Bỏ Mồi Bắt Bóng
Date: Thursday, May 26 @ 16:06:25 EDT
Topic: Mái Ấm Gia Đình


Vân Hà

“Tôi bị các con đưa ra toà ly dị mẹ chúng.” Đó là lời than thở của người bạn thân, anh N., thốt ra khi chúng tôi gặp lại nhau sau 15 năm xa cách.

Vợ chồng anh N. và 4 con may mắn rời khỏi Saigon vào ngày 29-4-1975, ngày cuối cùng của Miền Nam Việt Nam. Anh N. đã đau khổ tâm sự tiếp cuộc sống tha hương:

“Vợ chồng chúng tôi và 4 cháu nhỏ sau vài tháng ở trại chuyển tiếp được đưa về California, nơi có mấy anh em bà con bên ngoại đã qua Mỹ từ trước năm 75. Sau 6 tháng học Anh văn, nhờ nhiều năm học ở Hội Việt Mỹ tại Saigon nên tụi này nhanh chóng kiếm được “entry level job” $4.25 một giờ. Gọi thế cho đẹp chứ thực ra đó là việc tạp dịch, dọn dẹp, lau chùi trong một nhà hàng ăn.

Khi còn ở Saigon, tôi tốt nghiệp kỹ sư điện trường Kỹ Thuật Phú Thọ và cũng đã có vài năm kinh nghiệm làm việc ở Sở Nhà Đèn. Thấy trình độ Anh văn tạm được, ông bà bảo trợ giới thiệu tôi vào làm cho một nhà máy cơ khí ở Cali. Bà xã, vì Anh ngữ vững vàng hơn, được đưa vào làm trong Sở An Ninh Xã Hội. Bốn con 2 trai, 2 gái còn trong tuổi đi học. Hai đứa lớn học Trung Học Cấp I (middle school), hai đứa nhỏ theo học tiểu học.

Sau vài năm chúng tôi đủ điều kiện để mua một căn nhà 3 phòng ngủ, giá $150,000. Tiền đặt trước $30,000, mỗi tháng phải trả $1,200. Đời sống ở Cali vào những năm 1975, 76 tương đối rẻ. Hai vợ chồng đi làm thì chỉ một đầu lương đủ để chi cho tiền nhà, điện nước, điện thoại, tiền chợ…, một đầu lương có thể để dành. Một người bày cho tôi nên đầu tư vào việc mua nhà cũ, sửa chữa, tân trang lại rồi cho thuê. Nhiều người Việt mới qua sau, đồng lương eo hẹp, hoặc còn sống nhờ trợ cấp xã hội sẵn sàng thuê, hoặc hai gia đình ‘share’ một căn nhà. Tôi bàn với vợ:

- Có lẽ chúng ta nên đầu tư vào nhà đất. Ở Cali nhà có giá, chỉ cần chút vốn là có thể có cơ hội khấm khá.

- Cái đó tuỳ anh, nếu thấy có lợi thì làm.

Tôi đề nghị:

- Lương của em dành để chi phí cho gia đình con cái. Lương của anh sẽ đầu tư vào nhà cửa đất đai.

Một thời gian sau tôi kiếm đủ tiền đặt cọc mua thêm một căn nhà ba phòng, tuổi độ 30 năm. Tôi có tay nghề nên tự mình mua vật liệu sửa chữa rồi treo bảng cho thuê. Nhà gần khu Bolsa, tiện việc mua bán chợ búa, nên sau 3 ngày đã có người hỏi thuê. Vì gặp thời, nên chỉ sau 10 năm tụi này đã sở hữu 5 căn nhà cho thuê; 3 trong 5 căn nhà đã được ‘pay-off’. Bốn đứa con học hành rất khá. Hai đứa lớn, một đứa ra trường dược sĩ, một đứa chuẩn bị trình luận án y khoa.

Sau 15 năm làm việc, dành dụm tụi này có 6 căn nhà, con cái thành đạt. Ai cũng nói là tụi này thành công và thành công lớn.

Nhưng trong cái may có cái rủi. Như anh thấy đó: Tôi đã mất hết sạch rồi.” Không cần kìm hãm, N. ngồi khóc nức nở. Chờ cho cơn xúc động của người bạn lắng xuống, tôi hỏi:

- Làm sao cậu ra nông nỗi này? Cho tớ biết đầu đuôi câu chuyện, may ra tớ có thể giúp vì tớ cũng quen biết gia đình bà xã của cậu.

Hớp một ngụm trà, anh N. tâm sự thêm: “Chuyện xảy ra vào mùa hè 1990, khi chương trình HO bắt đầu. Tôi có bà chị cả, chồng là thiếu tá. Anh bị “tù cải tạo”’ 10 năm. Bà chị nhờ vợ chồng “co-sign” để anh chị và các cháu về định cư tại Cali. Anh rể tôi rất yếu do bị đánh đập ngược đãi trong tù. Qua Mỹ được vài tháng thì anh mất. Thương chị goá bụa, các cháu côi cút, lại vừa chân ướt chân ráo nơi xứ lạ quê người, nên tôi thường ghé thăm chị và các cháu sau khi tan sở. Trong mấy anh em, chỉ có bà chị cả hợp tính tôi; khi còn ở Việt Nam, tôi chịu ơn anh chị khá nhiều. Bà xã tôi không ưa chị tôi từ lâu. Nay thấy tôi tỏ ra săn sóc cho chị và các cháu bà ấy tỏ ra cáu kỉnh, bực tức, dằn vặt.

Những năm trước tôi vốn về trễ. Số là sau khi rời sở, tôi không về nhà, nhưng đảo một vòng qua các căn nhà tôi cho thuê, sửa chữa những hư hại. Bà xã vui vẻ chấp nhận điều này, vì đó là chuyện sinh sống làm ăn. Tôi cũng biết vào tuổi 50, cái tuổi khủng hoảng nửa đời người (mid life crisis) vợ chồng rất cần sự gần gũi, trìu mến, nâng đỡ nhau, nhưnng tôi cần tiền nên đành hy sinh một chút tình.

Tôi lại sơ ý quên mất cái vụ ác cảm, xích mích từ lâu giữa em dâu chị chồng; về trễ vì kiếm tiền thì không sao, nhưng về trễ vì thăm viếng, lo lắng cho chị và các cháu là chuyện nhất định không thể chấp nhận. Một lần khi vừa bước chân vô nhà, nàng kêu tôi vô phòng, khoá cửa làm lớn chuyện. Nàng đay nghiến trách móc rằng tôi tệ bạc, chỉ lo làm giàu mà không thèm lo lắng săn sóc vợ con, để nàng cô đơn, lạnh lẽo, vợ chồng mà như khách trọ. Các cháu lớn cũng nhắc tôi đừng để mẹ cô đơn, lủi thủi một mình. Tiền bạc tài sản chỉ là thân ngoại vật. Tôi cũng nhận ra những thiếu sót của mình và định bụng sẽ thu xếp để về sớm.

Lầm lỡ thay! Chính buổi tối hai người gây gỗ, lời qua tiếng lại; vì không bình tĩnh nổi trước những lời lẽ phân bì ghen tương, nghi kỵ tình ý của tôi với bà chị ruột của mình, tôi đã quá tay tát nàng. Vâng chính cái bạt tai bốc đồng vì cơn giận đã làm mọi sự sụp đổ. 15 năm khổ công xây dựng trở thành mây khói!

Vừa chịu cái tát, bà xã tung cửa chạy ra ngoài gọi các con, anh chị em của bà tới và tuyên bố ly dị. Nàng dằn từng tiếng: “Nếu bà chị và các cháu của ông cần sự săn sóc giúp đỡ của ông tôi sẵn sàng trả tự do cho ông. Ông muốn đi đâu, đi sớm về khuya mặc tình. Tôi tha không gọi 911 là nể tình lắm rồi.”

Sau buổi tâm sự với N. tôi xin được số điện thoại và địa chỉ của chị ấy và chị sẵn sàng cho tiếp xúc một lần trước khi nộp đơn ly dị. Tôi cũng xin chị đồng ý cho mời các cháu, anh N. và tôi trong một buổi họp mặt đối thoại với hy vọng tìm đường hoà giải.

Cuộc họp mặt diễn ra ngay tối hôm sau tại nhà chị N. Tôi được đóng vai “người giữa chữa hai bên” trong buổi họp mặt quan trọng này. Vì anh N. là người muốn có buổi họp mặt này để dựa vào tình cảm, lòng biết ơn của con cái, anh hy vọng chúng sẽ giúp mình hoà giải với mẹ chúng; do đó tôi yêu cầu anh N. lên tiếng trước.

Từng bước từng bước, vừa như xác định vừa như nài nỉ, anh N. muốn cho mọi người có mặt nhận ra nỗi lòng yêu thương, lo lắng xây dựng tương lai cho gia đình, cho các con từ ngày phải bỏ nước ra đi. Điều anh nhấn mạnh là đã hy sinh cày 2 jobs để lập nghiệp; những căn nhà anh đã tạo mãi, thời giờ và công sức bỏ ra để tu bổ… tất cả là vì con cái. Anh kếi luận: “Sáu căn nhà này bố tạo mãi cho mẹ và các con. Nếu các con đồng tâm với mẹ làm giấy ly dị, tất cả tài sản này sẽ tiêu hết!”

Người con cả, nay đã là bác sĩ, thay mặt các em lên tiếng: “Thưa bác, thưa ba mẹ. Con xin thay mặt các em nói lên một lẽ phải, một sự công bằng cho mẹ chúng con. Bác là chỗ quen thân của gia đình, hy vọng bác sẽ có một sự phân xử hợp tình, hợp lý.

Thưa bác, thưa ba mẹ. Ba mẹ đã liều mạng sống đưa anh em chúng con thoát bàn tay ác ôn độc tài và dưỡng dục chúng con thành thân thành tài: đứa dược sĩ, đứa kỹ sư, đứa y tá; phần con thì ra trường bác sĩ y khoa. Ba má đã tậu mãi 6 căn nhà ở Cali: 5 căn nhà cho thuê đem lại lợi tức không phải nhỏ. Tuy nhiên đấy chỉ là thành công về vật chất, địa vị… Về mặt tình cảm, hạnh phúc gia đình, sự hoà hợp yêu thương giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con cái thì thất bại hoàn toàn. Ba đã quá quan tâm đến việc tạo dựng về vật chất mà lơ là lãng quên đời sống tình cảm của bản thân mình, rồi của những người thân bên cạnh mình. Mải mê làm việc, đi sớm về khuya, ba đã “bỏ quên” mẹ và các con. Nhiều đêm, trời đã khuya, mẹ ngồi bên mâm cơm chờ ba về.

Chờ hoài, mẹ cất thức ăn, nhịn đói về phòng khóc thầm. Lúc đó con đã đủ hiểu biết nhận ra nỗi cô đơn trống vắng của mẹ. 15 năm khóc thầm, mẹ già hẳn đi! Chẳng thà ba mất sớm, hay ngồi tù cải tạo thì sự hy sinh của mẹ thật xứng đáng, cao cả, ý nghĩa. 15 năm ba đã dồn tâm sức vào những căn nhà tạo mãi được mà bỏ bê mái ấm gia đình này. Chả lẽ mẹ và chúng con ghen với mấy căn nhà cũ kỹ vô giác ư?

Phần chúng con, sáng thức dậy, ba đã đi từ hồi nào, đêm đến lên giường ngủ vẫn chưa thấy bóng ba. Có những lần chúng con muốn đi thư viện tìm tài liệu, hay tới bạn bè hỏi thêm về bài vở, ba đã gắt gỏng “ba bận! Sao không nhờ mẹ mày?” rồi vội vã ra đi.

Ba không hề hướng dẫn những băn khoăn của tuổi dậy thì, những bế tắc khi gặp khó khăn về học hành, về tâm lý về sinh lý. Thiết tưởng những thành quả mà 4 anh em chúng con đạt được ngày hôm nay là do sự tận tuỵ của một mình mẹ và sự cố gắng của chúng con.

Thưa ba, nay con đã trưởng thành, con biết “kính trên nhường dưới”, không hề dám chỉ trích ba. Những điều con trình bày vừa để bác đây hiểu rõ ngọn nguồn vừa để an ủi mẹ. Quả thực ba đã bỏ mồi bắt bóng, ba đã chà đạp lên giá trị tương quan vợ chồng, cha mẹ con cái để đổi lấy những thứ thân ngoại chi vật. Sự việc đổ bể như hôm nay là kết quả phải đến vì “tức nước vỡ bờ” đó thôi.

Ba cũng biết từ lâu cô Hai và mẹ không hoà thuận an vui, nhưng ba đã chẳng làm gì để hàn gắn. Cái tát ba “tặng” mẹ là giọt nước cuối cùng làm trào dâng tất cả những gì đã ứ đọng chất chứa trong 15 năm trời. Con không biết nói gì hơn vì một bên là mẹ, một bên là ba. Việc hoà giải hàn gắn thành hay không tuỳ ba mẹ. Phận làm con, chúng con vẫn một lòng hiếu thảo.”

Toà đã y theo đơn xin của chị N. Số tài sản được chia hai. Anh N. giữ lại một căn để ở, tiếp tục cuộc sống “sáng cắp ô đi tối cắp về” trong cô đơn.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=130