Bằng Đôi Chân
Date: Thursday, August 16 @ 14:58:35 EDT
Topic: Quan Điểm


TS. Nguyễn Đình Thắng
Chủ Nhiệm Báo Mạch Sống

Xung kích và củng cố là hai yếu tố bổ trợ cần thiết để trường tồn và phát triển. Nguyên lý này thể hiện trong đời sống sinh vật, trong thiên nhiên, và trong các định chế xã hội: công ty, đoàn thể, phong trào, cộng đồng, quốc gia, xã hội.



Xung kích là khai phá vùng đất mới, là mạo hiểm ở ngoài biên cương của thế giới quen thuộc, là chấp nhận rủi ro để mở đường thoát khỏi bế tắc. Củng cố là bảo tồn những gì đã có, là xây bờ đắp be cho thửa đất đang mầu mỡ, là dựng nền xây nóc cho cuộc sống đang ổn định. Thiếu củng cố thì như căn nhà rường cột yếu ớt, sẽ chóng đổ sụp. Thiếu xung kích thì sẽ sơ cứng, lão hoá, tụt hậu.

Tạo và duy trì được thế quân bình giữa xung kích và củng cố là yếu tố cần thiết để thành công. Thế quân bình này lại hoàn cảnh, thời kỳ.

Một công ty non trẻ muốn cạnh tranh thì phải liều lĩnh, đột phá để nắm thế ưu việt trên thương trường. Khi đã nắm thị trường, thì công ty lo ổn định và củng cố thế thượng phong. Đến lúc tình hình thay đổi hay bị đe doạ bởi sự cạnh tranh, công ty phải xung kích tìm thị trường mới. Nếu bắt mạch sai tình hình, hoán chuyển trật nhịp giữa xung kích và củng cố, công ty gặp rủi ro lụn bại. 

Như trong biểu tượng âm dương—trong âm có dương, trong dương có âm—trong thời kỳ củng cố phải chuẩn bị xung kích, và khi xung kích phải sẵn sàng củng cố. Áp dụng nguyên tắc này, các công ty lớn đều có bộ phận nghiên cứu và phát triển để lo phần xung kích ngay trong lòng của sự hoạt động ổn định.

Các tổ chức phi lợi nhuận thường thất bại vì không nắm được nguyên lý ấy. Có những tổ chức luôn thay đổi theo thị hiếu hay vấn đề thời thịnh mà không nghĩ đến củng cố, nên lúc nào cũng bấp bênh, việc chưa xong đã bỏ dở. Chỉ dấu của những tổ chức trong tình trạng này là “ta là tổ chức, tổ chức là ta”; nghĩa là người lãnh đạo cầm trịch, quyết định tất cả, là linh hồn lẫn đầu óc của tổ chức; tổ chức thiếu quy củ và thể thức chuẩn mẫu, thiếu hệ thống cân bằng và kiểm soát, thiếu kế hoạch trao truyền. Tuổi thọ của các tổ chức này không dài hơn tuổi thọ của người lãnh đạo, nếu may mắn.

Ngược lại, cũng có nhiều tổ chức phi lợi nhuận chỉ muốn an phận, sợ rủi ro. Chỉ dấu là thái độ cửa quyền, tinh thần “công chức làm theo giờ”, tình trạng khoanh vùng ảnh hưởng nội bộ. Tổ chức trở thành “ống bình vôi”, ngày càng tắc nghẽn; trở thành lạc lõng, không đáp ứng được nhu cầu thay đổi của người dân.

Công cuộc đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam trong thời gian qua vi phạm nguyên lý này nên bấp bênh.

Những nhà đấu tranh đầy dũng khí luôn thách đố bạo quyền, dương đông kích tây, mở rộng chu vi hoạt động. Như chiến sĩ tiên phong, họ cần có hậu cần. Như người khẩn hoang, họ phải có người ở sau lập ấp. Vai trò hậu cần, lập ấp đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn về tổ chức và xây dựng, tài quản trị và đầu óc quán xuyến.

Vì tình hình sôi động, vì nôn nóng, hay do sự thôi thúc từ ngoài, những người tranh đấu ở trong nước nài kéo nhau vào vai trò xung kích, thay vì chia nhau ra thành hai bộ phận bổ trợ cho nhau. Họ như binh đoàn xung phong mà không có hậu cứ yểm trợ, như toán mạo hiểm đi xa mà không có tiếp tế hay tản thương. Dù không bị trấn áp bởi bạo quyền thì tự họ cũng sẽ bị phân tán và kiệt quệ.

Tạo được sự quân bình giữa xung kích và củng cố ở mỗi hoàn cảnh, thời kỳ là điểm cốt lõi để sinh tồn và phát triển. Chúng như chân trái và chân phải bổ trợ lẫn nhau. Muốn đứng vững chắc hay đi nhanh, chúng ta cần dùng cả đôi chân.

Mạch Sống Số 62 - 09/07







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1072