Cảm Ơn UBCNVB Tại Houston, Texas
Date: Thursday, August 16 @ 15:06:22 EDT
Topic: Tuổi Hạc


Phạm Xuân Hy
Cao Niên Houston, Texas

Cũng như bao nhiêu ngàn người tị nạn đi theo diện HO đến định cư tại Hoa Kỳ,tháng 2 năm 1998, tôi và gia đình tôi cũng đã may mắn đặt chân đến vùng đất tự do này. Chưa hưởng được hết nghiã của những cụm từ hạnh phúc, tự do, tôi đã phải đối diện với sự đổ vỡ của chính gia đình tôi. Chua xót thay cho tôi, vợ và bốn người con của tôi cũng đã “TỰ DO” rời bỏ tôi khi biết tôi mang nhiều căn bịnh nan y. Họ đã đi đâu, làm gì từ đó đến nay tôi không bao giờ được biết, và cũng đã quá mệt mỏi và chán chường đến độ không cần muốn biết họ đang làm gì và đang sống tại đâu.



Riêng tôi, không nhớ từ khi nào tôi đã trôi dạt về Louisiana sau bao nhiêu năm trời vật vã để sinh tồn và chống chỏi với bịnh tật. Một thân một mình tôi dường như đã sống quen với những chuỗi ngày ảm đạm, cô đơn với bịnh tật. Không có ai quanh tôi những lúc đau ốm, tuyệt vọng. Bạn đồng hành tri kỷ duy nhất của tôi là những viên thuốc chữa bịnh trầm cảm, lãng trí, đau bao tử, đau đầu, mất ngủ, v.v. đựng trong chiếc hộp được chia sẵn bẩy ngày trong tuần cất trong một cái túi xách tay bằng vải rách nát chung với mớ giấy tờ tuỳ thân cũû kỹ cùng với tôi đi khắp mọi nẻo đường trên những chuyến xe bus công cộng để xin foodstamp, medicare and medicaid. Không phải chỉ có khổ sở như thế, mười ngón tay của tôi đã không đủ để đếm hết những lần tự nhập viện rồi xuất viện của tôi tại nước Mỹ này. Cuộc sống của tôi cứ buồn chán trôi đi như vậy đó.

Khi cơn bão Katrina ập đến Louisiana đã gây rất nhiều thiệt hại và cuốn đi biết bao nhà cửa, tàu bè, của cải và cả mạng sống rất nhiều con người. Những người sống sót đã kinh hoàng bỏ chạy thoát thân, người về ở nhà bạn, người trú tạm tại nhà bà con.

Còn tôi đi về đâu đây? Bạn bè, người thân có ai không? Tôi không có ai.
Tôi chạy theo đoàn người về đến chợ Hồng Kông IV ở Houston, nơi mà không biết bao nhiêu hội đoàn đã đến đó để giúp đỡ nạn nhân bão Katrina trong những ngày đầu lánh nạn. Không quen biết một ai ngoài những người cùng cảnh ngộ như tôi, sống lang thang không biết số phận sẽ đi về đâu. Rồi cùng những người chạy bão leo lên lầu Hồng Kông 4, tôi cũng đi theo lên, trông lên cái bảng treo trước cửa văn phòng có đề mấy chữ Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, tôi nghĩ ngay cứu người vượt biển chớ đâu có cứu người vượt bão đâu, nhưng rồi tôi đã mạnh dạn bước vào văn phòng UBCNVB lúc đó chật ních người là người. Gặp một cô gái trẻ hỏi tôi, cháu có thể giúp gì được cho bác.

Tôi trả lời, tôi là người chạy bão Katrina và Rita từ Louisiana qua đây.

Cô gái lại tiếp tục hỏi, vậy bác có giấy tờ gì chứng minh không?

Tôi trả lời có, và cô Thu Trang đó đã mời tôi vào trong phòng làm việc và thiết lập hồ sơ cho tôi để xin tiền trợ cấp của Fema.

Khi tôi được hưởng số tiền trợ cấp đó và tiếp tục nhận những thư từ gửi về đễ cho vào hồ sơ cá nhân của tôi, lần hồi cuối cùng ở Văn Phòng BPSOS ai cũng biết tôi và giúp đỡ tôi trên mọi phương diện.

Được hơn một năm chỗ ở của tôi đã ổn định, lúc đó tôi lại được Cô Ngọc Thanh, một nhân viên chuyên tư vấn và giúp đỡ đồng bào trong vấn đề di trú và nhập tịch giúp tôi điền và nộp hồ sơ xin miễn thi nhập tịch do bịnh hoạn. Vất vả bao nhiêu lần ngược xuôi đi gặp bác sỹ chuyên môn về tâm lý và thần kinh, rồi thì đến gặp cô Thanh để làm những trắc nghiệm tâm lý, điền đơn… Cuối cùng mọi giấy tờ đầy đủ hết, hồ xin miễn thi nhập tịch của tôi cũng đã được nộp đến Sở Di Trú và Nhập Tịch vào tháng 8, 2006. Làm hồ sơ xin miễn thi nhập tịch không những rất vất vả và tốn thật nhiều thời gian mà còn thường thì bị nhân viên Sở Di Trú tìm đủ mọi lý do để từ chối. Sau hai lần đi phỏng vấn với sự giúp đỡ tận tình của Luật Sư Steven Tuấn Phạm, hồ sơ xin miễn thi nhập tịch của tôi đã được chấp thuận. Tôi được mời đi tuyên thệ vào ngày 25 tháng 7, 2007. Không sao diễn tả cho hết nỗi vui mừng của tôi khi nhận được giấy mời đi tuyên thệ, tôi ôm nó vào lòng rồi hôn đi hôn lại nhiều lần và cười một mình như người bị điên. Ờ, mà tôi cũng được miễn thi nhập tịch với lý do tình thần suy sụp, mất trí nhớ mà, nhưng chưa đến nỗi bị điên. Nghĩ đến đây tôi thấy thật vui và lại tự mỉm cười một mình.

Chỉ còn đợi đến ngày 25 tháng 7, tức là còn năm ngày nữa thôi, tôi sẽ đi tuyên thệ để trở thành công dân Hoa Kỳ, sẽ được tự do và hưởng tất cả những quyền lợi như bao nhiêu người công dân Hoa Kỳ khác. Tôi đếm từng ngày mong sao cho thời gian trôi thật nhanh để đến ngày đi tuyên thệ, nhưng than ôi ơn trên dường như lúc nào cũng thử thách tôi, cuộc đời của tôi lúc nào cũng đầy lận đận và gian nan. Bọn xấu đã vào nhà và lấy mất tất cả giấy tờ tuỳ thân, thẻ xe bus, foodstamp, thẻ xanh, thẻ Social và sáu chục mỹ kim tiền mặt tôi dành dụm được từ lâu. Hoảng sợ nhất là tờ giấy mời đi tuyên thệ của tôi cũng bị bọn xấu lấy mất luôn. Tôi hốt hoảng và run lên cầm cập khi nghĩ đến không có giấy tờ tuỳ thân để đi tuyên thệ. Tôi rất lo sợ chẳng biết phải làm sao và nhờ ai giúp đỡ. Ngồi thừ ra một lúc tôi bổng lại nhớ đến một nơi. Tôi đã vội vã chạy đến Trung tâm Dịch Vụ BPSOS tìm gặp Luật Sư Steven Tuấn Phạm nhưng thất vọng cho tôi khi biết Luật Sư Steven không còn làm việc với UBCNVB nữa.

Ở đây, tôi lại được giới thiệu gặp một Cô Luật Sư còn rất trẻ, rất nhiệt tình, mà tôi không biết tên, đã giúp tôi khai báo vụ việc này. Tôi cũng đã gọi 911 nhưng mãi đến trưa mới có một anh cảnh sát người Việt Nam đến hỏi tôi vài câu rồi bỏ đi, tôi không có hy vọng gì tìm lại được giấy tờ tuỳ thân mà đối với tôi lúc này là vô cùng quí giá.

Rồi thì ngày tuyên thệ cũng đã đến, Bà Tuất ở hội SCC đã chở tôi đi, đi thì đi vậy chứ tôi chẳng hy vọng gì, vì tôi gặp quá nhiều sự không may trong cuộc sống. Tôi đã khấn nguyện và đọc kinh thật nhiều mong sao họ sẽ cho phép tôi tuyên thệ. Tất cả giấy tờ tôi có là bản photocopy thẻ xanh, giấy report của cảnh sát và tờ giấy do Luật Sư An Phong viết (sau này tôi mới biết tên). May mắn thay,tôi đã được phép tuyên thệ và nhận bằng quốc tịch cùng ngày. Một lần nữa tôi lại được Luật Sư di trú của văn phòng BPSOS giúp tôi đạt thành tâm nguyện.

Không còn nghi ngờ gì cả, việc xin miễn thi nhập tịch rất khó khăn, và không phải văn phòng luật sư hay dịch vụ nào cũng làm được. Tỉ lệ được chấp thuận thì rất ít, thế nhưng Trung Tâm Dịch Vụ BPSOS đã giúp không những tôi mà nhiều nguời bạn HO khác nữa đã được miễn thi nhập tịch. Riêng tôi đã nhận được quá nhiều sự giúp đỡ của các nhân viên ở BPSOS Houston. Giờ đây Trung Tâm Dịch Vụ BPSOS là gia đình thứ hai của tôi và số điện thoại 281-530-6888 của Trung Tâm Dịch Vụ BPSOS là số điện thoại thứ hai sau số 911 mà tôi có thể nhớ đuợc trong đầu mỗi khi cần được giúp đỡ.

Hôm nay tôi viết những lời cám ơn nầy xin được gửi đến Anh Nghĩa, người Hội Trưởng Hội Cao Niên của UBCNVB ở Houston đã hết lòng động viên tôi tham gia sinh hoạt với hội hàng tuần, giúp cho tinh thần tôi bớt đi sự căng thẳng, cám ơn cháu Thu Trang, cháu Tuyền, anh Mai, anh Hiệp cùng tất cả những người làm trong Văn Phòng UBCNVB mà tôi không biết hết tên, những người ấy là những người có lòng nhân ái đã giúp đỡ những người khốn khó như tôi, xin ơn trên trả công bội hậu cho những người ấy.

Cầu chúc sức khoẻ tất cả mọi người được vui vẻ, hạnh phúc.

Mạch Sống Số 62 - 09/07







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1074