Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27813164
page views since June 01, 2005
MS85 - 08/09: Đòn Thù

Lịch Sử Qua Lời Ke

Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích
Cộng tác viên báo Mạch Sống

Lê Quý Bê, nguyên Thiếu Tá Quận trưởng kiêm Chi Khu Trưởng. Dù là một tù nhân, anh luôn giữ được tác phong một quân nhân; tuân hành nội qui tuyệt đối, mực thước và ngăn nắp. Anh em tù xem anh như một niên trưởng đáng kính, mặc dù trong đội còn nhiều người lớn tuổi và có chức vụ cũ cao hơn.
Vóc người tầm thước, vai ngang, trán rộng, thoạt nhìn đã thấy Bê là người trầm tĩnh và nghị lưc. Ðôi mắt to đen núp dưới cặp lông mày rậm quắc thước đủ khiến cho người đối diện nể vì.

Nhiều mẩu chuyện được truyền miệng thời Bê giữ chức vụ Quận trưởng tại một quận nổi tiếng mất an ninh. Anh thành lập một toán quân “đặc nhiệm” trang phục bộ bà ba đen và mũ tai bèo. Vào những đêm tối trời, Bê đích thân chỉ huy đội quân giả dạng ấy đi phục kích hay lùng sục các thôn ấp có nhiều gia đình bị tình nghi tiếp tế cho Cộng Sản.



Ngày anh đến nhậm chức Quận trưởng, thủ lãnh của một đảng chính trị mạnh thế nhất ở địa phương đã gây áp lực đòi hỏi một vài điều kiện thuận lợi cho đảng ông ta. Bê đã thẳng thắn trả lời: “Tôi làm việc vì lợi ích chung của đồng bào trong quận, không thể dành riêng cho một đảng phái nào”, rồi anh mời vị thủ lãnh ấy rời khỏi quận đường.

Từ đó, những tin tức thất thiệt được tung ra nhằm hạ uy tín Bê. Dân trong quận lại hết lòng ca ngợi anh bởi sau một năm nhậm chức, Bê đã bình định toàn diện các xã ấp trong quận. Nền an ninh của địa phương đã phục hồi. Ghe thuyền di chuyển bình yên trên dòng sông có nhiều thổ sản nổi tiếng tại hai miền xuôi và ngược.

Cộng sản mất địa bàn hoạt động, mất cả nguồn tiếp tế quan trọng, chúng quyết tâm lấy lại đất, giành lại dân, xây dựng niềm tin cho các cơ sở đã bị phá vỡ. Ðiểm đột khởi đầu tiên của chiến dịch là quận lỵ của Bê.

Ðêm mồng 1 rạng ngày mồng 2 tháng 9 năm 1970, bằng một lực lượng chính qui cấp Trung đoàn phối hợp với các đơn vị địa phương, Cộng quân tấn công vào Bộ Chỉ Huy Chi Khu với chiến thuật tiền pháo hậu xung. Những quả đạn pháo kích đầu tiên phát nổ bên góc trái tiền đồn, rồi dồn dập trút xuống trung tâm ngọn đồi. Lực lượng đồn trú im hơi lặng tiếng. Dân chúng đợi chờ quân ta phản pháo nhưng thất vọng. Họ có cảm tưởng là đơn vị phòng thủ hoàn toàn bị tê liệt ngay trong đợt pháo đầu tiên.

Ðịch quân cũng đánh giá như thế và pháo lệnh công đồn bắt đầu. Bên quận lỵ chờ đến thời điểm này, trái sáng của pháo binh diện địa mới bay về tỏa sáng cả bầu trời. Những bóng người đội nón tai bèo, vai khoác khăn dù đồng loạt tiến vào hàng rào phòng thủ thứ nhất. Khi đối phương tràn vào đúng vị trí của các loại mìn định hướng gài sẵn, như một cuộc tập trận, mìn đồng loạt nổ vang. Toán xung kích của địch ngã rạp như cơn bão thổi qua đám lau sậy. Lực lượng công đồn tiếp tục xung phong đợt hai như những con sóng cố đánh sập bờ đê. Lần này, chúng vượt qua được hàng rào phòng thủ thứ nhì, vừa tiến vào đúng tầm đạn cá nhân, lực lượng ta đồng loạt nổ súng, thi nhau ném lựu đạn cùng với những tràng đạn từ mấy ổ đại liên đã đốn ngã phần lớn quân địch.

Trước hỏa lực quá hùng mạnh của quân phòng thủ,Việt cộng lâm vào thế bị động không thể tiến sâu vào mục tiêu được nữa, nên đành phải rút lui. Dù bỏ chạy nhưng quân ta đâu để chúng chào thua dễ dàng như vậy. Các trực thăng chiến đấu lập tức vào trận bằng cuộc truy kích rất ngoạn mục. Chiếc vận tải cơ C123 thả trái sáng yểm trợ như một thiên thần rọi kính chiếu yêu làm bạt vía bầy quỷ đỏ!

Trời vừa tờ mờ sáng, dân chúng đã ùa vào quận lỵ. Họ reo mừng khi thấy Bộ Chỉ Huy Chi Khu được bảo toàn và quận đường vẫn đứng uy nghi trên khu đồi lộng gió. Ba mươi hai xác Cộng quân đặt trước sân Chi khu cùng với vũ khí bỏ lại là một chiến thắng lớn lao trong công cuộc bảo vệ niềm tin trong quần chúng. Yếu tố thành công của trận đánh là nhờ tin tức mật báo của nhân dân chính xác cùng với kế hoạch hợp đồng tác chiến khá sít sao. Ngoài ra, tính điềm tĩnh và tài chỉ huy của Thiếu tá Lê Quý Bê cũng vô cùng nổi bật.

Trước thời điểm tháng Ba năm Bảy lăm, quận lỵ bị áp lực của quân Bắc Việt nặng nề, nhưng Thiếu tá Bê quyết không bỏ dân, bỏ quận. Ðến lúc Tiểu khu ra lệnh rút quân về Tỉnh lỵ, Bê mới tuân hành. Trên đường di tản bị Việt Cộng truy kích và cả toán quân lọt vào ổ phục kích, anh và đoàn tùy tùng bị địch bắt sống. Chúng ra lệnh cởi giày, anh chống cự. Thế là cả bọn thi nhau nện báng súng vào đầu máu tuôn xối xả. Với những vết thương trầm trọng, thuộc cấp không hy vọng Bê sống sót, nhưng không ngờ anh hồi tỉnh như có một sức mạnh siêu nhiên nào tiếp cứu.

Những năm tháng trong tù, Lê Quý Bê không hề vi phạm nội qui dù là điều rất nhỏ nhặt. Quản giáo đội thường nhấn vào “điểm nổi bật” đó để bạn tù theo gương.

Không phải là một nhà tu hành, nhưng Bê có phong thái đạo mạo như một thiền sư, ăn chay và giữ giới luật nhà Phật rất nghiêm túc. Bê nguyện ăn chay trường từ ngày đơn vị anh chỉ huy đã bẻ gãy trận tấn công của VC vào quận lỵ. Nhìn tử thi của lính Bắc việt, những khuôn mặt măng tơ còn vương nét dại khờ, lòng anh xúc động lạ thường. Họ chỉ là những thiếu niên mười lăm, mười sáu tuổi, cùng lứa tuổi với con anh ngày ngày tung tăng cắp sách đến trường, vòi quà và se sua quần áo mới.

Hà nội đã lùa cả lứa tuổi thiếu niên đi cầm súng với lời thề sinh Bắc, tử Nam. Ðảng đã buộc chiến binh tự xích chân họ vào những khẩu đại liên, trọng pháo, xe tăng gọi là tình nguyện tử thủ vì tổ quốc, vì nhân dân. Chúng đã thể hiện sự ngu ngơ của trẻ con. Khi có lệnh xung phong là dựa vào số đông ào tới mục tiêu tạo nên trận chiến biển người. Khi có lệnh lui binh, chỉ biết cắm đầu chạy càng xa mục tiêu càng tốt như trẻ con chơi trò đuổi bắt. Bê đã chứng kiến cảnh đơn vị mình nã đạn vào lưng họ như ngắm bắn vào những tấm bia người đang di động. Kẻ có tâm Phật nào mà khỏi chùn tay!

Theo quy định, ba tháng thăm nuôi một lần. Món quà chính của gia đình mang cho Bê là xì dầu, tương chao và muối xào sả ớt. Dầu tằn tiện đến đâu thức ăn chay cũng không đủ, Bê thường xin muối hột từ nhà bếp ăn thêm. Thấy vậy, một số anh em tù biếu ít rau, anh luôn luôn từ chối. Bê nói: “Kiếm được một vài cộng rau rừng là công lao mồ hôi nước mắt; nếu cán bộ bắt gặp, anh em phải chịu bao nhiêu hình phạt”.

Thật vậy, cải thiện mà qua mắt được cán bộ thì đêm đó ấm bụng, không may bị chộp thì tù lại vướng vào cái vòng luân hồi. Ðây là từ ngữ riêng của tù ám chỉ cái vòng lẩn quẩn của hình phạt vi phạm nội quy về mục cải thiện linh tinh.

Nầy nhé: Nội quy cấm tù cải thiện, vi phạm sẽ bị kỷ luật. Hình phạt thông thường là hạ tiêu chuẩn phần ăn, mà bớt phần ăn thì dạ dày mau đói. Càng đói tù càng cải thiện để độn thêm. Và như vậy là tái phạm nội quy. (Cải thiện - vi phạm nội quy - bớt tiêu chuẩn phần ăn - đói - cải thiện - vi phạm...). Cứ như thế mà xoay vần.

Anh bạn tù có óc châm biếm không đồng ý cái nhóm từ “vòng luân hồi” nó có vẻ tà phái duy tâm quá. Anh đề nghị thay thế bằng nhóm từ “vòng logic hữu cơ” nó vừa mang tính duy vật vừa hợp thời đại của “đỉnh cao trí tuệ”!

Bớt tiêu chuẩn phần ăn là biện pháp trừng trị nhẹ nhàng nhất của nội quy. Nhưng đối với tù, đó là hình phạt khủng khiếp nhất. Tiêu chuẩn mỗi bữa ăn là cơm độn sắn vừa đầy một chén B52 (loại chén sắt của Trung cộng). Với phần ăn “chọc ngứa bao tử” còn bị cắt bớt thì tù nào chẳng lo sợ.

Chính sách của Hà nội chủ trương hành hạ tù chính trị miền Nam. Ðể che mắt thế giới bèn giương cao tấm vải thưa: “khoan hồng nhân đạo”. Sau năm 1975, Phạm Văn Ðồng về thăm Quảng Ngãi đã nói chuyện với đám cán bộ rằng: “Bọn ngụy quân, ngụy quyền được Ðảng tha chết là nhân đạo lắm rồi. Ðiều nên nhớ là không được cho chúng nó ăn no, bắt chúng nó phải lao động sản xuất, vợ con chúng nó phải cưỡng bách đi kinh tế mới”.

Hà nội có kế hoạch rập khuôn theo Liên xô đã lưu đày biệt xứ các sĩ quan và viên chức dưới chế độ Nga hoàng tại Tây Bá Lợi Á. Ðến năm 1979, sự giao hảo giữa chính quyền Bắc kinh và Hà nội lâm vào tình trạng môi hở, răng lạnh nên kế hoạch lưu đày tù chính trị và gia đình tại các vùng trung du Bắc Việt bị bãi bỏ.

Mặc dù kế hoạch lưu đày chưa được phổ biến nhưng mấy bà vợ “cưng” của quan lớn cũ, đặc biệt là các bà theo trường phái “thà làm bé ông lớn còn hơn làm lớn ông bé” đã có quyết định sớm theo sách lược “tam thập lục kế dĩ đào vi thượng”. Thế nên các bạn chẳng lạ gì vào thời điểm ấy đã nở rộ phong trào các bà vác đơn đến tận trại tù đòi chồng ký tên ly dị.

Ðói hành hạ từ ngày lẫn đêm khiến họ ăn bất cứ con vật nào họ bắt được. Cào cào, châu chấu, bọ ngựa, bọ cạp được tù xếp vào nhóm tên “khoa học” mới: “loài tôm rừng”. Ốc sên, con mối, và sùng sống trong gỗ mục, xếp vào “món ăn vương giả của Từ Hy Thái Hậu.” Còn thịt chuột, thịt rắn thuộc loại “cao lương mỹ vị”. Dù đã được “phân chất” và “thử nghiệm” thực tiễn trên “lâm sàng bao tử” tù nhưng thỉnh thoảng vẫn bị trúng độc đưa đến tình trạng tử vong do nọc độc của loài bò cạp, rắn rít và nấm độc. Từ đó, tù mới phát sinh ra các loại chuyên viên có vẻ an toàn hơn nhưng không kém phần nguy hiểm.

(còn tiếp)

Posted on Thursday, July 23 @ 10:33:44 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Lịch Sử Qua Lời Ke
· News by ngochuynh


Most read story about Lịch Sử Qua Lời Ke:
Đời Sống Người Tù Cải Tạo

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang