Vận Động Tài Chánh Cho Chương Trình HO
Date: Wednesday, December 12 @ 14:37:25 EST
Topic: Di Dân & Nhập Tịch


LTS: Chủ Nhiệm Mộng Tuyền, Nguyệt San Bút Tre – Arizona- phỏng vấn TS Nguyễn Đình Thắng - số tháng 10/2007).

Nguyên do gì khiến BPSOS quyết định hỗ trợ việc làm hồ sơ cho các gia đình HO?

Năm 1995, chúng tôi nghiên cứu thể thức của chương trình HO để nền tảng thực hiện chương trình ROVR. Trong khi nhgiên cứu, chúng tôi phát hiện ra rằng từ năm 1994 trở về sau, việc cứu xét này đầy dẫy sai sót, bất công chưa kể việc Hoa Kỳ chấm dứt việc ghi danh trong thời gian ngắn khiến nhiều người bị "lỡ chuyến đò".



Nhờ sửa chữa những sai sót của chương trình HO mà chương trình ROVR thành công lớn. Kết quả là đến nay trên 18 ngàn thuyền nhân đã đến Hoa Kỳ tị nạn sau khi họ bị trả về Việt Nam.

Sau đó chúng tôi tranh đấu tiếp tục cho chương trình HO, bây giờ có tên gọi HR. HR bao gồm U11 dành cho các cựu nhân viên của chính phủ Hoa Kỳ và V11 dành cho các cựu nhân viên của các tổ chức và hãng tư của Hoa Kỳ. Các hồ sơ không nộp đơn kịp trước thời điểm 1 tháng 10, 1994 thì nay có thể tiếp tục nộp.

Điều trớ trêu là trước kia chúng tôi nghiên cứu HO để áp dụng cho ROVR nhưng nay lại áp dụng thể thức ROVR lại cho HR.

Xin tiến sĩ sơ lược quá trình làm một hồ sơ như thế nào, từ khởi đầu cho đến kết thúc?

Từ cuối năm 2005 chúng tôi đã thông báo thật rộng rãi về thể thức, tiêu chuẩn, thời hạn để ghi danh. Điều này hết sức cần thiết nhằm bảo đảm những ai hội đủ tiêu chuẩn sẽ chuẩn bị sẵn sàng mọi giấy tờ cần thiết và những ai không đủ tiêu chuẩn thì chớ tốn tiền cho "dịch vụ" một cách vô ích.

Ngày 25 tháng 6, 2006 Hoa Kỳ chính thức mở chương trình cho mọi người lập hồ sơ ghi danh. Ở giai đoạn này chúng tôi giúp trả lời rất nhiều thắc mắc của các cựu tù nhân cải tạo khi họ lập hồ sơ. Trong nhiều trường hợp chúng tôi giúp họ liên lạc với cơ quan ở Hoa Kỳ để xin giấy xác nhận đã từng đi huấn luyện hay tu nghiệp ở Hoa Kỳ hoặc giấy xác nhận họ là cựu nhân viên sở Mỹ để đính kèm hồ sơ. Chúng tôi lại còn phải rà lại các giấy tờ để bảo đảm rằng hồ sơ không khiếm khuyết trước khi đệ nạp.

Sau đó chúng tôi phải theo dõi từng trường hợp một. Nếu đương đơn nhận được giấy mời phỏng vấn, chúng tôi hướng dẫn chu đáo cho họ. Thuờng thì người Việt ít hiểu thấu đáo thể thức và tiêu chuẩn của cuộc phỏng vấn và do đó hoặc không chuẩn bị để trả lời cho chính xác và gãy gọn, hoặc không biết cách phản bác khi nhân viên phỏng vấn sai thể thức hay vi luật. Chẳng hạn, đương đơn chỉ cần dẫn chứng hai trường hợp bị phân biệt đối xử kể từ ngày 30 tháng 4, 1975 cho đến nay, thay vì phải chứng minh sẽ bị ngược đãi trong tương lai như trong các chương trình tị nạn khác. Như vậy, nếu đã đi tù cải tạo thì rất dễ chứng minh được sự phân biệt đối xử. Thế mà có người vẫn bị "đánh rớt" một cách lạ lùng.

Cũng có những trường hợp nhận được giấy mời của Hoa Kỳ nhưng lại không được vào phỏng vấn vì thiếu giấy "chứng minh nhân dân." Hoa Kỳ đòi hỏi giấy này để xác định rằng người vào phỏng vấn đích thực là đương đơn. Tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều trường hợp bị trù dập, không hộ khẩu cũng chẳng chứng minh nhân dân. Trong các trường hợp này chúng tôi yêu cầu sự can thiệp đặc biệt của chính Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Đối với những trường hợp không được mời phỏng vấn, nếu có sự oan ức, chúng tôi giúp đương đơn thảo văn thư yêu cầu tái xét. Cũng có khi chúng tôi phải nhờ sự can thiệp của các vị dân biểu hay thượng nghị sĩ Hoa Kỳ hoặc của Bộ Ngoại Giao.

Đó là nói chung chung. Thực ra mỗi hồ sơ một hoàn cảnh khác nhau, phải tuỳ cơ ứng biến. Hiện nay chúng tôi đang giúp cho trên 400 hồ sơ ở các giai đoạn khác nhau như kể trên. Mỗi ngày chúng tôi nhận được nhiều chục email, thư, hoặc cú điện thoại. Để tránh tốn kém cho đồng bào trong nước, chúng tôi luôn luôn dặn họ cúp điện thoại để chúng tôi gọi lại.

Xin tiến sĩ cho biết đến nay BPSOS đã gây quỹ được bao nhiêu tiền cho công việc này?

Từ đầu năm 2007, chúng tôi đã ký hợp đồng với một người làm việc toàn thời gian, lưu loát cả Việt và Anh ngữ, lại có khả năng tiếp xúc với các giới chức ở Bộ Ngoại Giao lẫn Quốc Hội. Người này phải lo tất cả các công việc đã kể và thường làm việc khuya lẫn cuối tuần để tiện liên lạc với người trong nước. Chúng tôi ước lượng phí tổn về nhân sự lẫn các chi phí khác là 85 ngàn Mỹ kim mỗi năm, cho hai năm.

Tháng 5 vừa rồi chúng tôi tổ chức bữa cơm gây quỹ được 30 ngàn Mỹ kim, nhưng chỉ còn 15 ngàn Mỹ kim sau khi trừ chi phí. Để duy trì hoạt động cho năm đầu, chúng tôi sẽ phải gây quỹ thêm 70 ngàn Mỹ kim từ đây cho đến cuối năm. Sang năm lại là việc khác, sẽ tính sau. Xin chia sẻ những sự hỗ trợ về mặt tinh thần lẫn vật chất của các đồng hương xa gần, hội đoàn, v.v. Gần đây chúng tôi được sự hỗ trợ hết sức qúy báu của Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị. Hội này đang lên tiếng ráo riết kêu gọi đồng bào, nhất là các tổ chức cựu quân cán chính, đứng ra gây quỹ. Kết quả là chúng tôi bắt đầu nhận được một ít đóng góp từ đó đây gởi về. Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức cho vấn đề này.

Đây là cơ hội cuối cùng để giúp cho những người đã hy sinh rất nhiều, trong cuộc chiến và sau cuộc chiến, thoát ra bến bờ tự do. Chúng tôi nghĩ rằng mình chưa làm đủ công tác truyền thông cộng đồng và do đó rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan truyền thông đại chúng.

Sau tháng 6/2008, những hồ sơ còn kẹt lại sẽ ra sao?

Chương trình HR bắt đầu từ tháng 6 năm 2006 và sẽ chấm dứt vào tháng 6 năm 2007. Chấm dứt đây là chấm dứt việc ghi danh, nghĩa là nộp hồ sơ mới. Các hồ sơ đã nộp trước thời hạn 25 tháng 6, 2008 vẫn tiếp tục được giải quyết. Những hồ sơ bị từ chối phỏng vấn vẫn có quyền xin mở lại. Những hồ sơ bị đánh rớt khi phỏng vấn vẫn có quyền yêu cầu tái xét. Dĩ nhiên các hồ sơ này đều cần sự can thiệp hơn nữa vì Sở Di Trú rất miễn cưỡng trong việc xét lại.

Đó là chưa kể hàng ngàn hồ sơ đã bị đánh rớt trong chương trình HO trước đây mà chúng ta cần tiếp tục can thiệp để được tái xét. Nhằm tạo căn bản pháp lý cho việc tái xét, chúng tôi đã làm việc với Dân Biểu Chris Smith để gài vào Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam một điều khoản đặc biệt cho các hồ sơ HO. Dự luật này mới được Hạ Viện thông qua nhưng còn tùy thuộc Thượng Viện.

Ngoài việc giúp đỡ bằng cách tham dự các buổi gây quỹ cho mục đích này, các cộng đồng, hội đoàn và cá nhân tại địa phương có thể làm gì thêm để hỗ trợ BPSOS?

Tài chánh là huyết mạch đối với chúng tôi trong lúc này. Chúng tôi bù đầu với hồ sơ nên không còn năng lực để tổ chức gây quỹ. Bên cạnh đó, chuyển tin tức chính xác về trong nước là điều hết sức cần thiết. Cho đến nay chúng tôi vẫn khám phá ra có trường hợp không biết rằng mình đủ tiêu chuẩn để ghi danh chương trình HR; lý do là chính Sở Di Trú Hoa Kỳ đã bất nhất trong việc diễn giải thể thức và tiêu chuẩn. Chẳng hạn, thể thức ấn định rằng những ai đã bị đánh rớt trong chương trình HO thì không thể nộp đơn cho chương trình HR. Tuy nhiên, thế nào là "đánh rớt"? Trước đây trong chương trình HO, Bộ Ngoại Giao mướn một tổ chức ngoài chính phủ để giúp gạn lọc hồ sơ trước khi chuyển cho Sở Di Trú phỏng vấn. Do đó nhiều trường hợp bị loại nhưng chưa hề được phỏng vấn. Lẽ ra họ phải được nộp đơn cho chương trình HR. Nhưng họ đã không được xét đơn hoặc không biết để nộp đơn. Mỗi khi chúng tôi khám phá ra những điều như vậy, chúng tôi lập tức ra các bản thông cáo nhưng e rằng không đến được với mọi người ở trong nước. Chúng tôi rất cần sự tiếp tay của mọi người trong công việc chuyển tin.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1184