Yểm Trợ Chương Trình HR
Date: Sunday, May 27 @ 15:29:44 EDT
Topic: Định Cư Nhân Đ̐


Việc Yểm Trợ của UBCNVB Đối Với Chương Trình Định Cư Nhân Đạo 

 

Nguyễn Quốc Khải

21.05.2007

 

Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) tính đến nay đã yểm trợ Chương Trình Định Cư Nhân Đạo (Humanitarian Resettlement Program - HR) đuợc 4 tháng. Khoảng 200 trường hợp đã gửi đến văn phòng để xin khiếu nại giùm và khoảng 300 người đã gọi điện thọai để hỏi về thể thức và xin được hướng dẫn làm đơn xin định cự trong Chương Trình HR. Có những người gửi hồ sơ hay gọi điện thoại thẳng từ trong nước. Có những người nhờ thân nhân ở Hoa-Kỳ chuyển hồ sơ đến BPSOS và theo dõi giùm.



Chương Trình HR không cứu xét những người trước đây thuộc các diện HO, U11, V11 đã nộp đơn theo chương trình ODP và đã bị từ chối. Chương trình này cũng không nhận những người trước đây đã được thông báo rằng họ không đủ tiêu chuẩn. Do đó những người bị bác đơn ODP/HO một cách oan uổng trong thập niên 90 cũng đã nhờ UBCNVB can thiệp theo chương trình HO. 

 

Trong những hồ sơ gửi đế UBCNVB, có nhiều tài liệu chúng tôi không cần đến, như hộ chiếu, giấy hộ khẩu, giấy khai sinh của cả gia đình. Những giấy tờ cần thiết gồm có giấy ra trại, giấy nhập trại, giấy khai sanh của người làm đơn chính trong gia đình, giấy từ chối của sở Di Trú Hoa-Kỳ (INS nay gọi là CIS), giấy chứng nhận làm việc cho chính phủ / quân đội / công ty / tổ chức tư nhân Hoa-Kỳ, giấy chứng nhận được huấn luyện tại Hoa-Kỳ.

 

Những người muốn BPSOS giúp đỡ cần phải viết một lá thư cho chúng tôi tóm tắt sự việc và đính kèm tài liệu liên hệ. Nếu chỉ gửi hồ sơ mà không có thư chính thức yêu cầu, chúng tôi không thể giúp quý vị được. 

 

Để liên lạc được dễ dàng và nhanh chóng, quý vị nên cúng cấp cho chúng tôi điện thoại và địa chỉ điện thư (e-mail) nếu có.

 

Trong thời gian vừa qua BPSOS nhận thấy có những trường hợp xin tái xét điển hình như sau

 

  • Bị xem là không ngược đãi và áp bức.
  • Bị bác oan uổng vì nhân viên di trú lầm tên.
  • Có bằng cớ mới.
  • Không tham dự được phỏng vấn vì lý do bất khả kháng.
  • Đương đơn nộp đơn ODP trễ hạn, nên hợp lệ để nộp đơn HR.
  • Có đủ bằng chứng để thay thế giấy tờ chính thức (giấy khai sanh, giấy giá thú).
  • Chứng minh giấy tờ thực.  

Những trường hợp bị từ chối oan uổng gồm có:

 

(1)     Chưa bao giờ nộp đơn, nhưng bị từ chối cứu xét vì theo Sở Di Trú Hoa-Kỳ những người này đã có tên trong danh sách trước đây và đã bị coi là không đủ điều kiện.

 

(2)     Được gọi tham dự cuộc phỏng vấn, nhưng vì đi xa hoặc thay đổi chỗ ở đã không nhận được thông báo hoặc vì lý do sức khoẻ hay tình trạng gia đình đã không tham dự những cuộc phỏng vấn này.  Có một số trường hợp đương đơn bị trù dập và không được cấp hộ chiếu để di chuyển làm giấy tờ để xin định cư.

 

(3)     Một số người bị loại vì không bị tịch thu nhà cửa hay tài sản. Trường hợp này rất oan uổng cho những người nghèo, không có nhà cửa, đất đai, hoặc tài sản để mà bị tịch thu. Một số người bị Cơ Quan Di Trú Hoa-Kỳ từ chối không cho đi định cư ở Hoa-Kỳ vì không đi vùng kinh tế mới. Họ có thể từ chối không đi hoặc bị bắt buộc đi mà không có giấy tờ chứng minh.

 

(4)     Không chứng minh được là bị đối sử phân biệt (discrimination) vì chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo, quan điểm chính trị, hoặc nhóm người đặc thù trong xã hội. Không chứng minh được là bị sách nhiễu, áp bức liên tục (persecution). Đây là trường hợp xẩy ra nhiều nhất. 

 

Tu Chánh Án Lautenberg áp dụng cho Liên Bang Nga và ba nước Đông Dương giảm bớt đòi hỏi đương đơn phải chứng minh bị áp bức và ngược đãi trong quá khứ và có mối lo sợ rõ ràng trong tương lai. Đương đơn chỉ cần quả quyết cá nhân bị đối sử phân biệt. Nếu từ chối không cho hưởng quy chế tị nạn đối với những thành phần được ấn định bởi Tu Chánh Án Lautenberg, nhân viên di trú phải nói rõ lý do (những ai được gọi phỏng vấn chương trình HO, U11, V11 đương nhiên nằm trong thành phần Lautenberg).  Tuy nhiên trên thực tế nhân viên di trú Hoa-Kỳ vẫn dùng luật tị nạn áp dụng cho mọi nước.

 

Một số người hiểu nhầm rằng nếu hội đủ điều kiện để phỏng vấn trong chương trình HR, đương nhiên sẽ được định cư tại Hoa-Kỳ. Do đó họ không để ý đến cuộc phỏng vấn và bị loại. Nhân viên di trú Hoa-Kỳ dùng cuộc phỏng vấn để tìm hiểu xem những người làm đơn có khai sự thực hay không và có lý do cần đi tị nạn hay không. Nếu người đứng đơn và thân nhân trong gia đình trả lời không ăn khớp với nhau hoặc không ăn khớp với giấy tờ nộp cho Sở Di Trú Hoa-Kỳ, họ sẽ bị từ chối.

 

Nhân viên di trú đã khám phá ra một số trường hợp giấy tờ giả mạo. Cho nên họ khắt khe và loại một số người có giấy tờ thật một cách oan uổng. Vì một số lý do khác nhau, những dữ kiện trên giấy tờ không rõ ràng, tẩy xoá, hoặc sai sót ngoài sự kiểm soát của người làm đơn. Thí dụ ban quản giáo trại tù cải tạo ghi nhầm ngày nhập trại hay ra trại, xoá tên nhân viên cũ, đánh máy tên người mới.  Đương đơn mất giấy ra trại, phải xin giấy mới thay thế. Một khi bị loại vì giấy tờ không đáng tin cậy, chúng ta rất khó để chứng minh ngược lại. UBCNVB không có khả năng để khảo nghiệm giấy giả hay giấy thật. Trong những trường hợp này trách nhiệm chứng minh ngược lại là của đương đơn. Chúng ta nên nhớ rằng những người khai man hoặc đệ trình giấy tở giả mạo sẽ không bao giờ được đặt chân vào nước Mỹ.

 

UBCNVB cũng đang cố gắng giải quyết một số khó khăn như sau:

 

(1)     Luật lệ chỉ đòi hỏi những cựu tù nhận cải tạo bị giam cầm từ 3 năm trở lên. Nhưng trên thực tế, những người trốn trình diện và bị bắt vào trại cải tạo sau 31/12/1975 lại bị loại. Một số khai man lý lịch hạ thấp cấp bậc và chức vụ của mình nên chỉ bị cải tạo ngắn hạn. Nhưng sau đó tung tích bị bại lộ, họ bị bắt vào trại tù cải tạo lần thứ hai. Nhân viên di trú Hoa-Kỳ lại không tính lần đi tù thứ hai này. Một số bị bắt trước ngày 30/4/1975 vì đóng quân hay nhiệm sở ở ngoài Trung. Nhưng nhân viên di trú Hoa-Kỳ lại máy móc chỉ tính thời gian giam cầm sau 30/4/1975 mà thôi.

 

(2)     Luật lệ cũng chỉ đòi hỏi rằng đương đơn được huấn luyện tại Hoa-Kỳ hoặc trên lãnh thổ thuộc quyền quản trị của Hoa-Kỳ trong bất cứ một thời gian nào. Nhưng trên thực tế, nhân viên di trú Hoa-Kỳ đòi hỏi thời gian huấn luyện này phải ít nhất một năm trở lên. Một số quân nhân Việt-Nam được huấn luyện trên chiến hạm của Hạm Đội số 7, nhưng lại được xem như là không đủ điều kiện. Ngoài ra một số người được huấn luyện tại một nước đồng minh của Hoa-Kỳ và do Hoa-Kỳ tài trợ. Nhưng những trường hợp này không được kể là thoả mãn tiêu chuẩn huấn luyên của Chương Trình ODP/HR.  Trong khi đó Tu Chánh Án Lautenberg xếp vào loại người tị nạn tất cả những ai trong quá khứ hay hiện tại đang làm việc cho các cơ sở của Hoa-Kỳ và các nước Tây phương hoặc được huấn luyện ở những nước này.

 

(3)     Chiến tranh đã chấm dứt 32 năm trước. Những cựu nhân viên và cựu quân nhân của Miền Nam nay đã 60 – 80 tuổi. Sau một thời gian dài sống trong điều kiện thiếu thốn trong các tại cải tạo và trong xã hội cộng sản, bị bạc đãi, sức khoẻ yếu kém, trí óc không còn minh mẫn, họ không còn nhớ nhiều chi tiết mà những viên chức phỏng vấn đòi hỏi hoặc có thể trả lời thông suốt các câu hỏi có tính cách tra khảo của nhân viên di trú Hoa-Kỳ 

 

(4)     Văn hoá cũng là một vấn đề lớn trong tiến trình Định Cư Nhân Đạo. Có trường hợp đương đơn bị từ chối vì nhầm lẫn giữa ngày tiệc cưới và ngày ghi trong giấy giá thú. Những người di cư từ miền Bắc vào Nam vào năm 1954 không có giấy tờ cá nhân nguyên thuỷ. Giấy tờ giữ đã lâu rách nát. Tất cả những trường hợp này không làm hài long nhân viên di trú Hoa-Kỳ. 

 

Có một số trường hợp UBCNVB không can thiệp được vì luật lệ của Hoa-Kỳ.

 

  • Tham gia hoạt động chống đối “cách mạng” không được chính phủ Hoa-Kỳ cứu xét cho đi tị nạn theo chương trình HO hay HR.
  • Đã có bằng chứng dùng giấy tờ giả mạo.
  • Không ở trong trại tù cải tạo đủ thời hạn đòi hỏi.
  • Cựu tù nhân chết sau khi ra trại trên 1 năm (đối với diện quả phụ).
  • Không có đủ giấy tờ căn bản.  

Chúng tôi cũng sẽ không nhận can thiệp cho những hồ sơ nào đã trả lệ phí cho các văn phòng luật hay văn phòng dịch vụ tư nhân ở Hoa Kỳ hay ở Việt Nam.Trong suốt thời gian vận động mở lại chương trình HO (nay lấy tên HR), BPSOS đã vận động với Bộ NGoại Giao Hoa Kỳ để tránh tình trạng lường gạt hay đòi hối lộ. Do đó Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyệt đối không cho phép sự can thiệp hay tư vấn của các văn phòng dịch vụ hay luật sư. Để bảo vệ uy tín, chúng tôi do đó sẽ không nhận giúp các hồ sơ nào đã trả tiền cho người giúp hồ sơ.

 

Khi cần giấy chứng nhận làm việc cho chính phủ / quân đội / công ty / tổ chức tư nhân Hoa-Kỳ, đương đơn có thể liên lạc như sau:

 

  • Làm việc cho chính phủ / quân đội Mỹ:

Trước đây muốn xin giấy chứng nhận làm cho chính phủ hay quân đội Hoa-Kỳ, người viết thư cho Trung Tâm Lưu Trữ Hồ Sơ Nhân Viên (National Personnel Records center – Civilian Personnel Records) của chính phủ Hoa-Kỳ tại thành phố St. Louis, Missouri. Theo tin mới nhất, Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa-Kỳ tại Saigon sẽ trực tiếp phụ trách vấn đề này. Sau đây là địa chỉ:

 

Consulate General of the United States of America, Humanitarian Resettlement Section, 4 Le Duan Blvd.,District 1, Ho Chi Minh City. Vietnam

Attention: David T.Rockey

 

  • Làm việc cho công ty / tổ chức tư nhân Mỹ: liên lạc trực tiếp với những nơi này. 

Chính phủ Hoa-Kỳ còn giữ đầy đủ hồ sơ nhân viên dân sự làm việc cho chính phủ và quân đội Hoa-Kỳ tại Việt-Nam. Tuy nhiên xin giấy chứng nhận của các công ty tư nhân Hoa-Kỳ tỏ ra khó khăn hơn nhiều. Một số công ty đã ngưng hoạt động từ lâu thí dụ công ty RMK-BRJ. Một số biến mất vì sát nhập vào những xí nghiệp khác.

 

Những người được thuê mướn trực tiếp và được trả lương bởi chính phủ / quân đội / công ty / tổ chức tư nhân Hoa-Kỳ, mới được coi là nhân viên của những cơ quan này. Nếu làm việc cho một hãng thầu không phải là của Hoa-Kỳ để cung cấp dịch vụ và hàng hoá cho chính phủ / quân đội / công ty / tổ chức tư nhân Hoa-Kỳ, những người này không là nhân viên của Hoa-Kỳ.

 

Một số người Việt-Nam được biệt phái làm cho các cơ quan hay đơn vị quân đội Hoa-Kỳ, họ vẫn tiếp tục lãnh lương của phía Việt-Nam. Những người này không phải là nhân viên của Hoa-Kỳ.

 

BPSOS không thể thay đổi luật lệ căn bản của Chương Trình Định Cư Nhân Đạo (HR), nhưng BPSOS cố gắng tranh đấu để việc áp dụng luật lệ được nghiêm chỉnh, không có tính cách tùy tiện, trong tiến trình cứu xét những đơn xin định cư tại Hoa-Kỳ. BPSOS có thể khiếu nại giùm cho những người bị bác đơn oan uổng mà trên thực tế mỗi các nhân riêng rẽ không làm được nhất là đối với những người thuộc chương trình ODO / HO vào thập niên 1990 . BPSOS cố gắng tối đa và đồng đều cho mọi trường hợp. Nên không có vấn đề BPSOS cố gắng nhiều hay ít hơn sẽ thay đổi được kết quả.

 

Nhân dịp viết bài báo này chúng tôi xin chân thành cảm tạ một số thân nhân, bạn bè hay hoàn toàn xa lạ ở khắp nơi trên lãnh thổ Hoa-Kỳ đã hợp tác với BPSOS để trợ giúp những người ở trong nước. Sự quan tâm và lòng nhân đạo của quý vị thực đáng ca ngợi. 

 

Chúng tôi cũng muốn cám ơn Văn Phòng DB Trần Thái Văn, Little Saigon Radio và Văn Phòng BPSOS-Orange County nhận bảo trợ và tổ chức cho cuộc hội thảo về Chương Trình HR tại trụ sở của Little Saigon Radio tại Little Saigon, California vào ngày Chủ Nhật 13/5 từ 1PM – 4 PM vừa qua.

 

Để biết thêm chi tiết, UBCNVB đề nghị quý vị đọc thêm một số tài liệu về Chương Trình Định Cư Nhân Đạo đã được đăng trên mạng http://www.machsong.com/ như sau:

 

(1)     Thông cáo báo chí: Chương Trình Định Cư Nhân Đạo (Humanitarian Resettlement Program - HR) và Chương Trình Định Cư Con Lai.

(2)     Chuẩn bị nhận đơn HO và con lai.

(3)     Hội luận về Chương Trình Định Cư Nhân Đạo.

(4)     Hoa Kỳ cứu xét đơn xin tị nạn của những người hồi hương trên tàu Việt Nam Thương Tín.

(5)     Chuẩn bị giúp hồ sơ Chương Trình Định Cư Nhân Đạo (Humanitarian Resettlement Program) - Đợt 2 Của Chương Trình HO, U11 và V11 và Con Lai. 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1004