Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27812743
page views since June 01, 2005
Ngày Vận Động Cho VN: Phái đoàn KY

Nhân Quyền

Góp Một Bàn Tay

 

Đáp lời kêu gọi của BPSOS (Ủy ban Cứu Người Vượt Biển), chúng tôi lên đường tiến về thủ đô Washington DC tham dự Ngày Vận Động Cho Việt Nam. 

Tiếp theo chiến dịch thỉnh nguyện thư vào Tòa Bạch Ốc tháng 3 năm 2012, kỳ này, BPSOS khởi xướng cuộc vận động kéo dài hai ngày 3 và 4 tháng 6 năm 2013, tiếp tục đòi hỏi Hoa Kỳ nêu cao điều kiện nhân quyền trong quan hệ với Việt Nam, đồng thời ngăn chận không cho Việt Nam tham gia Hợp Tác Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương nếu không cải thiện tình trạng Nhân Quyền.

Bên cạnh chủ điểm là tình trạng vi phạm nhân quyền và những đòi hỏi dân chủ, những vấn đề khác sẽ được nêu lên tại Quốc Hội Hoa Kỳ là chính sách cải tổ di dân nhập cư đang được Thượng Viện Hoa Kỳ cứu xét. Trong đó có những điều khoản ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người Mỹ gốc Việt, kể cả vấn đề quốc tịch cho các đồng hương lai Mỹ ở Hoa Kỳ và giải quyết cho những người lai Mỹ còn kẹt ở Việt Nam.

 

BPSOS đã khởi xướng cuộc vận động quốc tịch cho các đồng hương lai Mỹ từ năm 2000. Từ đó đến nay, một số vị dân biểu đã đưa ra những dự thảo luật qua sự vận động của cơ quan này. Gần nhất là năm 2012, nữ Dân Biểu Zoe Lofgren tiếp tục đưa vào Hạ Viện luật Amerasian Paternity Recognition Act, nhưng dự luật không được biểu quyết. Đầu năm nay BPSOS lại vận động nữ DB Lofgren đưa ra cùng dự luật trong bối cảnh chính sách cải tổ di dân nhập cư toàn diện đang được bàn thảo ở Quốc Hội Hoa Kỳ.

 

Trước khi lên đường đi Washington DC, cô Nguyễn Thúy Loan, nhân viên văn phòng BPSOS Louisville, Kentucky ân cần trao cho tôi bộ hồ sơ đầy đủ tài liệu, văn thư liên lạc với các vị dân cử: Thượng Nghị Sĩ (TNS) Mitch McConnell và Jim Bunning, Dân Biểu John Yarmuth từ năm 2003 đến năm 2007 cùng hình ảnh các anh chị lai Mỹ Louisville, KY gặp gỡ các vị này  để vận động cho dự luật quốc tịch; cũng như gặp trực tiếp Thị Trưởng Louisville Jerry Abramson để xin ủng hộ.

 

Đi cùng với tôi có anh Lê Thanh Hiệp, một người bạn học quen biết từ lâu. Anh Hiệp có Cha là một cựu quân nhân Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam. Khi nghe tôi trình bày về những dự luật có thể ảnh hưởng tất cả những anh chị lai Mỹ còn kẹt lại ở Việt Nam và nhất là dự luật quốc tịch cho các anh chị lai Mỹ tại Hoa Kỳ, anh Hiệp dù đã có quốc tịch Hoa Kỳ nhưng anh vẫn sốt sắng nhận lời tôi mời gọi, thu xếp công việc, nghỉ 3 ngày làm, lái xe hơn 20 tiếng đi và về, cùng phái đoàn Kentucky vận động cho các đồng hương lai Mỹ.

 

 

Phái đoàn Bowling Green, KY và Nashville, TN họp với Dân Biểu Brett Guthrie (Bowling Green, KY)



Để chuẩn bị chương trình, trước ngày vào vận động Quốc Hội , chúng tôi dự cuộc gặp gỡ giữa đồng hương ở xa về và Ban Tổ Chức chiều ngày 3 Tháng 6, 2013 tại Nhà hàng Harvest Moon, Falls Chuch, VA. Trong cuộc họp mặt này, Ts. Nguyễn Đình Thắng và Cựu Dân Biểu Cao Quang Ánh đã bàn thảo với anh Lê Thanh Hiệp cùng với phái đoàn Kentucky về nội dung hai cuộc họp đã hẹn với TNS Orin Hatch (Cộng Hoà-UT) và TNS Mitch McConnell (Cộng Hoà-KY).

 

TNS Orin Hatch là tác giả tu chính S.744 đề nghị chấm dứt chương trình định cư con lai từ Việt Nam vào Hoa Kỳ thiết lập năm 1987 qua đạo luật Amerasian Homecoming Act. Uỷ Ban Tư Pháp Thượng Viện đã thông qua Tu chính này tháng 5 năm 2013. Nếu Thượng Viện thông qua tu chính này năm nay, thì chương trình định cư cho tất cả anh chị lai Mỹ kẹt ở Việt Nam sẽ không bao giờ còn cơ hội trở về quê cha đất tổ.

 

Không khí tại nhà hàng Harvest Moon thật đầm ấm. Mọi người gặp gỡ nhau trong tình thân ái và trân trọng vì những tấm lòng Việt Nam từ khắp muôn phương tuôn về thủ đô. Tiếng chào hỏi ân cần làm quen xen lẫn tiếng cười rộn rã vì vui mừng gặp lại người quen để lại những cảm xúc thật ngọt ngào trong tôi. Thật trân quý khi nhìn những ánh mắt rạng ngời và sự nhiệt tình dấn thân của giới trẻ.

 

Phái đoàn Bowling Green, KY có chị Lê Ngọc Phương và ba mẹ cùng với hai bác Thái Quốc Thanh và con gái. Phái đoàn Louisville, KY ngoài tôi và anh Lê Thanh Hiệp, còn có anh Trần Trung Hiếu, Giáo Sư Dược Khoa, anh Phạm Tấn Vũ, anh Vũ Luân và chị Nguyễn Yvonne Nga. Anh Luân và Chị Nga là cựu cư dân thành phố Louisville, KY, hiện đang làm việc và định cư tại Virginia. Khi được tin phái đoàn Louisville đến tham dự, anh Luân và chị Nga đã sốt sắng nghỉ việc một ngày để cùng chúng tôi vào Quốc Hội.

 

Không khí trong nhà hàng trở nên vô cùng sôi động và phấn khởi với nhiều tiếng reo hò chào mừng khi Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng gọi tên từng tiểu bang. Đại diện từ hơn 30 tiểu bang đã về tham dự. Một số anh chị em xa xôi như Canada và Úc Châu cũng về. Một số bạn trẻ đắc cử vào những chức vụ trong thành phố hay tiểu bang nơi họ sinh sống được mời lên phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm tranh cử và truyền nguồn cảm hứng của họ đến giới trẻ. Mọi người đều rất phấn khởi và tràn đầy nhiệt huyết.

 

Chị Bùi Thảo Nhi đến từ Dallas-Ft. Worth, TX đã tận tụy  cùng một nhóm bạn trẻ làm những cuộc hẹn với văn phòng của các vị Dân Biểu và Thượng Nghị Sỹ tại Quốc Hội.  Chị Nhi giao các anh chị trưởng nhóm của từng tiểu bang danh sách chi tiết về địa điểm và thời gian của những cuộc họp; hướng dẫn phái đoàn của họ gặp các dân biểu để trình bày những vấn đề họ quan tâm như nhân quyền, định cư, thương mại, tôn giáo bị đàn áp, tài sản các cơ sở tôn giáo và tư nhân bị cộng sản Việt Nam cưỡng chiếm.

 

Ts. Nguyễn Đình Thắng tường trình cuộc họp ở Tòa Bạch Ốc ngày thứ Hai, 3 Tháng 6, 2013: Tòa Bạch Ốc chỉ nói cho chung chung.  Vì vậy, nỗ lực chính của Ngày Vận Động là  tập trung ở Quốc Hội, yêu cầu Quốc Hội kiểm soát Hành Pháp có thi hành đúng không? Chiến dịch hai năm (2013-2014) này, là nhiệm kỳ hai năm của Quốc Hội. Chúng ta sẽ theo dõi, sẽ nhắc nhở các vị dân cử ở địa phương, bỏ phiếu thuận cho những đạo luật mà chúng ta muốn thông qua, và bỏ phiếu chống cho những đạo luật mà chúng ta muốn chống, chẳng hạn như chống, không cho cộng sản Việt Nam tham gia tổ chức Hợp Tác Mậu dịch xuyên Thái Bình Dương.

 

Sáng sớm ngày 4 tháng 6, 2013, chúng tôi tập trung tại trụ sở trung ương của văn phòng BPSOS để lên xe buýt đến Quốc Hội.  Bắt đầu buổi làm việc trong ngày, chúng tôi dự buổi họp khoáng đại do Đảng Cộng Hoà, hiện có đa Số ở Hạ Viện, tổ chức tiếp đón phái đoàn 450 nhà vận động người Mỹ gốc Việt. Rất nhiều vị dân biểu đã luân phiên gởi lời chào mừng và bày tỏ sự ủng hộ cho công cuộc vận động của tập thể người Mỹ gốc Việt cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

 

Cuộc họp bắt đầu từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Kết thúc, chúng tôi dùng bữa tiệc nhẹ do Đảng Cộng Hoà tại Hạ Viện khoản đãi. Sau đó, phái đoàn Kentucky chia làm hai nhóm.  Anh Sinh Cẩm Minh hướng dẫn phái đoàn Bowling Green, KY và Nashville, TN họp với Dân Biểu Brett Guthrie (Bowling Green, KY) lúc 3 giờ chiều. Anh Trần Trung Hiếu hướng dẫn phái đoàn Louisville, KY họp với TNS Orin Hatch (Cộng Hòa, UT) lúc 3 giờ chiều và TNS Mitch McConnell (Cộng Hoà, KY) lúc 4 giờ chiều.

 

Theo lời chia sẻ của anh Sinh Cẩm Minh, phái đoàn Bowling Green, KY và Nashville, TN được dân biểu Brett Guthrie đích thân tiếp đón rất nồng hậu và chu đáo, chăm chú lắng nghe và ghi chép rất cẩn thận những vấn đề phái đoàn đưa ra như đề nghị ông bỏ phiếu thuận cho dự luật H.R.1897 Nhân Quyền cho Việt Nam, và bỏ phiếu, không cho cộng sản Việt Nam tham gia tổ chức Hợp Tác Mậu dịch xuyên Thái Bình Dương nếu không có những cải thiện đáng kể về nhân quyền, như phóng thích tất cả các tù nhân chính trị và lương tâm tại Việt Nam.

 

Anh Steven Hà, một cử tri thành phố Salt Lake City, Utah đã sắp xếp cuộc họp với văn phòng của TNS Orin Hatch (Cộng Hòa, UT) để chúng tôi có cơ hội trình bày về vấn đề liên quan tới tu chính S.744. Tu chính đề nghị chấm dứt chương trình định cư con lai từ Việt Nam vào Hoa Kỳ.

 

Buổi họp với văn phòng của TNS Orin Hatch, còn có Đồng chủ tịch CĐVN Maryland, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, anh Trương Văn Đức (BPSOS, Maryland), và Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Đông Timor, Ông Grover J. Rees.

 

Ông Everett Eissenstat, phụ tá chuyên về thương mại quốc tế (Chief International Trade Counsel), đã thay mặt TNS Orin Hatch, tiếp đón phái đoàn. Trong cuộc họp, Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ Grover Rees, GS Nguyễn Ngọc Bích và tôi trình bày những quan ngại về tu chính S. 744 và yêu cầu TNS Orin Hatch rút lại tu chính này hoặc thay đổi tu chính hiện tại để các anh chị lai Việt Mỹ còn kẹt ở Việt Nam có thêm thời gian nộp đơn xin cứu xét.

 

Đề cập đến vấn đề thương mại với Việt Nam, chúng tôi đặt vấn đề nhân quyền, thành lập công đoàn lao động độc lập với các tổ chức của đảng cộng sản Việt Nam. Phái đoàn yêu cầu TNS Orin Hatch loại Việt Nam ra khỏi thương ước mậu dịch Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi được Tổng Thống Obama đưa ra để lấy biểu quyết của lưỡng viện Quốc Hội nếu không thực sự có những thay đổi đáng kể về nhân quyền.

 

Ông Everett Eissenstat hứa sẽ trao những yêu cầu về tu chính S. 744 trong bộ luật cải tổ nhập cư và thương ước mậu dịch Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến TNS Orin Hatch.

 

Sau cuộc họp TNS Orin Hatch, Ông Grover J. Rees, cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Đông Timor, đã chia sẻ với phái đoàn rằng, chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại khi vận động văn phòng TNS Orin Hatch rút lại tu chính S. 744 khi tu chính này đã được Uỷ Ban Tư Pháp của Thượng Viện thông qua. Vì thế, cộng đồng người Việt Quốc Gia trên toàn nước Mỹ cần phải ráo riết vận động các vị TNS tại địa phương và nhất là các cử tri người Mỹ gốc Việt tại tiểu bang Utah, bỏ phiếu chống lại tu chính S. 744 hay làm áp lực để thay đổi nội dung của tu chính này thì các anh chị lai Mỹ còn kẹt lại ở Việt Nam mới còn cơ hội về quê cha đất tổ.

 

Sau đó, phái đoàn Louisville, Kentucky đã nhanh chóng đến văn phòng của TNS Mitch McConnell. Cựu Dân Biểu Liên Bang, Luật Sư Cao Quang Ánh cũng hiện diện để dự cuộc họp với phái đoàn.

 

TNS Mitch McConnell rất vui vẻ và thân thiện đón tiếp phái đoàn Louisville, Kentucky. Ông dành thời gian để chụp hình lưu niệm với phái đoàn và từng người. TNS McConnell ủy quyền cho ông Reb Brownell, Giám đốc Tư Vấn về Lập Pháp (Legislative Director and Counsel) lắng nghe và ghi chép nguyện vọng và yêu cầu của cử tri Kentucky nói riêng và toàn thể cử tri người Mỹ gốc Việt trên toàn quốc nói chung.

 

Cựu Dân Biểu Liên Bang, LS Cao Quang Ánh yêu cầu văn phòng TNS Mitch McConnell xem xét lại dự luật cải tổ nhập cư. Tiếp tục duy trì chiếu khán nhập cư diện F4 (Anh Chị Em). Luật cải tổ dự định sẽ xóa bỏ chiếu khán F4. Không thay đổi chiếu khán diện F3 (Cha mẹ có quốc tịch Hoa Kỳ bảo lãnh con ruột đã lập gia đình). Luật cải tổ dự định thay đổi chỉ cho phép những người con đã lập gia đình và từ 30 tuổi trở xuống mới được cấp chiếu khán.

 

Tiếp lời Cựu Dân Biểu Cao Quang Ánh, tôi đã trao tận tay cho văn phòng TNS Mitch McConnell bộ hồ sơ Vận Động Quốc Tịch cho các đồng hương lai Mỹ do cô Nguyễn Thúy Loan (BPSOS, Louisville) dầy công thực hiện. Tôi giới thiệu anh Lê Thanh Hiệp, gương mặt tiêu biểu anh chị lai Mỹ tại thành phố Louisville, Kentucky. Anh Hiệp đã vượt qua bao khó khăn và trở ngại về ngôn ngữ để đạt đến giấc mơ Hoa Kỳ (American Dream) khi anh hoàn tất chương trình cử nhân ngành Kỹ Sư Điện Toán tại đại học University of Louisville. Tuy nhiên, anh Hiệp chỉ là một thiểu số rất nhỏ bé đạt được giấc mơ trở thành công dân Hoa Kỳ.

 

Rất nhiều các anh chị lai Mỹ đã bị áp bức và kỳ thị trên quê mẹ Việt Nam, bởi chính sách hà khắc và hận thù của chế độ cộng sản Việt Nam đối với những người con của các cựu quân nhân Hoa Kỳ, từng tham chiến tại Việt Nam. Nhiều người trong số họ đã không có cơ hội được đến trường và bị đối xử rất bất công.

 

Đạo luật Amerasian Immigration Act thiết lập năm 1982 và Amerasian Homecoming Act năm 1987 đã đưa những anh chị em lai Mỹ về quê cha đất tổ. Việc làm nghĩa hiệp của chính phủ Hoa Kỳ đã cứu vớt và tạo cơ hội cho các anh chị lai Mỹ làm lại cuộc đời trên quê cha. Tuy nhiên, sẽ không thật trọn vẹn khi chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa chính thức công nhận quyền tự động vào Quốc Tịch Hoa Kỳ cho các anh chị.

 

Phái đoàn chúng tôi yêu cầu TNS Mitch McConnell ủng hộ dự luật Amerasian Paternity Recognition Act do nữ Dân Biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ, CA) bảo trợ khi dự luật này được đưa lên Thượng Viện để biểu quyết.

 

Anh Trần Trung Hiếu, Giáo Sư Dược Khoa, yêu cầu TNS Mitch McConnell có hành động cụ thể là áp lực Hành Pháp dùng những biện pháp chế tài đã có sẵn để đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC (các quốc gia cần quan tâm đặc biệt) vì đàn áp tôn giáo có hệ thống và vấn đề buôn người trầm trọng. Phái đoàn cử tri Kentucky yêu cầu TNS Mitch McConnell bỏ phiếu,  không cho CSVN tham gia tổ chức Hợp Tác Mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì trình trạng nhân quyền đang tuột dốc không phanh tại Việt Nam.

 

Ông Reb Brownell lắng nghe, đặt câu hỏi để tìm hiểu chi tiết về nguyện vọng của phái đoàn về các vấn đề nêu trên. Ông cam kết sẽ tường trình chi tiết những vấn đề phái đoàn Kentucky đang quan tâm với TNS Mitch McConnell.

Trở về lại Louisville, Kentucky sau một ngày bận rộn Vận Động Cho Việt Nam, tôi thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh tỏa ra từ sự nhiệt huyết và dấn thân của đồng bào Việt Nam hải ngoại, mà đặc biệt là từ giới trẻ Việt Nam.

 

Chị Nguyễn Yvonne Nga đã tâm sự với tôi: “Sau khi xem những cuốn DVD của trung tâm Asia kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước “đừng thờ ơ, đừng làm ngơ” trước hiểm họa mất nước, chị đã thao thức và mong muốn góp một bàn tay, nhưng chị không biết bắt đầu từ đâu”. Khi tôi mời gọi tham gia Ngày Vận Động Cho Việt Nam, chị Nga đã mau mắn nhận lời và đã cùng phái đoàn Kentucky tham dự. Tuy rất mệt sau một ngày làm việc và đi bộ rất nhiều, chị Nga hào hứng chia sẻ là chị thấy rất hạnh phúc vì đã có cơ hội góp một bàn tay cho đại cuộc. Chị Nga ân cần nhắn với tôi: "Khi nào có những cuộc vận động hay những chương trình gây quỹ thì báo cho chị biết. Chị sẽ sắp xếp công việc để tham gia".

 

Tâm tình của chị Nga cũng là của tôi trước khi dự chiến dịch Thỉnh Nguyện Thư năm 2012. Tôi thao thức và trăn trở khi nghe bài hát "Đáp Lời Sông Núi" của nhạc sĩ Trúc Hồ và "Việt Nam Tôi Đâu" của Việt Khang. Tôi "không thể ngồi yên" và đã lên đường đi Washington D.C. để hòa vào dòng người Việt Nam máu đỏ da vàng  đến Tòa Bạch Ốc và Quốc Hội để vận động Nhân Quyền cho Việt Nam.

 

Sau chuyến đi đó, bác Nguyễn Tôn và cô Nguyễn Thúy Loan đã giới thiệu tôi vào Ủy Ban Vận Động Cờ Vàng (UBVDCV) tại Louisville, Kentucky. Cùng với các thành viên trong UBVDCV, tôi làm việc và vận động Nghị Viên Dan Johnson (Dân Chủ, địa hạt 21, Louisville, KY) bảo trợ cho Nghị Quyết Cờ Vàng. Ngày 21 tháng 6, 2012, Nghị Quyết Cờ Vàng được tất cả các nghị viên bỏ phiếu thuận, công nhận lá cờ di sản và tự do của cộng đồng người Việt Quốc Gia Louisville, Kentucky.

 

Qua những cuộc vận động liên bang và địa phương, tôi nhận thức được tầm quan trọng và sức mạnh của lá phiếu của chúng ta, những cử tri Mỹ gốc Việt. Hợp quần thành sức mạnh, chúng ta cùng cất tiếng nói để tranh đấu cho quyền lợi của chúng ta và thế hệ con cháu. Và trên hết, là dùng thế để vận động và cùng góp sức mình để thăng tiến cộng đồng và thay đổi đất nước. 

 

Con tàu lịch sử đang lao về phía trước. Tuổi trẻ Việt Nam và đồng bào Quốc Nội đang bước qua sự sợ hãi. Hình ảnh của hai sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha bất khuất trong phiên tòa xử người yêu nước của bạo quyền cộng sản Việt Nam đã đánh động lương tâm bao thế hệ Việt Nam trong và ngoài nước. Cộng sản Việt Nam "hèn với giặc, ác với dân" đang điên cuồng đàn áp những người yêu nước vì chúng biết ngày và giờ của chúng đã điểm.

 

Không ai có thể giúp làm thay đổi đất nước Việt Nam, ngoài những con dân nước Việt trong và ngoài nước. Có sức giúp sức, có của giúp của, có thế dùng thế.

 

Tất cả chúng ta chung sức chung lòng, nâng đỡ, tạo điều kiện cho nhau để hoạt động và thăng tiến cộng đồng, vận động các chính phủ dân chủ và tự do từ Úc sang Âu, từ Hoa Kỳ sang Canada yểm trợ cho phòng trào dân chủ trong nước, bảo vệ anh chị em bất đồng chính kiến tại Việt Nam; các nhà báo tự do, các vị tu sĩ và các nhà hoạt động đang bị giam cầm trong lao tù cộng sản như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Luật Sư Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần,  Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Việt Khang - Đỗ Minh Trí, Trần Vũ Anh Bình, Trần Huỳnh Duy Thức, và rất nhiều người con ưu tú và yêu nước Việt Nam.

 

Xin đừng lỡ chuyến tàu lịch sử. Việt Nam sẽ thay đổi, sẽ có tự do dân chủ, nếu các cô chú bác và anh chị em góp một bàn tay, bắt đầu bằng cách tham gia vận động với các vị dân cử nơi địa phương mình ở khi có lời kêu gọi từ các vị đại diện của cộng đồng, hăng hái ghi danh và đi bầu để tạo sức mạnh cho tiếng nói của các cử tri người Mỹ gốc Việt với các vị dân cử địa phương, tiểu bang, và liên bang. Yểm trợ cho các chương trình cứu người tị nạn tại Thái Lan và những nạn nhân buôn người lao động và tình dục bằng những chiếc vé tham dự các buổi Dạ Tiệc gây quỹ Góp Một Bàn Tay.

 

"Hãy làm ngọn gió đổi thay" và "Góp một bàn tay" để đưa chuyến tàu lịch sử về với quê hương. Còn gì đẹp bằng, trước khi nhắm mắt xuôi tay rời khỏi cuộc đời này, chúng ta có thể mỉm cười trong hạnh phúc là chúng ta đã không lỡ chuyến mà có mặt trên con tàu lịch sử, đem tự do, dân chủ, và nhân quyền về với đồng bào và quê hương Việt Nam yêu dấu.

 

Xin Góp Một Bàn Tay!

 

Đinh Thị Ngọc Tuyết

Posted on Tuesday, June 11 @ 11:07:58 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Nhân Quyền
· News by ngochuynh


Most read story about Nhân Quyền:
Vô hiệu hoá công cụ khống chế

Article Rating
Average Score: 5
Votes: 2


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Nhân Quyền


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang