Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27895208
page views since June 01, 2005
MS39 - 09/05: Thi Ca Nhạc Đối Với Sức Khoẻ

Tuổi Hạc

BS Nguyễn Ý Đức & BS Hồ Ngọc Minh

(tiếp theo kỳ trước)

Bệnh hoạn có thể khiến ta mệt mỏi, rã rượi, không muốn sinh hoạt, cử động. Nhưng khi nghe những điệu nhạc có âm điệu khích lệ, thúc dục, ta thấy muốn lắc lư cử động theo điệu nhạc, quên cả đau đớn, tê cứng.

b) Nhạc điệu cung cấp phương tiện để hiệp thông với xã hội. Bệnh nhân ở trong bệnh viện hoặc các vị cao niên sống trong nhà người già thường cảm thấy cô đơn, trầm buồn. Nếu có một nhóm người tới trình diễn âm nhạc rồi bệnh nhân cùng ca hát, sẽ làm họ vui vẻ, hoà nhập với người khác. Thân nhân cũng có thể thâu băng nhạc riêng mà bệnh nhân thích để họ nghe.

Bên quận Cam, Ca Đoàn Thiện Nguyện với Nhạc Sĩ Kỹ Sư Đặng Thái Nguyên, Diamond Bích Ngọc, Thanh Hằng; Houston với Trần Huy Khang, Vũ Văn Quý... và nhiều nhóm khác khắp nơi đã làm công việc này với kết quả rất đáng khuyến khích. Họ đã mang tiếng hát “Tình Người” để tạo niềm vui cho các bậc cao niên ở “tuổi xế chiều đìu hiu bạc bẽo”, lẻ loi trên đường về “cõi thật xa” tại các nhà người già.

c) Sau cơn tai biến não, nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng mất khả năng vận động, cần tập luyện để phục hồi chức năng. Âm nhạc có vai trò quan trọng giúp bệnh nhân phấn khởi, lần lần mấp máy cử động theo điệu nhạc cũng như giảm thiểu cảm giác buồn chán, ngồi không chẳng làm gì được. Kinh nghiệm cho hay nhiều người mất tiếng nói lấy lại được phát âm sau khi ầm ừ hát theo.

d) Âm nhạc trị liệu được dùng trong các trường hợp như: trẻ em tật nguyền giúp khôi phục sự phối hợp các hoạt động thể chất cũng như sự khéo léo của các bắp thịt chân tay; người bị bệnh sa sút trí tuệ, người có rối loạn hành vi lấy lại sự hoạt động bình thường...

Bác Sĩ Pascal Belin và cộng sự viên tại Bệnh Viện Frederic Joliot ở Orsay, Pháp đã dùng nhạc điệu đặc biệt Melodic Intonation Therapy để giúp phục hồi khả năng nói ở người bị tai biến não, không nói được. Theo các tác giả này thì nhạc MIT đã kích thích phần não Broca tại bán cầu não trái là nơi điều khiển ngôn ngữ.

e) Âm nhạc giúp thư giãn tâm hồn và các cơ thịt ở người đang có căng thẳng với stress, với lo âu. Âm nhạc làm giảm stress bằng nhiều cách. Nhạc giúp tâm hồn ta cởi mở và giải thoát những cảm xúc khiến ta cảm thấy stress. Khi ngả bệnh, bệnh nhân thường rơi vào tình trạng lo âu, sợ hãi, cảm thấy đau đớn, buồn rầu, đôi khi kém tự tin. Âm nhạc có thể giúp họ khuây khoả, giảm thiểu các cảm xúc tiêu cực, khiến họ vui hơn, tự tin hơn, có nhiều phấn khởi trong đời sống.

f) Không ngủ được: xin hãy nghe những điệu nhạc chậm dãi, êm dịu. Âm nhạc tác dụng như một chất an thần giúp ngủ mà không cần thuốc, nhất là với người cao niên, đã uống nhiều thuốc cho các bệnh khác nhau. Nhớ là nhạc êm dịu chứ không phải rock, rap ồn ào kích động thần kinh.

g) Khi đi bộ mà nghe âm nhạc thì thật là tuyệt vời: ta sẽ đi lâu hơn và hăng hái hơn vì âm nhạc giúp ta quên với sự cố gắng cất bước và làm cuộc đi bộ trở nên hào hứng.

h) Vài loại nhạc giúp hạ huyết áp, nhịp tim, điều hoà hơi thở. Vận động làm tăng máu lưu thông trên não, có ích cho não nếu lại nghe nhạc trong khi vận động làm các chức năng của khối óc ta mạnh hơn. Nghiên cứu tại Đại Học Ohio cho hay bệnh nhân tim phục hồi mau hơn nếu khi đi treadmill mà lại nghe nhạc, so với người không nghe nhạc.

Chuyên viên nhạc trị liệu Barry Bernstein đã thực hiện cuộc nghiên cứu ảnh hưởng của nhạc với bệnh nhân Alzheimer tại Bệnh Viện Cựu Chiến Binh Topeka, Kansas. Ông ta dùng trống. Với hai lần mỗi tuần nghe nhạc trong 10 tháng, bệnh nhân có thể tăng khả năng tập trung và phối hợp các cử động, ít nhất trong khi nghe.

i) Năm 1996, British Medical Journal có đăng kết quả nghiên cứu của Bác Sĩ Lars Olov Bygren, Đại Học Umea Thụy Điển, về ảnh hưởng sinh hoạt văn hoá với sống lâu. Ông ta theo dõi 12,675 người tuổi từ 16-74 trong mười năm và thấy rằng âm nhạc dường như có ảnh hưởng tốt trên tuổi thọ. Và đề nghị nên có nhiều nghiên cứu hơn về tác dụng này.

k) Âm nhạc cũng được dùng với bệnh nhân ở giai đoạn cuối cuộc đời tại các cơ sở Chăm Sóc Cận Tử Hospice để tạo ra khung cảnh thương yêu, thanh thản của người sẽ ra đi cũng như của thân nhân. Trong hoàn cảnh này, đôi khi giữa người bệnh và gia đình có một cái gì ngập ngừng, dè dặt, không nói cùng nhau được.  Theo Hans Christian Anderson  “ When words fail, music speaks”, âm nhạc có thể thay lời nói.

Tản mạn về nhạc thì tưởng cũng nên dành đôi lời cho người chị em song sinh Thơ Phú. Và về thi ca với sức khoẻ thì quý thân hữu là những nhà thơ đã nhiều chục năm “ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” chắc chắn là am hiểu rõ ràng những ảnh hưởng của thơ với con người, lúc khoẻ cũng như trái gió trở giời. Lang chúng tôi không dám múa rìu qua mắt thợ mà hy vọng được học hỏi từ Đàm Giang, Trúc Lang, Trần Mộng Tú… về tác dụng tốt lành của những vần thơ. Mà chỉ xin lý thuyết vài điều.

Theo John Fock, tác giả sách Poetic Medicine- The Healing Art of Poem-Making thì “Thi ca là một dược phẩm thiên nhiên. Nó giúp ta cảm nhận được sự sống thay vì cảm giác tê dại.”

Huyền thoại Hy Lạp có ghi đối thoại của Oceanus với Promethus  “Ngôn ngữ là thầy thuốc của tâm bệnh”. Và vào thế kỷ thứ I, Lang Y La Mã Sauranus đã dùng thi ca và kịch để chữa cho bệnh nhân của ông ta.

Freud có nói “Chính thi ca mới khám phá ra tiềm thức chứ không phải là tôi” và “Tâm trí là bộ phận sản xuất ra thi ca”.

Năm 1994, Bác Sĩ Robin Phillip, Bệnh Viện Bristol Royal bên Anh, cho hay làm, đọc và nghe thơ là phương thức giải toả xúc động căng thảng rất công hiệu. Ông ta đã công bố kết quả nghiên cứu với gần hai trăm bệnh nhân tâm thần và một số đông cho hay họ có thể cắt giảm thuốc trầm cảm đang dùng.

Rose Flint, Văn Thi Sĩ người Anh cùng với Bác Sĩ Gilian Rice đã nghiên cứu ảnh hưởng của viết thơ với nhiều bệnh nhân trong chương trình “Thi Văn Cho Sức Khoẻ”. Kết quả cho thấy khi diễn tả được những cảm nghĩ, khó khăn liên quan tới bệnh tật thì người bệnh khoẻ khoắn dễ chịu hơn. 

Bên Mỹ, bệnh viện tâm thần đầu tiên được thành lập ở Philadelphia vào năm 1751 và đã dùng vài thứ trị liệu phụ như đọc sách, viết văn và in ấn các bài viết của bệnh nhân vào bản tin.

Năm 1950, Dược Sĩ Kiêm Thi Sĩ Eli Greifer bắt đầu dùng Thi Ca Trị Liệu tại Bệnh Viện Creedmora ở Nữu Ước.

Năm 1969, Bác Sĩ Thần Kinh Tâm Trí Jack J Leedy phát hành cuốn sách đầu tiên về Thi Ca Trị Liệu.

Đến năm 1970 Tiến Sĩ Arthur Lerner, Los Angeles, thành lập Viện Thi Ca Trị Liệu và năm 1976 xuất bản tác phẩm Thi Ca Trong Kinh Nghiệm Trị Liệu.

Và vào năm 1980 các nhà Chuyên Môn Thi Ca Trị Liệu ngồi với nhau để hoạch định chương trình huấn luyện, cấp phát chứng chỉ Chuyên Viên Thi Ca Trị Liệu và lập ra Hội Quốc Gia Thi Ca Trị Liệu Hoa Kỳ.

Ngày nay thi ca đã được dùng ở nhiều bệnh viện như một phương thức trị liệu hỗ trợ cho trị liệu chính thống. Trị liệu này có thể là sáng tác, diễn tả, thưởng thức với các thi điệu khác nhau: hùng tráng, thúc dục, êm dịu, sầu buồn.

Vì có người đã nói “Thi ca là sự đáp ứng cho cái bản chất thầm kín nhất của con người với sự sung sướng cùng cực, sự đau đớn tột độ của tinh thần”.
Riêng với các lang y thì thi nhạc cũng có nhiều ảnh hưởng trong khi làm công tác được người đời gán cho là “cứu nhân độ thế” đối với thân chủ.

Khi phải đương đầu với những căng thẳng hằng ngày trong việc trị liệu, kẻ sống người chết, bệnh nan y khó chữa, v.v., chính người thầy thuốc đôi khi cũng rất dễ rơi vào tình trạng căng thẳng tâm thần rồi trầm cảm, tuyệt vọng. Người thầy thuốc có lòng thường dễ “mang bệnh của người vào mình”, “mang bệnh từ bệnh viện, phòng mạch về nhà”, nhưng “ đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng!”. Vì thi nhạc cũng đóng một vai trò rất quan trọng làm lắng dịu tinh thần của người làm công tác chăm lo sức khoẻ. “Physicians heal yourselves!” Người thầy thuốc có khoẻ thì mới chữa cho người bệnh được khoẻ!

Trong phòng cấp cứu, phẫu thuật gia và người cộng tác vẫn thường nghe nhạc cùng với bệnh nhân, vậy mà tâm trí không những không xao lãng, lại còn có thể chú tâm nhiều hơn đến những vấn đề cần giải quyết cấp thời trên bàn mổ. Những ca “cắt xén” như thế thường kết thúc êm đẹp và ít gặp khó khăn hơn. Và hầu hết bệnh nhân cũng mau hồi phục.

Ngoài ra khi được tận mắt chiêm ngưỡng sự huyền diệu về cấu tạo và chức năng của cơ thể con người, thầy thuốc cũng chợt nhận ra sự nhỏ bé của chính bản thân mình. “The physicians treat you but only God can heal you!” Thi ca nhạc trở thành một phương tiện để người điều trị giải bày những bức xúc, những cảm tình chợt đến, chợt đi như vậy. Lang y với tinh thần nghệ sĩ sẽ nhìn bệnh nhân qua lăng kính của một sự tôn trọng và nâng niu như là một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại được tạo hoá nắn nót thành hình và mình chỉ là người tu bổ, gìn giữ.

Kết luận

Thi-Ca-Nhạc có sẵn khắp nơi, cho nên mọi người chúng ta cũng nên lợi dụng sức mạnh của nó. Chúng ta không cần phải là một nhạc sĩ, một thi sĩ, một chuyên viên thi-ca-nhạc trị liệu để thấy được giá trị này. Chỉ cần thoải mái hát lên những lời nhạc, ngâm đọc những vần thơ... là đã thấy người nghe cũng như người diễn tả sảng khoái vui đời rồi... Vì hát hay không bằng hay hát.

Mạch Sống Số 39, tháng 9, 2005

 

Posted on Thursday, September 29 @ 10:32:54 EDT by tuyethoang
 
Related Links
· More about Tuổi Hạc
· News by tuyethoang


Most read story about Tuổi Hạc:
Ba Ly Cà Phê Thôi Nhỉ

Article Rating
Average Score: 5
Votes: 3


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Tuổi Hạc


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang