Sức Khoẻ Phụ Nữ Qua Kinh Nguyệt
Date: Tuesday, August 07 @ 17:30:29 EDT
Topic: Sức Khoẻ


Và Phương Pháp Chữa Trị

Nghiêm Trúc
Chương Trình HAPI

LTS. Bài viết này được trích dẫn từ tài liệu của hội YKhoanet.com. Chương trình Sức Khoẻ cho Người Di Dân của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển được tài trợ bởi các tổ chức Susan G. Komen Breast Cancer Foundation và Robert Wood Johnson Foundation New Jersey Health Initiatives.

Chẩn đoán sức khoẻ qua kinh nguyệt

Phụ nữ thường cố chịu đựng hiện tượng sinh lý bất khả kháng này. Nhưng theo các chuyên gia sản phụ khoa, cái thứ bị chị em tránh nhìn (kể cả của mình) này lại phản ánh rõ nét nhất tình trạng sức khoẻ của họ, thể hiện qua màu sắc, khối lượng, độ dài thời gian...



1) Theo dõi chu kỳ

Chu kỳ kinh nguyệt (thời gian giãn cách giữa hai lần kinh) của mỗi phụ nữ đều có tính quy luật. Nếu bỗng nhiên có trước hoặc sau rất nhiều ngày (1-2 ngày chậm hoặc nhanh thì không phải là bệnh) kèm thêm cảm giác khó chịu thì phải kịp thời kiểm tra, không nên bỏ qua. 1-2 năm đầu khi thấy kinh hoặc gần kỳ mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt có thể thay đổi nhưng không phải là bệnh.

2) Xem màu sắc

Kinh nguyệt bình thường phần nhiều có màu đỏ sẫm. Nếu kinh nguyệt có màu đỏ tươi, màu cà phê, màu vàng hoặc màu đen thì cần để tâm theo dõi. Đông y cho rằng, hiện tượng này là do khí hư có hàn hoặc nhiệt như thở ngắn hơi, tiếng nói nhỏ yếu, ngại nói, tay chân rã rời, cử động uể oải. Nếu chú ý giữ gìn vệ sinh kinh nguyệt là có thể khắc phục được bệnh kinh nguyệt.

3) Quan sát lượng

Lượng kinh nguyệt quá nhiều hoặc quá ít đều là biểu hiện không bình thường. Lượng kinh nguyệt nhiều có thể được hiểu là lượng máu chảy ra quá nhiều, thời gian hành kinh quá dài.

Kinh nguyệt quá nhiều: Thường do màng trong tử cung bong ra bất thường và do chứng tăng sinh màng tử cung, hoặc có những bệnh tử cung như u xơ tử cung...; hoặc những bệnh của các cơ quan khác như rối loạn chức năng gan, các bệnh về máu...; hoặc do chịu ảnh hưởng của ngoại cảnh như không chú ý vệ sinh kinh nguyệt, bị lạnh, bị nóng quá, tinh thần căng thẳng... gây nên.

Kinh nguyệt quá ít: Phụ nữ trên 18 tuổi vẫn chưa thấy hành kinh, hoặc những tháng trước thấy kinh bình thường, mà nay liên tục trên 3 tháng không thấy thì gọi là bế kinh (tắc kinh). Bế kinh thường do các bệnh mạn tính toàn thân như thiếu máu nghiêm trọng, bị bệnh gan, đái đường... mắc một số bệnh sán hút máu..., dinh dưỡng không tốt, nội tiết không điều hoà, lao bộ phận sinh dục...

Ngoài ra, đại não bị kích thích mạnh hoặc bị tổn thương như quá căng thẳng, quá đau khổ, phiền não, dầm mưa lạnh, lao động mệt mỏi cũng đều có thể gây bế kinh. Tuy vậy, bế kinh trong thời gian sinh đẻ và cho con bú là hiện tượng sinh lý bình thường.

4) Trạng thái, tính chất

Máu kinh nguyệt bình thường không đặc, hơi dính, trong có thể thấy các cục dính màu trắng (là mảnh vụn của màng trong tế bào). Nếu máu kinh nguyệt vừa dính vừa đông đặc hoặc trong suốt như nước, hoặc kết thành hòn máu to và cứng thì có thể do máu ứ, cần giữ vệ sinh kinh nguyệt tốt.

5) Quan sát triệu chứng của thời kỳ kinh nguyệt

Phụ nữ khoẻ mạnh ở thời kỳ kinh nguyệt thường không có triệu chứng gì đặc biệt. Số ít phụ nữ vào thời kỳ này có một số cảm giác hơi khó chịu như tinh thần bị ức chế, dễ bị kích động, toàn thân mệt mỏi... nhưng sau khi hết kinh thì những cảm giác này cũng kết thúc.

Nếu ở thời kỳ kinh nguyệt mà thấy rõ các triệu chứng thì tức là thuộc trạng thái bệnh lý: tăng sinh túi tuyến vú, đau một bên đầu, đau bụng kinh, căng thẳng trước kỳ kinh, chảy máu cam... Các triệu chứng này có liên quan với các dạng bệnh khác.

Giảm bớt khó chịu trước kỳ kinh

Cương tức vú, mệt mỏi, trầm cảm, bực bội... Dù chỉ hay xảy ra vài ngày trước khi hành kinh nhưng các triệu chứng rối loạn này ảnh hưởng khá nhiều tới cuộc sống người phụ nữ. Dù được các nhà chuyên môn quan tâm nghiên cứu từ đầu những năm 30 cho tới nay, hội chứng này vẫn còn khá bí ẩn.

Không phải phụ nữ nào cũng mắc hội chứng rối loạn trước kỳ kinh. Từ 20-50% phụ nữ Pháp cảm thấy khó ở trước ngày hành kinh. Nhưng chỉ 3-10% trong số họ thực sự bị hội chứng rối loạn trước kỳ kinh.

Một đặc điểm của hội chứng rối loạn trước kỳ kinh là nó xảy ra theo một chu kỳ, thường là từ một đến hai tuần trước ngày thấy tháng. Sau đó, các triệu chứng tạm thời suy giảm trong vòng một tuần. Chỉ được coi là hội chứng trước kỳ kinh nếu các triệu chứng diễn ra liên tục, qua nhiều chu kỳ kinh nguyệt.

1) Triệu chứng

Các biểu hiện của hội chứng rối loạn trước kì kinh rất đa dạng. Thường thì thầy thuốc rất khó chẩn đoán bệnh, và nhiều khi miêu tả của người bệnh cũng không rõ ràng.

Những triệu chứng đầu tiên thường xuất hiện ở độ tuổi 20-40. Người ta có thể thống kê tới 100 triệu chứng, nhưng có 3 biểu hiện thường gặp nhất.

- Cương vú: vú to lên, cứng hơn, rất nhạy cảm và đau.

- Rối loạn tâm thần, thần kinh: có những biểu hiện trầm cảm, tinh thần bất ổn, đau đầu, dễ nổi cáu, mệt mỏi, mất ngủ, và chán ăn.

- Rối loạn đường tiêu hoá: trướng bụng, nôn nao, tiêu chảy, táo bón.

2) Cơ chế bí ẩn

Thăm khám cơ thể hoặc thử máu không cho phép chẩn đoán hội chứng trước kỳ kinh. Các bác sĩ đã đề nghị bệnh nhân của họ ghi lại các triệu chứng và quá trình biến chuyển của chúng trong ngày, qua nhiều kỳ kinh. Tuy vậy bác sĩ vẫn chỉ dừng lại ở việc đưa ra các giả thuyết về nguyên nhân của hội chứng này.

- Nguyên nhân nội tiết

- Nguyên nhân di truyền

- Nguyên nhân dị ứng

- Do cơ chế trao đổi chất

- Thiếu hụt một số vitamin và chất khoáng

Rất có thể, người phụ nữ bị hội chứng rối loạn là do cơ thể họ phản ứng với một số thay đổi ở hormone liên quan đến kỳ kinh. Những người phụ nữ có thần kinh nhạy cảm dễ gặp phải vấn đề hơn những người khác.

3) Chữa trị

Các bác sĩ khuyên phụ nữ trước khi dùng thuốc hãy thử một số biện pháp nhẹ nhàng như sau.

Ăn uống hợp lý và kiểm soát tốt hơn tình cảm:

Đầu tiên, hãy ăn uống một cách hợp lý. Tránh các thức ăn mặn, bởi muối bắt cơ thể trữ nước. Không nên uống nhiều cà phê và trà bởi những thức uống này dễ gây căng thẳng thần kinh. Đường và đồ uống ngọt cũng là những thứ nên tránh.

Bạn cũng nên bỏ thuốc lá và rượu vì những thứ này gây cảm giác nặng nề và những rối loạn tình cảm.

Theo một số bác sĩ, thức ăn giàu can xi, ma nhê và măng gan cũng có tác dụng trong việc giảm thiểu các triệu chứng rối loạn trước kỳ kinh. Một số các chuyên gia khác còn khuyên nên dùng thêm kẽm và vitamin B6 cũng như axít béo chưa no.

Cuối cùng, ngủ đủ giấc và chơi thể thao cũng có thể là những phương thuốc hiệu nghiệm.

4) Dùng thuốc hỗ trợ:

Thường thì phụ nữ chịu đựng được các rối loạn này, và không cần phải tới gặp bác sĩ. Nhưng đôi khi các khó chịu trước kỳ kinh gây trở ngại tới công việc và cuộc sống của họ. Trong trường hợp này, các bác sĩ khuyên dùng thuốc. Các bà các cô có thể dùng thuốc tránh thai để ngăn ngừa các rối loạn trước kỳ kinh. Hiệu quả của thuốc này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu nhưng các nhà khoa học Mỹ đang chuẩn bị đưa ra thị trường một loại thuốc tránh thai dành riêng cho những phụ nữ có vấn đề khi chuẩn bị hành kinh.

(Nguồn: Bs Minh Nguyệt)

Mạch Sống Số 61 - 08/07







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1061