Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27816545
page views since June 01, 2005
MS17 - 11/03: LÀM SAO ĐỂ TRẺ EM NÊN NGƯỜI HỮU DỤNG

Thế Hệ Trẻ

Ts. NGUYỄN ĐÌNH THẮNG

Trong các gia đình di dân và tị nạn, bố mẹ thường bận rộn kiếm kế sinh nhai và ít để ý đến nhu cầu của con cái, từ việc học hành đến đời sốngtrong gia đình hay ngoài xã hội. Các cuộc nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy rằng sự trông nom của cha mẹ là một yếu tố hết sức quan trọng để giúp trẻ em nên người.

Nhiều cha mẹ Việt Nam, nhất là các gia đình mới đến định cư, sống trong cảnh đầu tắt mặt tối, làm hai ba công việc để nuôi sống bản thân và con cái. Đối với các gia đình này, sinh tồn là mối quan tâm hàng đầu. Cũng có nhiều bậc cha mẹ quan niệm rằng trong xã hội Hoa Kỳ mọi thứ đều có sẵn, chỉ cần có tiền bạc là xong, kể cả đối với vấn đề học vấn và tương lai của con cái.

Thực ra không phải vậy.

Hiện nay một toán nghiên cứu thuộc đại học Harvard đang làm một cuộc khảo cứu về các trẻ em di dân và tị nạn ở Quận Montgomery County, Maryland. Kết quả sơ khởi làm cho họ ngạc nhiên: nhiều trẻ em và thiếu niên thuộc các nhóm di dân, trong đó có Việt Nam, rất kém về khả năng ngôn ngữ — cả tiếng Anh lẫn tiếng mẹ đẻ. Các nhà nghiên cứu đặt một danh từ mới để mô tả các em: vô ngôn ngữ. Lý do là ở nhà cha mẹ ít nói chuyện với con cái vì quá bận rộng với sinh kế.

Các nhà xã hội học và nhân chủng học nhận diện sáu lãnh vực đời sống tác động đến sự phát triển của trẻ em: cá nhân, chúng bạn, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội. Cả sáu lãnh vực càng thuận lợi thì cơ may để các em nên người càng gia tăng. Ngược lại, các trẻ em gặp khó khăn trong nhiều lãnh vực cùng một lúc thì rất dễ bỏ học và đi vào con đường sa đoạ.

Về cá nhân, trẻ em cần được đào tạo về nghị lực và năng lực để vững tin vào chính mình, để có khả năng chọn lựa việc làm đúng đắn và hướng sống lành mạnh.

Khi các em tự tin thì cũng dễ vượt qua được những áp lực và ảnh hưởng không lành mạnh từ những bạn bè lêu lổng, hay bị lôi cuốn vào những lề thói và trào lưu không lành mạnh. Điều này hết sức quan trọng trong các môi trường nhiều cám dỗ, như ở những nơi có các băng đảng hoạt động mạnh mẽ. Hơn nữa, nghị lực và năng lực này còn là hành trang tốt để các em tiến xa trên con đường học vấn và sự nghiệp tương lai.

Về mặt chúng bạn các em cần có môi trường để gần gũi và học hỏi từ các tấm gương tốt và tránh xa sự rủ rê của bạn bè xấu. Đúng như các cụ ta vẫn nói: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Đối với các em không có anh chị lớn trong nhà làm gương và dìu dắt thì vấn đề ảnh hưởng của chúng bạn lại càng đáng quan tâm hơn. Ở Hoa Kỳ có rất nhiều chương trình để tạo môi trường tốt và các tấm gương tốt cho các em học hỏi. Chẳng hạn như Hướng Đạo.  Chẳng hạn như chương trình Anh Lớn Chị Lớn – cứ mỗi trẻ em lại được dìu dắt bởi một người trẻ nhưng lớn hơn, vừa để nâng đỡ vừa để làm gương tốt cho các em đang gặp trở ngại trong nhà trường, ở gia đình, hay trong cuộc sống.

Gia đình là cái nôi bảo bọc cho trẻ em trước khi đủ lông cánh vào đời. Sự trông nom của ông bà, cha mẹ, anh chị là một hỗ trợ tinh thần và tình cảm cho trẻ em.

Khi gặp phải những khó khăn hay phật ý ở ngoài, trẻ em trở về mái ấm gia đình để tìm sự vỗ về, đùm bọc. Mất đi yếu tố gia đình, các em dễ bị tiêm nhiễm bởi chúng bạn không tốt. Trong một cuộc nghiên cứu gần đây, trường đại học Princeton và trường đại học Pennsylvania thấy là các trẻ em thiếu vắng người cha có tỉ lệ ngồi tù gấp đôi các trẻ em có đủ cha lẫn mẹ. Nhiều cuộc nghiên cứu khác lại cũng cho thấy rằng trẻ em phải chứng kiến các cảnh bạo hành trong gia đình thì khi lớn lên dễ trở thành hung thủ đi bạo hành người khác.

Nhà trường là nơi trẻ em không những thu thập kiến thức mà còn tập tễnh bước vào đời. Các bậc phụ huynh cần làm việc chặt chẽ với thầy cô để sớm biết những vấn đề xẩy ra cho con em như học kém, trốn học, hay bị hiếp đáp. Số thống kê gần đây cho thấy là trong số các học sinh trong lứa tuổi 15 ở Hoa Kỳ, 28 phần trăm bị hiếp đáp tại nhà trường. Trẻ em Việt, mặt mũi lạ, thân hình nhỏ, càng dễ bị hà hiếp bởi chúng bạn trong trường hơn các học sinh thuộc những sắc dân khác.

Trong khi đó, một cuộc nghiên cứu khác của tổ chức Urban Institute kết luận là rất ít nhà trường có sự chuẩn bị thích đáng để hiểu nhu cầu của các học sinh thiểu số và có khả năng chuyên môn nhằm giúp đỡ cho các em này hay liên lạc với các bậc cha mẹ không rành tiếng Anh.

Các nỗ lực của cá nhân, gia đình và nhà trường khó mà thành tựu nếu như cộng đồng nơi các em sinh sống không góp phần hỗ trợ, và đóng vai trò nhịp cầu nối kết các yếu tố khác nhau lại để tạo cơ hội thuận lợi cho các em. Dù gia đình có gìn giữ và nhà trường có khuyến khích cách mấy mà trong cộng đồng tạo nên môi trường xấu, thì trẻ em cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Và các em càng lớn lên, càng dần dà bước ra đời thì ảnh hưởng của cộng đồng ở chung quanh càng gia tăng.

Nếu trong cộng đồng có những chương trình và sinh hoạt để củng cố thêm cho các yếu tố cá nhân, chúng bạn, học đường, và gia đình, thì triển vọng gia tăng cho các em trở nên người tốt trong xã hội. Bằng ngược lại, nếu cộng đồng ở trong tình trạng nhiễu loạn thì sẽ ảnh hưởng ngược lại và làm giảm sút đi tác dụng của các yếu tố kể trên.

Nhưng có nhiều vấn đề phức tạp có tầm vóc vượt quá khả năng cáng đáng của một cộng đồng. Lúc ấy cần phải có sự huy động tài nguyên của cả xã hội, qua các chính sách  của nhà nước. Chẳng hạn chính phủ phải vận dụng lực lượng cảnh sát để dẹp các băng đảng tội ác, phối hợp với nhà trường để tăng an ninh cho các học sinh trong và ngoài khuôn viên nhà trường, và tài trợ cho các hội đoàn từ thiện và tổ chức tôn giáo lập nên các chương trình dìu dắt và các sinh hoạt hướng thượng cho các em. Hiện nay các giới chức công lực ở nhiều nơi đang lo lắng về tệ trạng trộm cắp, cướp giựt, bạo hành, cờ bạc, nghiện ngập và mãi dâm đang gia tăng trong các cộng đồng thiểu số. Các thanh thiếu niên tị nạn và di dân còn mới mẻ trong xã hội Hoa Kỳ dễ trở thành đối tượng kết nạp hay là nạn nhân của các băng đảng tội ác. Cộng đồng Việt không thoát khỏi tình trạng này.

