Hôn Nhân Ngày Nay
Date: Monday, May 12 @ 11:03:02 EDT
Topic: Mái Ấm Gia Đình


Nguyễn Hải
Chương trình Mái Ấm Gia Đình

Theo thống kê, 50% các cặp chính thức ghi danh kết hôn đã ly dị, và cũng dựa theo thăm dò mới nhất, những người đã một lần ly dị sẽ tiếp tục chia tay với người phối ngẫu chiếm tỷ lệ 60%.

Trong suốt 40 năm, qua phim ảnh, ta thấy những cốt truyện phim đã thay đổi từ những mối tình lãng mạn, diễn tả bằng nhạc cảnh, hay những gắn bó keo sơn của đôi vợ chồng với mục đích giáo dục đã chuyển sang những truyện phim mang nặng tính vật chất, bạo lực, nền tảng gia đình lung lay. Những biến đổi đó phản ảnh sự thay đổi tâm lý cũng như cuộc sống hàng ngày của con người trong đời sống gia đình và xã hội ngày nay.



Từ suy nghĩ không chắc sẽ có một mái gia đình bền vững, người ta ngần ngại trong việc kết hôn, và số người sống với nhau không hôn thú đã gia tăng 1200 lần, tính từ thập niên 60 đến năm 2004, và hậu qủa của tình trạng ly dị, hoặc chia tay của các cặp đã dẫn đến sự đau khổ cho những trẻ em thiếu cha hoặc mẹ, những đứa trẻ vô tội đã phải sống với ông bà nội, ngoại, mà lẽ ra các em đã phải được hưởng hạnh phúc trong vòng tay thương yêu và chăm sóc của cha mẹ. Người Mỹ gọi là Deprived Children, các em đã trở thành gánh nặng của xã hội về mọi mặt. Số luợng Single Parent gia tăng, số lượng người xin trợ cấp xã hội cũng gia tăng, số người quỵt tiền cấp dưỡng con thì đầy rẫy, mang theo số lượng thiếu nhi phạm pháp không phải là nhỏ.

Khi bước vào tình trường, mọi người đều cảm nhận một điều: Không được chung sống với người mình yêu là một nỗi đau buồn suốt đời, và kỷ niệm của cuộc tình thơ mộng ấy luôn sống trong tiềm thức của một người, như lời trong những câu thơ của Nguyễn Bính "Mãi mãi trong tim bóng một người", hoặc lời của một bản nhạc "Tình ngỡ chết trong nhau, nhưng tình vẫn còn đầy, người ngỡ đã xa xăm, bỗng về quá thênh thang".

Có những người đã phải tranh đấu với gia đình để được phép chung sống với nhau. Những người khác không cam chịu sống chia lìa đã bỏ nhà để chạy theo tiếng gọi con tim. Nhưng thực tế, những đôi tình nhân ấy, hay những cặp đã cưới hỏi chính thức có tìm được hạnh phúc, hoặc giữ được hạnh phúc như mong ước thưở ban đầu không? Hay chỉ sau vài năm cũng đã bỏ nhau hoặc ly dị.

Trước khi quyết định kết hôn, trong suốt thời gian cặp kè (dating), ngắn thì ít tháng, lâu thì vài năm, họ có thực sự tìm hiểu nhau chưa? Nếu cha mẹ, bạn bè, người thân có nêu lên thắc mắc, họ sẽ cùng trả lời "Chúng tôi rất hiểu nhau và ước muốn được chung sống đến đầu bạc răng long!" Thời xa xưa, thì có thể, nhưng ngày nay thì chỉ một thời gian ngắn, người ta đã chán ngán nhau. Với những mâu thuẫn nảy sinh, không có cách chi hàn gắn, họ đã chia tay nhau trong nước mắt; thay vì có một mái ấm gia đình, hôn nhân ấy đã trở thành địa ngục trần gian, cái mà chúng tôi gọi là "mái lạnh gia đình". Vậy phải chăng, thứ tình cảm ban đầu ấy chỉ là lòng đam mê mà người ta cứ tưởng đó là tình yêu? Và từ những thất bại đó, người ta mới có câu nói "Hôn Nhân là Mồ chôn tình Yêu", hay "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, Đời mất vui khi đã vẹn câu thề".

Hai chữ hạnh phúc nghe sao mà đẹp và dễ nói làm sao, nhưng thực hiện thì không dễ chút nào. Ở cái thời mà Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, nhiều đôi vợ chồng chung sống tới răng long tóc bạc; nếu chỉ đánh giá bên ngoài, không ai tin là họ không có hạnh phúc. Dù đã có vài ba chục năm chung sống, thực tế trong nhà họ cũng từng chịu đựng nhau, nhường nhịn nhau, vì con mà nuốt lệ làm vui, nuôi con khôn lớn, hoặc vì lễ giáo gia phong, thôi thì đành cam chịu.

Ngày nay, khi nói tới hôn nhân, các cô gái trẻ thường không suy nghĩ đắn đo, và cho rằng chỉ cần hai đứa yêu nhau, thì chắc chắn sẽ không có gì có thể cản trở hạnh phúc của họ được. Do vậy, họ hay phạm lỗi khi quyết định. Cha mẹ Việt Nam thường rất cẩn thận trong việc cho con giao du với bạn khác phái qúa sớm, vì lo sợ con mình còn thơ dại, chưa biết phân biệt đúng, sai, nên sự kiểm soát càng tỏ ra chặt chẽ. Chính vì sự gắt gao đó, khi có cơ hội, các cô sẽ không ngần ngại nói "Yes", để vụt ra khỏi vòng tay che chở của cha mẹ.

Có những cô chỉ chú tâm vào những người chồng lắm tiền, nhiều bạc, hay có địa vị trong xã hội mà họ quên mất tiền và quyền lực là những thứ không bao giờ tồn tại vĩnh viễn. Họ dùng mọi thủ đoạn để chiếm hữu những người đàn ông đó làm của riêng mà quên mất nền tảng của một hôn nhân hạnh phúc phải được xây đắp như thế nào.

Phần lớn người Việt chúng ta, trong nước cũng như tại hải ngoại, tin rằng số phận đã an bài nên dù ấm no hay đói khổ, hạnh phúc hay bạc mệnh, đều đổ lỗi cho Thượng Đế để tự an ủi, thay vì "Bạn hãy tự giúp mình trước, rồi Trời sẽ giúp mình", hoặc tự nhận thức những điều cần thiết phải làm để cứu vãn hạnh phúc gia đình đang rạn nứt.

Chúng tôi xin kể hầu qúy vị một câu chuyện mà chúng tôi đã đọc được nhiều năm về trước, không rõ tên tác giả là ai, nhưng rất cảm động. Chuyện kể như sau:

Có một bà bị một căn bệnh hiểm nghèo. Vì nghĩ mình không qua khỏi, bà đã trao cho chồng bà một cái hộp mà từ lâu bà đã cất giữ rất kỹ. Khi mở hộp ra, ông thấy một con búp bê bằng len, và 90,000 đồng tiền mặt. Ngạc nhiên, ông nhờ bà giải thích. Bà ôn tồn kể cho ông nghe rằng, ngày xưa, trước khi lấy chồng, bà được mẹ dậy, mỗi khi vợ chồng có chuyện cãi vã, không vui, hãy lấy kim và dùng len sợi để đan búp bê, và trong suốt bao nhiêu năm dài chung sống, bà đã đan rất nhiều búp bê, và bán được số tiền kể trên. Con búp bê trên tay ông, bà mới đan xong và chưa kịp bán, nên trao lại cho ông giữ làm kỷ niệm.

Nghe vợ nói xong ông không cầm được lòng, ôm lấy bà và xin lỗi rằng ông đã quá vô tình, không hề lưu tâm đến bà. Sau ngày chồng thành tâm xin lỗi lầm, bà sung sướng và hạnh phúc qua đời trong tay ông.

Kính thưa quý độc giả, trong các gia đình người Việt chúng ta, có bao nhiêu người vợ đã từng kiên nhẫn như người đàn bà trong câu chuyện vừa kể? Qúy bạn có muốn mình rơi vào trường hợp tương tự như vậy không?

Chương trình Hôn Nhân và Mái Ấm Gia Đình của BPSOS rất hân hạnh làm một gạch nối, giúp quý bạn vui hưởng hạnh phúc gia đình. Xin hãy giữ ngọn lửa lòng cháy mãi trong tim bạn. Hãy đến với chúng tôi. Chúng ta cùng thảo luận, trau giồi thêm kiến thức. Xin đừng để giọt lệ long lanh trong mắt trẻ thơ. Chúng tôi tin tưởng ở thiện ý của quý bạn.

"Thuận vợ thuận chồng, tát Biển Đông cũng cạn".

Bài viết này được tài trợ bởi Office of Refugee and Resettlement.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1312