Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27810245
page views since June 01, 2005
MS84 - 07/09: Tính Ưu Việt Xã Hội Chủ Nghĩa

Lịch Sử Qua Lời Ke

Hưng Yên

(tiếp theo kỳ trước và hết)

Mấy ngày đầu, bà Ba Cất chỉ mua mấy thứ vớ vẩn như mía, chuối, cóc, ổi, bánh ú về bán thử. Thấy bán được, ông đem tấm ny-lông ra căng lên che nắng cho bà bầy được nhiều hàng hơn. Thế là dần dần nhà ông trở thành một cái quán bán đủ mọi thứ hầm bà lằng xá cấu, kể cả mắm, muối, tương, ớt, đường, bột ngọt, hành, tỏi v.v. Ít ngày sau ông lại mua cây, mua tôn cũ về, thay tấm ny lông căng trước cửa nhà thành một cái mái tôn đàng hoàng, kiên cố hơn.

Ông Ba Cất dứt khoát không đạp xích lô nữa, nhưng chẳng lẽ xe xích lô của ông chỉ để sáng sáng ra chợ chở hàng về cho bà? Mà cho mướn cũng phiền, độ này xích lô ế lắm rồi, nếu không gặp được người đàng hoàng, tin cẩn cũng không dám cho mướn xe, sợ họ chở bậy, chở bạ, bị bắt bị giữ xe thì chủ cũng phiền. Nhất là dân “chế độ cũ”, mới đi cải tạo về như ông Ba Cất lại càng không muốn dây dưa với cái đám công an chó vàng làm gì,  càng tránh xa chúng được chừng nào càng tốt chừng nấy. Thế là mua xe cũng nhờ ông Hồng, mà bán xe cũng nhờ ông Hồng bán hộ. Ông Hồng là người có uy tín trong giới xích lô vì thế mà chỉ mấy tuần sau ông đã bán được xe dùm ông Ba Cất; giá cũng gần bằng giá lúc mua, không lỗ bao nhiêu.  



Một hôm bác Giáo tức là bà tổ trưởng dân phố có việc ghé qua nhà ông Ba Cất, thấy ông chỉ ở nhà phụ bán hàng với vợ, mới hỏi:

- Ông Ba Cất không đi làm à?

Ông trả lời:

- Dạ, không!

- Xe xích lô đâu?

- Dạ, bán rồi!

- Không thích đạp xe nữa à?

- Dạ, xích lô độ này ế quá!

- Có biết làm thợ mộc không?

Trước 1975, ngày đó tuy là một sĩ quan QLVNCH, nhưng có lúc ông Ba Cất đã làm thợ mộc. Cái sập của bà ngồi bán hàng ngoài chợ bị long đinh, bị gẫy ván, ông đã đóng lại đinh, táp lại ván cho bà, bộ “kèo” có phủ tấm ny lông để che nắng, che mưa khi bà ngồi bán hàng bị gẫy, ông đã mua cây về làm cho bà bộ kèo khác. Trong nhà ông lúc đó cũng có một cái cưa lá, một cái bào, một cái đục, một cái kìm và một cái búa đanh. Tuy đồ nghề của ông chỉ là đồ “dỏm” không đủ sắc bén để làm “nghề” nhưng làm đại khái chơi thì được. Dù là làm chơi, nhưng cũng là ông đã cầm cưa cầm đục, thế nên khi nghe hỏi có biết làm thợ mộc không, ông đã trả lời: Có biết!

Bà tổ trưởng bảo:

- Mai ông đến cái xưởng mộc ở đằng kia, chỗ đối diện với hãng tôm đông lạnh ấy, hỏi ông Vạn, nói là tôi giới thiệu đến, chỗ đó người ta đang cần thợ mộc!
Sáng hôm sau ông Ba Cất đến xưởng mộc, thấy có hai người, một ông có lẽ cũng đã ngoài 50 tuổi, đang ngồi bào mấy cái chân ghế và một người cũng cỡ tuổi ông Ba Cất đang hí hoáy chỉnh cái cưa máy, có lẽ đang chuẩn bị để xẻ gỗ. Ông Ba Cất hỏi thăm ông Vạn thì người trẻ tuổi hơn ngừng tay ra tiếp ông, thì ra đó là ông Vạn. Hai người ngồi nói chuyện một lát, ông Ba Cất được biết ông Vạn trước kia là sĩ quan biệt phái giáo chức, dậy Pháp văn ở trường trung học Vũng Tầu. Ông Vạn đi cải tạo hơn 2 năm thì được cho về, nhưng không được dạy học nữa. Ông Vạn theo người ta làm nghề đóng ghe ít lâu, cũng biết sơ sơ một chút nghề thợ mộc. Hơn một tháng trước đây ông Vạn sang được cái xưởng mộc này của một tổ hợp mộc tư nhân làm ăn lỗ lã. Khi nghe ông Ba Cất bảo bà tổ trưởng dân phố của ông giới thiệu tới đây xin làm thợ mộc, ông Vạn cười bảo:

- Thế thì tốt quá rồi, mai ông anh đến làm, đồ nghề có gì cứ đem tới, anh em mình làm chung với nhau cho vui. Nhưng cũng nói trước để ông anh biết, tôi mới sang lại cái xưởng này, việc làm còn ít nên thu nhập cũng chưa được vừa ý!

Nghe ông Vạn nói vậy, ông Ba Cất cũng cười: 

- Mong sao có đủ tiền đong gạo là phúc rồi, chứ ở đấy mà đòi làm giầu, làm có!

Sáng hôm sau ông Ba Cất đến xưởng làm, đồ nghề của ông chỉ có một cái búa đinh và một cái kìm. Ông Vạn giới thiệu ông Ba Cất với người đã hơi có tuổi mà ông Ba Cất đã thấy bào chân ghế hôm qua, hôm nay ông ta cũng vẫn bào chân ghế. Sau đó ông Vạn chỉnh lại một cái bào, giao cho ông Ba Cất rồi chỉ một con ngựa gỗ gần đấy (Ngựa gỗ là 1 cái ghế dài, đóng bằng một tấm ván bẹ cây, dầy, chắc chắn để người thợ mộc ngồi bào, đục, đẽo hoặc cắt, v.v.) bảo:

- Ông anh cũng bào chân ghế dùm, mình đang đóng mấy chục cái ghế đẩu cho một quán cà phê!

Ông Ba Cất ngồi bào gần ông già, thỉnh thoảng liếc mắt xem ông ta làm ra sao để bắt chước, thấy ông già cũng còn lọng cọng lắm, ông Ba Cất hỏi nhỏ: 

- Bác làm ở đây đã lâu chưa?

Khẽ trả lời:

- Mới tuần trước!

- Trước kia bác cũng làm thợ mộc à?

- Thợ mộc cái “đách”, đói thì đầu gối phải bò thôi!

Ðể ý thấy ông già làm có vẻ còn lọng cọng hơn ông Ba Cất nữa. Khoảng một tuần lễ sau, không thấy ông già tới làm. Hỏi, ông Vạn cười Bảo: Bác ấy thôi rồi! Thế là xưởng mộc lại chỉ có ông Vạn và ông Ba Cất!

So với những tay thợ mộc chính hiệu thì tay nghề của ông Vạn cũng còn non lắm. Còn ông Ba Cất thì kể như là chưa biết gì, vì thế mà xưởng mộc của ông Vạn chỉ thấy đóng những thứ nhì nhằng như mấy cái ghế đẩu, mấy cái bàn nhỏ, mấy cái ghế nhỏ thấp lè tè cho một cái quán cà phê nào đó mới mở nên công xá cũng chẳng được bao nhiêu. Một hôm có một ông Ba Ðờ Ghe từ Bến Ðá đến đặt đóng hai cái giá võng. Giá cả xong xuôi,  ông Ba Ðờ Ghe về rồi ông Vạn lựa gỗ, vẽ kiểu, ghi chú kích thước đàng hoàng, rồi hai người hì hục cắt cây, bào, đục đóng mấy ngày mới xong hai cái giá võng. Ðóng xong rồi còn đánh vẹc ni nữa, trông ác liệt lắm. Ông Vạn đứng ngắm hai cái tác phẩm ông và ông Ba Cất mới hoàn tất gật gù đắc ý. Chiều hôm ấy ông Ba Ðờ Ghe đến nhận hàng, hỏi:

- Giá võng đâu?

Ông Vạn chỉ hai cái khung đứng lêu khêu ở một góc xưởng mộc, bảo:

-  Ðây này!

Ông Ba Ðờ Ghe cười ngất, hỏi:

- Anh chưa trông thấy cái giá võng bao giờ à?

- Chưa, anh đặt thì tôi vẽ kiểu rồi đóng thôi!

Ông Ba Ðờ Ghe lại cười bảo:

- Theo tôi đến đây, tôi chỉ cho thấy một cái!

Ông Vạn theo ông Ba Ðờ Ghe đi một lát, trở về lại vẽ, lại đo, lại đóng. Mấy ngày sau mới xong hai cái giá võng trông khác hẳn với hai cái trước. Cũng đánh vẹc ni cẩn thận rồi khiêng vào để trong một góc xưởng đợi ông Ba Ðờ Ghe đến lấy. Nhưng đợi một tuần, rồi hai tuần, rồi mãi mãi cũng chẳng thấy ông Ba Ðờ Ghe ấy đâu nữa.

Ông Ba Cất làm thợ mộc với ông Vạn đến hơn hai năm. Từ lúc đầu còn lạng quạng đến khi tay nghề đã hơi vững, đã có thể thay ông Vạn nhận hàng khi ông ta đi vắng được rồi mà ông Vạn cũng chỉ trả cho được có 35 đồng một ngày. Ấy là đã khá rồi chứ hồi mới vào làm có khi cả tuần ông Vạn mới đưa cho được mấy chục bạc. Không phải là ông ta “kẹo” hay bóc lột anh em đâu, chỉ tại cái xưởng mộc nó ế quá, với lại tay nghề các vị không cao, chỉ có thể nhận đóng những cái vớ vẩn chứ không dám nhận hàng “chiến đấu”! Cũng may, cái “cửa hàng” của ông Ba Cất ở nhà bán “được” lắm, vì thế mà tuy làm thợ mộc không có tiền, ông Ba Cất vẫn có thể theo đuổi lâu dài được. Còn ông Vạn, ngày làm việc ở xưởng, tối về gánh nước tưới rau ở nhà. Ðất nhà ông Vạn tương đối rộng, ông trồng cà chua, trồng sà lát, trồng bắp cải, trồng cà rốt… Ông ta bảo có khi gánh nước tưới rau đến 12 giờ khuya!

Ðộ này xưởng mộc của ông Vạn lại có thêm hai chú nhỏ cỡ 15-16 tuổi được cha mẹ dẫn đến xin cho học việc. Cũng không sao, xưởng tuy ít việc nhưng cũng không sao. Học việc dĩ nhiên không được trả lương, chỉ lâu lâu được ông Vạn cho tí tiền ăn bánh, nhưng chúng cũng bào, cũng đục, cũng cưa hăng ra phết. Có điều phải luôn mồm nhắc chúng cẩn thận kẻo chúng gặp tai nạn thì khổ! Mấy tháng trước, ở một xưởng mộc trên đường Lê Lợi đã có một chú nhỏ học việc mất 4 ngón tay vì cưa máy rồi. Tai nạn xẩy ra làm ông chủ xưởng mộc tốn bộn tiền đút lót cho mấy đồng chí công an để các đồng chí lơ đi cho.
Sau mấy năm làm thợ mộc, tay nghề ông Ba Cất đã có vẻ hơi vững, ông đã có thể thay ông Vạn nhận hàng mỗi khi ông Vạn đi vắng, đã đóng được giường, đã làm được cửa ra vào, làm được cửa sổ lá sách… Mà theo ông Ba Cất, làm cửa lá sách là khó nhất. Phải phân chia thế nào cho các “lá” cách khoảng đều nhau, rồi còn độ nghiêng của mỗi “lá”. Nghiêng quá không được mà ngay quá cũng không được. Phải làm sao khi đóng cửa, người đứng phía ngoài không thể ghé mắt nhìn  qua khe lá mà thấy được bên trong. Còn người đứng trong lại có thể thấy được chút ít ở bên ngoài. Cứ theo như cách mấy người đã làm thợ mộc lâu ngày chỉ cho, ông Ba Cất thấy sao nó vừa khó khăn, vừa nhiêu khê quá. Ông cố nặn óc tính toán làm sao để có thể vừa làm nhanh, vừa giản dị lại chính xác thế mới hay. Ông lấy giấy, lấy bút, lấy thước, tính toán, đo đạc cuối cùng ông đã tìm ra… Ông Ba Cất khoái chí cười một mình: Có thế thôi mà nghĩ mãi mới ra. Ông nghĩ bụng để khi vào có khách đặt làm cửa có lá sách, ông sẽ nói với ông Vạn để ông làm, khi xong rồi, mới nói cho ông Vạn biết phương pháp mới của ông vừa dản dị, vừa chính sác hơn cách của ông Vạn nhiều. Thế rồi lần ấy có ông cán bộ cách mạng sắp xây xong căn nhà, đến xưởng mộc ông Vạn đặt làm mấy bộ cửa, gồm cửa trước, cửa sau và 5 bộ cửa sổ. Chỉ mỗi cửa sau là không có lá sách, còn cửa nào cũng có lá sách cả. Ông Ba Cất nói với ông Vạn để mình lo phần lá sách cho. Thấy tay nghề ông Ba Cất đã có phần vững nên ông Vạn đồng ý giao cho ông Ba Cất làm rồi không ngó ngàng gì đến cả.  Quả nhiên ông Ba Cất hoàn tất mấy bộ cửa nhanh hơn những lần trước thật, nhưng khi làm xong rồi không biết ông Vạn có thấy không chứ ông Ba Cất thì lo quá. Ðo đạc thế nào mà những tấm lá sách không đủ độ nghiêng khiến cho bên này nhìn qua bên kia cứ thông thống. Biết làm sao bây giờ, sửa thì nhất định là không sửa được rồi, chỉ còn có cách chẻ ra làm củi thôi! Ðền tiền gỗ cho ông Vạn không thành vấn đề vì “cửa hàng” nhà ông Ba Cất độ này kiếm tiền khá hơn cái xưởng mộc nhiều. Ðiều đáng phàn nàn là cái “mặt mũi” đây này, tưởng là tài giỏi thế nào… Chán quá nhưng không biết làm sao, lại cũng không thấy ông Vạn nói gì, cuối cùng ông Ba Cất chép miệng: Kệ cha nó, chừng nào thằng cán bô chê, không nhận cửa sẽ tính.

Ðến hẹn, người cán bộ đến lấy cửa lại đề nghị xưởng mộc cho người đến ‘bo” cửa luôn. “Bo” cửa tức là lắp cánh cửa vào khung, gồm những công việc như là gắn bản lề, rồi cưa, rồi bào sao cho khi lắp vào khung, cánh cửa vuông vắn, khít khao, không kích, không hở và dĩ nhiên tiền công “bo” cửa tính riêng.  
Tiền bạc tính toán xong xuôi, ông Vạn lại đề nghị ông Ba Cất đi bo cửa dùm. 
Ông Ba Cất xách đồ nghề theo xe chở cánh cửa đến nhà người cán bộ và trong ngày hôm đó ông bo xong tất cả các cánh cửa. Xong đâu đấy rồi, người cán bộ mời ông uống nước trà, hút điếu thuốc ba số (là 3 số 5) rồi gật gù bảo:  

- Hôm đặt làm cánh cửa, tôi quên không dặn, thế mà ông làm đúng ý tôi. Ðộ nghiêng của mấy tấm lá sách phải thế này trong nhà mới thoáng mát. Bộ cửa ông làm khéo lắm, tôi rất ưng ý!

Ông Ba Cất cười thầm trong bụng, nhưng cũng nói:

- Vâng, Vũng Tàu có mát hơn mấy nơi khác thật nhưng mùa hè cũng nóng lắm.

Về xưởng ông Ba Cất nói lại cho ông Vạn nghe, ông Vạn cười bảo:

- Tôi có thấy chứ, cũng lo trong bụng và cứ đinh ninh là lão không nhận bộ cánh cửa, không ngờ lão dễ tính, lại còn khen nữa, số ông hay thật đấy!

Ông Ba Cất đùa:

- “Rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!” (Kiều) Nhưng chỉ “hay” một lần này thôi, từ nay trở đi, cái phương pháp mới của tôi chắc là phải vất vào xọt rác!

***

Ngẫm nghĩ, thấy thằng Thuỷ công an khu vực bảo ông Ba Cất ngồi không ăn bám có khi đúng chứ XHCN ưu việt thiếu gì việc làm: Nhân dân thì nhặt ve chai, đào rác Mỹ, đạp xích lô, đóng than hay làm thợ mộc cũng đều “lao động là vinh quang” cả. Còn cán bộ nhà nước thì: ăn cắp, ăn cướp, ăn hối lộ, tham nhũng… Thậm chí bán cả mồ mả ông cha cho ngoại bang cũng có sao đâu? Nó ưu việt ở chỗ ấy chứ còn ở chỗ nào nữa!

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

Posted on Tuesday, June 09 @ 10:16:43 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Lịch Sử Qua Lời Ke
· News by ngochuynh


Most read story about Lịch Sử Qua Lời Ke:
Đời Sống Người Tù Cải Tạo

Article Rating
Average Score: 4
Votes: 1


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Lịch Sử Qua Lời Ke


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang