Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27893369
page views since June 01, 2005
MS97 - 08/10: Mùa Tựu Trường

Mái Ấm Gia Đình

Thương Nguyên

Tháng Tám đến trong cái oi bức của mùa hè. Hình ảnh của những quảng cáo và khuyến mại “back to school” được trưng bày khắp nơi báo hiệu mùa tựu trường đã gần kề.

“Mùa tựu trường” tuy chỉ là mấy tiếng ngắn ngủi nhưng âm vang như một cung đàn gợi lên biết bao suy tư cho các bậc phụ huynh về việc học hành của con cái. Ngoài những sự chuẩn bị về sách vở và các vật dụng cho các em dùng trong lớp, cha mẹ còn lo lắng phải làm sao cho con em được thành công nơi nhà trường, trong các môn học, các kỳ thi, làm sao để chuẩn bị cho con em bước vào đại học, và thành công trong đời.

Trong bài viết này chúng tôi xin gởi đến quý độc giả những gợi ý để giúp con em chuẩn bị trước khi vào niên học mới, ở các bậc tiểu học cũng như trung học, giúp các em thăng tiến và mạnh dạn bước vào ngưỡng cửa đại học. Bài viết cũng góp ý về việc định hướng ngành học cho con cái, lựa chọn nghề nghiệp và những cân nhắc về kỳ vọng của các bậc phụ huynh.

Ước mong sự tìm hiểu về con cái, những chương trình của học đường, cũng như những phương tiện có sẵn ở mỗi địa phương sẽ giúp các phụ huynh và con em suy nghĩ cũng như chọn lựa những phương thức thích hợp, lành mạnh cho sự thành công của một học trình mới, và giúp các em tiến tới sự thành công trong đời.



1. Chuẩn bị cho con cái ở bậc tiểu học

Các bậc phụ huynh cần chuẩn bị và dành thời giờ để coi sóc việc học hành của con cái ngay từ bậc tiểu học. Bởi lẽ, trong gia đình, cha mẹ là trường học đầu tiên đối với con cái, là môi trường gần gũi nhất để ảnh hưởng tới sự hình thành, phát triển nhân cách của con trẻ. Một số phụ huynh đã vô tình khoán việc giáo dục, học tập của con cái cho nhà trường và đã biến nhà trường thành nhà giữ trẻ mà không biết rằng chẳng gì có thể thay thế được sự giáo dục trong gia đình.

Không ít các bậc cha mẹ vì mải lo kế sinh nhai đã quên đi việc giáo dục và học hành của con cái. Đành rằng việc kiếm sống là cần thiết, nhưng chúng ta không thể phó mặc việc dạy dỗ, giáo dục con cho nhà trường và xã hội. Chính sự thiếu quan tâm của cha mẹ về con cái là một trong những nguyên nhân dẫn đến những sự hư hỏng, sa đọa của con trẻ. Có thể nói, hơn lúc nào hết, hiện nay giáo dục gia đình là một trong những vấn đề cần được chú trọng và quan tâm hơn hết.

Để giúp con cái thành công trong việc học, cha mẹ nên chủ động tham gia vào các hoạt động của nhà trường ở mức độ thích hợp, và giữ mối liên lạc hai chiều giữa cha mẹ và giáo viên qua các buổi họp giữa phụ huynh và thầy cô, trao đổi cá nhân, sổ liên lạc, điện thoại, v.v. Qua những hoạt động đó, cha mẹ có thể theo dõi xem con mình có làm đầy đủ những bài tập hay không, và đồng thời biết rõ kết quả học tập cũng như sự cố gắng của con cái. Mặt khác, khi cần, cha mẹ sẽ thông báo cho nhà trường, cho các giáo viên biết về nỗ lực cùng khả năng lãnh hội bài vở của con em mình, hoặc nếu có những đột biến đáng quan tâm cho con cái họ. Sự cộng tác của phụ huynh và thầy cô sẽ giúp cho trẻ em sống trong một môi trường đồng nhất từ trường học đến gia đình, là một điều kiện tiên quyết cho việc giáo dục con cái.

2. Chuẩn bị cho con cái ở bậc trung học

Các em ở lứa tuổi của bậc trung học thường dễ bị bạn bè ảnh hưởng và dễ bị chia trí về các vật dụng giải trí như games, điện thoại cầm tay, thời trang, hoặc tham gia vào các sinh hoạt hội hè, parties quá nhiều. Đây là những yếu tố có ảnh hưởng không ít đến kết quả học tập của con cái.

Các học sinh ở bậc trung học bắt đầu được giáo huấn theo sự phân chia về các môn học, nhưng các môn Toán, Anh Ngữ và Khoa Học vẫn là các môn học chính. Vào thời điểm này các em học sinh cần được khuyến khích đọc nhiều sách với mục đích gia tăng trí hiểu biết cùng các phương cách thông đạt. Thêm vào đó chúng cần có sự phát triển về khả năng phân giải nhờ vào toán học và khoa học, và cần sống trong một môi trường có kỷ luật. Bậc trung học là chiếc mốc đầu tiên để các em phát triển về năng khiếu lãnh đạo. Những học sinh nào có nhiều năng khiếu học vấn, hay có tài lãnh đạo thường được nhà trường giới thiệu đến các hiệp hội danh dự (honor societies). Do đó các em có cơ hội được các cơ quan này cũng như các trường đại học chú ý. Như thế các em sẽ dễ dàng được thu nhận vào các trường đại học cũng như các trường huấn nghệ để tiến thân.

Một lần nữa, theo một số nghiên cứu của bộ giáo dục Hoa Kỳ về cấp bậc trung học, sự quan tâm của cha mẹ là yếu tố đầu tiên giúp trẻ thành công trong việc học. Sự quan tâm này được thể hiện qua việc cha mẹ tạo cho con một môi trường học tập yên tĩnh, luôn quan tâm đến việc học của con, hướng dẫn cùng giúp con cái suy nghĩ về giải đáp của những bài tập có tính cách thách đố cho con em mình. Sự quan tâm còn được thể hiện từ việc cung cấp các dụng cụ học tập cho con, cho đến sự chuẩn bị tâm tư, tình cảm cho con trẻ. Truyền thống và nề nếp gia đình cũng gây tác động đến việc học của các em. Một đứa trẻ nếu sống trong một gia đình mà mỗi tối có người cha đọc sách, có mẹ coi sóc bài vở cho con, và cả bố mẹ đều sẵn sàng giải đáp những thắc mắc, hướng dẫn cho con làm bài tập khi cần đến, thì chắc chắn việc học của trẻ sẽ đạt được kết quả cao, so với một đứa trẻ phải sống trong môi trường gia đình mà bố mẹ thường khoán trắng cho thầy cô. Tệ hơn nữa là khi con cái hỏi han thì chúng lại bị cha mẹ quát nạt hoặc đánh đập.

Bên cạnh sự quan tâm của cha mẹ, sự chăm chỉ của trẻ cũng là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập. Một đứa trẻ chăm chỉ, có ý thức tự giác về việc học sẽ tạo cho chính mình những kiến thức có chiều sâu, và kết quả học tập sẽ cao hơn là những đứa trẻ biếng nhác. Điều này có được một phần là nhờ cha mẹ khép con vào những kỷ luật tối thiểu ở nhà. Ví dụ như con cái không thể nào làm xong homework một cách dễ dàng nếu trong nhà xem TV mở to, hoặc máy nhạc kêu ầm ĩ. Đôi khi còn có những cha mẹ quá dễ dãi, cho phép con cái chơi games khi chưa làm xong bài vở.

Một điểm cần lưu ý là con cái tuy không nói ra, nhưng chúng thực sự cần đến một mái gia đình an toàn và ấm cúng để có thể yên tâm học hành. Điều này có được là do ảnh hưởng từ tình thương giữa cha và mẹ, giữa cha mẹ và con cái. Một đứa bé không thể nào chú tâm học hành được khi gia đình lúc nào cũng có chuyện bất hoà, gây gổ. Sự đồng nhất của cha mẹ về kỷ luật đối với con cái như lúc nào thì được phép giải trí, giờ ngủ, khi nào cần thinh lặng, v.v. chắc chắn sẽ giúp cho trẻ thành công trong việc học.

Ngoài ra các bậc phụ huynh nên cho các em tham gia vào các tổ chức lành mạnh và có tính cách giáo dục như hướng đạo, các sinh hoạt của nhà thờ, hoặc chùa. Những tổ chức này tạo cơ hội cho các em phát triển năng khiếu lãnh đạo. Tài lãnh đạo là một trong những yếu tố giúp cho học sinh được nhận vào các trường đại học nổi tiếng.

3. Trước ngưỡng cửa đại học

Chọn một ngành để học là một vấn đề phức tạp đối với nhiều học sinh và cũng là nỗi băn khoăn của rất nhiều phụ huynh. Sau đây là những đề nghị của các chuyên gia tâm lý về việc giúp con em định hướng ngành học và nghề nghiệp.
Dĩ nhiên không ai hiểu mình cho bằng mình. Tuy nhiên ở số tuổi của các em từ tiểu học đến trung học, rồi đến đại học, không mấy em học sinh có một ý thức rõ ràng về khả năng, trình độ trưởng thành cũng như năng khiếu về chính mình. Chính vì thế, sự hỗ trợ của cha mẹ hay thầy cô là điều rất cần thiết. Ngoài việc hiểu biết tổng quát về những khoa chuyên môn, cha mẹ cần phải luôn gần gũi với con em mình để hướng dẫn, cổ võ cho các em có được một sự hiểu biết rõ ràng về bản thân. Từ đó, cha mẹ cùng với những vị cố vấn ở các trường học có thể giúp các em chọn cho đúng trường, đúng ngành, và đúng nghề.

3.1 Chọn ngành học theo năng khiếu và sở thích của con cái

Nhiều bậc phụ huynh định hướng cho con học những ngành nghề theo ý mình, bất kể đứa con đó có yêu thích và năng lực của nó có phù hợp với ngành nghề đó hay không. Hơn ai hết, chính cha mẹ phải là những người hiểu rõ năng khiếu và học lực của con cái. Nếu một đứa con chỉ đủ sức học cao đẳng thì không nên bắt nó đi thi vào đại học y khoa, vào trường dược, hay là trường bách khoa. Hoặc giả nếu một đứa con thực sự có khả năng và thích về y khoa thì không nên ép cháu vào học trường sư phạm. Tùy theo từng đứa con hoặc từng hoàn cảnh, cha mẹ có thể góp ý với con trong việc chọn trường đại học, trường cao đẳng, trung cấp hay học nghề. Điều chính là phải giúp cho con cái tìm được một trường học phù hợp nhất với năng lực và sở thích của chúng.
Sau đây là lời tâm sự của em Phụng: “Bố mẹ em luôn muốn em trở thành nhà ngoại giao, là nghề mà họ rất thích và cho rằng sẽ kiếm được nhiều tiền và đi nhiều nơi. Thế nhưng bản thân em thì không thích ngành ngoại giao, nhưng em lại thích học về kỹ thuật, thích tìm hiểu và chế tạo các bộ phận cơ khí, những sự áp dụng máy móc ở các công xưởng, hay là những vật dụng cá nhân”. Đã nhiều lần Phụng nói với cha mẹ về sở thích của mình. Em còn cố gắng chứng tỏ khả năng của mình bằng một sự phác họa và hình thành một máy rô-bốt nhỏ. Thế nhưng bố mẹ vẫn nhất mực giữ ý kiến của mình và cho rằng đó chỉ là “sở thích tạm thời”, thiếu thực tế, và dọa sẽ từ cậu nếu cậu không chịu nghe lời.

3.2 Chọn ngành học hay chọn chức nghiệp?

Nhiều bậc phụ huynh chỉ muốn con học bất kỳ ngành gì, miễn sao có học và có văn bằng là được, nhưng lại không quan tâm nhiều đến chức nghiệp sau này dựa vào khả năng của chúng. Theo ý kiến của họ, việc học và đi làm sau này là hai việc hoàn toàn khác nhau. Một đứa con có thể học một ngành, nhưng khi đi làm thì lại theo một nghề hoàn toàn khác, thậm chí chẳng có liên quan gì cũng không sao. Đây là một thực tế gây những sự lãng phí về thời gian, tiền bạc, sức lực, trí tuệ, thời cơ, v.v. Sự hướng dẫn theo cách này có thể làm hao mòn ý chí và hứng thú bước vào đời của con cái trên con đường sự nghiệp, khi một lúc nào đó trở nên chán ngán ngành mà chúng đang theo học.

3.3 Chọn nghề cho con, không phải cho cha mẹ

Với quan niệm con cái là sự tiếp nối của cha mẹ, tư tưởng này rất có thể được thể hiện một cách vô tình ngay cả trong việc hướng dẫn con đến với ngành nghề mà cha mẹ yêu thích hay là mong muốn. Điều này thường được cha mẹ ủng hộ và giải thích rằng cha mẹ có kinh nghiệm nhiều hơn, hiểu biết hơn; còn con cái thì non nớt, nông cạn và chúng không biết phải chọn nghề nào cho có lợi. Một mặt khác cha mẹ thường nghĩ rằng đó là mình lo cho tương lai của con, muốn những điều tốt đẹp nhất nên mới sẵn sàng định hướng cho chúng vào những ngành nghề mà mình đã biết hay đã trải qua, bất kể là con cái có thích hay không.

3.4 Chọn nghề hay chọn danh?

Với quan niệm xã hội hiện tại vẫn trọng bằng cấp hơn năng lực, cha mẹ rất có thể hướng con đến cái danh “tốt nghiệp đại học” với một mảnh bằng hơn là đi vào một ngành, nghề mà đứa con cần học để được thành công trong đời. Cha mẹ hướng dẫn con chọn một trường có tiếng tăm hơn là một trường phù hợp với hứng thú, sở thích của con. Nhiều bậc phụ huynh biết sức học của con mình không khá, nhưng vẫn cố ép con vào đại học, bất kể ngành nghề gì. Cổ nhân có câu “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, các bậc phụ huynh có lẽ phải suy nghĩ lại và tự hỏi kiến thức nào sẽ có lợi lâu dài cho con em mình, và cân nhắc khi chọn lựa một trường học thích hợp cho chúng.

3.5 Hoàn cảnh kinh tế gia đình

Tại Hoa Kỳ, học phí nơi các trường đại học phần lớn được dựa trên chứng nhận cư dân của học sinh. Học phí sẽ bị tăng gấp đôi hoặc cao hơn nếu học sinh không phải là cư dân trong tiểu bang có trường học được chọn. Ngoại trừ một số ít trường hợp đặc biệt cho các học sinh ưu tú, hoặc cho các học sinh có những điều kiện thích hợp để được nhận học bổng, sự chọn lựa không khéo này rất có thể sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện tại.

4. Những kỳ vọng của cha mẹ

Đã là cha mẹ ai lại không mong muốn cho con cái mình học thật giỏi, ngoan ngoãn, lễ phép, và có một tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên, ngày nay một số các phụ huynh có lẽ vì quá kỳ vọng vào khả năng của con mình nên dẫn đến sự đòi hỏi thái quá nơi con cái. Có hai hình thức kỳ vọng quá đáng của các bậc phụ huynh:

4.1 Luôn thúc ép con cái:

Các bậc phụ huynh luôn thúc ép con em mình phải học thật giỏi, phải nổi bật hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa. Họ luôn bắt con học ngày học đêm và hầu như chẳng bao giờ thỏa mãn với thành tích của trẻ.

4.2 Muốn con cái theo đuổi những nguyện vọng của cha mẹ:

Các bậc phụ huynh muốn con em phải học theo sở thích của họ, theo đuổi những ước mơ của họ và hay phấn đấu đạt cho được những thứ họ muốn. Sau đây là một trường hợp điển hình của các em thanh thiếu niên trước ngưỡng cửa đại học trong việc chọn ngành nghề theo những kỳ vọng của cha mẹ.

Bố mẹ em Hiển đều là kiến trúc sư. Ông bà luôn mong muốn con mình chọn các trường đại học nổi tiếng về ngành kiến trúc và nối bước theo họ. Nhưng Hiển không có khiếu hội họa và cũng không thích ngành này. Mặc dầu được bố đưa đến các thầy dạy vẽ giỏi, và còn bỏ giờ để kèm thêm cho cậu ở nhà về các môn hội hoạ này, nhưng Hiển vẫn không tiến bộ. Thấy vậy, bố mẹ cậu thất vọng, hay la rầy, mắng nhiếc cậu, nhưng họ vẫn nhất định không cho phép cậu từ bỏ ngành kiến trúc.

5. Ảnh hưởng của kỳ vọng trên việc học và tâm lý của con cái

Có những cha mẹ mong muốn con cái mình luôn đạt được thành tích cao, phải luôn đứng đầu bảng, để tương lai được sáng lạn, được danh giá, hoặc kiếm được nhiều tiền. Tuy tất cả những mong muốn này đều xuất phát từ tình yêu thương, nhưng những ước muốn này lại trở thành những áp lực, những đòi hỏi không thể đáp ứng, thậm chí không thích hợp với những khả năng, những nguyện vọng, và sở thích của con cái.

Dưới áp lực của những kỳ vọng thái quá, con trẻ sẽ dễ mắc phải những khủng hoảng về tâm lý. Trẻ sẽ cảm thấy bị thất bại vì không đạt được điều cha mẹ mong ước. Từ đó dẫn đến mặc cảm tự ti, và mất niềm tin vào khả năng của chính mình. Trong trường hợp của em Hiển vừa kể trên, em đã nhiều lần than thở vì cảm thấy quá mệt mỏi khi cứ phải đuổi theo những kỳ vọng của cha mẹ. Mỗi khi đi học về, cậu thường chui vào phòng riêng và khóa chặt cửa lại. Đã rất nhiều lần Hiển trốn giờ học vẽ để đi chơi với bạn bè và còn có ý định bỏ học luôn.

Người Việt hải ngoại hẳn đã không quên câu chuyện thương tâm trong cộng đồng Việt Nam tại San Diego về việc một người con trai đã bóp cổ mẹ mình cho đến chết chỉ vì những kỳ vọng thái quá của bà. Theo lời tường thuật của can phạm cùng bồi thẩm đoàn thì em đã nhiều lần thưa với mẹ mình “Sao mẹ không để cho con đi theo hướng con thích? Cái gì quan trọng với mẹ hơn, bạn bè của mẹ hay hạnh phúc của con?”. Tuy vậy bà vẫn không buông tha và vẫn tiếp tục thúc ép em vào đường cùng. Kết quả của những kỳ vọng thái quá này là một sự việc đau thương đã xảy đến cho cả hai mẹ con. Người chết đã đành, nhưng người sống thì cuộc đời còn khốn đốn biết bao. Em đã phải đối diện với những căng thẳng trong cuộc sống, những khắc khoải về hiện tại, những dằn vặt của lương tâm. Kỳ vọng thái quá của người mẹ đã vô tình đẩy cuộc đời của con mình vào ngõ cụt. Thật là bất công khi con em của chúng ta phải gánh vác những hậu quả nặng nề như vậy.

Tóm lại trong việc học, nếu cha mẹ và con cái sống trong yêu thương, thành thật, bình an, cố gắng tạo cho gia đình một môi trường thuận lợi cho việc học, và sẵn lòng cộng tác với thầy cô, thì mỗi trẻ sẽ có sự tự cố gắng và cũng luôn mong muốn đạt được những kết quả tốt để vui lòng cha mẹ và tạo sự thành công cho chúng.

Cũng như khi con cái còn rất thơ bé, cha mẹ sẵn sàng bỏ giờ chăm sóc cho chúng, cha mẹ cần tiếp tục dành thời giờ để hướng dẫn con em mình cho đến tuổi trưởng thành và thành nhân. Hơn nữa, một gia đình với lối sống có kỷ cương sẽ giúp con cái chú tâm vào việc học, chu toàn những đòi hỏi của thầy cô, chấp nhận những kỷ luật của nhà trường. Đó là những yếu tố thành công nơi học đường. Nếu những sinh hoạt trong lớp giúp con em phát triển tâm trí trong một bầu khí tranh nhau học hỏi, thì những sinh hoạt ngoài lớp sẽ giúp chúng phát triển thêm những tâm tính cá biệt, đặc biệt là đức tính lãnh đạo và khả năng thông đạt.

Khi chuẩn bị cho con em bước vào đại học hay giúp con em chọn ngành nghề, cha mẹ cần theo dõi chúng và tiếp tục khuyến khích, tạo cơ hội cho chúng phát triển những năng khiếu, và những kiến thức cần thiết. Sau cùng, trong sự hướng dẫn con cái học hành để chuẩn bị ra đời sinh sống, nếu bị cha mẹ làm áp lực bắt chúng phải chọn một ngành nghề mà chúng thật sự không có khả năng, trẻ sẽ cảm thấy bị căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí quay ra chống đối. Thay vì đặt lên vai con cái quá nhiều kỳ vọng, cha mẹ cần giúp con học cách tự đưa ra các quyết định, suy nghĩ cho bản thân và có trách nhiệm với các hành động của mình. Chấp nhận và động viên con trên nền tảng những gì chúng đang có, giúp con khôn lớn theo sự phát triển riêng của mỗi đứa con mới là điều mà các bậc cha mẹ cần làm. Việc giúp định hướng ngành học hay nghề nghiệp cho con không phải là việc của một giờ, một ngày, mà là suốt quá trình nuôi con khôn lớn, từ cấp tiểu học đến lúc trưởng thành, trong đó bao gồm cả giáo dục về thái độ đối với nghề nghiệp. Điều này đòi hỏi ở cha mẹ không chỉ có lòng yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc mà còn cần cả những kiến thức và kỹ năng sống.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsong.org.]

Posted on Wednesday, August 04 @ 18:27:58 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Mái Ấm Gia Đình
· News by ngochuynh


Most read story about Mái Ấm Gia Đình:
Cha Mẹ Tìm Hiểu Tâm Lý Con Gái Trong Nhà

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Bạo Hành Gia ĐìnhMái Ấm Gia Đình


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang