Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27891556
page views since June 01, 2005
MS95 - 06/10: Yêu Nhau Cởi Áo Cho Nhau

Truyện NgắnHưng Yên

- Cũng chịu ông thật, mới nằm xuống chừng mươi, mười lăm phút là đã ngáy được ngay, trong khi "người ta" thì trằn trọc mãi đến một, hai giờ sáng mà vẫn chưa chợp mắt được!

- Ờ ờ dễ ngủ thế đấy, nhưng cũng chỉ được vài ba tiếng đồng hồ rồi hai mắt lại thao láo chứ có ngủ tiếp được đâu, sau đó thì thấy đêm sao mà nó dài quá…!

Đó là câu "than thở" mà đôi vợ chồng già này thường hay thở vắn than dài với nhau như thế đấy các vị ạ! Nói ra thì lại sợ bị chê là già rồi mà còn không nên nết, hay sẽ bị bà xã cằn nhằn cho là vạch áo cho người xem, lưng chứ ở với nhau đã 52 năm, con đàn cháu đống rồi mà chẳng khi nào phải sống xa nhau, trừ cái đận trên 6 năm ở tù cải tạo của Việt Cộng là nằm khác giường, chứ ngoài ra bao giờ cũng chỉ "chung một giường" thôi. Nó quen đi rồi, không nghe thấy tiếng thở của nhau, hay là lâu lâu không đụng vào nhau một tí thì cứ thấy nó trống vắng làm sao ấy, không ngủ được, âu cũng là cái tật!



Nằm chung giường, nhưng một người thì trằn trọc đến một, hai giờ sáng vẫn chưa ngủ được, còn một người thì đặt lưng xuống mới chỉ mươi, mười lăm sau đã ngáy khò khò. Vâng, thế nhưng mà có phải là ngáy khò khò rồi thì "làm một phát" cho tời sáng đâu? Chỉ hai, ba tiếng đồng hồ sau là hai mắt lại thao láo, nên mới thấy sao mà đêm nó dài quá?

Đêm nó dài quá, không ngủ được nên đầu óc cứ nghĩ lung tung, hết chuyện nọ rọ chuyện kia, mới thấy như là: Ngày xưa các cụ ta hình như không có cái gọi là "tiếng sét ái tình" thì phải? Bởi nếu không "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" thì lấy nhau cũng là do bà mai, ông mối chứ chẳng phải tự nhiên mà nên vợ nên chồng đâu. Bởi thế mới có câu: "Ở đời có 4 cái ngu, làm mai lãnh nợ gác cu cầm chầu"! Đẹp tốt thì chúng hưởng, còn nếu chẳng ra gì thì cứ ông mối bà mai chúng chửi, như thế có phải là nghề mai mối là nghề bạc bẽo nhất không?

Vâng, nếu chỉ nghĩ phớt qua thì nó vậy, nhưng nếu chịu khó đi sâu vào tục ngữ, ca dao của ta một chút thì lại thấy các cụ ta ngày xưa chẳng những đã yêu nhiều mà còn có những cử chỉ tỏ lộ tình yêu rất đẹp, nếu không thì làm sao lại có những câu như thế này:

"Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay"

"Yêu nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua"

"Yêu nhau chẳng lọ chiếu giường
Chỉ một tầu lá che sương cũng vừa"

"Yêu nhau trăm sự chẳng nề,
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng"

Và còn rất nhiều câu có nói đến chữ "Yêu" nữa, thí dụ như: "Yêu nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười". Hoặc: "Khi yêu trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo". Hoặc: "Khi yêu yêu cả đường đi, khi ghét ghét cả tông ti họ hàng…!" Một hôm chỉ có hai vợ chồng già với nhau, tôi hỏi bà xã: Theo mình thì câu "Yêu nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay" là người con trai cởi áo cho người con gái, hay người con gái cởi áo cho người con trai?

Cũng cần phải nói cho rõ ràng ba chữ "cởi áo cho" ở đây có nghĩa là người này cởi áo mình đang mặc "đưa" hoặc "khoác" cho người kia, chứ không có nghĩa "mập mờ" như sự giải thích trong một bài phiếm của một vị mà chúng tôi đọc được ở trên "net" là người này cở áo của người kia ra để làm sự gì đó?

Nghe tôi hỏi là người con trai cởi áo cho người con gái hay người con gái cởi áo cho người con trai? Bà xã tôi trả lời ngay không cần nghĩ ngợi: "Rõ ràng là người con trai cởi áo đang mặc ra khoác cho người con gái chứ người con gái cởi áo của mình ra thế nào được"! Tôi cho là câu trả lời chính xác, rồi trong đầu lại hình dung ra cảnh:

Một buổi chiều mùa thu đất Bắc, gió se se lạnh, chàng với nàng cùng đi trên con đường vắng, thấy nàng phong phanh chỉ một manh áo mỏng, run rẩy vì rét thương quá đi thôi! Thế là mặc dù cũng chỉ mặc một tấm áo, chàng vẫn cởi ra khoác lên người nàng. Còn "Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay" chỉ là một câu nói dối thậm vô lý nhưng lại rất có duyên. Trời rét căm căm thế này thì áo mặc trên người chứ cởi ra vắt vai hay sao mà "qua cầu gió bay" được? Không nói thì mẹ cũng biết thừa là đã cho ai rồi?!

Một điều nữa khẳng định hành động "cởi áo" là hành động của người con trai bởi hầu hết là người nam "đô" con hơn người nữ, nên người nữ mặc được áo của người nam chứ người nam không thể mặc vừa áo của người nữ được. Chẳng cần nói đâu xa, cứ ngay như vợ chồng già này thôi, áo của bà xã, tôi xỏ một cánh tay cũng không lọt chứ nói chi đến mặc cả một cái lên vào người. Các vị cứ tưởng tượng đi, một người nặng trên 160 pounds có thể mặc vừa áo của một người mà khi có da có thịt nhất cũng chỉ nặng không quá 115 pounds không? Thế nào chả có vị không đồng ý, hỏi rằng: Thế ca dao (hay là dân ca) ta cũng có những câu như thế này:

"Bồng bồng cõng chồng đi chơi
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng
Ông ơi cho tôi mượn cái gầu sòng
Để tôi tát nước đem chồng tôi lên!"

Thế không phải là "chàng" nhỏ con hơn "nàng" hay sao?

Dĩ nhiên, nhưng trong trường hợp này dù "nàng" có cởi áo đưa cho "chàng" mặc thì cũng không thể ứng với câu "Yêu nhau cởi áo cho nhau" được!

Tuy tình yêu của các cụ ta xưa không ồn ào, không một sống hai chết như ngày nay, nhưng cũng không kém phần lãng mạn, những câu sau đây nói lên sự lãng mạn đó:

"Ước gì sông hẹp một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi"

"Ước sao ăn ở một nhà
Ra vào gặp mặt kẻo mà nhớ thương"

"Ước gì có cánh như chim
Bay cao lượn thấp đi tìm người thương"

Tình yêu chẳng những đã lãng mạn mà lại còn rất đẹp, hứa hẹn những điều chẳng biết có thực tế và có thực hiện nổi hay không:

"Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây tím chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch bát tràng về xây
Xây dọc anh lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân"

Tình yêu tuy lãng mạn như thế, nhưng kết thúc lại hiếm khi vượt ra ngoàt vòng lễ giáo của gia đình. Dù có yêu nhau thế nào đi nữa cũng vẫn phải được sự chấp thuận của đôi bên cha mẹ, vẫn phải qua mọi thủ tục, đủ mọi lễ nghi mới nên vợ nên chồng được. "Nhà có nóc, áo mặc không qua khỏi đầu"! Đó là những câu nói tỏ rõ sự tôn kính và uy quyền của cha mẹ đối với con cái. Cũng chính vì thế mà khi đã kết hợp lại thành vợ, thành chồng rồi thì hình như nó có một sự ràng buộc tuy vô hình nhưng rất bền vững. Xã hội Việt Nam ta ngày xưa hầu hết có nếp sống tập trung như những đại gia đình. Không phải chỉ con cái tuy đã lập gia đình rồi mà vẫn ở với cha với mẹ mà có khi ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt đến 3, 4 đời vẫn sống quây quần, ràng buộc lấy nhau trong một khu nhà, vì thế mà tôn ti, trật tự rất được coi trọng. Con cái, cháu chắt làm điều sai quấy chẳng những sợ làm ông bà, cha mẹ buồn lòng, mà có khi còn sợ bị ông bà, cha mẹ quở mắng, trách phạt.

Người con gái ngày xưa đi lấy chồng là gánh cả giang sơn nhà chồng. "Thân gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu". "Đàn bà như hạt mưa sa, hạt rơi xuống giếng hạt ra ngoài đường". Và còn có những câu:

"Có chồng phải luỵ cùng chồng
Đắng cay phải chịu mặn nồng phải theo
Lên non cũng phải lên theo
Tay vịn chân trèo hái trái nuôi nhau"

Khi người con gái đã lấy chồng rồi thì coi nhà chồng mới là nhà của mình, coi cha mẹ chồng có khi còn quan trọng hơn cả cha mẹ đẻ ra mình, vì thế nên mới có câu: "Con gái là con người ta, con dâu chính thực mẹ cha mua về", và mới có hai chữ "gả bán".

Người con gái thì thế, còn người con trai, có gặp phiền toái gì khi muốn lấy vợ không? Dĩ nhiên là có, chúng ta hãy nghe những câu than vãn sau đây:

"Trời mưa cho ướt lá khoai
Công anh làm rể đã hai năm ròng
Nhà em lắm ruộng nhiều đồng
Bắt anh tát nước cực lònh anh thay
Tháng Chín mưa bụi gió may
Cất lấy gầu nước hai tay rụng rời"

Còn nữa, một anh khác lại than:

"Công anh làm rể chương đài
Đến nay đã được mười hai năm tròn
Sức anh ngày một hao mòn
Dù có cố gắng chẳng còn mấy hơi"

Con gái thì đi làm dâu còn con trai thì đi ở rể, tuy vậy mà dù lấy nhau vì yêu hay chỉ do sự định đoạt, "gả bán" của cha mẹ mà một khi đã trở thành chồng, thành vợ rồi thì cũng thuỷ chung, cũng ăn ở với nhau suốt đời suốt kiếp. Mấy câu thơ trong bài "Tình già" của ông Phan Khôi cho ta thấy 2 chữ "Thuỷ chung" đó:

"Hay! nói mới bạc làm sao chớ
Buông nhau làm sao cho nỡ
Thương được chừng nào hay chừng nấy
Chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy
Ta là nhân ngãi đâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung?"

Ý nghĩa thật rõ ràng "buông nhau làm sao cho nỡ, thương được chừng nào hay chừng nấy" vì ta mới chỉ là nhân ngãi "đâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung?"

Ngày xưa các cụ ta chẳng thấy nói tới tiếng sét ái tình, chẳng có nặng lời thề thốt, chẳng có mấy tháng, mấy năm tìm hiểu. Ngày xưa các cụ ta làm gì có cảnh anh dẫn em đi ăn nhà hàng, rồi đưa em đi shopping, rồi nay tặng bông, mai tặng nhẫn, mốt tặng kim cương, hột xoàn… Có chăng là khoác cho nhau manh áo cũ nặng mùi mồ hôi (cởi áo cho nhau) với những lời ước mơ nghe như viễn vông, không thực tế: Anh lấy được nàng, anh mua gạch bát tràng về xây, "xây dọc anh lại xây ngang, xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân"! Ấy thế mà khi đã thành vợ, thành chồng rồi thì chung thuỷ với nhau cho đến già, đến chết, sinh con đẻ cái, làm nên một dòng họ vững bền cho tới mãi về sau.

So sánh với thời các cụ, chúng ta bây giờ sướng hơn nhiều. Chúng ta được tự do lựa chọn người chúng ta sẽ lấy. Chúng ta yêu nhau, tìm hiểu nhau chán chê rồi cưới hay không cưới là do mình quyết định, chẳng cha mẹ nào ép buộc. Ngày cưới, sự có mặt của cha mẹ đôi khi chỉ có tính cách lễ nghi hay chỉ như một sự trang trí chứ không có tính cách quyết định, bởi vì có mặt cha mẹ hay không thì người ta cũng vẫn cứ cưới nhau. Còn "làm dâu" với "ở rẻ" thì hầu như đã trở thành truyện cổ tích. Bây giờ có khi mẹ chồng còn phải sợ nàng dâu chứ "bà cô bên chồng" là cái thá gì? Có nàng dâu còn ra điều kiện không cho mẹ chồng ở chung nhà. Có cặp đã mua hay thuê nhà sẵn rồi "cưới nhau xong là đi ", năm thỉnh mười thoảng anh chị mới dẫn nhau "đáo" về nhà cha mẹ chồng một lần cho phải phép.

Chúng ta có "tiếng sét ái tình", có tình yêu lý tưởng như thế và cũng đã có thời gian tìm hiểu nhau kỹ càng như thế, ấy vậy mà sao mới chỉ sau có mấy năm thì đã chán nhau như chán cơm nếp nát? Đã chẳng có thiếu gì các anh, các chị học hành đỗ đạt bằng nọ bằng kia và tuổi đời cũng mới chỉ quá 40 một tí đã mấy lần thay vợ, đổi chồng, hay cho như thế mới thật sự là văn minh? Rồi còn con cái chúng ta nữa, đã có không thiếu những đứa trẻ có mẹ mà thiếu cha hoặc có cha mà không có mẹ. Có thể vật chất chúng không thiếu, nhưng tinh thần của chúng thì sao? Đã có một lúc nào chúng ta ngồi bình tâm suy nghĩ và giật mình vì thấy là mình chẳng những đã quá ích kỷ lại còn thua xa các cụ ta ngày xưa hay không?

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsong.org.]

Posted on Tuesday, May 25 @ 18:02:17 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Truyện Ngắn
· News by ngochuynh


Most read story about Truyện Ngắn:
Nói Chuyện Về Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam

Article Rating
Average Score: 3
Votes: 1


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang