Mẹ và Cơm
Date: Thursday, March 27 @ 15:37:13 EDT
Topic: Truyện Ngắn


Ấu Tím

Món ăn Việt Nam có tràn đầy tại San Jose, tại Sài Gòn Nhỏ, tại khắp mọi nơi có người Việt định cư trên đất mới, từ Mỹ đến Pháp, đến Đông Âu, Tây Âu, món gì cũng có, các món ăn đặc trưng của từng miền, canh cua rau đay, canh bún, bún riêu, bún ốc, phở bò, phở gà đặc thù của miền Bắc. Bánh nậm, bánh khoái, bánh đập, bánh lá chạo tôm, mì quảng, cơm hến đặc thù của miền Trung. Lẩu mắm, mắm và rau, cá kho tộ, canh chua cá bông lau, đặc thù của miền Nam. Kê khai vài món đặc biệt thế thôi, nếu kể ra cho bằng hết các món ăn, thì hơn trang viết, cũng không đủ để kể về sự phong phú trong văn hóa ẩm thực của người Việt.



Từ những ngày mới định cư, theo lời kể của các bạn đã lìa quê tự những năm 1975 và đầu thập niên 1980, là những món ăn tự chế, nấu thế nào cho gần giống với món ăn "ở nhà" từ cách làm nem bằng thịt ham đóng hộp, đến cách dùng xì dầu pha chế sao cho giống vị nước mắm, dùng bột mì, bột bắp đổ bánh cuốn, mày mò xay thịt gói giò, từ từ chậm chậm mà bây giờ chả giò, gỏi cuốn, phở len lỏi vào khẩu vị của người bản xứ.

Các bà nội trợ, từ lúc non nớt "người tình" đến khi trưởng thành làm vợ, làm mẹ đến thời già cỗi "bà ngoại, bà nội" niềm vui chung là đụng nồi chõ. Thời chàng vừa ghé thăm nhà đã vội trổ tài bếp núc, thì tiếp theo mãi trong cuộc đời, có pha mắm muối, đường tiêu, bột ngọt mỗi ngày là điều thật dễ hiểu. Tình yêu bền vững phải được xây dựng trên nền móng "Thực" thực thà, thực tế, thực dụng và thực phẩm. Viết được thế này là nhờ người viết đã dùng bàn phím thay cho ngòi bút lá tre chấm mực mồng tơi. Nếu vẫn gò lưng nắn nót kiểu mực tím thì đã không dám định nghĩa tình yêu như thế; mạnh tay lắm cũng chỉ phơn phớt "tình yêu trước khi đến trái tim phải đi ngang bao tử."

Ngày lễ mẫu từ vừa qua, cũng chỉ loanh quanh trong bếp. Ở ngay khu thị tứ đầy tiệm thức ăn nấu sẵn, giúp các bà "làm biếng". Nghe con từ UC Davis về thăm thỏ thẻ, nhớ món... của mẹ lại động lòng, dẹp cơn lười biếng sang một bên, đi chợ nấu cho con có cái mang theo lên trường mà ăn. Vừa nấu hai mẹ con vừa nói chuyện về cô Angelina Jolie, một người mẹ trẻ thật đặc biệt, vừa nhận thêm một cậu bé Việt Nam làm con nuôi, sau một Maddox người Cam-Bốt và cô bé Zahara người châu Phi. Con gái hỏi: "Cô ấy sẽ nấu nướng như thế nào nhỉ, món ăn sẽ ra sao?" Nghe câu con hỏi, tôi biết trong lòng con định nghĩa về Mẹ thật đơn giản. Mẹ đồng nghĩa với biết nấu nướng cho các con ăn.

Nghĩ cũng đúng, từ thời "Mẹ nhai cơm bón, lưỡi lừa cá xương" đến khi dùng máy xay sinh tố, dùng thức ăn đóng sẵn cho em bé, ấn tượng đầu mẹ cho con chính là thức ăn. Tôi biết con gái tôi thích món cá nục kho dưa, món đậu hũ chiên kho cà chua, thịt kho tàu cùng trứng đã luộc xong phải chiên vàng lớp da ngoài, chưa kể món cá hấp, cá nướng, bún riêu, bún bung, mì quảng, chả giò. Con đưa mẹ lên mây khi nói: "Đi ăn ở đâu cũng không bằng mẹ nấu."

Như tôi, khi nào cũng nhung nhớ món ngon được nấu từ trong bếp của mẹ tôi. Món nộm rau muống vị mắm tôm không nồng, miếng thịt ba chỉ thái vừa mỏng, con tôm hồng luộc vừa chín, vài hạt mè thơm lừng, cùng vị rau muống trần nước sôi giòn sần sật. Đến đĩa tép tươi nhảy roi rói, mẹ tôi rang xong còn nóng, vắt chanh hay khế trộn vào ăn với cơm nóng; hai món này tôi bày ra làm mãi vẫn không sao tìm lại được hương vị đặc biệt từ mẹ đã nấu cho ăn. Chẳng đâu xa, ngay đến các ông "thực bất tri kỳ vị" cũng thèm thức ăn của mẹ, nên hay bảo vợ: "Không ngon giống mẹ anh nấu."

Nhìn tô bún bung có dọc mùng (bạc hà) đơn sơ, nước dùng lóng lánh màu vàng của nghệ, miếng thịt giò bó (đùi heo) thái mỏng, có những nhánh hành trần trang điểm thơm ngọt ngào mùi Hà Nội, tôi nhớ Mẹ của cụ thân sinh ra tôi. Hưởng một phần công thức của bà qua giai đoạn phụ bếp ngày còn trẻ thơ, cho đến nay, lưỡi tôi biết phân biệt Nam Trung Bắc. Dù có chung công thức, vào tay bà Bắc sẽ hơi mặn, màu của thức ăn chỉ phơn phớt tị nuớc màu. Vào tay bà Nam ngòn ngọt vị đường, thêm màu sắc đậm đà như làn da bánh mật của các cô gái miền Nam. Vị cay chảy nước mắt với màu sắc trắng bạch suông tình, chắc chắn bà bếp phải là người miền Trung.

Bà nội tôi nấu những món Bắc Kỳ chính gốc, bà gói những thứ bánh cũng chính gốc Bắc Kỳ, bánh nếp, bánh gai, bánh đúc, bánh dẻo, bánh đậu xanh, bánh cốm. Vị hoa bưởi từ thơ từ ca dao len lỏi vào vị giác, khứu giác, tan đứ đừ trên lưỡi, ngơ ngẩn cả hồn phách người ăn miếng bánh cốm bà làm.

Tôi có phàm ăn hay không nhỉ, tôi có thực tế quá hay không nhỉ, mà tình mẫu tử mang mang bỗng nhẹ thênh thênh trong các món ăn đơn giản, ngày nọ sang ngày kia tẩm đẫm vào máu thịt các con các cháu Việt Nam. Cho dù sống ở đâu nơi nào, gần hay xa quê hương, hương vị các món ăn là cội rễ cho tình gia đình luôn bền vững.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1275