Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27816468
page views since June 01, 2005
MS111 - 10/11: Đèn Trăng Tháng Tám

Truyện Ngắn

Huỳnh Ngọc Nga

hoangngoc.netCơm chiều chưa xong chồng tôi đã vội vã hối cả nhà:

- Ăn mau đi để mình còn đặt viễn vọng kính ngắm trăng nữa chứ.

Thằng con lớn của chúng tôi ngạc nhiên:

- Mình mới ngắm trăng mấy hôm trước đây mà ba?

Em gái nó cười, làm ra vẻ hiểu biết hơn anh mình:

- Anh không nhớ hôm nay là ngày gì sao? Trăng hôm nay đặc biệt lắm đó, anh hỏi lại má thử xem.

- Ngày gì vậy má? Con trai tôi quay sang hỏi tôi.

Nhìn vẻ mặt ngớ ngẩn của cậu quý tử, tôi mỉm cười:



- Con thì có nhớ gì ngoài mấy trò chơi điện tử của con đâu, phải không? Hôm nay là ngày Rằm tháng Tám, tức này lễ Nhi Đồng ở các xứ miền viễn đông như Việt Nam của má hay còn gọi là ngày Tết Trung Thu. Má đã kể bao nhiêu lần cho hai đứa nghe về ngày Tết này, con quên hết rồi hả? Cái lồng đèn bằng giấy má xếp cho con hồi nhỏ con còn giữ không?

- A, con nhớ rồi, ngày này ở Việt Nam người ta ăn bánh Trung thu, con nít xách đèn lồng, người lớn uống trà thưởng trăng phải không má?

Con gái tôi lanh chanh chen vào:

- Còn thiếu nhiều thứ lắm...

- Thiếu cái gì nữa? Em lúc nào cũng lộn xộn. – Thằng anh bực bội gắt em.

- Thiếu Hậu Nghệ - Hằng Nga, thiếu chú Cuội và Thỏ Ngọc, thiếu Dương Quý Phi và Đường Minh Hoàng vào ngày Trung Thu sao anh không kể vô luôn.

Con trai tôi cười ngất, giọng chế giểu:

- Cô nương lại nói chuyện huyền hoặc nữa rồi. Anh tưởng em phải kể là thiếu ba phi hành gia Amstrong, Collins, Aldrin của phi thuyền Apollo 11 thám hiểm mặt trăng năm 1969 mới đúng chứ.

Chồng tôi đã ăn xong, đứng dậy, lên tiếng:

- Thôi, đừng tranh cải nữa, ba đi chuẩn bị viển vọng kính đây, hai đứa có muốn học hỏi lắp ráp loại kính này thì đến coi ba làm. Nhanh lên, đừng để trăng nghiêng qua khỏi nóc chung cư nhà mình.

Tôi vừa thu dọn bàn ăn vừa nghe ba cha con lăng xăng chuyện lắp ráp viễn vọng kính, chiếc kính mà chồng tôi mới mua với giá rẻ của một siêu thị vừa mới khai trương. Đây không phải là lần đầu cả nhà tôi chuẩn bị cho một cuộc khảo sát thiên văn, vì ngay từ ngày mới mua loại kính này chồng tôi đã đem sử dụng liền và chúng tôi tha hồ suýt xoa bàn tán khi tận mắt thấy khá rõ ràng những hình ảnh tuyệt vời của các vì tinh tú trên bầu trời đêm. Hôm đó, trong lấp lánh của ngàn sao, ánh sáng huyền dịu của vầng trăng quyến rũ nhiều nhất sự quan sát của cả nhà chúng tôi. Và dù biết đằng sau màu trắng thanh khiết đó chỉ là những lồi lõm xấu xí của một nơi mà sự sống còn đang là dấu hỏi để các nhà khoa học phải cất công tìm kiếm, vậy mà con gái tôi vẫn không dấu được sự thất vọng khi nhìn thấy sự thật phủ phàng. Nó bảo sao mặt trăng giống như một nàng ca kỹ tuy tuổi đã xế chiều nhưng trong đêm vẫn đẹp lộng lẫy kiêu sa với phấn son mượt mà và viễn vọng kính giống như chiếc gương thần soi thấu lớp phấn son đó để phơi bày những tàn phá của thời gian. Trái ngược lại với cô em gái, con trai tôi thích thú nhìn thấy mặt thật của một vệ tinh chung thủy nhất với địa cầu và chồng tôi nhân cơ hội đó đã giảng giải tận tình cho chúng tôi biết thêm về tính chất của chị Hằng, một tính chất khô khan không bầu khí quyển để truyền tia sáng mặt trời vào bên trong, vì thế nơi đó chỉ có màn đêm, ánh sáng của vầng trăng mà bao thi nhân ca tụng chỉ là ánh sáng phản chiếu của mặt trời từ đó dội xuống địa cầu.

Với chồng và con trai tôi, chuyện quan sát vầng trăng là chuyện tìm hiểu thêm về khoa học, về những minh chứng mà tất cả chúng ta đã học hỏi từ trường học, báo chí, tivi... Với con gái tôi, đàng sau mặt viển vọng kính là cả một sự sụp đổ những chuyện thần kỳ phương đông mà tôi đã kể cho nó nghe vào những mua trăng sáng, nhất là những đêm thu tháng Tám nơi quê ngoại xa vời. Con bé nói với tôi, dù biết sự thật không đẹp như cổ tích nhưng nó vẫn mơ hoài dáng tiên nơi cung Quảng hay chú Cuội dưới gốc đa già hoặc đâu đó phất phơ điệu múa của Dương Quý Phi khi Đường Minh Hoàng du nguyệt điện.

Riêng tôi, những mùa trăng luôn là mùa gợi nhớ với đầy ấp bao kỷ niệm của những ngày xa xưa cũ, nỗi nhớ đó hiện diện từ khi tôi sống đời tha hương viễn xứ để biết niềm đau của một áng mây vì cơn gió xôn xao trôi về phương khác, hóa nước thành mưa khóc kiếp lạc loài. Những mùa trăng của tôi mang từng tên gọi nhớ, trăng tháng Giêng nhớ Tết Nguyên Tiêu; trăng tháng Hai, tháng Ba rộn ràng nhớ Tết Thanh Minh của nàng Kiều bạc hạnh; chị Hằng tháng Tư hân hoan chào mừng ngày Phật Đản; trăng tháng Năm đến vấn vương chút vị hương mùa Tết Đoan Ngọ; trăng tháng Sáu yên ả không tên để chuẩn bị nổi nhớ gọi mời mùa trăng lễ hội Vu Lan tháng Bảy; và đây, nàng trăng tháng Tám của Tết Trung thu đang đeo đẳng theo tôi mỗi năm bằng những hoài tưởng mênh mông.

Trăng thu tháng Tám với tôi không có những bước chân đầu tiên của con người trên mặt nguyệt bằng phi thuyền vũ trụ Apollo 11 lừng danh lịch sử, cũng không có những mộng mơ của tuổi dậy thì để vớ vẫn nhớ chuyện Hậu Nghệ - Hằng Nga, Dương Phi - Đường Đế, Thỏ Ngọc - Cuội Già... Nỗi nhớ của tôi không bay bỗng về hướng trời cao mà cô đọng trên mặt địa cầu, có tôi ngày thơ rước đèn cùng lũ bạn của xóm Chánh Hưng hiền lành mộc mạc đi diễn hành từ đầu làng đến cuối ngỏ. Những chiếc đèn lồng bọc giấy kiến trong suốt màu xanh, đỏ, vàng với đủ dạng hình tôm, cá, rồng, sao, v.v. mà chưa đầu tháng tám (Âm Lịch) các tiệm bánh trung thu khắp mọi nẻo đường đã bày bán chung với những chiếc bánh nướng, bánh dẽo thơm tho như mời mọc sự háo hức của trẻ con lẫn người lớn.

Tôi không bao giờ quên những ngày cận Tết Trung Thu ba má tôi thường dắt tôi và cô em kế của tôi vào Chợ Lớn để coi sự nhộn nhịp mua bán của mùa lễ này (lúc đó các em khác của tôi chưa chào đời) và cuối cùng bao giờ chị em tôi cũng sung sướng khi về nhà với mỗi đứa một chiếc đèn lồng trên tay. Năm nào tôi cũng luôn chọn đèn lồng con cá trong khi Yến, em tôi, lại thích đèn ngôi sao, con voi hay đèn phi cơ. Vài năm sau, lớn hơn một chút, lên lớp nhì, lớp nhất bậc tiểu học, tôi lại thích những chiếc đèn do chính tay mình làm. Trước những ngày trăng thu đến, tôi đi xin những nẹp tre của những vựa chằm lá trong xóm để kết thành những chiếc đèn ngôi sao mà tôi đã khổ công học hỏi cách làm từ một chiếc đèn cũ để dành trong mùa hội thu năm trước vì chỉ có loại hình này là dễ làm đối với tôi. Xong phần khung, tôi xin tiền ba má tôi đi mua giấy kiến về dán vào nẹp tre để hoàn thành chiếc đèn ngôi sao. Đôi khi để thay đổi hình thức cho vui, tôi mua loại giấy màu đục hơn giấy kiến, loại giấy màu dùng để bao các bìa tập rồi xếp thành đèn trống quân. Những lần kết đèn như vậy phải qua nhiều công đoạn chuốt tre, kết nẹp, cắt giấy, dán hồ. Chiếc đèn hoàn tất là cả một công trình và với cái nhìn ngây thơ của tuổi nhỏ, với bàn tay chế tạo của chính mình, tôi thấy hình như chiếc đèn sao đó đẹp hơn cả những chiếc lồng đèn treo bán của phố tiệm Chợ Lớn, Sàigòn.

Có những chiếc lồng đèn rồi lại phải nôn nao chờ ngày Rằm tháng Tám vì ngày này là ngày vui đặc biệt của lũ trẻ chúng tôi. Chiều hôm đó chúng tôi đuợc ăn cơm sớm để chuẩn bị "ra quân". Đèn đường vừa hiu hắt những tia sáng nhạt nhòa, trăng chưa lộ hẳn khỏi ngọn cây me bên hè nhà ông bà Ba lối xóm là tôi và em tôi đã đâu đó sẵn sàng, đèn cầy được gắn chắc trong lồng đèn lung linh cháy, chao đảo theo từng ngọn gió thu, đong đưa trên những bàn tay non trẻ. Chúng tôi đứng đợi đám con nít gần cả trăm đứa đi từ các xóm Mũi Tàu, Miểu Vạn, bến Nguyễn Duy... tất cả kéo về hướng nhà tôi, vừa đi vừa hát vang rân bài Rước Đèn Tháng Tám. Chị em tôi nhào ra nhập bọn để đi dần về Bến Ba Đình của con kinh Tàu Hủ, có bãi đất trống rộng lớn của Lò Than chú Hía - một ông chủ Ba Tàu giàu sụ - được dàn dựng cho ngày lễ hội này. Sát với vách tường của vựa than là một sân khấu "dã chiến" bằng ván sơ sài có đèn điện được kéo dây điện từ nhà ông chủ vựa, đèn "câu" không đủ để làm rực sáng cả khuôn sân nên Ban Tổ Chức treo thêm nhiều đèn măng-xông hỗ trợ. Bà con trong xóm trước, xóm sau đã tự động xách ghế nhà đem ra để chật sân nhưng vẫn chừa đủ chỗ cho lũ con nít kéo đèn đi qua. Trên sân khấu có ampli, micro đầy đủ. Sân khấu có hai cầu thang, bên phải để bước lên và bên trái để bước xuống. Ở một góc sân có một bàn để đầy các hộp bánh trung thu và bánh dẽo. Tôi lúc đó không cần tìm hiểu bánh ở đâu mà có, chỉ cần biết là đứa bé nào có lồng đèn là đuợc một cái bánh dẽo nhỏ hoặc nữa cái bánh trung thu, chỉ được lên lãnh bánh một lần thôi chứ không được lên hai hoặc ba lần, nhưng cũng có đứa "ăn gian" tới lui "thiếm xực" lần thứ hai. Sau này lớn lên tôi mới biết đó là tiền quỹ của cơ quan địa phương xuất ra cho trẻ em vui đón Tết Trung Thu. Có bánh xong, chúng tôi lẩn quẩn ở đó chờ vài cơ quan chức việc trong xóm lên phát trình cảm tưởng để vỗ tay theo tiếng vỗ tay của người lớn và coi văn nghệ do các ca sĩ cổ nhạc khá nổi tiếng của đài phát thanh Sàigòn thuở đó được mời đến giúp vui như nghệ sĩ Thành Công, Sáu Thoàn, Chín Sớm, cô Lệ Liễu, cô Ba Trà Vinh, v.v.

Sau hai tiếng đồng hồ thì cuộc vui chấm dứt, chúng tôi lục tục kéo nhau về, đi đứng lộn xộn hàng ngũ chứ không trật tự như lúc đầu hôm, có đứa lồng đèn vẫn cháy sáng lung linh, có đứa chỉ có lồng mà không thấy đèn đâu hết. Nhưng cần gì đèn của lũ nhỏ chúng tôi, cũng không cần đèn điện trên đường mờ ảo gần giữa đêm khuya, kia kìa, trên cao chót vót "ông trăng" đang tỏa một ánh sáng dịu dàng soi đường cho mọi người về sau đêm lễ hội. "Ông" ở trên cao mà như gần gũi vì ánh sánh trong thanh đó hoà trong gió thu đêm như mơn trớn, ve vuốt làn da mọi người đang mau bước về nhà tìm giấc ngủ an lành. Mà an lành thật, sự an lành của một không gian không ô nhiễm môi trường, cũng không xe cộ ồn ào động cơ quấy nhiễu và không có cả hận thù chinh chiến của những năm sau này bằng tiếng súng, tiếng đại bác vang rền mỗi đêm từ xa vọng về với ánh hỏa châu chập chờn trên nền trời xa thay cho ánh nguyệt. Không gian và thời gian của những mùa trăng thu thơ trẻ của tôi là thế đó. Tiếc rằng những năm sau, khi tôi vào trung học, vùng Chánh Hưng được tân trang đổi mới, không còn vựa lá, lò than, thay vào đó là bến xe buýt, xe lam, chợ búa, hàng quán mọc lên khắp chốn, tất cả đồng lỏa với nhau xoá dần những êm ả ngày xưa, bãi đất trống dành cho những buổi hội diễn văn nghệ không còn, những đêm rước đèn chỉ còn lại trong ký ức mọi người. Các đứa em khác sau này của tôi không biết được niềm vui của những đêm rước đèn Trung Thu như tôi nữa.

Tuy nhiên, truyền thống rước đèn cho trẻ nhỏ vẫn còn ở những miền thôn dã và đặc biệt trong đêm hội trăng thu dinh Độc Lập (hay dinh tổng thống lúc bấy giờ) luôn tổ chức trọng thể buổi lễ rước đèn, tặng quà bánh cho trẻ em khắp nơi tụ về. Những hình ảnh vui tươi đó đuợc phát hình truyền đi khắp nơi trong toàn lãnh thổ miền nam bấy giờ.

Tôi vào đời đi làm ở tuổi mười chín tại Hoàn Cầu Bảo Hiểm Công Ty. Phải nói rằng tôi may mắn ngay từ những bước khởi đầu vì đó là một cơ sở đang phát triển tốt và lối làm việc gần như có tính cách gia đình với ba ông giám đốc như ba vị cha già lúc nào cũng tận tình lo lắng cho các nhân viên, đó là các ông Lý Anh Hiền, Bàng Ốc Minh và Nguyễn Phát Tài. Trong ba người, chỉ có ông Tài là người Việt còn hai ông kia là người Hoa. Chỉ cần nghe tên các ông người ta cũng đủ mường tượng thế nào là uy tín của Hoàn Cầu Bảo Hiểm Công Ty, một công ty có đủ người hiền, tài và minh chánh mà. Dĩ nhiên đám nhân viên chúng tôi cũng được hưởng lây sự thịnh vượng của công ty. Ngoài tiền lương hậu hỉ chúng tôi còn luôn được tiền thưởng vào những dịp cuối năm hay những lúc kết toán chia lời cho cổ đông. Nhưng đặc biệt nhất và cũng là điều làm tôi nhớ nhiều về công ty khi mùa trăng thu đến, đó là những hộp bánh trung thu thơm ngon thượng hạng mà công ty dành tặng đồng đều cho từng nhân viên không biệt phân cấp bậc. Những cái bánh không chỉ nói lên sự phát đạt của công ty mà còn nói lên cái tình giữa nhân viên và ban giám đốc, ngày vui chung hưởng, ngày làm chung lo. Bây giờ vật đổi sao dời, Hoàn Cầu Bảo Hiểm là cái tên đã lùi vào dĩ vãng nhưng tình cảm cũ vẫn còn mãi trong tâm của những ai đã một thời làm việc lãnh lương của công ty này.

Gió đưa trăng lênh đênh khắp chốn như biến chuyển dòng đời đưa đẩy chúng tôi trôi giạt trời xa. Trăng trôi rồi lặn biến khi ánh dương lên, tôi trôi rồi mịt mùng thương nhớ khi ngồi nhớ lại những mùa trăng năm cũ. Quê chồng tôi có mấy ai hoài niệm những đêm trăng. Ở đây bốn mùa đèn đường, đèn hàng hiệu sáng choang rực rỡ. Ánh trăng những đêm Rằm bị "luốt" đến ngượng ngùng phải ẩn nấp dưới lớp khí bụi bao phủ khắp cả bầu trời. Lớp bụi khí do chính con người tạo ra để tự hại chính mình và bây giờ con người đang tìm cách "giải trừ" nó, không phải để cứu vãn vầng trăng mà để tự cứu lấy cả thế gian này. Vào mùa thu, nơi đây thiên hạ đã bắt đầu quấn áo, choàng khăn khi những cơn gió heo may, những cơn mưa bụi đầu mùa lất phất bay. Có ai chịu khó chờ đêm Trung Thu ra ngoài ngắm trăng, nhâm nhi miếng bánh, nhấm nháp chung trà? Chỉ có chồng tôi tội nghiệp vợ nhà khoắc khoải nhớ những đêm trăng xưa, các con tôi thương mẹ nhớ quê hương như chú Cuội ôm gốc cây đa ngóng hoài về mặt đất nên mỗi năm đến thời gian này tất cả thường chịu khó ngồi nghe tôi nhắc hoài chuyện rước đèn trong xóm, lãnh bánh ở công ty.

Kể hoài chuyện dưới đất sợ "cha con nó" chán nghe, tôi kể thêm chuyện trên trời nên con gái tôi mới biết "ông trăng" còn biến "giống" để thành chị Hằng Nga có chồng là Hậu Nghệ, một ông chồng tài ba xuất chúng cung thủ tuyệt vời, bá phát bá trúng bắn rơi chín mặt trời để cứu nguy hạn hán chốn trần gian, được dân chúng tôn sùng cho lên ngôi báu. Ông vua Hậu Nghệ này quên thuở hàn vi, quen mùi phú quý sinh ra hư hỏng, bạc đãi vợ hiền, tàn ác với thần dân khiến Hằng Nga buồn tủi nắm lấy đuôi tên thần bay về tuốt cung trăng, bỏ Hậu Nghệ ở lại và bị "đảo chánh" mất hết quyền hành để cuối cùng chết trong thương nhớ vợ hiền.

Đó là ông trăng mang danh chị Hằng "hoàng hậu". Tôi kể thêm một "ông trăng" khác, ông trăng này tên chú Cuội, giống đực đàng hoàng, làm nghề thợ săn, đi rừng tình cờ thấy cọp mẹ nhai lá đa làm thuốc chữa bệnh cho cọp con nên Cuội hái nhánh đa đem về trồng trước nhà thành cây để chờ dịp cứu đời. Duyên trời đưa đẩy, có cô con gái ông phú hộ trong vùng mắc bệnh trầm kha và Cuội nhà ta nhờ lá đa mà chữa bệnh cho cô nên được phú ông gả con gái đền ơn đáp nghĩa. Cuội rước vợ về nhà, ngôi nhà nho nhỏ trước cổng có cây đa thần dược. Cuội dặn vợ đừng làm ô uế gốc đa để đa sống an, tăng trưởng tốt. Nhưng vợ Cuội sau cơn bệnh trở nên lãng trí hay quên, vô tình làm trái lời dặn của chồng khi Cuội vắng nhà. Thế là giông tố nổi lên, thân đa chuyển động vừa kịp lúc Cuội đi săn được thỏ ngọc về nắm lấy gốc đa cùng bay về cung quế. Từ đó cứ đến những đêm rằm, nhìn lên trời cao người ta thấy giữa mặt trăng tròn có mập mờ hình dáng cây đa và với đôi mắt đi sau cái trí tưởng tượng phi phàm của người nhân thế, mọi người bảo có cả chú Cuội nhà ta ngồi dưói gốc cây ôm thỏ ngọc nhìn về dương gian tiếc nuối hiền thê.

Thấy như chưa đủ những hoang đường về "ông trăng" sáng, tôi đem kể chuyện tình lãng mạn vương giả của ông vua Đường Minh Hoàng và nàng Quý Phi Dương Ngọc Hoàn. Quý phi này là một trong Tứ Đại Mỹ Nhân bên Tàu, đẹp đến nổi con nuôi của vua là tướng An Lộc Sơn đem lòng say đắm, sanh tâm chiếm đoạt "mẫu hậu" nên làm loạn đánh chiếm kinh đô khiến vua tôi phải dắt díu nhau bỏ hoàng cung lánh nạn. Trên đường đào thoát, các quân tướng chịu nhiều gian khổ để bảo vệ vua và hoàng tộc. Họ đổ lỗi cho nhan sắc khuynh thành của quý phi là nguyên nhân gây ra binh biến và ra điều kiện với nhà vua rằng phải giết quý phi thì mọi người mới hết lòng chiến đấu với loạn quân để đưa vua trở lại kinh đô. Lúc giậu đổ thì phải để bìm leo, vua quặn ruột thắt gan hạ lịnh "tam ban triều điểm" (*) ái thê cho vừa lòng ba quân tướng sĩ, nhờ vậy mà cuối cùng loạn tướng bị thua và vua hồi cung với trái tim tan nát. Nhớ người ngọc, nhớ cả những đêm trăng bên nhau một thời say sưa yến tiệc, mùa trung thu sau ngày Dương Phi mất, vua nhờ đạo sĩ phù phép hóa giải lụa đào thành đường mây nối liền trần thế với cung hằng cho vua ngự giá đi tìm cố nhân để người đời sau truyền nhau sự tích Đường Vương Du Nguyệt Điện.

Những chuyện trên như hoa màu tưới thắm nền văn học đông phương cho dù mọi người đều biết đó chỉ là huyền thoại viễn vông. Với cái nhìn nào thì trăng cũng là biểu tượng của sự dịu dàng, trong sáng và cứ đếm số lượng bao tác phẩm văn học, nghệ thuật mà các văn, thi, nhạc, họa sĩ tạo tác về trăng thu từ xưa đến nay khắp cùng thế giới sẽ đủ hiểu trong các mùa trăng thì trăng thu được con người ưu ái nhất.

Ngoài bao lơn chồng con tôi đang hỉ hả huyên thiên bình phẩm đủ điều về tên những vì sao qua viển vọng kính, con trai tôi đang tìm sao Hỏa, chồng tôi xoay trở mọi chiều ống kính để xem có thể phát hiện ra một ngôi sao chổi mới nào không, con gái tôi hớn hở thấy được sao Vệ Nữ rất gần và rất giống với mặt trăng tuy nhỏ hơn một chút. Tôi cũng dọn dẹp xong buổi cơm chiều đúng lúc chồng tôi gọi vói vào nhà, kêu:

- Mình, ra ngắm trăng thu của mình đi.

Con gái tôi liếng thoắng:

- Phải chi từ ống kính này mình thấy được trăng Việt Nam bây giờ thì hay biết mấy hén má.

Đang dợm bước chân ra tôi bỗng khựng lại khi nghe con bé nhắc đến trăng Việt Nam, có một cái gì đó làm lòng tôi chùng xuống khi nhớ đến lần về thăm quê hương vài tháng trước đây, hình ảnh phố xá Sàigòn với những dòng xe cuộn chảy không ngớt khói bụi mịt mù như hiện ra trong tâm trí tôi. Không biết trách nhiệm về ai nhưng các thành phố lớn của Việt Nam đều như thế đấy. Xe lớn, xe nhỏ thi nhau nhập vào một đất nước mà trước kia người dân chỉ quen thong dong đi lại bằng những chiếc xe đạp hiền hòa. Kinh tế thì đổi mới khiến người dân như chóa mắt chạy theo thị trường, chạy bằng mọi cách trong việc kiếm ra tiền và chạy bằng cả những chiếc xe Nhật, xe Hàn, xe Tàu không cần kiểm soát việc thanh lọc khói xe, tất cả cặn bẩn được phun ra để người dân tha hồ hít thở và các bệnh viện tha hồ gia tăng số bệnh nhân tìm đến bởi vô số các chứng bệnh vì ô nhiễm môi trường. Người cỏi thế bệnh thì trăng trên cao cũng chẳng "khỏe" được bao nhiêu, sao đêm thôi không lấp lánh, chị Hằng cũng buồn vì bị "luốt" bởi những áng mây đen do bầu khí bẩn tạo thành. Tôi thở dài nói với con:

- Chắc đêm nay trăng Sàigòn không đẹp như ở đây đâu, con không nhớ khói bụi giao thông bên đó trong lần về hôm nào sao? Khói bụi đó phủ che trăng Rằm của má rồi.

Con trai tôi nói như an ủi tôi:

- Cùng là một vầng trăng mà má.

Ừ, thì cùng là một vầng trăng thu nhưng nơi đây trăng cười, bên kia trăng thẹn vì những áng mây che. Tôi nghe lòng xót xa khi nhớ lại hình ảnh người dân nghèo ngụp lặn giữa không gian bụi khói trong cái nóng như lên cơn sốt miền nhiệt đới. Tiếng chồng tôi lại giục thúc:

- Mình, ra đây nhanh lên, trăng sắp chuyển hướng rồi kìa.

- Thôi, năm nay em không ngắm trăng nữa, chờ năm tới đi anh.

- Sao vậy? Chồng tôi ngạc nhiên hỏi.

Tôi cười không đáp, chàng làm sao biết được nỗi lòng nguời xa xứ khi để tâm tư một thoáng nhớ về cố hương và chợt dưng tôi nghe mình hững hờ với đèn trăng tháng tám. Hằng Nga có giận, chú Cuội có buồn tôi đành chịu, nhưng đó là tất cả những gì tôi muốn chia sẻ cùng quê hương tôi trong phút giây hồi tưởng này. Ước mong sao cho nơi đó ngày mai trời quang gió mát trước khi trăng thu chỉ còn rơi lại nữa vầng nguyệt khuyết.

GHI CHÚ: (*) Tam ban triều điểm: Một án lệnh tử hình ngày xưa trong cung vua dành cho hậu, phi, cung tần. Tội nhân được chọn một trong ba cách để chết: độc dược, lụa đào dùng để thắt cổ và dao găm để tự xử.

Posted on Thursday, September 29 @ 15:18:29 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Truyện Ngắn
· News by ngochuynh


Most read story about Truyện Ngắn:
Nói Chuyện Về Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Truyện Ngắn


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang