Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27816312
page views since June 01, 2005
Tương Lai Cộng Đồng, Tiền Đồ Dân Toc

Quan Điểm

10 Năm Để Phát Triển Cộng Đồng

Ts. Nguyễn Đình Thắng

 

Với một kế hoạch chung, có trọng tâm rõ ràng, cộng đồng Việt ở khắp nơi có cơ hội để tạo được thế đứng vững chãi về kinh tế, chính trị, và xã hội ở các quốc gia đang định cư và đóng góp đáng kể cho sự thay đổi tích cực ở Việt Nam.

 

Kế hoạch này cần có những đặc tính sau:

(1) Tạo nội lực quần chúng từ địa phương đến toàn quốc;

(2) Tạo thế đứng trong guồng máy chính quyền; và

(3) Đào tạo lãnh đạo có tài và có đức cho hôm nay và mai sau.

 



(1) Tạo Nội Lực Quần Chúng

 

Sau 35 năm hiện hữu, cộng đồng người Việt tị nạn và di dân còn kém về nội lực, và do đó bị thiệt thòi quyền lợi so với các sắc dân khác và chưa đủ sức góp phần đáng kể cho tiến trình thay đổi đất nước. Cộng đồng Việt cũng chưa đóng góp gì nhiều cho nền dân chủ ở quốc gia đang định cư. Sự phát triển của cộng đồng chúng ta trong 35 năm qua là một quá trình tuỳ tiện, rời rẽ.

 

Cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ, và hầu như ở bất cứ đất nước tự do nào, ngày càng có những tấm gương thành đạt trong nhiều lãnh vực. Tuy nhiên, những thành đạt này không do cộng đồng hun đúc mà do những cố gắng của từng cá nhân, từng gia đình. Chúng ta làm như có “điểm mù” về những nhu cầu đầy rẫy trong cộng đồng. Nào là những người già neo đơn cần chăm sóc về đời sống, nào là những nạn nhân bạo hành cần sự can thiệp pháp lý, nào là những cựu tù cải tạo cần sự hỗ trợ tinh thần, nào là những thanh thiếu niên cần hướng dẫn và giáo dục, nào là cả một thế hệ trẻ cần được đào tạo, nào là những chính sách an sinh cần vận động, nào là những người mới đến cần công ăn việc làm, nào là các gia đình nghèo khó cần được hướng dẫn xin trợ cấp, nào là những người dân kém sinh ngữ cần hiểu biết về các vấn đề sức khoẻ, nào là các thế hệ cách biệt về văn hoá cần tạo nhịp cầu cảm thông... Đó là chưa kể cả cộng đồng, như một tập thể, cần có tiếng nói, cần có ảnh hưởng, cần có thế đứng, cần chuẩn bị cho tương lai, cần hội nhập và cần phong phú hoá xã hội bản xứ để đền trả ân nghĩa cưu mang.

 

Trong 35 năm qua, rất ít ai để ý đến việc đáp ứng những nhu cầu cả cấp bách lẫn dài hạn ở ngay trong lòng cộng đồng. Những người có lòng thường chỉ quan tâm đến các vấn đề ở Việt Nam, từ cứu trợ thiên tai đến lo cho trẻ tàn tật, người già, người bệnh; hay là trùng tu nhà thờ, xây cất nhà chùa, đào giếng... Ngay cả các tổ chức mang tên “cộng đồng” phần lớn cũng chỉ huy động người và năng lực cho những vấn đề nhân quyền, dân chủ, từ thiện ở Việt Nam thay vì quan tâm đến phúc lợi của đồng hương trong vùng, xây dựng thực lực cho chính cộng đồng địa phương, hay đóng góp cho xã hội bản xứ.

 

Sự chểnh mảng kéo dài trong 35 năm qua làm cho cộng đồng người Việt ở khắp nơi kém về tổ chức, yếu về năng lực, lu mờ về ảnh hưởng và tiếng nói so với các cộng đồng bạn. Số tổ chức người Việt có cơ ngơi rất thưa thớt, ngay cả ở những vùng đông dân Việt cư ngụ như Orange County, San Jose, Houston, Dallas-Fort Worth, Philadelphia, Bắc Virginia, v.v.  Sự yếu kém về tổ chức này gây thiệt hại lâu dài cho cộng đồng vì bị thất thoát nhân tài, khi ngay cả những người trẻ có lòng với cộng đồng cũng không có cơ hội và môi trường thuận lợi để dốc lòng phục vụ. Vì không có mấy tổ chức người Việt đủ năng lực để tuyển dụng những người trẻ ấy, các cộng đồng Á Châu khác, kể cả Cambốt, Lào, Hmong, Hoa, đã thu hút được họ, lấy đi nhiều tài năng từ cộng đồng Việt.

 

Và đối với những ai quan tâm đến Việt Nam, cộng đồng ở hải ngoại chính là hậu phương cho những vận động thay đổi ở trong nước. Phải có đủ nội lực, chúng ta mới đóng góp hữu ích và lâu bền cho sự thay đổi ấy. Không những vậy, nếu chúng ta chưa xây dựng được nội lực cho cộng đồng ở ngay giữa lòng của xã hội dân sự đã phát triển của quốc gia định cư thì chúng ta khó thuyết phục chính mình hay ai khác về khả năng trao truyền hay đóng góp kiến thức và kinh nghiệm về dân chủ cho người ở trong nước--chẳng khác nào một người đi chưa vững mà lại muốn chỉ bày cho người khác bay nhảy.

 

Trong xã hội dân chủ, nội lực tuỳ thuộc phần lớn vào khả năng tập hợp và tổ chức, trước hết để đạt quy củ và rồi phát triển dần về quy mô. Nội lực của một cộng đồng có thể đo lường qua số hội đoàn với khả năng tập hợp quần chúng và số tổ chức có cơ sở, có ngân sách, có chương trình hoạt động, có mục tiêu rõ ràng, có thể thức vận hành, và có nhân sự hoạt động thường trực.

 

Xây dựng nội lực phải từ địa phương lên đến toàn quốc vì mỗi cư dân đều chịu ảnh hưởng của chính sách địa phương cũng như chính sách quốc gia. Do đó chúng ta vừa phải phát triển nội lực cho cộng đồng ở từng địa phương vừa phải tổng hợp lực của địa phương để tạo thế đứng và ảnh hưởng trên bình diện quốc gia, không những để bảo vệ cho quyền lợi của chính cộng đồng mà còn để thúc đẩy cho sự thay đổi ở Việt Nam.

 

(2) Tạo Thế Đứng Bên Trong

 

Tạo nội lực cho quần chúng chỉ là một vế của bài toán gây ảnh hưởng. Vế kia là sự hiện diện đại biểu cho chúng ta ở ngay trong guồng máy chính quyền, cả lập pháp lẫn hành pháp từ cấp địa phương lên đến cấp quốc gia.  Có người ở bên trong cho phép chúng ta theo dõi một cách bén nhậy để đối phó kịp thời trước mỗi diễn biến có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của tập thể người Việt, dù đó là vấn đề đời sống ở xã hội định cư hay đó là tiền đồ của dân tộc Việt Nam. Thiếu sự hiện diện ấy, chúng ta sẽ thường xuyên ở thế bị động, nghĩa là phản ứng trước sự đã rồi và phải đối phó với hậu quả.

 

Hơn nữa, sự hiện diện của những người Việt thường trực ở trong guồng máy chính quyền có tác dụng tâm lý và ý thức đối với cả guồng máy, phòng ngừa được sự làm ngơ về quyền lợi chính đáng của chúng ta, dù do vô tình hay cố ý. Diễn đạt điều này, một vị chính khách người Mỹ gốc Á Châu đã nhận xét rất tinh tế rằng, chỉ cần một khuôn mặt Á Châu hiện diện tại bàn họp, dù không lên tiếng, thì cũng đã thay đổi cách suy nghĩ và cảm nhận của mọi người quanh bàn.

 

Nhưng nếu không có sự hậu thuẫn của một quần chúng có thực lực, có ảnh hưởng thì người ở trong guồng máy sẽ lẻ loi và ít tác dụng. Họ có thể giúp cộng đồng nêu vấn đề nhưng quyết định chính sách lại do giới chức hành pháp có thẩm quyền hay trong ngành lập pháp thì cần biểu quyết của đa số các vị dân cử. Mặt khác, nếu không có sự đóng góp, hướng dẫn, phản ảnh của cộng đồng thì chính ngay những người Việt ở trong guồng máy nhiều khi cũng không biết rõ nhu cầu và nguyện vọng thiết thực của cộng đồng để có thể đáp ứng cho phù hợp. Do đó, muốn ảnh hưởng đến chính sách, chúng ta phải có kế hoạch “trong-ngoài” nhịp nhàng, vừa đưa người vào trong guồng máy lập pháp và hành pháp vừa xây dựng nội lực cho cộng đồng để hướng dẫn và hỗ trợ từ ngoài.

 

Hiện nay số người Việt tham gia chính quyền ở các cấp có gia tăng và đó đây cũng có những người nắm giữ chức vụ quan trọng trong hành pháp và lập pháp địa phương, tiểu bang và liên bang. Tuy nhiên, số lượng hãy còn ít và vì những thành đạt ấy không do kế hoạch đầu tư của cộng đồng nên sự gắn bó giữa họ và cộng đồng không bền chặt.

 

Với một kế hoạch rõ ràng và được sự hưởng ứng của người Việt ở khắp nơi, chúng ta có thể tạo được một thế liên hoàn nhịp nhàng và rộng khắp giữa nội lực quần chúng và thế đứng bên trong.

 

(3) Đào Tạo Lãnh Đạo

 

Muốn thực hiện bất kỳ kế hoạch nào, chúng ta cũng cần nhân sự có tài. Và nếu mục đích là phát triển cộng đồng, đóng góp cho xã hội bản xứ, và cổ động cho sự thay đổi tích cực ở Việt Nam thì nhân sự ấy còn phải có đức.

 

Tài ở đây là tầm nhìn xa và rộng; là khả năng tập hợp những khuynh hướng đa dạng và khác biệt trong cộng đồng, huy động được các thành phần khác nhau để cùng chia sẻ những mục tiêu chung, tạo được những định chế trường tồn để ngày càng tăng trưởng thế và lực của cộng đồng; là kỹ năng để thực hiện những dự án cụ thể, điều hành những tổ chức quần chúng, phối hợp những nỗ lực liên kết từ địa phương lên đến toàn quốc, hoạt động trong các môi trường khác nhau từ cộng đồng đến dòng chính.

 

Đức là yếu tố cần thiết để xây dựng cộng đồng. Người đi xây dựng cộng đồng phải có đạo đức thì mới tạo được niềm tin--chất keo sơn gắn bó con người thành tập thể. Còn dùng xảo thuật hay thất tín với nhau có thể đem lại cho một cá nhân hay một tổ chức những lợi ích ngắn hạn nhưng di hại lâu dài cho cả tập thể. Không có niềm tin thì không thể có tinh thần và ý thức cộng đồng.

 

Thiếu một kế hoạch để tạo và giữ nhân tài, chúng ta đang thất thoát năng lực của cả một thế hệ trẻ, những người có khả năng đưa cộng đồng tiến lên. Ngoại trừ một thiểu số cá nhân tự mày mò tìm hiểu về nguồn gốc, phần lớn những người trẻ lớn lên ở xã hội định cư không còn gắn bó với cộng đồng, chứ đừng nói gì đến Việt Nam. Rất nhiều người trẻ Việt đã mất hút vào dòng chính, thay vì trở thành nhịp cầu cho cộng đồng với dòng chính. Còn số nhỏ những người trẻ thiết tha với cộng đồng thì cũng chỉ đóng góp một cách hạn chế và đoản kỳ vì cộng đồng chúng ta không đủ sức tuyển dụng họ toàn thời gian và lâu dài.

 

Nếu không thay đổi ngay hiện trạng này thì chỉ trong một, hai thập niên cộng đồng chúng ta sẽ thiếu hẳn những người tài đức để tiếp tục sự nghiệp của cộng đồng, chưa kể đến hỗ trợ cho những thay đổi tích cực ở Việt Nam.

 

(4) Những Đề Án Trọng Tâm

 

Vì tiền đồ của cộng đồng và cũng vì tương lai cho Việt Nam, chúng ta cần một kế hoạch vừa rộng rãi lại vừa tập trung, vừa cụ thể lại vừa dài hạn để tạo nội lực cho cộng đồng ở mỗi địa phương và tạo thế lực tổng hợp cho tập thể người Việt nói chung ở toàn quốc. Kế hoạch ấy cần rộng đủ để mỗi người đóng một vai trò, đeo đuổi một lý tưởng riêng nhưng cùng góp phần vào sứ mạng chung là đưa cộng đồng đi lên. Kế hoạch ấy cần tập trung vào một số trọng tâm nhất định trong từng giai đoạn để không tản lực vào những công việc miên man, lạc hướng. Kế hoạch ấy cần cụ thể để mọi người biết công biết việc và có thể bắt tay hành động. Kế hoạch ấy phải dài hạn đủ để bảo đảm tính liên tục cần thiết cho đến khi đạt kết quả mong muốn.   

 

Dưới đây là 4 đề án mà tôi kêu gọi sự yểm trợ của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ.

 

1. Phát huy sức mạnh tài chánh: Hiện nay có trên 100 ngàn cơ sở thương mại do người Việt làm chủ. Đó là cột trụ kinh tế của cộng đồng, thu hút tài nguyên của xã hội nói chung về cho cộng đồng. Nhờ tiểu thương mà nhiều người Việt tị nạn và di dân, dù Anh ngữ không rành và nghề nghiệp không vững, cũng đã tự nuôi sống được bản thân và gia đình và nuôi dưỡng cho con cái ăn học nên người. Cộng đồng người Việt ở mọi nơi cần có kế hoạch giúp giới tiểu thương phát triển thương vụ vào thị trường dòng chính, đem lại cho họ quyền lợi của chính sách và ngân sách của nhà nước, và kết hợp họ thành những phòng thương mại để tạo tiếng nói và thế tương lân. Hiện nay một số nơi đã có phòng thương mại của người Việt và năm ngoái Phòng Thương Mại Người Việt Toàn Quốc (VietAmCham) được thành lập để làm việc trực tiếp với chính phủ liên bang và hỗ trợ cho các phòng thương mại địa phương.

 

2. Phát triển thế lực chính trị: Việc đắc cử vào Quốc Hội Liên Bang của Luật Sư Cao Quang Ánh đã mở cánh cửa tham chính cho lớp người trẻ Việt lớn lên ở Hoa Kỳ. Một số người trẻ đang mạnh dạn dấn thân tranh cử ở cấp địa phương, tiểu bang và liên bang. Ở nhiều nơi các thành viên cộng đồng thuộc mọi lứa tuổi đang cổ suý và yểm trợ cho những ứng cử viên người Việt này. Đây là một dấu hiệu khích lệ. Hiện nay một nỗ lực phối hợp với các vị dân cử người Mỹ gốc Việt ở tiểu bang và liên bang đang được thành hình nhằm thành lập Uỷ Ban Hoạt Động Chính Trị (Political Action Committee, hoặc PAC) ở cấp liên bang với chi nhánh ở một số tiểu bang. Uỷ Ban này sẽ gây quỹ để hỗ trợ cho những người Việt ra tranh cử, vận động cho các ứng cử viên người Việt, và kế đến là  yểm trợ cho những ứng cử viên không phải Việt Nam nhưng thực sự ủng hộ quyền lợi của cộng đồng chúng ta.

 

3. Nghiên cứu về các vấn đề của người Việt: Hiện nay hãy còn rất ít những cuộc nghiên cứu về nhu cầu cũng như về tài nguyên của cộng đồng Việt, nhằm hướng dẫn cho việc lập kế hoạch của cộng đồng từ địa phương đến toàn quốc. Thiếu những thông tin tương đối chính xác, chúng ta khó thiết kế chương trình để thực sự đáp ứng nhu cầu trong cộng đồng, khó vận động hữu hiệu về chính sách, và cũng khó huy động được tiềm lực của cộng đồng. Hiện nay BPSOS đang thành lập Viện Nghiên Cứu Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Research Institute, hoặc VARI) để khoả lấp khoảng trống này.

 

4. Tạo lập định chế xã hội dân sự: Chúng ta cần khuyến khích cộng đồng người Việt ở  khắp nơi thành lập các tổ chức phục vụ dân sinh. Các tổ chức này cần kiện toàn về quy củ và rồi phát triển về quy mô. Khi số tổ chức như vậy tương đối đông đảo thì sẽ cùng nhau thành lập một cơ cấu liên kết ở mức toàn quốc để tạo sức mạnh tổng hợp. Đây là công tác mà BPSOS đã liên luỷ thực hiện trong 10 năm qua ở nhiều nơi trên nước Mỹ. Đến nay BPSOS đã hỗ trợ cho trên 50 tổ chức. Con số này còn quá ít so với cộng đồng gồm 1.5 triệu người Việt. Để đẩy mạnh nỗ lực này, kể từ năm 2009 BPSOS bắt đầu thực hiện các buổi huấn luyện về phát triển tổ chức ở một số địa điểm trên nước Mỹ.

 

Các đề án trên chính là môi trường đào tạo đội ngũ lãnh đạo cho cộng đồng, đồng thời tạo phương tiện cho họ hoạt động và giữ họ ở lại dài lâu với cộng đồng.

 

Nếu người người đồng lòng và quyết tâm thì chỉ trong vòng 10 năm, như một tập thể, chúng ta sẽ phát triển nhanh chóng và vững chãi nội lực đủ để đáp ứng được nhu cầu dân sinh của đồng hương, tạo được tiếng nói ảnh hưởng chính sách từ địa phương đến quốc gia, đóng góp được cho nền dân chủ của quốc gia sở tại, và trở thành hậu phương hùng mạnh để thúc đẩy những thay đổi tích cực ở Việt Nam.

Posted on Monday, March 01 @ 01:12:30 EST by ngochuynh
 
Related Links
· More about Quan Điểm
· News by ngochuynh


Most read story about Quan Điểm:
Chúng Tôi Không Là Việt Kiều

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang