Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27809607
page views since June 01, 2005
MS120 - 7/12: Bông Hồng Cho Cha

Truyện Ngắn

HUỲNH NGỌC NGA

Trong phòng có chín người, tất cả cùng im lặng khác hẳn những nhốn nháo mấy giờ trước đó, mặt người nào cũng lộ vẻ bồn chồn, lo lắng, nhất là bà Năm. Bà ngó đồng hồ, nhìn điện thoại rồi trông ra cửa, chốc chốc lại thở dài. Ngọc, Phượng và Kim cũng không khác gì mẹ, họ có cảm tưởng thời gian như cô đọng lại trong sự đợi chờ, chờ một tiếng chuông kêu mở cửa hay một tiếng reng điện thoại để báo cho các nàng tin tức ông Năm, cha của họ. Trung và Hiếu - hai cậu con trai - và ba anh con rể, kẻ chống cằm đăm chiêu suy nghĩ, người đi đi lại lại bức xúc từng bước chân vang.



Kim đồng hồ trên tường đang chỉ một giờ rưỡi khuya và chuyện bắt đầu từ lúc bốn giờ chiều khi ông Năm ra khỏi nhà không một lời để lại cho vợ. Bà Năm tưởng chồng đi dạo công viên quanh nhà như thường lệ nên cũng chẳng hỏi han chi, nhưng đợi mãi quá giờ cơm mà ông vẫn không thấy bóng khiến bà đâm lo phải gọi điện thoại cho các con trong khi chờ Hiếu - cậu con trai chưa lập gia đình - đi làm chưa về. Gia đình đông con nên khi hữu sự nhiều tay đóng góp. Mấy cậu con rể cũng tham gia phụ vợ, anh rể cả báo tin cảnh sát, cậu rể thứ điện hỏi nhà thương, chàng rể út xách xe chạy lòng vòng xem ông cha vợ có lạc lối để đưa về. Nhưng tất cả chỉ hoài công, không có dấu hiệu gì cả, chỉ còn cách ngồi nhà chờ đợi tin tức mà thôi.

Ngọc thở dài, có một cái gì nghẹn ngào trong cổ, cô nhớ gương mặt buồn buồn của cha những lúc sau nầy nhất là những ngày đến thăm cha mẹ, xe chưa vào đến cổng chung cư, nhìn lên cửa sổ nhà, cô thường thấy ông Năm đứng đó ngó mông về một cỏi xa vời dịu viễn nào. Cô biết cha buồn, nỗi buồn của cánh chim thiên di đang trông về cố quận, nỗi buồn của giọt dầu không chịu hòa tan trong nước nhưng biết nói sao khi cuộc sống nơi đây đã đâm chồi nẩy rễ để chuyện ngày về định cư lại trên quê hương ví như chuyện phù du.

Bây giờ mà nhắc chuyện xưa chẳng khác gì khơi dậy nỗi đau của Ngọc và cha. Ngày tờ đơn bảo lãnh của vợ chồng Kim từ Ý bay về làm đảo chao cuộc sống cả nhà, kẻ chịu đi, người đòi ở lại, cuối cùng thì hai phiếu chống của Ngọc và cha đành nhượng bộ phiếu thuận của mẹ và các em cô. Ngọc đi, trong túi còn gói theo mấy hột giống hoa móng tay, nhãn, mận hồng đào, ổi xá lỵ của sân nhà. Ba đi, nhắc Ngọc nhớ gói cho kỹ bộ cờ tướng ba vẫn thường sát phạt cùng chú, bác trong xóm. Những thứ cần dùng khác mang theo, còn tất cả bỏ lại như bỏ mồ hôi cha mẹ thấm đẩm nền đất ngôi nhà nội cho, bỏ lại tiếng cười đùa một thời thơ trẻ của chị em Ngọc bên bóng dừa, bến nước.

Sang Ý rồi mọi thứ cũng tuần tự đâu vào đó sau một thời gian đầu gian truân vật lộn với ngôn ngữ xứ người, nhưng ai học tiếng Ý thì học, ông Năm nhất định chỉ xài “tiếng ta” chứ không thèm đụng tới “tiếng tây”. Ngôn ngữ địa phương là chìa khóa mở tất cả các khung cửa nơi đất khách, từ chối nó tức là tự giam mình vào hạn hẹp của thế giới riêng ông, thế giới đó chỉ có vợ con ông và những đồng hương ít ỏi ông quen  mà thôi. Thế nhưng cái thế giới bé nhỏ đó cũng đang từ từ thu hẹp lại khi các con ông lần lượt lập gia đình và ra riêng. Nhà còn lại hai vợ chồng già và Hiếu, cậu con trai chưa cưới vợ, thường chỉ có mặt sau tám giờ làm việc tại hãng xưởng. Ông nhăn nhó than với Ngọc mỗi lần cô về thăm nhà rằng “ba nhớ Việt Nam quá, ở đây chẳng có gì vui hết”, Ngọc cười bảo “có má và tụi con chứ ba”. Nói thì nói vậy để cha vui chứ thực ra Ngọc hiểu niềm vui gia đình chỉ thỏa mãn nơi người đàn bà, nơi mẹ nàng, còn với người đàn ông, với cha nàng thì niềm vui đó chưa hẳn là trọn vẹn, họ còn cần những thứ khác nơi bè bạn, nơi xóm giềng, nơi món ăn truyền thống với những đặc sản quê nhà khó tìm được nơi đây. Ngọc nhớ những ngày thấy cha ngồi trầm ngâm một mình trước bàn cờ tướng thiếu tay chơi, cha kiêm luôn vai đối thủ của chính mình, sát phạt trong cái nhạt nhẽo của một ván cờ không phương hướng. Và như sực nhớ ra, Ngọc đưa ý kiến khuyên cha nên dạy mẹ môn cờ tướng để cả hai cùng tiêu khiển qua thời gian. Bà Năm nghe chuyện từ chối thẳng thừng, bà thích coi phim video hay đọc sách hơn, khốn khổ thay đó là những thứ chồng bà không ưa. Ông Năm càng ngày càng ít nói, đám cháu của hai ông bà theo cha mẹ chúng về thăm vợ chồng ông mỗi tuần cũng không làm ông tươi tỉnh thêm lên, cố gắng lắm ông cũng không vui nổi khi nghe chúng cứ líu lo những tiếng ngoại lai ông không thích, nhưng trách sao đuợc khi chúng đã sinh ra và lớn lên ở nơi nầy. Thời gian gần đây ông lại thêm bệnh tiểu đường, cao mở và cả bệnh tim, bác sĩ khuyên ông nên tập đi dạo mỗi ngày ít nhất một giờ để giúp thuận tiện trong việc chữa trị vì vậy ông thường cùng vợ đi bách bộ quanh công viên gần nhà khi nắng sáng hoặc lúc chiều sắp tắt. Hôm nay  nhằm ngày bà Năm đi chợ về, quá bận bịu trong việc sắp xếp thực phẩm nên bà đã để ông đi một mình, và bây giờ thì sự tình như thế đó.

Ruột nóng như lửa, bà Năm thút thít khóc, đang định quay sang bảo cậu con trai út điện thoại đến nhà thương, cơ quan cảnh sát để hỏi thăm tin tức ông Năm thêm lần nữa thì có tiếng chuông cửa reo vang giữa đêm khuya tĩnh mịch. Mọi người nhổm dậy, bà Năm lụp chụp chạy đi mở cửa, ông Năm hiện ra trước mặt gia đình, vẻ mệt mỏi nhưng bình an, tay xách túi nylon đựng mấy chục bịch mì gói mà ông ưa thích, đâu đây trong phòng có tiếng thở ra nhẹ nhàng của những người hiện diện. Thấy nhà đông người, ông Năm hiểu ra sự kiện, ông cười bẻn lẻn như trẻ thơ và nói:

- Bà ngoại và mấy đứa đợi ông ngoại về đó hả? Ông ngoại đi lạc xe buýt, không tìm được tuyến về, không biết tiếng Ý để hỏi cảnh sát, quên đem điện thoại để gọi về nhà, lẩn quẩn lên xuống mấy lần các tuyến xe lạ, cuối cùng cũng tìm được đúng xe nên đến bây giờ mới về được tới nhà đó.

Bà Năm lau nước mắt, giọng trách móc:

- Sao ông ngoại đi chợ Tàu mà không nói với bà ngoại để cùng đi hoặc để ở nhà đỡ lo?

- Nói để bà ngoại ngăn không cho ông ngoại đi sao. Bà ngoại không muốn ông ngoại ăn mì gói vì sợ bột ngọt làm tăng lượng đường trong máu mà.

Phượng ôm vai cha, giọng nhõng nhẽo của con gái út:

- Ba chia cho tụi con mấy gói mì ăn lót dạ, đợi ba từ chiều đến giờ ai cũng đói bụng quá chừng ba ơi.

Mọi người cùng cười, Ngọc nắm tay chồng đến hôn cha mẹ rồi quay sang nói với các em:

- Chúng ta về để ba má nghỉ ngơi, chắc ba mệt lắm rồi. Ngày mai con sẽ đến nghe ba kể chuyện “phiêu lưu” đi tìm mì gói của ba nghen.

Hôm sau cha con Ngọc gặp lại, Ngọc cùng cha xuống đi dạo công viên trước nhà, ông Năm tỉ mỉ thuật với nàng chuyến đi trắc trở ngày hôm qua. Ông bảo thực sự ông không lạc đường với tuyến xe ông vẫn cùng bà Năm thường xuyên đi chợ Tàu mua sắm thực phẩm Việt Nam. Ông đã đến đúng tiệm quen, mua xong mì gói và định lên xe trở về nhà, thấy còn sớm ông muốn đến thăm vợ chồng Ngọc và mấy đứa cháu nhưng không nhớ rõ tuyến xe để đi, cuối cùng ông nhìn lên bảng chỉ đường của các tuyến xe và lên liều một xe mà ông tin sẽ cho ông nhớ đường đến nhà con gái. Kể đến đây, thấy vẻ nhăn nhó trên mặt Ngọc, ông cười nói tiếp:

- Ba biết con luôn dặn ba khi nào muốn đến nhà con, cứ điện thoại gọi, con sẽ đem xe đến rước ba, nhưng ba rảnh rỗi nên thích đi dạo bằng xe buýt để học hỏi thêm vậy mà, nhờ thế ba quen được một người bạn con à.

- Bạn? Ai vậy ba? Việt hay Ý? Đàn ông hay đàn bà?

- Gì mà rối lên vậy con? Nghe ba kể nè, ba lên xe số 29, vì ba nhớ con hay nói đến nhà con phải lấy xe 14 ở công trường Solferino mà xe 29 ba nhìn bảng chỉ đuờng cho biết sẽ chạy đến công trường đó là trạm cuối. Khi đến nơi ba xuống xe và định chờ xe 14 để tiếp tục đi. Con nhớ công trường Solferino chứ? Cây xanh, ghế đá công viên, vòi nước xịt, cảnh sắc thật dễ chịu khiến ba muốn ngồi nghĩ một chốc trên một băng ghế gần trạm xe. Đang ngồi yên ba bỗng thấy một đàn bồ câu từ xa bay ào ào tới, cả mấy con bồ câu gần đó cũng vỗ cánh hòa nhập như chào đón một điều gì. Lấy làm lạ, ba nhìn kỹ hướng bồ câu mới đến và thấy một ông lão đang xách một túi nylon tiến đến gần phông-tên chỗ ba ngồi rồi dừng bước cho tay vào túi nylon bốc ra từng nắm bánh mì vụn để rải cho bồ câu ăn. Ba nghĩ, nếu chỉ vừa thấy dạng ông mà lũ chim đã nhận ra và chào đón như vậy, chắc chắn ông đã làm việc cho chim ăn từ lâu lắm rồi nên chúng mới có thói quen như thế. Xong việc cho chim ăn, ông ngồi xuống cạnh ba trên băng ghế đá, thấy ba chăm chú nhìn chim ăn một cách thích thú, ông quay sang chào ba và làm quen bằng một tràng tiếng Ý mà ba chẳng biết gì hết. Ba cũng tuôn ra một tràng tiếng Việt khiến ổng ngẩn ngơ.

Ngọc đang im lặng nghe cha kể đến đây bỗng bật cười, ông Năm cũng cười theo, ông chậm rãi kể tiếp:

- Cuối cùng ba và ổng đưa tay ra dấu, cộng thêm những tiếng Ý giản dị mà ba biết được để diễn tả những điều cần nói, nhờ vậy ba biết ổng là dân Sicile, nhà ở gần đó, mỗi ngày ổng đều đến công viên để cho chim ăn. Vì nói chuyện theo kiểu nầy, cần nhiều thì giờ nên ba với ổng ngồi lâu đến chạng vạng tối, ba không còn thì giờ tìm xe đi thăm con nữa, sợ má con trông nên ba lính quýnh thế nào mà lại lầm xe các tuyến khác để về nhà, đổi tới đổi lui mấy lượt lên xuống đến nổi xảy ra tình trạng như chiều hôm qua.

Ngần ngừ giây lát, ông Năm thở dài:

- Ông lão đó thật cô đơn con à, những con chim bồ câu hiền lành là niềm vui của ổng đó. Ba tưởng đâu chỉ có người lưu lạc như cha con mình mới biết buồn nhớ quê hương, nhưng ông ấy sống ngay trên đất nước của ổng mà vẫn không tìm đuợc ngày về nơi sinh quán tận Sicile xa xôi.

- Sao ba biết ổng nhớ và muốn về lại Sicile? Làm sao ba hiểu được những điều ông ấy nói?

Ông Năm trợn mắt nhìn con, giọng bực bội:

- Ba đã nói rồi, ba và ông ta nói chuyện nửa bằng cách ra dấu, nửa bằng ngôn ngữ, hiểu được tiếng nào thì gật đầu, không hiểu thì ra dấu. Khi ba nói ba là người Việt, ba chỉ vào ba và nói “Việt Nam, Saigon”, ổng gật đầu liền. Và ổng chỉ vào ổng, nói “Sicile” thì chắc chắn ổng muốn cho ba biết ổng là dân miền Nam ở Sicile chứ gì. Ba tuy không rành tiếng Ý, nhưng Sicile ba biết là gì mà.

- Vậy khi diễn tả nỗi nhớ quê hương ba và ổng làm thế nào? Ngọc tò mò hỏi cha.

- Dễ lắm, ba và ổng chỉ việc đưa bàn tay đặt lên ngực trái, nơi có quả tim và miệng thì nói tên quê mình, mặt phải buồn rầu để nói lên nổi buồn nhớ riêng tư, mà hễ nhớ thì muốn về, đúng không?

Ngọc cười ngất và nghe vui trong câu chuyện của cha, cô thầm nghĩ phải chi ông lão ở gần nhà cha mẹ cô thì hay biết mấy, cha cô sẽ có bạn và nỗi buồn của ông sẽ có người tri kỷ để sẻ chia. Ngọc không ngờ ông Năm đi xa hơn ý nghĩ của cô vì hai ngày sau đó như có một ma lực thúc đẩy, chọn và cân nhắc thời gian thích hợp như hôm gặp đầu tiên ông lão người Sicile, ông lại lên xe buýt tìm đến công viên Solferino sau khi dặn dò vợ đừng chờ cơm nếu thấy ông về trễ. Đến nơi ông đã thấy bầy chim đang lúc nhúc đầy một khoảnh công viên để mổ ăn những vụn bánh mì, gần đó là cái dáng cao gầy với chiếc đầu hói của ông lão Sicile trên chiếc băng đá hôm nào, ông đang thơ thẩn nhìn chim ăn. Ông Năm tiến tới trước mặt ông lão, vẻ vui mừng hiện rõ trên mặt hai kẻ mới quen, họ bắt tay nhau thân thiện như bạn thâm giao từ thuở nào và những câu chuyện với nửa ngôn ngữ, nửa làm bằng dấu đôi tay lại bắt đầu, lá rì rào trên cây hòa reo như tiếng nói thứ ba chen lẫn vào hai thứ tiếng Việt – Ý  trong đàm thoại của hai ông lão. Chiều hôm đó, ông Năm về nhà với gương mặt hân hoan rạng rỡ, bà Năm đợi cơm chồng cũng hả hê thấy ông ngon ăn và vui vẻ chuyện trò chứ không lặng lẻ uể oải như lúc bình thường. Kể cho vợ nghe chuyện người bạn mới của mình, ông Năm phấn khởi nói:

- Ngày mai ông ngoại sẽ dạy ông lão Sicile đánh cờ tướng cho bà ngoại coi.

Ông Năm nói và làm thật, hôm sau ông tìm gặp ông bạn Ý với  bộ cờ tướng cũ kỹ trong tay và không biết hai ông tâm đắc thế nào mà từ đấy cứ mỗi chiều là ông Năm canh đúng giờ để lên xe buýt đến công trường Solferino gặp ông Foti, tên ông lão người Sicile. Băng đá công viên trở thành điểm hẹn lý tưởng của đôi bạn già, duy có điều đàn bồ câu thôi không còn là mục tiêu ngắm nhìn  của họ nữa dù bánh vụn vẫn được rãi đều cho chim ăn. Bây giờ họ có thú tiêu khiển khác, tao nhả hơn và “thần tiên” hơn, thứ “thần tiên” đông phương của những người quên bao phiền muộn cuộc đời, quên dối gian nhân thế để đắm chìm tâm tư tìm từng bước đi của những quân cờ thần bí. Thoạt đầu ông Foti ngớ ngẩn đến lạ lùng khi ông Năm trải bàn cờ trên băng ghế đá, những quân cờ đen đỏ với những chữ khắc ngoằng nghoèo khác lạ quá xa với bàn cờ Vua của phương tây, nhưng ông Năm kiên nhẫn ra dấu, giải thích bằng mọi từ ngữ Ý-Việt tương quan mà ông biết được. Người ta thường bảo chỉ trẻ con mới có trí nhớ dai, càng lớn tuổi đầu óc càng mụ mẫm, thế nhưng đôi bạn già khác chủng tộc, lạ màu da chẳng hiểu sao lại có thể nhanh chóng hiểu được những gì bạn mình muốn nói, chỉ trong vòng hai tuần lễ, ông Foti đã hiểu đầy đủ các quân Tướng, Sỹ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt và đang dò dẫm những nước đi sao để có thể “chiếu tướng” ông bạn Việt của mình và ông Năm cũng học hỏi, thu thập một cách hăng hái dễ dàng những ngôn từ mà từ lâu ông cho là đáng ghét, bây giờ thì cái tiếng Ý hình như đâu có... “ẹ” như ông thường “phán đoán”, ngược lại, ông thấy nó hao hao như... tiếng Việt của ông vậy mới kỳ. Có những tiếng khó hiểu, ông đem theo giấy viết ghi lại rồi về nhà hỏi các con ông, lắm khi còn dạy lại cho vợ ông nữa chứ. Nếu không có ngày cuối tuần con cháu về thăm phải ở nhà với chúng chắc chẳng có ngày nào ông vắng mặt bên ghế đá công viên. Những chú bồ câu bé nhỏ bây giờ không những quen túi nylon vụn bánh của ông Foti mà còn quen túi giấy có bàn cờ tướng ông Năm thường cầm trên tay mỗi lần đến gặp bạn.

Ngọc sung sướng khi thấy cha tìm lại được nét sinh động thuở nào, một đôi lần cô đem xe đến chở cha ra điểm hẹn, chào hỏi và chuyện vãn với ông Foti rồi cô mới mường tượng khám phá ra nguyên nhân thầm kín đã ràng buộc hai con người xa xôi bỗng dưng một sớm một chiều trở thành tri âm, tri kỷ. Không phải khai Pháo, bắt Xe, kích Tướng, tam tử quy  biên... trên bàn cờ mà họ thân nhau, đúng ra họ đã tìm thấy chính họ nơi bạn của mình, người cũng có niềm hoài vọng quê hương với ước mơ ngày về cố thổ. Cha nàng có Việt Nam trong tim thì ông Foti cũng nặng lòng mãnh đất Sicile ngàn dặm cuối trời. Cũng như cha nàng, ông Foti bị buộc ràng bởi con cái từ khi vợ ông qua đời hơn tám năm nay, những đứa con của ông bận bịu chuyện làm ăn nên muốn cha họ gần cận kế bên để tiện bề chăm sóc, họ không hiểu rằng họ đã vô tình  tạo cho ông nỗi khổ của kẻ tha hương. Không khổ sao được khi ông phải bỏ ngôi làng bé nhỏ Campoflice thuộc thị trấn Palermo nơi đảo Sicile xinh đẹp, nơi ông đã được sinh ra và lớn lên bằng gió, cát vùng đảo để tìm đến nơi phố thị ồn ào, bụi bậm dơ bẩn bởi khói xe, khói nhà máy ngày đêm tuôn không mệt mỏi. Không những thế, tình người chốn thị thành nó mới nhạt nhẻo làm sao, cơm ai nấy ăn, nhà ai nấy ở, xuân - hạ - thu - đông cửa đóng then gài bưng kín mỗi gia đình, không có những ngày hội mỗi mùa lễ Thánh, không có những ngày kiệu hoa rực rỡ, những đêm hoa pháo tưng bừng, người dân quê vui đùa nhảy múa giữa công trường quê nhỏ trước sân nhà thờ với nhạc nhả reo vui, trong đó có cả tiếng đàn fisarmonica của ông, ông là tay đàn chánh chứ có kém chi ai đâu. Thường khi kể đến đây, không cần biết ông bạn Việt Nam có hiểu mô tê gì không, ông lại sáng mắt lên, hai tay khua điệu làm dáng kéo đàn, rồi say sưa như quên hết không gian, thời gian. Ông bảo chính tại những ngày vui ấy ông đã gặp một cô gái có gương mặt xinh đẹp như đức Mẹ Maria, cô gái ấy đã yêu và nhận lời kết hôn với ông qua tiếng đàn tài hoa đó. Từ ngày vợ chết, ông đã dẹp chiếc đàn vào hộp đóng kín như niềm vui của ông cũng khóa chặt vào hộp đàn lúc ông bỏ quê làng dọn về ở Torino. Tuy mang tiếng ở gần con trai nhưng ông sống lặng lẽ như một người cô độc, vợ chồng con trai ông hục hặc hoài về sự hiện diện của ông trong gia đình họ, đứa cháu gái duy nhất dù thương ông nội nhưng nó chạy theo những cuộc vui tuổi trẻ của nó nhiều hơn để ý đến đến bóng dáng già nua của ông trong nhà. Ông mang nổi buồn thầm lặng đến công viên Soferino trong mỗi chiều nhạt nắng, lúc đầu đến bằng đôi tay trơn gầy guộc, ngồi nhìn lũ chim chíu chít bay nhảy ông cảm thấy vui vui và thèm làm một trong những con chim vô tư đó để có thể bay về thấy lại những con đường quê ngoằn nghèo của Campofelice thân yêu. Về sau, ông gom những vụn bánh trong nhà và xin luôn của hàng xóm để đem cho chim ăn, dần dần thành quen thuộc, cứ thấy dáng ông từ xa là lũ chim đổ ào đến, ông không ngờ chuyện cho chim ăn lại là khởi đầu của cái duyên bằng hữu với ông Năm bây giờ.

Ông Năm nghe bạn tâm sự giữa tiếng hiểu tiếng không, nhưng chung chung ông biết ông Foti nhắc lại kỹ niệm những ngày trong quá khứ. Tưởng gì chứ chuyện quá khứ thì ông cũng đâu chịu thua ai, ông hỏi ông Foti có biết Việt Nam ở đâu không, biết Saigon thế nào không, rồi không đợi người được hỏi trả lời, ông tuôn một hơi những gì ông mang nặng trong tâm để nói về một quê hương nằm bên bờ biển cả, có Cửu Long hữu tình chín khúc phương Nam, phù sa đỏ thắm sông Hồng phương Bắc, dòng sông Hương ngọt mát miền Trung, phù sa những dòng sông nuôi chín bao ruộng lúa vàng với cá sông, thịt rừng, trái thơm, hoa thắm tất cả hun đúc nên tính kiên cường, đoàn kết của một dân tộc chịu không ngớt ngàn năm, trăm năm binh biến vì ngoại xăm, nội chiến mà vẫn không quên chữ hiếu hòa, câu nhân ái. Đó là Việt Nam của máu chảy trong tim, của thịt da bọc bao hình dạng mỗi người công dân Việt; còn tận cùng sâu thẳm của nỗi nhớ riêng tư, ông có Saigon với mưa chiều, nắng sớm, thân nhân, bè bạn, láng giềng, có gánh xôi đầu ngỏ, quán bún cuối đường, có ngôi nhà hương hỏa cha ông để lại gần cạnh ngôi chùa An Phú của xóm Chánh Hưng, có nóng trưa hè phe phẩy quạt, mát đêm thu thi thố những nước cờ. Nhắc tới bàn cờ, ông Năm cười khề khà hỏi ông Foti có muốn gở ván cờ thua đậm hôm trước hay không. Ông bảo người đánh cờ tướng như Phật tử ngồi thiền, đầu óc phải thanh tịnh, bao nhiêu tâm trí dồn hết vào các quân cờ, nếu không, cứ lơ tơ mơ để xẩy một ly thì đi đong ngàn dặm đó đa.

Cũng như ông Năm, ông Foti chỉ hiểu loáng thoáng những gì bạn mình nói, nhưng cần gì cùng ngôn ngữ mới có thể cảm thông nhau, họ nghe chuyện của nhau bằng cái tâm lành trong thiện tánh, bằng cái tình của câu bằng hữu chi giao. Môn cờ tướng nầy tính ra cũng hao hao như cờ Vua của người phương tây nhưng nó năng động và bí hiểm hơn. Là học trò mới nên ông Foti bị thua liên tiếp mấy ngày đầu, thấy ông có vẻ nãn  ông Năm thỉnh thoảng giả vờ sơ xẩy để bạn thí tốt bắt xe, công thành, hãm tướng.

Nhưng Torino không phải là Saigon để nắng mưa đâu phải chỉ hai mùa, lá xanh đang chuyển màu vàng úa, gió heo may hây hẩy thổi vọng về, mưa thu từng đợt thỉnh thoảng bay, ghế đá công viên không còn là điểm hẹn lý tưởng cho hai “vì tiên” lở vận. Ông Foti mời ông Năm tiếp tục những cuộc cờ không dứt tại nhà mình và ông Năm cũng nằn nì ông Foti một lần lên xe buýt đến thăm gia đình ông. Ông Foti cười hứa hẹn chuyến thăm. Mùa thu và mùa đông năm đó họ đem “xe, pháo, mã, sỹ, tượng, tướng, tốt” về nhà ông Foti. Thời gian chơi cờ của họ thường con cháu ông Foti bận việc chưa về nhà nên họ cũng nghe thoải mái an tịnh để tính chuyện vượt sông, cướp thành, kích tướng.

Mùa đông chưa kịp tàn, ông Foti cũng chưa chọn được thời gian thích hợp để đến nhà ông Năm thì một buổi chiều tháng giêng sau ngày lễ Befana tin chẳng lành chợt đến. Chiều hôm ấy như thường lệ ông chờ ông Năm đến để “sát phạt” với nhau, nhưng đợi mãi mà chẳng thấy bóng ông Năm đâu, ông không biết rằng bạn ông đã bị chấn động tim bất thình lình sau buổi cơm trưa và đuợc gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tại đây bác sĩ cho biết lượng mở trong máu ông gia tăng quá cao khiến các mạch tim bị nghẽn, họ tạm thời thông mạch cho ông Năm và tuyên bố cần phải mổ tim gấp, quan trọng hơn nữa là thận của ông cũng có vấn đề do ảnh hưởng của bệnh tiểu đường bấy lâu nay. Truớc khi ông Năm ký tên chịu mổ, ông nhìn vợ con rồi thở dài, hơn ai hết ông biết sức khỏe mình, những chứng bệnh mà tội tình do chính ông tạo ra bởi thói quen ăn uống, bởi nỗi nhớ quê hương khiến đôi lúc làm ông chán nản không muốn chữa trị lúc bệnh mới bắt đầu. Bây giờ bệnh thấm sâu đang mòn dũa sức lực ông, sống chết đối với ông mơ hồ hư ảo giữa những cơn đau quặn thắt buồng tim. Còn mấy tháng nữa ông bước vào tuổi tám mươi, cũng vừa thôi nếu ông tìm về sương khói. Vợ con ông đang vây quanh ông đầy lo lắng, ông nắm tay vợ  trấn an lúc bà nước mắt đoanh tròng:

- Bà ngoại đừng buồn, ngày mai mổ xong  ông ngoại sẽ khoẻ lại thôi mà. Chừng đó vợ chồng mình làm một chuyến đi thăm Việt Nam nghen bà ngoại.

Bà năm khóc ngất, các đứa con của ông bà cũng khóc, tất cả biết ông đang nói lên ước vọng  ngày về mà ông hằng ấp ủ bấy lâu nay, ước vọng đó bị mọi người ngăn cản bởi lý do nào sức khỏe, nào thế tình đó đây, nhà cửa bên kia chẳng còn gì... Khi mọi người ra về, Kim và Ngọc ở lại cạnh cha. Ông dặn Kim, cô con gái tính tình cứng rắn chửng chạc nhất trong đám con chín đứa của hai ông bà, phải làm những gì cần làm nếu chẳng may ông không vượt khỏi mệnh số. Và quay sang Ngọc, cô con gái trưởng hạp tính hạp tình nhất của ông:

- Con về nhà, lấy bàn cờ tướng đem cho ông Foti giùm ba. Nếu ba qua khỏi, ba sẽ tiếp tục đến đánh cờ với ông, ngược lại, nói với ông ấy đó là quà ba tặng ổng.

Ngọc cắn răng để nước mắt đừng tuôn, cô không muốn cha cô thấy cô đang tuyệt vọng vì những lời gần như trăn trối của cha. Cha cô, người cha hoàn hảo nhất trần gian, người đã cho cô mọi thứ ở trên đời, cha cô phải sống, cô lâm râm niệm đức Quán Thế Âm Bồ Tát và đức Dược Sư Luư Ly Quang Như Lai Phật, cô tin lòng thành sẽ cứu đuợc cha cô. Nhưng ông Năm đã ra đi hơn một tháng sau ngày mổ, tim ông được cứu nhưng bệnh tiểu đường thâm nhập vào máu quá nhiều đã hủy hoại thận ông khiến ông vào hôn mê và không bao giờ thức dậy nữa. Lòng thành của cô không  cản đuợc số mệnh đã an bài, một số mệnh không phải do trời cao đặt để mà chính tự do bản thân người tác tạo gây nên.

Tang lễ ông Năm được cử hành theo nghi thức Phật Giáo với một vị sư người Ý chủ trì. Trước giờ nắp áo quan đóng lại ông Foti được cậu con ông đưa đến viếng chào cố nhân lần cuối. Ngọc thấy lưng ông như khòm xuống hơn lúc cô gặp ông ở công viên Solferino hôm nào. Ông đến bên áo quan, mắt đỏ hoe và móc ra trong túi áo của ông quân cờ “Tướng” màu đỏ - màu quân cờ của cha cô thường chơi với ông - ông bỏ quân cờ vào lòng bàn tay ông Năm rồi khép lại. Nắp áo quan đóng kín và trọn cỗ  áo quan được đưa vào lò hỏa thiêu với những đóa hoa hồng đỏ của chị em Ngọc rãi lên trên, những đóa hoa màu đỏ tượng trưng cho yêu thương và sự sống. “Tướng” cùng cha cô đi vào thiên thu, cõi thiên thu vô cùng không có những cản ngăn những điều cha cô mong ước nhưng có sự sống nơi cõi vĩnh hằng với tình thương của chị em Ngọc dành mãi cho ông. Ông Foti đến bên bà Năm và chị em Ngọc nói lời phân ưu rồi lặng lẽ ra về. Ngày vui hay  buồn gì cũng giống nhau chung một điểm, đều có lúc tiên khởi và lúc lụn tàn.

Mùa Vu Lan năm  đó, sau khi đến thăm mẹ, Ngọc ra về với hai đoá hoa hồng trắng và đỏ trên ve áo, hoa trắng để nhớ cha và hoa đỏ để mừng mẹ. Trời mùa hạ còn vương nắng ấm, vợ chồng Ngọc cho xe chạy ngang công trường Solferino để tìm thăm ông Foti nhưng không thấy ông nơi băng đá cũ, gần đấy bầy bồ câu hình như cũng thưa vắng ít ỏi hơn trước. Ngọc xuống xe, tháo đóa hồng trắng trên ve áo mình đặt vào chỗ ngồi của cha cô và ông Foti hôm nào, cô lẩm bẩm “Ba ơi, “Tướng quân” đã về”. Vâng, Tướng quân đã về, dù chỉ về bằng phấn hương hoa.

HUỲNH NGỌC NGA
Torino, ITALIA – 28. 07.2008
(Kính dâng hương hồn ba)

Posted on Monday, June 18 @ 11:59:32 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Truyện Ngắn
· News by ngochuynh


Most read story about Truyện Ngắn:
Nói Chuyện Về Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam

Article Rating
Average Score: 5
Votes: 1


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Truyện Ngắn


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang