Dự Luật Về Quyền Công Dân Của Người Lai
Date: Wednesday, October 31 @ 00:19:11 EDT
Topic: Di Dân & Nhập Tịch


Nữ Dân Biểu Zoe Lofgren Đưa Dự Luật Về Quyền Công Dân Của Người Lai Mỹ-Việt

 

Hoa Thịnh Đốn, 30 tháng 10, 2007 - Ngày hôm nay Nữ Dân Biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ, Santa Clara) đưa vào Hạ Viện một dự luật nhằm thừa nhận quyền công dân của hàng chục ngàn người Lai Mỹ-Việt.


 

 

TS Thắng đang làm việc với LS Ur Jaddou, nhân viên lập pháp đặc trách Tiểu Ban Di Dân của Nữ DB Zoe Lofgren, tại Hạ Viện Hoa Kỳ, ngày 12 tháng 9, 2007 (ảnh NQK)



Dự luật này, tên chính thức là Đạo Luật Công Nhận Quan Hệ Cha Con Của Người Lai Mỹ-Việt (Amerasian Paternity Recognition Act) năm 2007, nếu được thông qua sẽ đương nhiên công nhận quyền công dân của tất cả các người Lai Mỹ-Việt đến Hoa Kỳ dưới đạo luật "Người Lai Mỹ-Việt Trở Về Nhà" (Amerasian Homecoming Act) ban hành năm 1988.

 

"Đây là đạo luật về sự công bằng và bình đẳng", DB Lofgren nhận xét. "Chúng ta không thể đối xử với các người Lai Mỹ-Việt khác với những người con trai và con gái có cha là công dân Hoa Kỳ. Đã đến lúc Quốc Hội giải toả sự bất công này và thừa nhận con cái của các cựu chiến binh và công dân Hoa Kỳ. Các người Lai Mỹ-Việt xứng đáng được đối xử công bằng dưới luật pháp Hoa Kỳ".

 

Từ khi Đạo Luật Con Lai Trở Về Nhà được ban hành năm 1988, 27 ngàn người Lai Mỹ-Việt đã đến Hoa Kỳ định cư cùng với gia đình, tổng cộng lên đến 80 ngàn người. Theo luật hiện hành họ phải có cha bảo chứng trước khi quá 18 tuổi thì mới được đương nhiên trở thành công dân Hoa Kỳ. Phần lớn các người Lai Mỹ-Việt không biết cha; một số ít tìm được cha Mỹ nhưng đã quá tuổi.

 

Nhằm giải quyết sự trắc trở này về pháp lý, năm 2002 Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển khởi xướng chiến dịch vận động Quốc Hội Hoa Kỳ công nhận quyền công dân đương nhiên của các người Lai Mỹ-Việt.

 

Hưởng ứng cuộc vận động này, năm 2003 nữ DB Lofgren đưa ra dự luật Nhập Tịch Cho Người Lai Mỹ-Việt, nhưng dự luật này đã "chết" vì không được vị chủ tịch lúc ấy của Tiểu Ban Di Dân đưa ra biểu quyết. Dự luật này, với một số sửa đổi, lại được đưa vào Hạ Viện năm 2005 nhưng rồi cũng "chết" vì lý do tương tự.

 

Tháng 5 vừa qua, UBCNVB tổ chức một phái đoàn gặp DB Lofgren tại văn phòng của bà ta ở San Jose, để yêu cầu đưa lại dự luật cho năm 2007. Tham gia phái đoàn gồm có một số bạn Lai Mỹ-Việt, nữ nghị viên Madison Nguyễn, ký giả Jean Libby, và một số người ủng hộ cho công cuộc vận động này.

 

"Lần này chúng ta có cơ hội hơn những năm trước vì chính Bà Lofgren là Chủ Tịch Tiêåu Ban Di Dân tại Hạ Viện", TS Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành UBCNVB, nhận xét.

 

Để vận động sự ủng hộ cho dự luật của DB Lofgren, các văn phòng chi nhánh của UBCNVB ở nhiều nơi đã thành lập các phái đoàn tiếp xúc với dân biểu, như ở San Jose, Atlanta, Louisville, Jersey City, Camden, và Houston. Ngoài các bạn Lai Mỹ-Việt, các phái đoàn này còn có sự tham gia của các nhân sĩ trong cộng đồng Việt, cựu chiến binh Hoa Kỳ, và nhân viên của UBCNVB.

 

Hiện nay đã có ba vị dân biểu đồng bảo trợ: nữ Dân Biểu Loretta Sanchez (Dân Chủ, California), Christopher Smith (Cộng Hoà, Texas), và Tom Davis (Cộng Hoà, Texas).

 

"Chúng tôi muốn giữ sự cân bằng giữa hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ để chứng minh rằng đây là nỗ lực của lưỡng đảng", TS Thắng giải thích.

 

Ngày 26 tháng 10 vừa rồi Ông tiếp xúc với nhóm Lai Mỹ-Việt và một số nhân sĩ ở Phoenix, Arizona để chuẩn bị một phái đoàn tương tự đi tiếp xúc với các vị dân biểu tại đây. Ông kêu gọi các nhóm Lai Mỹ-Việt ở khắp nơi trên nước Mỹ hành động tương tự.

 

"Chúng tôi đã soạn thảo các văn thư và tài liệu cần thiết để liên lạc với các vị dân biểu, yêu cầu tiếp xúc, và trình bày thỉnh nguyện".

 

Theo Ông, cuộc vận động sẽ gặp nhiều khó khăn trước mắt vì hiện nay vấn đề di dân ở Hoa Kỳ là một vấn đề đầy mâu thuẫn.

 

"Muốn tránh kẹt vào thế 'giữa hai lằn đạn', chúng ta phải trình bày rằng đây là vấn đề quyền công dân của những người đã được chính phủ Hoa Kỳ công nhận là con của công dân Hoa Kỳ", TS Thắng phân tích.

 

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1146