đáng quan tâm là vì đề thi quốc tịch sẽ thay đổi sau tháng 9 năm nay; do đó, các vị cao niên mong đi học thi quốc tịch sớm để tránh những khó khăn mà đề thi mới có thể gây nên.

Tôi có được cơ hội làm thông dịch viên cho hai khách hàng của UBCNVB. Tôi ôn lại những câu hỏi trong bài thi cho họ để làm quen với họ, giúp họ chuẩn bị kỹ lưỡng, và trả lời những thắc mắc mà họ có. Cách này rất hữu hiệu vì nó làm người đi thi yên tâm hơn và giảm bớt sự lo âu khi mà tôi ôn bài cho họ và giải thích rõ những câu hỏi hoặc âu lo mà họ có. May mắn thay, những người mà tôi đưa đi thông dịch đều đậu và đã trở thành công dân Hoa Kỳ. Nhìn thấy họ vui mừng tôi cũng vui theo. Tôi đem những kinh nghiệm mà tôi học được trong lúc đi thông dịch thi quốc tịch để kể lại và áp dụng chúng vào những lớp học này.

Việc làm của tôi với tư cách là cô giáo dạy tiếng Anh cũng rất là thú vị đối với tôi. UBCNVB đang hợp tác với Catholic Charities và Kentucky Refugee Ministries để dạy tiếng Anh cho những người tị nạn của mỗi hội đoàn. Nhóm người học của chúng tôi gồm nhiều sắc dân khác nhau. Nào là người An-ba-ni, Miến Điện, Cuba, Irắc, Liên Xô, Sô ma li, và Việt Nam. Chương trình dạy Anh văn này có khác biệt ở chỗ là chúng tôi bao gồm các bài học về công dân, đời sống, tổ chức những cuộc du ngoạn vui ngoài trời và có tính cách giáo dục. Nói về những bài học về đời sống thì chúng tôi mời các diễn thuyết đến để nói chuyện như là mời luật sư di trú đến nói về di trú, một cô y tá nói về đơn thuốc, v.v. Về phần du ngoạn thì chúng tôi thăm viếng quan tòa, đi chơi bowling, và đi xem những viện bảo tàng ở Kentucky.

Ngoại trừ người Việt Nam ra, những người tị nạn khác là những người mới đến định cư tại Hoa Kỳ. Có vài người đến đây độ hai tháng. Có vài người đến đây được vài tuần. Sự tương tác giữa tôi và những người này phô bày những điều tôi không chú ý đến hoặc xem thường. Ví dụ hẳn hoi là chúng tôi cung cấp thức ăn nhẹ cho những học sinh này và họ không hề phàn nàn về thức ăn mặc dù chưa hề được ăn qua những món này bao giờ. Họ rất vui mừng và chấp nhận những quần áo cũ mà nhà thờ nơi chúng tôi mở lớp cho họ. Tôi nghĩ lại thấy mình không được như vậy. Tôi đã được nuông chiều ngay từ bé thơ cho nên chỉ ăn những loại táo mà tôi thích hoặc đi sắm đồ ở những chợ đặc biệt mà thôi. Tiếp xúc với những người tị nạn này làm tôi hồi tưởng đến ký ức xưa khi gia đình tôi mới sang Hoa Kỳ.

Chúng tôi cũng đã từng trong hoàn cảnh của những người tị nạn này; ngỡ ngàng vì sự khác biệt ngôn ngữ và phong tục tập quán giữa xứ người và quê nhà; cảm giác nhớ nhà không thể diễn tả được; v.v. Tuy nhiên, tôi không hiểu sao tôi lại đánh mất đi cuộc sống giản dị đó và ngừng cảm kích những thứ mà những người tị nạn cho là giá trị. Nhiều lúc nghĩ lại tôi thấy mình may mắn biết bao khi được sinh sống và trưởng thành trên một đất nước đầy tình nhân ái và giàu có này.

Vai trò của tôi trong lớp dạy tiếng Anh là dạy lớp tiếng Anh căn bản cho những người mới bắt đầu. Vì tiếng Anh của họ có giới hạn nên tôi đã nhặt được vài câu bằng nhiều thứ tiếng. Chúng tôi có thông dịch viên cho những bài học về đời sống hoặc những cuộc du ngoạn đặc biệt và thích thú. Đây là cơ hội để tôi hỏi những người thông dịch viên dạy tôi vài câu bằng tiếng của họ. Có một câu chuyện rất đáng nhớ và tiếu lâm mà tôi không thể nào quên được. Tôi cảm thấy hãnh diện và rất vui khi tôi học lỏm được một câu để hỏi "bao nhiêu" bằng tiếng Miến Điện. Tôi trông chờ cơ hội để trổ tài khi gặp lại những học sinh Miến Điện trong lớp học Anh Văn.

Thế rồi cơ hội cũng đến. Trong lớp học kế tiếp, tôi dùng câu hỏi "bao nhiêu" cho hai vị Miến Điện giống như người thông dịch viên đã dạy cho tôi. Hai người họ lặp lại theo tôi. Tôi lại tưởng tôi đã phát âm sai nên tôi nói lớn hơn và chậm rãi hơn. Tuy nhiên, họ cũng lặp lại câu mà tôi vừa mới hỏi. Tôi nghĩ thầm trong bụng không biết tại sao họ cứ lặp lại câu hỏi này. Tôi quyết không bỏ cuộc và thử lại vài lần nữa nhưng rồi cũng chịu thua khi thấy họ nhìn tôi bằng ánh mắt bối rối và khó hiểu.

Lần sau, khi gặp người thông dịch viên, tôi tường thuật lại câu chuyện ấy. Té ra tôi mới hay rằng người Miến Điện khi mà hỏi về cái gì thì họ lại nói cái vật đó trước rồi mới đến phần hỏi. Anh thông dịch viên dễ thương này đã kể lại câu chuyện và ý nghĩ của tôi là gì cho hai người Miến Điện kia nghe. Nghe xong, họ cười phá lên. Anh thông dịch viên còn đùa là nếu tôi muốn hỏi người Miến Điện cái gì thì tôi phải biết những từ ngữ của tiếng Miến Điện. Tôi không thể nào chỉ vào một vật và hỏi "bao nhiêu" được vì nó không có ý nghĩa gì cả mà tôi phải nói cái tên của vật đó ra luôn. Bây giờ tôi mới biết rằng học tiếng Miến Điện khó hơn là tôi tưởng tượng.

Những kinh nghiệm mà tôi có được qua tiếp xúc với những vị này rất là kỳ diệu. "Trao cho ai hạnh phúc là đáng được hưởng hạnh phúc." Món quà đáng kể nhất trong công việc này là nhìn thấy được những nụ cười vui vẻ trên đôi môi của những vị cao niên này.

Chương trình NEST tại Louisville, KY được tài trợ bởi Văn Phòng Định Cư Cho Người Tị Nạn, ngân khoản số 90RE0135.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1364