Buôn Người
Date: Thursday, May 26 @ 15:36:13 EDT
Topic: Tin Tức Thời Sự


Một Hình Thức Nô Lệ Tân Thời - TM Chương Trình VETA

Cách đây một phần tư thế kỷ, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển được thành lập để chống nạn buôn người ngoài biển—hải tặc Thái đã hãm hiếp, bắt cóc, và bán hàng ngàn phụ nữ Việt cho các ổ mãi dâm trên đất Thái Lan.

Chúng tôi vẫn tiếp tục sứ mạng này. Năm 2001 UBCNVB đã giải cứu cho trên 200 nạn nhân Việt và Hoa ở đảo American Samoa. Qua chương trình VETA, viết tắt cho Victims of Exploitation and Trafficking Assistance, UBCNVB đã mở rộng hoạt động sang nhiều cộng đồng bạn trên toàn quốc Hoa Kỳ. Chương trình này đã nhận được sự tài trợ của Office of Refugee Resettlement, Department of Justice Office of Victims of Crime, và Quận Fairfax (VA), và sự ủng hộ tài chánh của nhiều người hảo tâm trong cộng đồng Việt.

Trong những năm tháng qua, có rất nhiều hội đoàn, báo chí, truyền thanh ở Việt Nam và hải ngoại lên tiếng kêu gọi giúp đỡ cho những nạn nhân Việt Nam, những bé gái, phụ nữ, và cả nam giới bị dụ dỗ bán cho những đường dây buôn người ở các nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan, Mã Lai, Đài Loan, Đại Hàn. Nạn kinh doanh người hiện nay được thống kê là một trong những ngành có doanh thu đứng hàng thứ ba trên thế giới sau vũ khí và ma tuý.

Phần lớn chúng ta cho rằng chỉ có nữ giới (bao gồm phụ nữ và những em gái) bị dụ dỗ vào cạm bẫy của những tổ chức buôn người để phục vụ trong lĩnh vực tình dục.

Trên thực tế những nạn nhân này được thấy ở rất nhiều nơi: dịch vụ mát xa, nhà hàng, công xưởng, dịch vụ mai mối hôn nhân, du lịch, những nơi buôn bán nhỏ, tiểu thương, chợ, tiệm giặt ủi, tiệm móng tay, nông trại trồng trọt, nông trại chăn nuôi, có khi ngay cả trong gia đình chúng ta. Những nạn nhân này gồm cả nam lẫn nữ, người lớn, trẻ em, người già, và ngay cả người tàn tật.

Nhìn chung tệ nạn buôn người đôi khi rất khó phân biệt ở một số quốc gia, nhất là những quốc gia châu Á. Có thể vì những phong tục tập quán, đạo lý, nền giáo dục, sự nhận thức và hiểu biết sự việc, và cách ứng xử trong cuộc sống giữa người với người trong xã hội và gia đình rất khác biệt ở những quốc gia khác nhau làm cho nạn buôn người trở nên một vấn đề nan giải.

Thời xưa việc buôn người và hành hạ nô lệ ở một số quốc gia là đương nhiên. Nhưng ở thế kỷ 21, thời đại của điện tử và khoa học kỹ thuật, nô lệ thời nay khác biệt rất nhiều. Nạn nhân không bị cùm tay chân để đấu giá ngoài chợ mà họ được đấu giá trên mạng (Internet); họ không bị treo thây ngoài đồng nếu không làm việc chăm chỉ mà họ bị nhốt trong cabin, tầng hầm, bị bỏ đói, bị đổ chất hoá học lên người làm cho cơ thể bị biến dạng; họ không bị chụp bao bố kéo đi như thời xa xưa mà được mang quà đến cưới hỏi đàng hoàng nhưng sau ngày cưới thì cả hai cùng đi mất dạng không thể nào liên lạc được; và còn hàng trăm ngàn trường hợp tang thương khác xảy ra mỗi ngày trong cuộc sống quanh chúng ta.

Có rất nhiều cơ quan truyền thanh, hội đoàn kêu gọi cứu giúp cho những nạn nhân buôn người ở những quốc gia khác; nhưng còn những nạn nhân ngay trên đất nước Hoa Kỳ thì sao? Luật pháp Hoa Kỳ định nghĩa “Buôn người” như sau:

Bắt buộc, lừa gạt và áp bức một người vào việc mua bán tình dục hoặc dùng những hành vi tương tự như vậy với trẻ em dưới 18 tuổi; hoặc

Tuyển mộ, chứa chấp, chuyên chở, cung cấp hoặc thu lợi nhuận qua việc bắt buộc, lừa dối, ép bức một người làm công hoặc người phục vụ để biến họ thành người lao dịch hàng ngày, con nợ hoặc nô lệ;

(Dựa trên điều khoản 103(8) trong Đạo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người và Bạo Hành năm 2000)

Đạo luật “Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người Năm 2000” được thông qua ngày 28 tháng 10 năm 2000, nhằm bảo vệ cho những nạn nhân bị buôn bán vào Hoa Kỳ dưới nhiều hình thức lao động và phục vụ trong kỹ nghệ tình dục. Đây là một trong những đạo luật phức tạp và khó khăn nhất cho những người làm luât. Đạo luật bao gồm các điều khoản: triệt để chống lại việc buôn người, phòng ngừa việc buôn người, giúp đỡ nạn nhân, và khởi tố những người tham dự trong việc buôn bán người. Đạo luật cũng có những điều khoản đối phó với các quốc gia chủ xướng hay dung dưỡng nạn buôn người.

Qua bản tường trình tại Washington DC ngày 14 tháng 6 năm 2004, Ngoại Trưởng Collin Powell nói rằng việc bài trừ tội phạm buôn người nằm trong danh sách những điều đáng quan tâm nhất của Tổng Thống Bush và việc buôn bán trao đổi con người cho bất cứ mục đích nào cũng không được chấp nhận trong thời đại ngày nay.

Chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ mới đây chấp thuận tài trợ thêm 50 triệu đô la cho chương trình chống buôn người trên mức đã được quy định là 70 triệu đô la trong năm vừa qua để ngăn chặn việc buôn người hiện tràn lan ở Mỹ và trên toàn cầu. Ông Powell nói, “Chúng ta đang nói về những phụ nữ và những bé gái tuổi rất nhỏ từ khoảng 6 tuổi bị buôn bán vào kỹ nghệ tình dục; đàn ông bị bán để làm lao động; trẻ em thì bị bán vào quân đội... Chúng tôi phỏng đoán có khoảng 600 đến 800 ngàn trường hợp mỗi năm bị chuyên chở xuyên lục địa.” Trong bài tường trình, Ông Powell còn đưa ra một trong những ví dụ của hàng ngàn trường hợp thương tâm xảy ra cho những nạn nhân này. Có một em bé gái tên Kh., 11 tuổi sống ở Lào, làm việc trong một xưởng thêu trong thành phố lớn. Cùng với hàng chục trẻ em khác, em làm việc 14 tiếng một ngày không lương để đổi lấy thức ăn và quần áo. Đây gọi là nô lệ. Khi bé Kh. kháng cự lại, em bị đánh đập, bị nhốt trong tủ, và bị con chủ hãng rưới chất hoá học lên người em làm cho cơ thể em bị biến dạng. Ông Powell nhấn mạnh, “Chúng tôi đang đấu tranh để chống lại những hàng động dã man này… Một lần nữa chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia liên kết với nhau để chận đứng những ngõ ngách buôn người, tố cáo những kẻ chủ mưu, bảo vệ nạn nhân và mang họ trở về với xã hội… Chúng ta đấu tranh chống lại nạn buôn người không phải chỉ vì nạn nhân ngày nay hoặc những nạn nhân tương lai mà vì nhân phẩm của tất cả mọi người chúng ta.”

Sống và làm việc ở quốc gia Hoa Kỳ, ngoài việc duy trì và bảo tồn nền văn hoá tốt đẹp của mình, chúng ta cũng nên học hỏi những điều hay của những dân tộc khác, học hỏi những luật lệ của quốc gia nơi mình đang cư ngụ để tránh không bị phạm luật. Ông bà xưa thường nói “nhập gia tuỳ tục”; mọi người chúng ta hãy tìm hiểu pháp luật, hợp tác với các cơ quan luật pháp, tổ chức xã hội, và mọi tầng lớp trong cộng đồng để ngăn chận những hành động buôn người này và cùng nhau giúp đỡ cho các nạn nhân (mà có thể là thân nhân chúng ta), mang họ trở về với vòng tay yêu thương của gia đình và xã hội.

Để tìm hiểu thêm về chương trình VETA (Chương Trình Giúp Đỡ Nạn Nhân Buôn Người) hoặc trở thành thiện nguyện viên của chương trình, xin quí vị vui lòng liên lạc với nhân viên VETA tại các văn phòng Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển địa phương:

Atlanta, GA
3335 Chamblee Dunwoody Rd
Chamblee, GA 30341
Tel: (770) 458-6700

Houston Office
11205 Bellaire Blvd.
Houston, TX 77072
Tel: (281) 530-6888

Orange County Office
9550 Bolsa Ave., Suite 201
Westminster, CA 92683-5944
Tel: (714) 775-2214

Virginia Headquarters
6066 Leesburg Pike, Suite 100
Falls Church, VA 22041
Tel: (703) 538-2190







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=127