Muốn gia tăng tối đa triển vọng phát triển lành mạnh cho trẻ em, chúng ta cần tác động cùng lúc lên cả sáu lãnh vực đời sống: cá tích, chúng bạn, gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội. Việc làm này đòi hỏi rất nhiều năng lực và sự kiên trì.

Cả sáu yếu tố này không liên can gì đến vấn đề thu nhập hay tài sản của cha mẹ. Và dù có tiền bạc, cha mẹ cũng chẳng thể nào mua được những yếu tố này cho con cái. Chính các bậc cha mẹ, anh chị, và các người quan tâm đến giới trẻ và tương lai của cộng đồng cần ý thức vai trò và trách nhiệm tạo một môi trường lành mạnh giúp cho các em phát triển nên người.

Cho đến nay trong cộng đồng người Việt chỉ mới có một ít sinh hoạt giới trẻ rời rạc, ngắn hạn, và không chủ đích. Chúng ta cần một chương trình dài hạn và toàn diện để nâng cao cá tính, kiến thức và kỹ năng của các em; tạo cơ hội cho các em tiếp xúc những tấm gương lành mạnh và hướng thượng; phối hợp với các khu học chánh để giúp các em về học vấn; khuyến khích và tạo thuận lợi cho phụ huynh tích cực tham gia vào chương trình giáo dục và huấn luyện tuổi trẻ; huy động tài nguyên trong cộng đồng để tạo dựng môi trường thăng hoa cho các em phát triển; và tạo nhịp cầu để các em bước vào đời trong tư thế tự tin và hiểu biết.

Xã hội Hoa Kỳ có rất nhiều cơ hội nhưng cũng đầy rẫy cám dỗ. Muốn cho các thanh thiếu niên Việt nắm được cơ hội mà không bị sa vào các cám dỗ, thì phụ huynh và các người quan tâm cần hợp sức với nhau để tạo ra được một kế hoạch tổng hợp, với các sinh hoạt phong phú và đa dạng, nhằm phát triển cùng lúc các yếu tố cá nhân, chúng bạn, học đường, gia đình và cộng đồng.

Đây không phải là điều dễ nhưng cũng không phải là không thực hiện được. Quan trọng là phải có sự hợp tác chặt chẽ của rất nhiều thành phần trong cộng đồng với cùng mục đích, theo một kế sách đồng bộ và ăn khớp với nhau.
Bước đầu tiên để tiến đến kế sách tổng hợp này là biết rõ những khó khăn, những trở ngại, và những yếu tố ảnh hưởng, cũng như nhận diện ra được các tài nguyên, năng lực và chương trình sẵn có trong cộng đồng. Hiểu biết hiện trạng của cộng đồng là căn bản cho kế sách lâu dài.

Trang Tuổi Trẻ sẽ là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà mô phạm, các bậc phụ huynh, các hội đoàn, các người quan tâm, và chính các thanh thiếu niên trao đổi với nhau quan điểm, ý kiến, và kinh nghiệm cho việc hình thành kế sách này.

 

Posted on Monday, November 07 @ 12:41:26 EST by tuyethoang
 
Related Links
· More about Thế Hệ Trẻ
· News by tuyethoang


Most read story about Thế Hệ Trẻ:
Nghĩ Về Tệ Nạn Ma Túy

Article Rating
Average Score: 5
Votes: 1


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Thế Hệ Trẻ


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang