Một Đoạn Đường Đời
Date: Monday, March 10 @ 11:05:11 EDT
Topic: Bạo Hành Gia Đình


Võ Michelle
Chương Trình CADV-Houston

Choàng tỉnh dậy tôi thấy tay chân rũ rượi sau hai đêm không ngủ. Rồi cơn mệt mỏi đã làm tôi ngất đi, đầu óc còn quay cuồng, những cơn đau trong đầu như muốn vỡ ra, tôi muốn đập mình vào tường để cho vơi đi cơn đau… Tôi cố chống mình ngồi dậy và đứng lên để bước ra khỏi giường thì tôi vô tình trông thấy mình trong gương, cái gương mù mờ vì chất nhớt của dầu ăn còn dầy trên kính, đồ đạc trong nhà ngổn ngang…



Tôi như không còn sức sống, cố gượng thêm lần nữa để lò mò vào phòng tắm thì trong lúc đó tôi phát hiện ra với tất cả sửng sốt, tôi không còn thấy mái tóc dài thường nằm trên lưng, tôi vội đưa tay lên sờ và mới khám phá ra rằng tóc tôi không còn nữa, nó chỉ là những đoạn ngắn, thưa thớt như một con ma… Tôi vội nhìn vào gương rồi nước mắt tôi trào ra… Thì ra trong lúc mệt mỏi tôi đã thiếp đi và người đàn ông mà tôi gọi là chồng đã cắt tóc tôi. Dù rất ít nhưng đó là những cọng tóc tôi nâng niu bao nhiêu năm trời, bao nhiêu vui buồn thì chúng vẫn chung thủy bên tôi. Tôi không còn biết mình là ai, tên họ là gì, chỉ biết tại sao cuộc đòi mình bất hạnh. Tôi hận, tôi ghét cái tôi của mình, chán bỏ thân thể tôi, vì sao tôi ra nông nỗi nầy…

Ngày xưa tôi đã từng cắp sách đến trường, đã từng mặc áo dài trắng và cũng từng vào hội Việt Mỹ Sài Gòn học hội họa, Anh Ngữ, cắm hoa… Tôi cũng đã từng sống sung sướng bên bố mẹ và gia đình, từng có tài xế đưa đón. Bố mẹ cho ăn học cũng không thua kém ai; tại sao tôi lại chọn cho mình con đường nầy? Thôi tôi hiểu rồi "vì con", vì bào thai còn nằm trong bụng mẹ. Vì không muốn con tôi không có cha, không muốn con bị lạc loài, cô độc, tôi phải tiếp tục hy sinh, tiếp tục sống trong bóng tối. Cái nhà tôi đang sống tôi không có quyền mở cửa sổ, không có quyền chào hỏi bất cứ ai cũng như không có quyền mặc đầm mà thuở bé tôi thường được mặc. Tôi cũng không có quyền son phấn. xem như không còn có quyền làm người mặc dù tôi cũng đi làm, cũng nấu nướng cho chồng con, cũng làm tất cả những gì mà người phụ nữ Việt Nam phải làm.

Hơn thế nữa tôi phải biết thay nhớt xe, cắt cỏ, làm vườn, phải biết đem đồ ăn vào tận giường hầu chồng, phải biết thay nước hồ cá trong và ngoài nhà, phải biết thay rửa chuồng chim…

Không những phải biết mà bắt buộc tôi phải làm vì nếu tôi muốn nhà cửa êm vui thì tôi phải hy sinh tất cả. Tôi không muốn con tôi nhìn thấy tôi khóc, tôi không muốn bé Quyên phải lau nước mắt cho mẹ nó hàng ngày, dù trong những đêm tối. Tôi đã từng khóc nức nở, nhưng với tất cả mọi người chung quanh luôn cả gia đình, tôi không có quyền khóc, vì cái đau khổ nầy tôi tự chuốc vào thân, tự mình gánh chịu vì có nói cho bố mẹ nghe thì chỉ làm khổ cha mẹ và gia đình. Tôi còn nhớ câu thơ mà tôi hay lẩm bẩm "cười là tiếng khóc khô không lệ, tôi đã cười trong những lúc quá chua cay." Tôi nhìn lại mình trong gương một lần nữa rồi mới biết rằng mình quá tiều tụy, quá đen đuốc. Mình, con bé ngày xưa mơ mộng một cuộc đời như một bức tranh được tô đủ màu sắc tuyệt dịu… không còn nữa. Tôi những lem luốc đến phát sợ. Mẹ tôi một lần bất thình lình sang nhà, thấy tôi đang cắt cỏ với đôi lưng gầy guộc, mẹ đã chảy nước mắt và vội vã đi về. Mẹ không muốn nhìn thấy con gái mẹ phải lam lũ khổ sở như vậy, mẹ đã nuốt nước mắt để cho tôi đừng thấy mẹ khóc. Chỉ có làm mẹ rồi tôi mới hiểu tình thương yêu của mẹ bao la đến ngần nào. Chồng tôi không bao giờ đánh tôi, không bao giờ có một tiếng chửi thề văng tục, nhưng anh ấy chỉ dày vò bằng chữ. Anh học cao lắm, anh lúc nào cũng từ tốn, lễ độ với tất cả mọi người, hầu như ai biết anh đều mến anh, bảo rằng anh hiền. Có phải chỉ có người vợ mới hiểu chồng mình hơn ai hết. Đâu ai biết rằng tôi đang sống trong một cái cung điện như một người tù lỏng, hoàn toàn không có cái quyền làm người. Có một lần anh nói tôi không được thông minh thì anh lại bảo là "cái đầu em thua cái đầu của một con bò." Đó… là thế đó, người xưa có câu "một cái dá bằng ba cái đánh"; những câu nói không cần tục tĩu nhưng là những lời lẽ đau đớn đến tận xương tủy. Thường thì buổi sáng tôi đi làm bookkeeper cho một sở thuế và chiều thì vội vã đến một nhà hàng Nhật để chạy bàn, tối về tôi lục đục nấu nướng cho chồng con đến khuya thì mới được đi ngủ. Cứ thế mà sống. Hình như tôi chưa bao giờ đuợc giữ tiền, tất cả lương của tôi đều đưa hết cho anh; tất cả chi phí trong nhà anh cầm tiền mà tính toán chi tiêu. Tôi chấp nhận tất cả những đau khổ để sống vì con, vì tất cả cuộc đời tôi không còn nữa. Tôi sống nhưng linh hồn tôi đã chết, thể xác nầy chỉ là một cái vỏ bề ngoài. Ăn, nói, cười chỉ là tạm bợ. Anh vui năm phút rồi lại buồn, cứ thế mà diễn ra… anh đem dĩ vãng thời con gái của tôi ra bảo là thằng này ngày xưa theo em, em làm cái gì với nó… cặp bồ bao lâu, ăn nằm với nó bao nhiêu lần, rồi giận hờn ghen tuông, bỏ tôi đi đến tối… 2-3 giờ sáng mới về.

Đương nhiên tôi vẫn biết tôi không có cái quyền nhìn bất cứ người đàn ông nào, lúc đi chợ, trong nhà hàng. Hoặc khi trong gia đình có hội họp, tôi không có quyền cười nói lớn tiếng, không có quyền thân thiết với các em trai. Nếu vô tình một cậu nhỏ nói lời "thank you mam", thì tôi cũng cúi mặt, quay lưng đi giả vờ như mình không hề nghe lời đó… Cứ như thế tôi sống như một người câm, điếc. Mỗi lần tôi đi làm ra về hay đi ăn trưa thì tôi cũng đều thấy xe anh giấu bên kia chỗ làm để canh xem tôi đi đâu, cười nói với ai, say goodbye với ai…

Có một lần tôi phẩy tay chào ông chủ hãng cũng vừa ra khỏi sở, thì lúc về tôi nghe anh nói tôi là loại đàn bà lăng loàn, không đàng hoàng, con người nhá nhem cứ le te chào hỏi trai. Sau đó anh bảo tôi phải bỏ sở làm đó đi và tôi đã làm theo ý anh, dù rằng trong thâm tâm tôi rất thích công việc ấy, không chỉ vì lương cao, gần nhà mà còn đầy đủ phúc lợi. Tôi sợ anh buồn giận nên đành ở nhà, vì mỗi lần anh lên cơn ghen thì các con sợ chui vào phòng và chúng rất đau lòng khi thấy tôi khóc. Tất cả vì con, tôi nhịn nhục câm nín và tôi học nằm lòng tiếng xin lỗi. Dù biết rằng mình không sai, tôi vẫn xin lỗi, vì tôi luôn nghĩ "một câu nhịn bằng chín câu lành" nhưng tôi càng nhịn thì anh càng làm tới. Lúc sau anh hăm dọa bỏ đi, bỏ đồ vô vali, thì tôi lại van xin anh "em xin lỗi anh, xin anh đừng đi, đừng bỏ con, đừng bỏ em" rồi kéo vali anh vào nhà, khóc như mưa, như một đứa bé chưa bao giờ được khóc. Những lúc anh nổi cơn ghen bóng gió thì tôi phải thề thốt đủ thứ. Có một lần anh nói oan cho tôi, muốn chứng minh cái trinh tiết của mình tôi đã uống một lọ thuốc trụ sinh vào và nằm đó tưởng như sắp chết. Lúc đó anh hốt hoảng sợ tôi chết, vội đổ vào miệng tôi nửa chai dầu ăn để tôi nôn ra chất thuốc đó thay vì chở tôi vào nhà thương anh sợ mang tiếng. Lần đó tôi sống nhưng tôi không nhìn được ra khuôn mặt mình, từ đầu đến chân đều những vết đỏ, sưng từ trên xuống dưới. Tôi ân hận vì trong một phút nông nổi, tôi đã xém chết để lại 2 đứa con thơ.

Vào mùa xuân của cuối tháng giêng, những cơn gió da diết làm thân tôi khô lạnh. Tất cả ngoài kia đang nhộn nhịp đón xuân, những chợ búa, những gian hang bán đủ thứ bánh mứt, cây kiểng, quà cáp… thì trong lúc đó tôi ngồi cuộn mình trong chăn nhìn bốn bức tường trắng rồi thấy thương cho bản thân mình, thương cho một đời làm người, thương cho các con. Tôi chỉ còn biết cầu xin Thượng Đế; chỉ có Thượng Đế mới hiểu được cái nỗi niềm chứa đầy những đau khổ. Tôi sống không còn một hy vọng, như ngọn nến trong đêm, từ từ lụi dần sắp tắt… Bỗng dưng có một buổi chiều, anh dành nấu cơm, rửa chén. Tôi mừng như kẻ trúng số. Từ ngày ở với anh đến giờ tôi chưa từng thấy anh làm điều nầy cho tôi. Tôi lại mơ mộng, hay là anh thay đổi và tự hỏi mình, tại sao anh làm thế?

Chưa có câu trả lời thì sau bữa cơm anh kéo ghế lại ngồi gần bên tôi và nói năng thật chậm rãi. Tôi bổng sợ, không hiểu tại sao lúc nầy tim tôi như muốn ngừng đập, những cơn hồi hộp thay nhau nhảy múa trong đầu, tay toát mồ hôi..Tôi thấy run rẩy; tôi cố gắng hít vào một hơi thở để có đủ can đảm nghe những lời anh sắp nói, vui hay buồn?

Rồi anh từ từ nói "anh có chuyện muốn nói với em, anh đã suy nghĩ kỹ rồi. Anh có thương em, nhưng anh không có yêu em" rồi anh nói sang tiếng anh "I love you but I am not in love with you. I love you but not enough to live with you".

Câu nói đó làm lòng tôi chết điếng; tôi như người không còn hơi thở. Anh bảo đồ đạc anh đã sắp sẵn sàng rồi anh chỉ muốn ra đi, thôi đừng can anh nữa. Lần nầy tôi biết tôi không thể giữ anh được nữa. Mẹ tôi thường nói: "giữ người ở lại, ai giữ được người ra đi". Nước mắt tôi như đã cạn. Tôi ngồi nhưng tâm hồn va thể xác tôi thật tình đã chết. Rồi anh lầm lũi bỏ tôi và các con không một lần quay mặt, tiếc nuối. Hai con chạy lại ôm mẹ; chúng không biết chuyện gì nhưng tôi còn nhớ, con tôi nói "mẹ ơi đừng khóc nữa, daddy bỏ mẹ thì con sẽ lo cho mẹ; không bao giờ con bỏ mẹ đâu". Tôi ôm 2 con vào lòng rồi tự an ủi lấy mình. Chính con tôi đã lau nước mắt cho tôi, để tôi can đảm sống, can đảm nuôi con, can đảm trước những thử thách, chông gai cuộc đời đang chờ đợi. Dù trong bàn tay tôi chỉ có tờ giấy 20 Mỹ kim, tôi đã phải bôn ba làm 2, 3 job để nuôi con.

Và sau đó tôi đã tìm đến Boat People SOS xin giúp tôi làm giấy tờ ly dị. Những nhân viên ở đó đã nhiệt tình giúp đỡ, an ủi tôi. Tôi cảm thấy được an ủi thật nhiều, vì có những con người nhiệt tình và tận tụy, hiểu biết như vậy mới giúp cho những người như tôi có một con đường sống, một lối thoát bình an. Cám ơn các ân nhân đã đem mùa xuân trở về trong lòng một người đàn bà tội nghiệp.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1251