Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27809686
page views since June 01, 2005
Hoạ Phương Bắc: Nhìn từ 2 góc cạnh

Quan Điểm

Trung Quốc xâm lược: Ắt phải xẩy ra

LTS. Việc Trung Quốc kéo và đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là việc sẽ phải xảy ra, không sớm thì muộn, vì nó nằm trong kế hoạch bành trướng của Bắc Kinh.  thống thuộc đảng Cộng Sản Trung Quốc, các lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã tự che mắt với mối hoạ nghìn năm từ phương Bắc. Dưới đây chúng tôi đăng một số trích đoạn trong sách Chính Đề Việt Nam, viết cách đây hơn nửa thế kỷ ở miền Nam. Chúng tôi cũng đăng lại bài Vận Nước Nhìn Từ Trường Sa của Ts. Luật Cù Huy Hà Vũ viết từ trong nhà tù (lấy bút hiệu Sơn Văn để tránh bị phát giác). Viết từ hai góc nhìn khác nhau, Nam và Bắc, nhưng cùng kết luận: Còn thống thuộc Trung Quốc thì sẽ mất nước.    

 

Chính Đề Việt Nam

Đối với các nhà lãnh đạo phía Bắc, nghiên cứu các sáng tác về chính trị cũng như các hành động chính trị của họ, chúng ta công nhận rằng, nhờ sự nghiệp nghiên cứu các thực tế lịch sử của Cộng Sản quốc tế, vấn đề căn bản của dân tộc có thể đã được họ nhìn thấy rõ hơn. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Nga Sô đã sử dụng thuyết Cộng Sản như là một lợi khí để chiến đấu với Tây phương, như chúng ta đã nhận thức trong các trang trên đây và chính Mao Trạch Đông đã viết câu sau đây về thuyết Cộng Sản.

“Sở dĩ chúng ta nghiên cứu thuyết Các-mác không phải vì luận điệu tốt đẹp của nó, cũng không phải vì nó đựng một phép thần diệu để trừ ma quỉ. Nó không đẹp, nó cũng không thần diệu. Nó chỉ ích lợi. Có nhiều người cho nó là thần dược trừ bá chứng. Chính những người này đã xem thuyết Các-mác là một giáo lý. Phải nói cho những người này hiểu rằng giáo lý của họ không có ích lợi bằng phân bón. Phân bón còn làm giàu ruộng đất, giáo lý không làm được việc đó.”

Nghĩa là các lãnh tụ tối cao của khối Cộng Sản đều xem thuyết Cộng Sản là một phương tiện. Họ chế ngự phương tiện tinh thần đó – do Tây phương phát minh ra – cũng như những phương tiện vật chất khác của Tây phương. Ngược lại, các sáng tác chính trị của các nhà lãnh đạo phía Bắc, lại chứng tỏ rằng, những người lãnh đạo này còn đang say mê thuyết Cộng Sản và đương nhiên tôn nó lên hàng một chân lý. Đưa một phương tiện chiến đấu của người, lên làm một chân lý của mình, là mặc nhiên hạ mình xuống thấp hơn một bậc đối với các lãnh tụ Cộng Sản quốc tế và tự biến mình thành một thứ nô lệ trí thức để cho người sử dụng. Vì vậy cho nên, trong nhiều hành động chính trị của các nhà lãnh đạo phía Bắc, lý thuyết Cộng Sản được để lên trên quyền lợi của dân tộc, điều ấy chứng tỏ rằng, trong lĩnh vực ngoại giao giữa các quốc gia, họ tin rằng một sự đồng minh về lý thuyết có thể đặt trên quyền lợi của dân tộc.

Do các lý lẽ trên đây chúng ta có thể quả quyết rằng các nhà lãnh đạo phía Bắc vẫn chưa nhận thức nguy cơ đang đe dọa dân tộc và những ngày đen tối của chúng ta vẫn còn tiếp tục.

...



Giả sử, sự thống nhất do Bắc Việt thực hiện, thì với sự chị phối nặng nề của Trung Cộng đối với Bắc Việt, sự phát triển dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ không thực hiện được vì hai lý do.

Công cuộc phát triển của nước Tàu, mục đích trên hết và trước hết của các nhà lãnh đạo Trung Cộng, như chúng ta đã biết, là một công cuộc vô cùng khó khăn. Nếu Việt Nam dính liền vận mạng của dân tộc với Trung Cộng, thì công cuộc phát triển của chúng ta cũng trở thành vô cùng khó khăn. Hơn nữa, nhu cầu của Việt Nam trong công cuộc phát triển sẽ đương nhiên ở vào hàng thứ yếu đối với nhu cầu phát triển của Trung Cộng. Và trên phương diện Tây phương hóa, chúng ta sẽ là một thứ học trò hạng ba, sẽ dẫm chân vào những lỗi lầm không tránh được của người học trò hạng nhì.

Đó là trong trường hợp mà Trung Cộng chỉ có thiện chí đối với Việt Nam. Căn cứ trên một ngàn năm lịch sử bang giao giữa hai quốc gia, chúng ta có thể quả quyết rằng trường hợp này không bao giờ phát triển được, mà lại chúng ta sẽ tròng vào cổ dân tộc cái ách nô lệ mà tổ tiên chúng ta, trong một ngàn năm đã đổ nhiều xương máu để loại trừ.

Vì lệ thuộc đối với một chủ nghĩa, mà cả Nga Sô lẫn Trung Cộng đều sử dụng như là một phương tiện chiến đấu khả dĩ làm cho dân tộc họ, các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã tạo thời cơ cho thực dân Pháp thực hiện được những thủ đoạn chính trị của họ, mà hậu quả đã đưa đến sự chia đôi lãnh thổ ngày nay.

Sự lệ thuộc nói trên và sự chia đôi lãnh thổ đã tạo hoàn cảnh cho sự chi phối và sự toan thống trị của nước Tàu đối với Việt Nam tái hiện dũng mãnh, sau gần một thế kỷ vắng mặt. Ký ức của những thời kỳ thống trị tàn khốc của Tàu đối với chúng ta còn ghi trong mỗi trang lịch sử của dân tộc và trong mỗi tế bào của thân thể chúng ta.

Các nhà lãnh đạo miến Bắc, khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng, đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta, mà lại còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc.

Sở dĩ, tới ngày nay, sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa thành hình, là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian.

Trong hoàn cảnh hiện tại, sự tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trưng Cộng, vừa là một bảo đảm một lối thoát cho các nhà lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày nào họ vẫn tiếp tục thực hiện ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng, thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Sô.

Vì vậy cho nên, sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một sự kiện quyết định sự mất còn trong tương lai của dân tộc. Do đó, tất cả nỗ lực của chúng ta trong giai đoạn này phải dồn vào sự bảo vệ tự do và độc lập, và sự phát triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho miền Bắc và cứu dân tộc khỏi ách thống trị một lần nữa.


 

Sơn Văn – Vận nước nhìn từ Trường Sa

 

Posted on Tháng Một 22, 2013 by Bauxite Việt Nam

 

Đất nước nào, dân tộc nào cũng có những giai đoạn sự kiện bản lề – hoặc tự đánh mất mình, hoặc thăng hoa, cất cánh – mà ta gọi là vận nước. Đối với đất nước, dân tộc Việt Nam ở thời điểm hiện tại, giữ hay không giữ được Trường Sa trước xâm lược đã được Trung Quốc lên nòng, ấy là vận nước!

 

“Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, tôi – một người sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cũng giống trường hợp TS. Cù Huy Hà Vũ, GS. Nguyễn Huệ Chi và nhiều trí thức nổi tiếng hiện nay trên khắp nước ta – càng không thể không lên tiếng trước vận nước ấy!

 

Trước hết, cần khẳng định một lần nữa âm mưu của Trung Quốc đánh chiếm nốt toàn bộ Trường Sa của Việt Nam. Thực vậy, Trung Quốc không chỉ tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa cũng như đối với 80% Biển Đông bất chấp thực tế lịch sử và luật pháp quốc tế về biển mà bằng một loạt hành vi khác nhau cụ thể hóa tuyên bố chủ quyền phi pháp đó: từ việc dùng vũ lực chiếm toàn bộ Hoàng Sa vào năm 1974 và một phần Trường Sa vào năm 1988 đến việc thành lập thành phố Tam Sa gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa, mời thầu thăm dò dầu khí, cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá rồi tấn công tàu, thuyền và bắt giữ ngư dân Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam… Việc Trung Quốc mới đây đưa vào sử dụng tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu đổ bộ có sức chứa khoảng 800 quân và 20 xe tăng, xe bọc thép mỗi tàu trong biên chế Hạm đội Nam Hải là những bằng chứng rõ nhất về âm mưu xâm lược Trường Sa ấy của Trung Quốc.

 

Trước một quyết tâm xâm lược Trường Sa như thế của Trung Quốc hiển nhiên Việt Nam phải tự vệ trừ phi đầu hàng! Vậy một câu hỏi được đặt ra: thực chất của các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc mà sản phẩm là “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký tháng 10/2011 là gì?

 

Như chúng ta đều biết, đàm phán chỉ có thể có giá trị khi tương quan lực lượng quân sự của các bên liên quan là tương đối cân bằng, không bên nào có thể giành thắng lợi tuyệt đối trong đối đầu trực tiếp. Thực tế cho thấy hiện nay Việt Nam kém Trung Quốc rất xa về năng lực quốc phòng nói chung, hải quân nói riêng, cả về số lượng lẫn chất lượng, tức đàm phán đối với Trung Quốc chỉ là một cách để thực hiện mục tiêu quân sự. Thực vậy, Điều 5 Thỏa thuận quy định: “giải quyết vấn đề trên biển theo đúng tinh thần “tuần tự, tiệm tiến, dễ trước, khó sau”. Với quy định này, Trung Quốc tạo cho Việt Nam ảo tưởng rằng Trung Quốc sẽ không đụng đến Trường Sa trong ngắn hạn vì Trường Sa cũng như Hoàng Sa là vấn đề khó, hai bên phải bàn bạc dài lâu để giải quyết dẫn đến Việt Nam không có phương án phòng vệ tích cực như liên minh quân sự với nước thứ ba, điều này hẳn nhiên tạo điều kiện cho Trung Quốc tập kích thành công Trường Sa. Nói cách khác, đàm phán nói chung, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” nói riêng đối với Trung Quốc chỉ là kế “giương Đông, kích Tây” hay “nói một đằng, làm một nẻo” nhằm làm Việt Nam chủ quan để Trung Quốc dễ dàng đánh chiếm Trường Sa hoặc chỉ là chiến thuật “câu giờ” cho đến khi nước này chuẩn bị đủ các phương tiện chiến tranh bảo đảm thắng lợi trong cuộc chiến ấy.

 

Về phía mình, Chính phủ Việt Nam hẳn hy vọng Thỏa thuận này sẽ bảo đảm “statu quo” hay “nguyên trạng” ở Biển Đông, tức Việt Nam không dùng vũ lực để thu hồi Hoàng Sa thì Trung Quốc cũng không dùng vũ lực để chiếm lấy Trường Sa, theo kiểu “Ta không đụng đến mi thì mi cũng đừng đụng đến ta”, tóm lại là Chính phủ không phải lo chiến đấu với “giặc ngoài” để tập trung nguồn lực quốc phòng cho chiến đấu với “thù trong” mà ở đây là “Diễn biến hòa bình” nhằm bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa! Tuy nhiên hy vọng này của Chính phủ Việt Nam sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực vì, như trên đã phân tích, đàm phán, thỏa thuận đối với Trung Quốc chỉ là bước đi chiến thuật trong chiến lược đánh chiếm Trường Sa, thâu tóm Biển Đông!

 

Do đó, để Trường Sa không mất vào tay Trung Quốc trong một cuộc xâm lược đã được nước bành trướng này “lập trình”, ViệtNam ngày nay chỉ có thể bắt chước cha ông của thủa Diên Hồng mà hô “đánh!”. Nói cách khác, tự vệ là lựa chọn duy nhất đúng để Việt Nam bảo toàn lãnh thổ của mình trên Biển Đông.

 

Đi vào cụ thể, Việt Nam có hai phương thức tự vệ. Một là: “Tự lực cánh sinh”, dựa vào năng lực quốc phòng của bản thân. Hai là, liên minh quân sự với nước ngoài. Thế nhưng, như trên đã đề cập, sức mạnh quân sự của Việt Nam thua rất xa sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nhất là trên biển. Chỉ riêng tàu sân bay Liêu Ninh cũng đã đủ giúp Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong hải chiến với Việt Nam. Đó là chưa nói để hỗ trợ cho việc đánh chiếm Trường Sa, Trung Quốc hoàn toàn có thể tiến hành mặt trận thứ hai trên đất liền, dọc toàn tuyến biên giới với Việt Nam, như Trung Quốc đã làm vào đầu năm 1979, nhằm phân tán hơn nữa nguồn lực quốc phòng của Việt Nam dành cho phòng thủ Trường Sa. Điều này có nghĩa nếu Việt Nam chỉ dựa vào năng lực quốc phòng của bản thân thì không chỉ mất nốt Trường Sa vào tay Trung Quốc mà ngay nền độc lập của Việt Nam cũng sẽ như “trứng để đầu đẳng”!

 

Từ đó đi đến kết luận rằng cách duy nhất để bảo vệ Trường Sa tiến tới thu hồi Hoàng Sa cũng như bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và trên đất liền là liên minh quân sự với nước ngoài. Vả lại, lịch sử đã chứng minh rằng sở dĩ Việt Nam đã giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh ở thế kỷ XX là do đã liên mình quân sự với các cường quốc quân sự ngoài lòng yêu nước nồng nàn của người Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm. Thực vậy, Việt Nam đánh thắng Thực dân Pháp tái xâm lược, đặc biệt tại quyết chiến điểm Điện Biên Phủ vào năm 1954 là do có đại bác, pháo cao xạ và các phương tiện chiến tranh khác do hai nước “anh em xã hội chủ nghĩa” là Liên Xô và Trung Quốc viện trợ; Việt Nam đánh thắng can thiệp Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đặc biệt trong cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội kéo dài 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 là do có viện trợ quân sự hùng hậu và hiện đại, trong đó có hàng nghìn quả tên lửa đất đối không, vẫn của Liên Xô và Trung Quốc; Việt Nam đánh thắng Trung Quốc trong chiến tranh biên giới vào đầu năm 1979 cũng là do có viện trợ quân sự hùng hậu và cấp tốc của Liên Xô sau khi Việt Nam ký với cường quốc quân sự này một hiệp ước liên minh quân sự vào năm trước đó, 1978.

 

Vấn đề còn lại là nước nào có thể là chỗ dựa và đồng hành với Việt Nam trong trận chiến chống xâm lược từ phía Trung Quốc? Hỏi tức trả lời, đó chỉ có thể là Mỹ, như Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã chỉ ra cách đây 3 năm, 2010, trong các trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ – VOA (“Tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông là quá rõ ràng”, “Đồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại”).

 

Trước khi đi vào phân tích kịch bản liên minh quân sự với Mỹ, tôi thấy cần thiết phải loại bỏ ngay ảo tưởng dựa vào Nga để chống Trung Quốc xâm lược. Thực vậy, Nga không còn là Liên Xô để có thể giúp ViệtNamchống Trung Quốc như cách đây 34 năm. Không những thế, hiện nay Nga rất cần Trung Quốc không chỉ với tư cách là khách hàng hàng đầu mà còn với tư cách là đồng minh quân sự tiềm tàng của Nga để chống lại sức ép quân sự – chính trị của NATO (khối quân sự Bắc Đại Tây Dương) nói riêng, của phương Tây nói chung, đồng nghĩa Nga sẽ không bao giờ đứng về phía Việt Nam nếu xung đột quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc nổ ra. Việc Nga đã bán được cho Trung Quốc 8 tỉ USD hàng hóa chỉ trong chuyến đi thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin vào tháng 10/2011 cũng như việc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga tập trận chung với hải quân Trung Quốc tại Hoàng Hải vào tháng 4/2012 hẳn là những bằng chứng đầy sức thuyết phục cho nhận định trên. Bản thân việc Trung Quốc đón Tổng thống Nga Putin và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc vào cùng một ngày, 11/10/2011, cũng đã là lời nhắn rằng Việt Nam đừng trông mong vào Nga để chống Trung Quốc! Để nói, điều duy nhất mà Việt Nam có thể khai thác từ Nga để phòng vệ chống lại Trung Quốc là mua vũ khí, đặc biệt các phương tiện chiến tranh trên biển, từ nước cựu xã hội chủ nghĩa này theo kiểu “tiền trao, cháo múc”. Thế nhưng tài chính của Việt Nam là rất hạn hẹp, đó là chưa nói đến việc Nga bán cho Trung Quốc vũ khí cùng chủng loại bán cho Việt Nam với số lượng nhiều lần hơn, tàu ngầm là một ví dụ. Tóm lại, chạy đua vũ trang với Trung Quốc là điều không tưởng đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế số 2 thế giới, chỉ sau Mỹ!

 

Cũng như vậy, Việt Nam không thể trông mong vào ASEAN vì ASEAN không phải là một tổ chức quân sự đã đành, mà cũng không có thiết chế quân sự, chí ít cho đến lúc này. Đó là chưa nói mới chỉ trên bình diện đối ngoại, các nước ASEAN đã không có được sự thống nhất trong việc phản đối Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông dẫn đến hội nghị ASEAN lần thứ 45 tổ chức tại Campuchia đã không ra được thông cáo chung, sự kiện chưa từng có trong lịch sử tổ chức này.

 

Trở lại kịch bản liên minh quân sự với Mỹ, nước này có đủ các điều kiện cần thiết để giúp Việt Nam bảo vệ Trường Sa nói riêng, chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và trên đất liền nói chung, trong trường hợp Trung Quốc xâm lược. Các điều kiện ấy như sau:

 

Mỹ là siêu cường quân sự duy nhất trên thế giới, là nước phương Tây duy nhất có Hạm đội ở Thái Bình Dương. Ngoài ra, với tư cách là nhân tố chủ chốt của NATO, Mỹ hoàn toàn có thể vận dụng sức mạnh của khối quân sự lớn nhất thế giới này để duy trì hòa bình, ổn định ở Tây Thái Bình Dương trong đó có Biển Đông. Nói cách khác, với Mỹ, NATO hoàn toàn có thể “Viễn Đông hóa”!

 

Với chiến lược quân sự mới đề ra cho thế kỷ XXI, lấy Châu Á – Thái Bình Dương nói chung, Đông Á nói riêng, làm trọng tâm mà Tổng thống Mỹ Obama đưa ra đầu năm 2012 – chiến lược quân sự mà tôi đặt tên là “Obamasia” – Mỹ là nước duy nhất chủ động ngăn chặn bành trướng quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Việc Thượng viện Mỹ mới đây ra nghị quyết về Biển Đông theo đó Mỹ chống lại mọi hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển và chủ trương tự do hàng hải là bằng chứng nặng ký nữa về quyết tâm quân sự mới của Mỹ ở thế kỷ XXI.

 

Trung Quốc phụ thuộc nặng nề, nếu không muốn là tự trói mình vào Mỹ khi đã mua hơn 1000 tỉ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ, đồng nghĩa Trung Quốc sẽ không mạo hiểm mà lựa chọn đối đầu quân sự với Mỹ.

 

Ngoài ra, tôi ủng hộ Việt Nam liên minh quân sự với Mỹ còn nhằm mục đích kinh tế, bởi liên minh quân sự giữa hai nước một khi được thiết lập sẽ là cơ sở để Mỹ hỗ trợ cho Việt Nam những khoản tài chính cũng như công nghệ rất quan trọng tạo điều kiện cho Việt Nam có được những bứt phá thần kỳ về kinh tế. Thực tế cho thấy, nhờ viện trợ kinh tế hùng hậu của Mỹ mà Tây Âu, Nhật, Hàn Quốc kiệt quệ sau chiến tranh đều trở thành các trung tâm kinh tế thế giới hay khu vực. Thực ra, chỉ riêng việc Mỹ bảo trợ cho phòng thủ quốc gia của các đồng minh của Mỹ cũng đã đủ để các nước này chuyển tài lực đáng kể lẽ ra phải chi cho quốc phòng sang phát triển kinh tế. Tóm lại, liên minh quân sự với Mỹ là “nhất cử lưỡng tiện”.

 

Thế nhưng “ăn có mời, làm có khiến”, nước Mỹ không thể mang tài lực, sức mạnh quân sự của mình để bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam, đặc biệt trên Biển Đông mà ở đây là Hoàng Sa và Trường Sa, nếu Việt Nam không chính thức yêu cầu Mỹ, làm như vậy thông qua một hiệp ước liên minh quân sự với nước này. Dĩ nhiên trong quan hệ quốc tế không ai cho không ai, điều này có nghĩa Việt Nam muốn Mỹ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông nói riêng, lãnh thổ của Việt Nam nói chung thì Việt Nam không đáp ứng đòi hỏi của Mỹ là Dân chủ hóa chế độ chính trị bằng cách bảo đảm thực sự tự do ngôn luận và các nhân quyền khác, trả tự do cho những người bất đồng chính kiến bị cầm tù và tiến tới thực hiện bầu cử tự do với sự tham gia của nhiều đảng phái, tương tự những gì đã và đang diễn ra tại một nước Đông Nam Á khác vốn có cùng chế độ độc tài là Myanmar. Tôi cho rằng đòi hỏi cải cách thể chế theo hướng dân chủ, tự do này của Mỹ là hợp lý bởi chính Hồ Chí Minh đã từng coi Mỹ là hình mẫu thể chế cho Việt Nam. Thực vậy, Hồ Chí Minh không chỉ lấy Tuyên ngôn độc lập của Mỹ làm đề dẫn cho Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam mà còn lấy tên của hai chính đảng lớn nhất của Mỹ luân phiên cầm quyền là Dân Chủ và Cộng hòa làm quốc hiệu cho Việt Nam độc lập: Việt Nam dân chủ cộng hòa!

 

Đáng tiếc là nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã không vượt qua được chính mình để quốc gia không những không bị xâm hại mà còn hưởng lợi khi hơn một lần thể hiện quan điểm “không có chuyện Việt Nam thay đổi chế độ chính trị, từ bỏ chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để đổi lấy sự giúp đỡ của Mỹ nhằm bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông”. Mới đây Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khẳng định lại quan điểm này bằng tuyên bố Việt Nam sẽ không liên minh quân sự với các nước khác để chống lại nước thứ ba trong trường hợp nước này dùng vũ lực xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam!

 

Mặc dầu vậy, tôi vẫn tin rằng Trường Sa sẽ không thể mất cũng như Hoàng Sa sẽ không thể vĩnh viễn mất vào tay bành trướng phương Bắc bởi chính nhân dân Việt Nam chứ không phải ai khác sẽ đứng lên nắm lấy vận nước, nắm lấy vận mệnh của chính mình./.

 



Note:
Posted on Monday, May 12 @ 02:18:34 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Quan Điểm
· News by ngochuynh


Most read story about Quan Điểm:
Chúng Tôi Không Là Việt Kiều

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Quan Điểm


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang