VN: Hãy Đưa Công Nhân Ở Jordan Về Nước
Date: Tuesday, March 18 @ 20:36:23 EDT
Topic: Chống Buôn Người


Liên Minh CAMSA: Hãy Đưa Công Nhân Ở Jordan Về Nước

 

Amman, Jordan, 18 tháng 3, 2008 -- Bốn tuần kể từ ngày các công nhân Việt ở hãng W&D Apparel đình công để yêu cầu hồi hương, họ tiếp tục sống lây lất tại ký túc xá của hãng trong. Thỉnh nguyện hồi hương của họ vẫn chưa được chính quyền Việt Nam đáp ứng. Ông chủ Đài Loan của hãng W&D Apparel vẫn từ chối không trao trả passport lại cho họ.

 

Tuy nhiên một diễn tiến nhỏ đã tạo hy vọng cho các công nhân. Ngày hôm qua 5 công nhân đáp máy bay xuống phi trường Nội Bài, Hà Nội. Điều này tạo háo hức trong dè dặt cho các công nhân còn kẹt lại.

Chị Trần Thị Ánh được dìu về phòng.



Đáp ứng lời cầu cứu của các công nhân, Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA) đã báo động nhiều chính quyền và tổ chức công đoàn trên thế giới về tình trạng và diễn tiến ở Jordan. Liên Minh cũng đã báo động cho hai công ty khách hàng của W&D Apparel: Aramark ở Philadelphia, PA, và Academy Sports + Outdoors ở Katy, TX.

 

Sau cuộc giải cứu ngày 27 tháng 2, trọng tâm của chúng tôi vẫn là đáp ứng nguyện vọng hồi hương của các công nhân, TS Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, cho biết.

 

TS Thắng cũng đã gởi văn thư cho Ông James Shen, chủ nhân W&D Apparel, để yêu cầu trả lại sổ thông hành cho các công nhân, đặc biệt những người bị ốm bệnh, để họ có thể hồi hương.

 

Chúng tôi cho ông ta biết rằng cộng đồng người Việt ở hải ngoại sẵn sàng đứng ra sắp xếp và trang trải phí tổn hồi hương cho những công nhân bị ốm bệnh, TS Thắng giải thích.

 

Theo TS Thắng, cuộc hồi hương ngày hôm qua của 5 công nhân là một bước tiến nhỏ nhưng đáng lạc quan.

 

Trong số 5 công nhân được hồi hương, có 4 người ốm bệnh. Ngày 20 tháng 2, họ cùng với nhiều công nhân khác đã bị đánh đập khi cự tuyệt không trở lại làm việc theo lệnh của Ông chủ người Đài Loan.

 

Còn người thứ 5 thì khoẻ mạnh. Tôi không hiểu tại sao công ty môi giới lại đưa cô ấy về trong khi còn những người khác cần thiết hơn mà lại không được về, TS Thắng nêu thắc mắc.

 

Ngày 9 tháng 3 phái đoàn hỗn hợp của hai công ty môi giới đưa người đi lao động ở Jordan, Công Ty Cổ Phần Da Giấy và Công Ty Cổ Phần Than Ong Việt, đã đến Amman theo chỉ thị của Bộ Lao Động. Tại đây họ được đặt dưới sự hướng dẫn của vị Phó Tổng Lãnh Sự đến từ Cairo, Ai Cập, Ông Trần Việt Tú.

 

Thay vì giúp đỡ cho các công nhân thoát khỏi nơi gây ấn tượng khủng hoảng, phái đoàn Việt Nam vừa kêu gọi vừa thúc ép công nhân trở lại đi làm. Ngày 11 tháng 3, một cuộc xô xát đã xảy ra khi phái đoàn Việt Nam bắt từng công nhân một đi ký giấy tờ mà không được đọc trước nội dung. Ông Phương, một thành viên của phái đoàn đã nắm tóc chị Ánh và chị Giang kéo lại khi hai chị này tìm cách trốn thoát. Chị Ánh ngã xỉu và phải có người dìu về phòng. Đến nay chị Giang cho biết vẫn còn đau chân tóc.

 

Chị Ánh đã được đưa về Việt Nam ngày hôm qua.

 

Theo lời tường thuật của thân nhân ra đón, các công nhân đã bị nhân viên của công ty môi giới đưa vào phòng riêng ngay tại phi trường để “làm việc” trong hai tiếng đồng hồ. Sau đó chỉ có bốn người được thả. Một công nhân, chị Ngọc, thì đến nay chưa thấy được thả. Thân nhân nghĩ rằng có thể chị đã phải được đưa đi bệnh viện. Trong suốt thời gian sau cuộc bố ráp ngày 20 tháng 2, chị đã lên cơn giật và phải nằm điều trị trong bệnh viện ở Amman. Chị chỉ được xuất viện một hôm trước ngày hồi hương.

 

Các công nhân ốm bệnh cho biết là cách đón tiếp ở phi trường làm cho họ bị khủng hoảng thêm nữa.

 

Trong khi đó áp lực quốc tế đối với vụ việc ở W&D Apparel ngày càng gia tăng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Minh CAMSA, hôm qua Liên Đoàn Nghiệp Đoàn Quốc Tế (International Trade Union Confederation), có trụ sở tại Brussels, Bỉ, chính thức gởi văn thư cho Bộ Trưởng Lao Động của Jordan và ra thông cáo báo chí lên án cuộc đàn áp 176 công nhân Việt.

 

“Một số vấn đề như bắt buộc làm giờ phụ trội, lừa đảo khi tuyển dụng, và giữ sổ thông hành của công nhân cho thấy rằng họ có thể đã là nạn nhân của nạn buôn người chiếu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Chống Tội Phạm Có Tổ Chức Xuyên Quốc Gia”, Ông Guy Ryder, Tổng Thư Ký của Liên Đoàn, viết cho Bộ Trưởng Lao Động Basem Al-Sahem. Jordan ký kết Công Ước này năm 2002.

 

Ông Ryder cũng yêu cầu chính phủ Jordan điều tra tất cả các thành phần vi phạm quyền của công nhân và bảo đảm công nhân được bồi thường xứng đáng cho những vi phạm thể xác, quyền con người, và nhân phẩm.

 

Liên Đoàn Nghiệp Đoàn Quốc Tế đại diện cho 168 triệu công nhân ở 155 quốc gia và lãnh thổ và bao gồm 311 nghiệp đoàn thành viên ở các quốc gia.

 

Đến ngày hôm nay hãng W&D Apparel vẫn nhất quyết không trả sổ thông hành lại cho các công nhân.

 

TS. Thắng, đại diện cho Liên Minh CAMSA, cho biết rằng “chúng tôi tiếp tục vận động về cả mặt dư luận, ngoại giao, và pháp lý để đòi hỏi công lý cho 176 phụ nữ Việt Nam bị đàn áp và chà đạp nhân phẩm”.

 

“Nếu chính phủ Việt Nam có thực tâm thì họ thừa sức giải quyết vần đề hồi hương các công nhân trong vài ba ngày, chứ đâu có kéo dài nhiều tuần như thế này”, Ông nói.

 

Liên Minh CAMSA được bảo trợ bởi bốn tổ chức: Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển ở Hoa Kỳ, Hiệp Hội Quốc Tế Nhân Quyền ở Đức, Liên Hội Người Việt Canada, và Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam - USA.

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1263