Lấy Chí Nhân Để Thắng Cường Bạo
Date: Wednesday, May 28 @ 14:06:58 EDT
Topic: Quan Điểm


TS Nguyễn Đình Thắng
Chủ nhiệm báo Mạch Sống

Một thách đố cho nhiều người trong chúng ta là làm sao giúp đồng bào trong nước không qua hệ thống tham nhũng, cửa quyền ở Việt Nam. Gởi tiền bạc hay đưa dự án về trong nước chỉ là nắm dao đằng lưỡi vì thuộc vòng kiềm toả của chế độ. Họ ở thế thượng phong còn chúng ta bị động.

Tuy nhiên đối với một bộ phận đồng bào thì chúng ta có thể nắm phần chủ động: nửa triệu công nhân hiện lao động ở ngoại quốc; con số này đang gia tăng rất nhanh, có thể lên đến một triệu trong ba năm tới. Khối đồng bào không nhỏ này có cơ hội để tiếp xúc với thế giới và mở rộng tầm nhìn.



Chúng ta có thể dễ dàng đến với họ và giúp họ một cách thiết thực vì họ có rất nhiều nhu cầu trong cảnh tha hương cầu thực.

Trước nhất và trên hết, họ cần sự bảo vệ và can thiệp trước nguy cơ bị bóc lột sức lao động bởi chủ nhân, bị ngược đãi hay lạm dụng bởi ban quản ly, bị ức hiếp bởi môi giới.

Họ cần được hướng dẫn về quyền lợi để không bị thiệt thòi, để mở mang kiến thức, để không bỡ ngỡ và lẻ loi ở xứ lạ quê người.

Họ cần phát triển khả năng tự giúp, học ngôn ngữ để giao lưu với người bản xứ, biết cách tổ chức đời sống hiện nay và lập kế hoạch cho ngày mai khi trở về nước.

Họ cần được hỗ trợ để tự tổ chức thành những nhóm tương thân tương trợ, đến với nhau để tạo một cộng đồng nho nhỏ đùm bọc cho nhau, để tạo sức mạnh hợp quần khi phải đối đầu với tình huống khó khăn.

Giúp họ, chúng ta không phải đi qua hay được phép của nhà nước Việt Nam--quyền uy của chế độ ngừng lại ở biên giới Việt Nam.

Khi chúng ta đáp ứng được nhu cầu của số đồng bào này, bằng với tấm lòng tinh khiết và chân chính, bằng với tình nghĩa đồng bào, thì sự chọn lựa đối với họ sẽ rất rõ ràng và đơn giản: giữa nhân nghĩa và hung tàn, giữa phúc lợi và bóc lột, giữa thăng tiến và áp bức, giữa tự do và khống chế.

Chúng ta lại có rất nhiều phương tiện và thuận lợi: luật pháp quốc tế và của mỗi quốc gia sở tại, kiến thức và kinh nghiệm về hoạt động và tổ chức, quan hệ rộng rãi trong mọi môi trường và lãnh vực, sự hậu thuẫn của các tổ chức bảo vệ quyền lao động và quyền làm người, truyền thông và dư luận thế giới, và còn nhiều nữa.

Trong nhận thức ấy, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển bắt đầu công cuộc bảo vệ cho đồng bào đi lao động ở ngoại quốc từ gần 10 năm qua, khi Việt Nam vừa bắt đầu xuất cảng lao động. Việc can thiệp và giải cứu thành công cho trên 200 công nhân Việt và Trung Hoa ở đảo American Samoa vào cuối năm 2000 là một chứng minh cụ thể về khả năng của cộng đồng người Việt ở hải ngoại để bảo vệ và bênh vực cho đồng bào.

Nhằm mở rộng hoạt động đến nhiều quốc gia có đông người Việt lao động, đầu năm nay UBCNVB cùng ba tổ chức bạn thành lập Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia, CAMSA). Cuộc can thiệp thành công cho 176 nữ công nhân Việt ở Jordan và 1.300 công nhân Việt ở Mã Lai đầu năm nay khẳng định khả năng và sự hữu hiệu của liên minh mới mẻ này.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1320