Phát Triển Nền Điện Ảnh Mỹ
Date: Thursday, May 26 @ 11:19:58 EDT
Topic: Thế Hệ Trẻ


Quốc Cường

Một buổi sáng cuối tuần, Tuấn gọi điện thoại rủ tôi cùng đi ăn điểm tâm với bạn anh, Victor Vũ, một đạo diễn trẻ mà tên tuổi đang dần trở nên quen thuộc trong giới khán giả và khách hâm mộ nghệ thuật điện ảnh Việt Mỹ. Bản thân Tuấn cũng là một đạo diễn đang tự trau dồi nhằm khẳng định khả năng và phong cách của chính mình. Còn riêng tôi thì ngoài sở thích xem phim ra còn muốn dùng cơ hội này để tìm hiểu thêm về Victor Vũ, người mà tôi sẽ làm MC giới thiệu trong chương trình chiếu phim Oan Hồn do Phân Hội Văn Hóa Khoa Học vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức ngày hôm sau.

Qua vài lời giới thiệu sơ giao và khi đã trở nên thân tình hơn, chúng tôi chia sẻ về công việc của nhau. Trái với sự suy đoán của tôi, Victor đã không quá say sưa kể về bộ phim Oan Hồn hay những cuốn phim khác của anh. Anh nói nhiều về những dự định và kế hoạch ấp ủ cho tương lai. Giữa muôn vàn những gì chúng tôi chia sẻ, ấn tượng nhất là ước mong của anh trong một ngày gần đây sẽ có dịp chuyển thể những tác phẩm của nhà văn đối kháng trong nước Dương Thu Hương thành phim và việc xây dựng nên một phim trường của người Mỹ gốc Việt. Việc chẳng phải dễ dàng, nhưng sao lại không cơ chứ? Chẳng phải là chúng ta đã có những Thuý Nga Paris, Asia Entertainment, Vân Sơn Productions, v.v. trong lĩnh vực giải trí ca nhạc đó ư?

Trên một triệu người Mỹ gốc Việt, với một tiềm năng kinh tế dồi dào và ngày càng phát triển phồn thịnh, chúng ta hiện đang có một làn sóng những nhà làm phim, đạo diễn và diễn viên trẻ đang tiến hành những bước đột phá trong lãnh vực nghệ thuật điện ảnh, một sân chơi mới với những gương mặt tiên phong mở đường đầy triển vọng. Sau những cái tên Tony và Timothy Bùi, Charlie Nguyễn, Trần Anh Hùng, v.v. xuất hiện liên tiếp tạo sự chú ý đáng kể từ giới hâm mộ điện ảnh cách đây vài năm, có lẽ nghệ thuật điện ảnh Việt Mỹ đã dường như khựng lại sau chút thành công đầu tiên. Nhưng chút tĩnh lặng nhất thời cũng có thể là thời gian ấp ủ cho những tài năng mới, là để tạo đà đẩy cho những cú đột phá mạnh mẽ và táo bạo hơn?

Tôi nhận thấy ở người bạn mới này một cá tính độc lập, những ý tưởng mới mẻ và táo bạo với một tầm nhìn xa nhưng rất thực tế, và trên hết là nỗi đam mê làm phim, thúc đẩy bởi ước vọng tạo nên tiềm lực phát triển sự hiện diện của người Việt trong nghệ thuật điện ảnh, vốn vẫn là một khó khăn đầy thử thách cho cộng đồng thiểu số người Mỹ gốc Á Châu. Victor tin rằng tương lai phát triển sẽ là châu Á, và rõ ràng là gần đây, chúng ta có thể cảm nhận mức độ gia tăng sự chú ý về thị trường châu Á cũng như sản phẩm văn hoá châu Á từ kinh đô điện ảnh Hollywood, qua những phim Tàng Long Ngoạ Hổ (Crouching Tiger, Hidden Dragon), Anh Hùng (Hero), Thập Diện Mai Phục hay Phi Đao Môn (House of the Flying Daggers), v.v. Điện ảnh Việt Mỹ, nếu được sự đầu tư nuôi dưỡng đúng mức có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đi tiên phong dẫn đầu một làn sóng mới, không những có thể thay đổi và vực dậy nền điện ảnh Việt Nam trong nước hiện đang sống thoi thóp với một tương lai mù mịt dưới áp lực kiểm duyệt gay gắt của chính quyền mà còn vươn ra thị trường châu Á rộng lớn, vốn luôn bị tràn ngập và định đoạt bởi các đối thủ từ phim trường Hồng Kông.

Và chúng ta cũng có thể tin rằng với một nền điện ảnh trẻ, năng động và đầy sức sống, người Việt trên đất Mỹ sẽ trở nên mạnh mẽ và thành công hơn trong việc khẳng định tiếng nói của mình trên các bình diện văn hoá, lịch sử, xã hội và chính trị. Cuộc chiến Việt Nam sẽ không chỉ được nhìn qua lăng kính một chiều ảm đạm và thiếu khách quan qua các tác phẩm Hollywood như: Apocalypse Now, The Deer Hunter, Platoon, v.v. Và khán giả trong nước cũng không phải chán chường khi phải làm một sự so sánh giữa phim ảnh ngoại quốc xuất phát từ kinh đô điện ảnh Hollywood với các sản phẩm điện ảnh nội địa theo kiểu “mì ăn liền” quốc doanh khô khan và mang nặng tính tuyên truyền, bôi nhọ và chối bỏ sự thật. Không! Họ sẽ có một sự lựa chọn, những sản phẩm điện ảnh sâu sắc, được đầu tư đúng mức, thực hiện công phu và kỹ lưỡng, có giá trị nghệ thuật và nhất là thắm đượm màu sắc văn hoá nhân bản Việt Nam.

Qua những bộ phim ngắn gần đây như Buổi Sáng Đầu Năm (First Morning - Victor Vũ), Ngày Giỗ (The Anniversary - Hàm Trần), việc nhìn lại và tìm hiểu sự thật cuộc chiến tranh Việt Nam và dòng lịch sử tỵ nạn người Việt đã được những đại diện của thế hệ thứ hai xúc tiến. Và chính họ, chứ không ai khác, sẽ tạo nên được gạch nối khoảng cách thế hệ và văn hoá, góp phần không nhỏ trong việc tạo nên một hướng đi mới cho nền văn hoá nghệ thuật Việt.

Lúc ra về, chúng tôi đi ngang qua quầy sách báo nhỏ ngay dưới cái đồng hồ trong khu Eden và Tuấn chợt đứng hẳn lại, tay chỉ vào một cái đĩa DVD và nói trong vui mừng:

- DVD của tôi xuất bản rồi! Phim tài liệu đầu tay của tôi!

Tuấn loay hoay tìm $20 nhưng không có đủ nên mượn tạm chúng tôi quyết mua cho được sản phẩm đầu tay của chính mình. Anh quơ cái DVD mới mua và nói to lên như chia sẻ niềm vui với hai chúng tôi: “Phim đầu tay mà! Có cái ý nghĩa riêng biệt của nó!”

Vâng, có lẽ tôi đã cảm nhận phần nào niềm vui đang rộn lên trong lòng người bạn mình. Cái cảm xúc của người nghệ sĩ trẻ khi lần đầu tiên thấy sản phẩm tinh thần ra mắt công chúng.

Mai này, liệu rằng những người trẻ chúng tôi sẽ thành công, liệu có đạt được ước vọng và lý tuởng sống của mình, câu hỏi còn quá sớm để trả lời. Nhưng buổi sáng hôm ấy, qua ly cà phê và những lời tâm tình, ba gã thanh niên chúng tôi đã cùng chia sẻ một hoài bão — tạo nên và thúc đẩy một trào lưu mới phát triển sức mạnh cộng đồng và góp phần thay đổi những bất công xã hội.

Các thế hệ người Việt đi trước đều biết đến cuốn phim “Chúng tôi muốn sống.” Ngày hôm nay, thế hệ trẻ chúng ta sẽ vinh danh dòng lịch sử bi tráng đó vói những thước phim mới. Chúng Tôi Đang Sống. Và dòng máu nóng Việt Nam vẫn lưu chảy muôn đời, mạnh mẽ, trường tồn và bất diệt.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=117