Một Số Điều Cần Minh Định Về LAVAS
Date: Monday, September 10 @ 17:49:00 EDT
Topic: Định Cư Nhân Đ̐


Nguyễn Đình Thắng
Giám Đốc Điều Hành UBCNVB

Vì một số bài viết trên báo chí và các trao đổi liên hệ trên internet trong thời gian gần đây, tôi thấy cần minh định một số sự việc liên quan đến tổ chức LAVAS (Legal Assistance for Vietnamese Asylum Seekers) nhằm tránh ngộ nhận. Thực ra có hai tổ chức cùng tên LAVAS, nhưng hoàn toàn tách biệt về pháp lý, tài chánh, và phương cách làm việc. Bài viết minh định này cần thiết để bảo vệ uy tín cho những tổ chức đã cùng nhau khởi dựng, phát triển, và hỗ trợ cho LAVAS từ khi thành lập năm 1990 đến khi ngưng hoạt động năm 2001.



Tổ Chức LAVAS Thứ Nhất

Luật Sư Daniel Wolf cùng với tôi thành lập chương trình LAVAS năm 1990, đặt dưới sự quản trị của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển và đượccï đồng bảo trợ bởi: Hội Nghị Người Việt Toàn Quốc Tại Hoa Kỳ (GS Nguyễn Ngọc Bích, Hoa Kỳ); Uỷ Ban Cứu Trợ Thuyền Nhân Canada (TS Lê Văn Mão, Canada); Uỷ Ban Phối Hợp Bảo Trợ Người Việt Tị Nạn Canada (TS Lê Duy Cấn, Ottawa); Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Ô. Vũ Quốc Dụng, Đức); Uỷ Ban Vận Động Yểm Trợ Các Trại Tị Nạn (BS Nguyễn Mạnh Tiến, Úc).

Sau một năm, LAVAS ghi danh hoạt động với Tiểu Bang Virginia như một hội độc lập, có quy chế miễn thuế riêng. Năm 1991 LAVAS mở văn phòng ở Palawan, Phi Luật Tân, và năm sau đó mở văn phòng thứ hai ở Hồng Kông. Để phù hợp với luật lệ sở tại, văn phòng PLT đặt dưới sự quản trị của một luật sư địa phương, còn ở Hồng Kông LAVAS hoạt động dưới danh nghĩa của LS Pam Baker.

Qua hai văn phòng này LAVAS đã cử trên hai chục luật sư và nhân viên trợ luật thiện nguyện đến làm việc dài hạn ở PLT và Hồng Kông. Họ cũng đã vào được một số trại tị nạn ở Thái Lan, Mã Lai và Nam Dương. Tổng cộng LAVAS đã giúp thành công cho trên một trăm gia đình được hưởng quyền tị nạn sau khi “rớt thanh lọc”. Quan trọng hơn, LAVAS đã chuyển nhiều trăm hồ sơ cho Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển (UBCNVB) để chứng minh với Quốc Hội Hoa Kỳ sự bất công trong tiến trình thanh lọc. Với hậu thuẫn mạnh mẽ và trường kỳ của Dân Biểu Christopher Smith, cuộc vận động của UBCNVB đến cuối năm 1995 đã dẫn đến chương trình ROVR (Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees), qua đó trên 18 ngàn thuyền nhân đã định cư vào Hoa Kỳ sau khi bị giao trả về Việt Nam từ các trại tạm dung.

Quốc tế chấm dứt vấn đề thuyền nhân Việït Nam năm 1996, nhưng LAVAS vẫn duy trì hoạt động ở PLT. Nhiệm vụ chính của LAVAS trong giai đoạn mới là phối hợp cuộc vận đông chính sách để mở đường định cư cho số 2,500 thuyền nhân và các bạn “lai Mỹ-Việt” còn lại. Công việc lo hồ sơ vẫn còn nhưng chỉ thuần tuý là điền giấy tờ và hướng dẫn cho những ai có cơ hội định cư; vì vậy, năm 1997 LAVAS không gia hạn quy chế miễn thuế, chấm dứt hoạt động như một tổ chức độc lập, và trở lại thành một chương trình của UBCNVB. Chúng tôi tuyển nhiều bạn trẻ đến làm việc tại văn phòng của LAVAS ở Manila, theo thứ tự thời gian: Nguyễn Hoàng Vũ (Úc), Trà Mi (Mỹ), Trịnh Hội (Úc), Phan Song Liên Phúc (Úc), Nguyễn Quân (Mỹ).

Trong khi LAVAS vận động chính phủ PLT cho thuyền nhân ra đi, UBCNVB phối hợp với Cộng đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu và Liên Hội Người Việt Canada để vận động Hoa Kỳ và các quốc gia đệ tam đón nhận thuyền nhân định cư.

Ngày 6 tháng 5, 1997 Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, qua thư gởi Dân Biểu Christopher Smith, chính thức đồng ý giải quyết cho một số thuyền nhân còn kẹt ở PLT và bắt đầu thương thảo với chính phủ PLT về việc cho thuyền nhân ra đi. Ngày 23 tháng 7, 1998, Sở Di Trú PLT xác nhận bằng văn thư là sẵn sàng để thuyền nhân đi định cư. Ngay sau đó đợt thuyền nhân đầu tiên được nhận định cư vào Hoa Kỳ theo diện tị nạn phụ thuộc (nghĩa là đoàn tụ với vợ/chồng đã có quy chế tị nạn ở Hoa Kỳ), kế đến là các hồ sơ bảo lãnh tôn giáo, rồi đoàn tụ gia đình, và nhóm con lai Mỹ-Việt. Một số các quốc gia khác cũng nhận định cư thuyền nhân.

Văn phòng LAVAS ở PLT cuối cùng vận động được chính Quốc Hội PLT nhập cuộc. Ngày 9 tháng 8, 2000, 41 dân biểu và thượng nghị sĩ PLT chính thức gởi thư cho Bà Ngoại Trưởng Madeleine Albright yêu cầu Hoa Kỳ nhận định cư các thuyền nhân còn lại ở Phi Luật Tân. Lá thư này cũng kêu gọi chính phủ Canada và Úc tiếp tay với Hoa Kỳ. Với diễn tiến khả quan này, năm 2001 chúng tôi quyết định đổi chiến thuật: giúp thuyền nhân tự tổ chức ở PLT để họ tự lo cho nhau trong đời sống, còn chúng tôi sẽ tập trung vận động chính sách để giải quyết định cư cho toàn bộ số thuyền nhân còn lại. Đó là lúc chương trình LAVAS chấm dứt vì không cần thiết nữa.

Tổ Chức LAVAS Thứ Hai

Cuối năm 2003, tôi dự buổi họp ở Orange County với một số nhân sự để bàn kế hoạch thuyết phục chính phủ Hoa Kỳ giải quyết nốt số thuyền nhân còn kẹt ở PLT. Mọi người có mặt đồng ý là trọng điểm không phải ở PLT—chính phủ PLT sẽ không cản trở việc ra đi của thuyền nhân—mà ở Hoa Thịnh Đốn: vận động chính phủ Hoa Kỳ sớm ban hành chính sách định cư (lúc ấy đang gặp trở ngại ở Sở Công Dân và Di Trú), thương lượng về những tiêu chuẩn nhận định cư càng rộng lượng càng tốt, và bàn thảo việc huấn luyện các nhân viên Sở Công Dân và Di Trú sẽ chịu trách nhiệm phỏng vấn để bảo đảm sự công tâm và tinh thần nhân đạo.

 Qua những trao đổi sau đó, tôi được biết ý định của một số nhân sự đã có mặt tại buổi họp kể trên về việc dùng danh nghĩa LAVAS để gây quỹ nhằm tổ chức “trưng cầu dân ý” ở PLT và gởi luật sư sang PLT giúp thuyền nhân về pháp lý. Tôi giải thích những lý do không tán thành điều này:

- Không cần thiết: Chúng tôi đang điều đình với Bộ Ngoại Giao và Sở Công Dân và Di Trú áp dụng thể thức “tị nạn theo thành phần” mà đã được thực hiện trong chương trình ROVR trước đây. Thể thức này trắng đen rõ ràng: nếu nằm trong các thành phần ấn định thì hầu như chắc chắn được định cư (trừ khi bị loại trừ vì phạm pháp); bằng không thì chắc chắn không được nhận. Do đó không có nhu cầu can thiệp hồ sơ.

- Trái luật PLT: Luật sư ở các quốc gia khác không có quyền hành nghề ở PLT nếu không có bằng hành nghề.

- Trái luật Hoa Kỳ: LAVAS không còn nữa nên không thể dùng danh nghĩa ấy để gây quỹ.

- Vi phạm thể thức cứu xét hồ sơ tị nạn của Hoa Kỳ: Bộ Ngoại Giao chính thức tuyên bố rằng “không có chỗ nào cho các luật sư tư can dự vào tiến trình này”.

Nhưng sau đó một số cuộc gây quỹ đã được tổ chức dưới danh nghĩa LAVAS. Sau khi tìm hiểu thì tôi được biết đây là một tổ chức hoàn toàn mới, ghi danh hoạt động với Tiểu Bang California, và không có quy chế miễn thuế. Tổ chức LAVAS này khác với tổ chức LAVAS ở trên. Tổ chức LAVAS này chịu trách nhiệm riêng trong việc khai báo thu nhập và đóng thuế với Sở Thuế Liên Bang và chính quyền Tiểu Bang cũng như báo cáo tài chính thu chi với người đóng góp và công chúng.

Trước đây tôi đã một lần lên tiếng về vấn đề này nhưng không nhắm vào cộng đồng Việt. Trong thời gian gần đây số bài viết trên báo chí và qua internet có nhắc đến LAVAS ở vài thời điểm hoạt động khác nhau mà không phân biệt hai tổ chức trùng tên nhưng không liên hệ gì nhau này.

Mạch Sống Số 63 - 10/07







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1095