Phòng Chống Buôn Người: Kết Cục Nhân Hậu
Date: Thursday, July 10 @ 00:38:01 EDT
Topic: Chống Buôn Người


Phòng Chống Buôn Người: Một Kết Cục Nhân Hậu

 

Liên Minh CAMSA hiện hỗ trợ tổ chức chống buôn người Tenaganita ở Mã Lai mở văn phòng thường trực để can thiệp cho các nạn nhân trong số 130 ngàn người Việt đang lao động ở Mã Lai. Văn phòng bắt đầu hoạt động ngày 1 tháng 4 năm nay và đến nay đã can thiệp được cho mười vụ lớn, nhỏ. Bên cạnh những vụ lớn và nổi bật là một số vụ được giải quyết êm thắm. Dưới đây là bài tường thuật về một vụ như vậy.

***

Khi quyết định đi lao động ở nước ngoài, xa quê hương, không bạn bè, những người lao động mang cả một sự dũng cảm, một nghị lực to lớn với mong muốn cải thiện đời sống nghèo khó tại quê nhà.

            Mỗi người phải vay ngân hàng một khoản tiền rất lớn so với hoàn cảnh kinh tế của họ, nhờ những công ty môi giới “xuất khẩu lao động” giúp tìm việc làm ở nước ngoài. Nhiều người may mắn được vào làm việc tại những công ty có mức lương khá, công việc ổn định và mỗi tháng họ có thể tiết kiệm được một khoản tiền nho nhỏ gửi về gia đình, trong đó một phần để trả nợ vay ngân hàng. Nhưng cũng có vô vàn trường hợp công nhân Việt Nam bị công ty cắt lương, trừ lương, nợ lương, gây khó khăn cho họ. Một trong những trường hợp đó là bốn công nhân Việt Nam làm việc cho Công ty Silver Plus ở đảo Penang – Malaysia. Đây là một trong nhiều trường hợp văn phòng Tenaganita tại Penang đã giúp đỡ thành công.

 

 

Tiếp tế thực phẩm cho 4 công nhân Silver Plus, Penang, 20/05/08



Bốn công nhân này sang Penang từ giữa tháng 8 năm 2007 qua sự môi giới của công ty cổ phần đầu tư và xuất nhập khẩu Quảng Ninh, chi nhánh Hà Nội. Họ được đưa đến làm việc cho công ty Silver Plus cùng một số người lao động Nepal. Trong ba tháng liền, từ tháng 3 năm 2008, công ty đã không trả lương cho họ; ông chủ trốn nợ không đến công ty. Khi hỏi người quản lý thì mới biết công ty đứng trước cảnh phá sản.

            Ba tháng liền không nhận được lương, những đồng tiền dành dụm cuối cùng cũng hết. Bốn công nhân phải liên lạc với bạn bè, những người công nhân Việt Nam cũng đang làm việc ở đây, để nhờ giúp đỡ. Nhưng bạn bè cũng như họ, làm sao có thể giúp họ nhiều.

Trong nỗi lo lắng, họ gọi điện cầu cứu Công ty Cổ Phần Đầu Tư và Xuất Nhập Khẩu Quảng Ninh. Nhưng Công ty này đã không làm tròn trách nhiệm như đã ký kết trong hợp đồng dịch vụ: không trả lời và cũng không làm gì để giúp họ.

Tiếp tục cầu cứu tới toà đại sứ Việt Nam tại Kualar Lumpur, bốn công nhân hy vọng ít ra toà đại sứ sẽ giúp đưa họ được về nước. Nhưng thêm một lần thất vọng khi họ nhận được câu trả lời thẳng thắn của nhân viên toà đại sứ quán Việt Nam: “Chúng tôi không thể giúp gì. Chúng tôi không có quỹ cho những trường hợp này”.

Họ được giải thích rằng, nếu muốn về nước, họ phải nộp cho toà đại sứ 1300 – 1500 Mã kim, tương đương với 6,5 triệu – 7,5 triệu đồng Việt Nam. Đó là chi phí làm thủ tục nhập cảnh và mua vé máy bay cho họ về Việt Nam. Với bốn công nhân khốn khổ này, mua thức ăn cầm hơi qua ngày còn chưa nổi, huống hồ nộp khoản tiền to lớn mà toà đại sứ đòi hỏi. Vì vậy toà đại sứ mới “lắc đầu” không giúp cho những công dân Việt Nam mà họ có trách nhiệm đại diện quyền lợi và giúp đỡ khi gặp khó khăn.

Qua bạn bè, bốn công nhân này biết đến văn phòng Tenaganita tại Penang và đã gọi điện thoại nhờ giúp đỡ. Họ nói trong sự lo âu và sợ hãi: “Chị ơi giúp chúng em với, chúng em không còn biết làm sao nữa. Tất cả nhờ vào sự giúp đỡ của các anh chị”!

Trước hoàn cảnh đáng thương của họ, văn phòng nhanh chóng lên kế hoạch để giúp đỡ.

Gặp Giám đốc Công ty Silver Plus, chúng tôi được Ông cho biết tình hình công ty đang lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn; Ông bị kiện ra Toà án Malaysia vì nợ quá nhiều. Nhận thấy cách tốt nhất là khôn khéo đàm phán với Ông ta để giải quyết quyền lợi cho bốn công nhân Việt, chúng tôi đã kể cho Ông nghe về hoàn cảnh của họ ở Việt Nam, phân tích cho Ông thấy hành động của Ông đối với họ đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng và tạo khó khăn hết sức cho công nhân, và rồi thúc giục Ông sớm làm thủ tục để đưa hai công nhân về nước theo nguyện vọng của họ đồng thời tìm việc khác cho hai công nhân còn lại. Thật may mắn, giám đốc công ty Silver Plus là một người có tấm lòng và biết điều phải trái. Ông đồng ý hợp tác và hứa với chúng tôi sẽ sớm giải quyết cho bốn công nhân.

Do bất đồng ngôn ngữ nên tất cả mọi vấn đề ông chủ muốn thông báo với công nhân đều thông qua chúng tôi. Chúng tôi đóng vai trò vừa là đại diện vừa là cầu nối giải quyết mọi khúc mắc giữa ông chủ và công nhân.

 Đối với công nhân, trong thời gian chờ đợi giải quyết, không có chỗ ở, không có tiền ăn, chúng tôi đã hỗ trợ họ gạo, mì và bánh ngọt… phần nào giúp họ duy trì cuộc sống. Các anh đã tâm sự “Chúng em không tin rằng mình may mắn có được sự giúp đỡ của anh chị; nếu không chẳng biết chúng em sẽ sống như thế nào”.

 Sau thời gian làm việc cùng ông chủ, Ông đã đến văn phòng trước ngày công nhân về nước để hoàn trả toàn bộ số lương còn thiếu, và cấp vé cho hai công nhân trở về Việt Nam. Ông hứa sẽ sớm tìm công việc mới ổn định cho hai công nhân ở lại.

Công nhân vui mừng vì cuối cùng họ đã được trả lương và được trở về nhà. Chúng tôi cũng vui lây không những vì bảo vệ được quyền lợi cho những đồng bào máu mủ mà còn vì sự vụ được giải quyết trong cảm thông và chân tình giữa đôi bên, một việc mà toà đại sứ Việt Nam từng tuyên bố "không thể giúp".

Từng người một gửi đến chúng tôi những dòng tin nhắn cảm ơn và gọi điện cho chúng tôi thông báo khi họ đã về nước an toàn: “Không biết đến khi nào chúng em mới trả được ơn các anh chị”.

Chúng tôi cầu mong hai công nhân còn lại sẽ sớm tìm được việc mới và Ông giám đốc công ty Silver Plus sớm thoát khỏi hoàn cảnh kinh tế ngặt nghèo.

Không phải mâu thuẫn nào cũng dẫn đến sự đối đầu kịch liệt.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1347