Nói Về Các Cựu Tù Nhân Cải Tạo
Date: Wednesday, October 17 @ 16:34:50 EDT
Topic: Định Cư Nhân Đ̐


TS Nguyễn Đình Thắng

LTS: Thượng tuần tháng 8, một bài báo tại CA có nội dung chỉ trích các vị “cựu tù cải tạo”, gây làn sóng phẫn nộ khắp nơi. Ngày 25/8/2007, Ts Nguyễn Đình Thắng viết bài này và được truyền bá rộng rãi trên mạng lưới điện tử cũng như một số báo vì nộâi dung với chứng cớ bảo đảm. Chúng tôi giới thiệu bài viết này và các ý kiến phản hồi từ độc giả khắp nơi.

“Họ là thầy của chúng tôi.” Đó là lời phát biểu của Bác Sĩ Richard Mollica, Giám Đốc Trung Tâm Tâm Lý Cho Người Đông Dương ở Đại Học Harvard; ông từng làm việc với các cựu tù nhân “cải tạo” từ những năm đầu của chương trình HO cho đến giờ.



“Khả năng sống thoát của họ là bài học quý báu cho tất cả chúng ta.” Đó là thái độ của các chuyên gia tâm lý đi tìm mô hình hữu hiệu để giúp dân Mỹ đối phó với hậu quả của thiên tai và khủng bố.

Đáng tiếc là gần đây bài viết của một người Việt, đăng trên một số tờ báo Việt ngữ, tải qua hệ thống internet và chuyển đi bằng email, dùng những từ thật nặng nề khi nói về các cựu tù nhân cải tạo: “tội nghiệp giùm”, “vô dụng”, “gần như bị phế thải”, “bất lực trước đời sống mới”, “vô tài”, “không có, không còn gì”, “lòng thù hận”. Bài viết tiếp theo giải thích rằng những nhận định này dựa trên các dữ kiện của cơ quan Office of Refugee Resettlement, các tổ chức nghiên cứu y tế và tâm lý, và của chính các cựu tù nhân cải tạo.
Không gì sai lệch hơn.

Các cuộc nghiên cứu của Trung Tâm Tâm Lý Cho Người Đông Dương ở Đại Học Harvard, của Trung Tâm Cho Nạn Nhân Tra Tấn ở Minnesota, và của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển—đó là ba chương trình nghiên cứu ở Hoa Kỳ về các cựu tù nhân cải tạo—đã khám phá như sau: 90% các cựu tù nhân cải tạo bị triệu chứng căng thẳng hậu chấn thương, 49% bị trầm cảm, và 80% bị thương tích não bộ vì đói kéo dài, sốt rét, tra tấn. Nhiều người bị mất “trí nhớ ngắn” nên dễ quên. Đây là những triệu chứng bệnh có thể khống chế và chữa trị, chẳng khác nào đau tay, nhức đầu. Không vì vậy mà họ vô tài, vô dụng, bất lực, bị phế thải.

Các cuộc nghiên cứu này cũng cho thấy rằng những cựu tù nhân cải tạo Việt Nam có khả năng sống thoát và hồi phục phi thường. Không một nhóm nào khác trong lịch sử cận đại của loài người lại bị tra tấn lâu dài và dưới nhiều hình thức đến vậy—cuộc nghiên cứu của Bác Sĩ Mollica cho thấy 29 hình thức tra tấn được sử dụng trong các trại tù cải tạo. Ai sống sót phải là người bền bỉ, có tài trí, và đầy nghị lực. Trong quyển sách mới xuất bản, nhan đề Chữa Lành Các Vết Thương Vô Hình (Healing Invisible Wounds), Bác Sĩ Mollica kể về một cựu tù nhân cải tạo, nhằm phục hồi nghị lực sau mỗi ngày khổ sai, mỗi đêm tự đọc cho mình bài thơ Cái Chết Của Con Sói của thi hào người Pháp Alfred de Vigny. Trong bài thơ, sói bị thợ săn bắn gục; trước khi chết, sói tự nhắc mình không được than vãn, khóc lóc, cầu xin, hèn hạ mà hãy kiêu hãnh chấp nhận đau đớn và cái chết thầm lặng. Nghị lực này đã giúp cho người tù cải tạo sống thoát địa ngục trần gian, thì nay làm sao họ lại bất lực trước đời sống mới, đầy phương tiện và cơ hội, ở Hoa Kỳ?

Theo Bác Sĩ Mollica, ba yếu tố chính giúp cho họ hồi phục trong đời sống mới là: lòng vị tha, làm việc, và sức mạnh tâm linh. Chính những yếu tố này, trong 17 năm qua, đã thổi sinh khí vào cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ. Ngay từ những ngày đầu đặt chân đến Hoa Kỳ, các bác HOï đã góp công, của, trí tuệ, và tấm lòng vào mọi lãnh vực sinh hoạt: văn hoá, chính trị, kinh tế, truyền thông, nhân quyền, xã hội, từ thiện... Qua kinh nghiệm riêng, tôi đã hợp tác với các vị cựu tù nhân cải tạo trong biết bao công tác lớn, nhỏ: tranh đấu quyền tị nạn cho thuyền nhân, vận động quốc tịch cho các bạn lai Mỹ-Việt, vận động mở lại chương trình HO, can thiệp cho hồ sơ HO còn kẹt lại, đón tiếp các gia đình cựu tù nhân mới đến, tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo… Sau trận bão Katrina, chính các bác HO sinh hoạt ở văn phòng của chúng tôi tại Houston đã xốc vác việc cứu trợ đồng bào chạy bão đến từ Biloxi, New Orleans, Lake Charles, Port Arthur, Beaumont…, mở đầu cho chương trình cứu trợ và hồi phục đang tiếp diễn ở vùng Vịnh Duyên Hải (Gulf Coast). Một số bác HO đã giúp chúng tôi thực hiện báo Mạch Sống, thiết lập chương trình phát thanh ở nhiều nơi, và phát động chương trình truyền hình “Lịch Sử Qua Lời Kể”. Các cựu tù nhân cải tạo là cột trụ trong các hội cao niên mà chúng tôi giúp thành lập ở nhiều nơi trên nước Mỹ.

Tiến Sĩ Robert Weigl, Tâm Lý Gia Trị Liệu, viết trong quyển sách chúng tôi mới xuất bản: “Tất cả chúng ta đều có thể cảm nhận được sức mạnh tinh thần của họ mà những kẻ giam cầm đã không thể tiêu diệt được. Đó là những đức tính cao quý như: lòng trung nghĩa, kỷ luật tinh thần, sự tháo vát, sức chịu đựng, niềm tin, gia đình, lòng yêu nước… Câu chuyện của họ có thể là những mực thước giúp cho cả cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ xây dựng những giá trị căn bản có thể dẫn dắt chúng ta vượt qua những thử thách trong việc xây dựng lại đời sống mới.” Trong sáu năm qua, Tiến Sĩ Weigl hợp tác với chương trình dành cho các tù nhân cải tạo do Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển thiết lập năm 1998.

Các cựu tù nhân cải tạo có rất nhiều để cho và còn rất nhiều để cống hiến; đâu có thể nói họ không có, không còn gì.

Về lòng thù hận, chúng tôi cũng không hề thấy. Qua chương trình “Lịch Sử Qua Lời Kể”, chúng tôi phỏng vấn các cựu tù nhân cải tạo làm tài liệu lịch sử cho hậu thế. Chưa một lần chúng tôi nghe họ nhắc đến sự thù hậnï. Ngược lại, chúng tôi chỉ thấy lòng vị tha, tinh thần trách nhiệm, và lý tưởng. Họ không quên quá khứ khổ đau và mất mát nhưng luôn hướng về một tương lai tốt đẹp cho bản thân, gia đình, cộng đồng và dân tộc.

Cuối tháng 5 vừa rồi, chúng tôi tổ chức Hội Nghị Toàn Quốc Của Người Cao Niên và Cựu Tù Nhân Cải Tạo trong khuôn viên Đại Học George Mason, Bắc Virginia. Đây là cơ hội để những người đến từ nhiều nơi kết tình thân, trao đổi kinh nghiệm, và phối hợp hoạt động. Quan trọng không kém, đây là cơ hội để chính các chuyên gia Hoa Kỳ, các tổ chức định cư người tị nạn, các cơ quan dịch vụ xã hội… học hỏi nơi các cựu tù nhân cải tạo Việt Nam.

Bà Martha Newton, Giám Đốc cơ quan Office of Refugee Resettlement, biểu lộ: “Điều quan trọng đối với chúng tôi là học hỏi về sức mạnh và khả năng đề kháng của quý vị để có thể thiết kế những chương trình ngõ hầu giúp quý vị hồi phục, tiến đến tự lực cánh sinh trong đời sống có nhân phẩm.”

Tiến Sĩ Susan Salasin, chuyên gia về tâm lý của cơ quan SAMHSA (Cơ Quan Về Lạm Dụng Chất Gây Nghiện và Dịch Vụ Tâm Thần của chính phủ Liên Bang), nhận định: “Trong 35 năm qua tôi cố gắng thúc đẩy sự thay đổi về nhận thức, chuyển từ ‘nạn nhân vô vọng’ sang thành ‘người sống thoát đầy năng lực’. [Tấm gương của quý vị] là một đóng góp lớn cho kiến thức chung trong nỗ lực này”. Tiến Sĩ Salasin hiện nay có trọng trách phối hợp các chuyên gia Hoa Kỳ để hình thành một mô hình hữu hiệu nhằm đối phó với hậu quả về tâm lý của thiên tai và khủng bố.

Làm gì có chuyện các cơ quan chính phủ hay tổ chức nghiên cứu xem họ là “vô tài”, “vô dụng”, “bất lực”, “bị phế thải”.

Tại hội nghị, Bác Sĩ Richard Mollica đưa ra một nhận xét thấm thía: mục đích thâm sâu của tra tấn là sỉ nhục. Danh từ “cải tạo”, “nguỵ” nói lên dã tâm sỉ nhục này. Trong “trại cải tạo” các tù nhânï bị trấn lột nhân phẩm; ra khỏi tù, họ bị di xuống bùn đen của xã hội. Thoát ra thế giới tự do, trong nhiều năm qua họ tự hồi phục bằng cách tái lập đời sống cá nhân, chăm lo cho gia đình, gầy dựng cho con cái, phục vụ cộng đồng và xã hội, và đóng góp cho tiền đồ của dân tộc. Mọi nỗ lực của chính phủ và các tổ chức phục vụ cố gắng tiếp trợ cho tiến trình hồi phục tự nhiên này.

Trong khi đó bài viết của một người Việt, với những từ nặng nề có tác dụng sỉ nhục không khác gì tra tấn, muốn đẩy lui họ về một quá khứ mà họ đã thoát ra khỏi.

Thật bất công và đáng trách.

o  O  o

Sau đây là một số ý kiến từ độc giả:

Diễn Đàn Thư Viện Việt Nam

Đăng ngày 13/9/2007

Đôi lời kính dâng đến Quý Vị Quân Cán Chính QLVNCH,
Những người đã dám hy sinh thân mình vì sự an nguy của người khác thì không có sức mạnh nào, quyền lực nào... có thể bẻ gãy được ý chí của họ. Có chăng, chỉ là những sự dày xéo, trả thù, đoạ đày... một cách phi nhân lên trên những tấm thân không có gì để tự vệ. Thể xác thì có thể bị hao mòn vì hoàn cảnh... nhưng ý chí thì vẫn luôn rắn chắc và ngời sáng như kim cương...
Vì vậy, sự “đứng dậy” của “họ” đã làm cho chính kẻ thù của “họ”, của những người bạn phản phúc của “họ” phải kinh ngạc, phải thán phục và phải học hỏi (dĩ nhiên khó che lấp được sự ngượng ngùng bên trong....).
Những trang sách, những mớ lý thuyết... đã trở thành hoang tưởng trước những minh chứng hùng hồn qua mỗi mảnh đời của “họ”, những người “tù binh”, “tù cải tạo”(những tù nhân sau cuộc chiến VN).
Quý Vị là bài học, là tấm gương trung nghĩa, tấm gương hy sinh vì an nguy của dân tộc cho thế hệ mai sau. Không riêng gì VN mà còn cho những ai muốn gìn giữ và biết trấn quý hai chữ Tự Do.

Giang Hai

Đăng ngày 12/9/2007

Tiến sĩ Salasin gọi HO là những “người sống thoát đầy năng lực” thật là chí lí. Và, những nhận xét của bác sĩ Mollica về những HO cũng không sai tí nào. Thế mà rất tiếc, lại có một người, con của một HO, lại dám dùng những lời lẽ có tính cách nhục mạ cả tập thể HO thì buồn quá!
Minh Canh

Cám ơn chị Lan Chi đã gửi một bài viết rất giá trị của TS Nguyễn Đình Thắng. Chúng tôi đã chuyển đến các thân hữu.
Ngô Kỷ

Nguyệt San Việt Nam đã đăng bài của TS Nguyễn Đình Thắng trên net, xin mời chị Lan Chi vào xem. Mong nhận thêm tin tức giá trị từ BPSOS.

Nhà văn Hải Triều

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1137